LỊCH SỬ HOẠT ĐỘNG & THÀNH ĐẠT CỦA " ĐẠI GIA BẤT ĐỘNG SẢN "

Chủ đề trong 'Thị trường chứng khoán' bởi lolem752003, 21/09/2007.

8380 người đang online, trong đó có 1326 thành viên. 14:11 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
Chủ đề này đã có 491 lượt đọc và 3 bài trả lời
  1. lolem752003

    lolem752003 Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    25/07/2007
    Đã được thích:
    990
    LỊCH SỬ HOẠT ĐỘNG & THÀNH ĐẠT CỦA " ĐẠI GIA BẤT ĐỘNG SẢN "

    Không xa Tổ quốc

    --------------------------------------------------------------------------------

    Đám cưới của người Việt trước
    tượng Thánh Gióng ở Kharkiv.
    Tại Kharkiv (Ukraine) có một ngôi làng mang tên Làng Thời đại của người Việt Nam, có một tập đoàn kinh tế mạnh của người Việt Nam đã trở nên nổi tiếng. Tại đó, có quốc kỳ Việt Nam tung bay kiêu hãnh.


    Ðây cũng là một câu chuyện hội nhập có thể đem lại kinh nghiệm cho nhiều doanh nghiệp, cho suy nghĩ mới mẻ và táo bạo của tuổi trẻ.


    Ý tưởng và sự dấn thân


    Năm 1991, Liên Xô và các nước XHCN ở Ðông Âu sụp đổ. Hàng nghìn nghiên cứu sinh, sinh viên, người lao động Việt Nam bị đẩy vào một tình thế éo le: Về nước thì không dễ có việc làm và thu nhập; còn ở lại thì phải sống trong vòng xoáy dữ dội của cơ chế thị trường, của tình trạng xã hội bất ổn... Tồn tại hay không tồn tại, ai cũng phải trả lời câu hỏi khắc nghiệt ấy.


    Vào ngày 8-8-1993 có một nhóm bốn sinh viên Việt Nam, đứng đầu là Phạm Nhật Vượng (sinh năm 1968) rời Moscow về Kharkiv. Họ muốn tránh đi cái không khí ồn ã của Moscow, nhưng quan trọng hơn là đến với một ý tưởng lớn. Tất nhiên, lúc đấy họ đã có chút vốn dắt lưng, chút vốn ấy về Việt Nam, có thể được coi là kha khá so với công chức thời bấy giờ. Nhưng họ chấp nhận đến với vùng đất mới lạ, chấp nhận cuộc chơi có thể tay trắng và có thể phải làm lại từ đầu.


    Chấp nhận tay trắng và mọi rủi ro nhưng không phải liều lĩnh. Họ nhận định: Kharkiv là thành phố yên bình, có thể ổn định để phát triển; Kharkiv là thành phố công nghiệp lớn lại là đầu mối giao thông, quan trọng sang Tây Âu, đi các vùng miền nam nước Nga. Ở đây có sân bay, có ga tàu hỏa cứ ba phút có một chuyến tàu đi, đến...


    Vì vốn liếng không nhiều, thoạt đầu họ mở nhà hàng Thăng Long và chợ để phát triển nhanh đồng vốn.


    Khi đã đủ tiềm lực, họ quyết định tiến vào công nghiệp. Lúc đó, tình trạng khan hiếm lương thực, thực phẩm lan tràn ở Ukraine và Nga. Từ kinh nghiệm Việt Nam và qua nghiên cứu thị trường, họ quyết định mở nhà máy sản xuất mì ăn liền. Hai năm đầu, tất cả các ông bà chủ, tất cả công nhân phải đi biếu và tiếp thị từng gói mì vì lúc đó, người Ukraine không thể tin rằng, có một loại thực phẩm chỉ đổ nước sôi vào là ăn được.


    Nhưng rồi với giá rẻ, chất lượng cao, sản phẩm Mivina (Mì Việt Nam) nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Có những người về hưu, đã sống được và vượt qua thời kỳ khó khăn nhất nhờ một ngày một gói mì tôm vì khả năng tài chính của họ lúc đó chỉ mua được có thế.


    Lại nói về thương hiệu Mivina. Họ đã trăn trở và tranh luận ra trò về tên gọi nhà máy và sản phẩm. Danh tiếng sản phẩm của Việt Nam lúc đó hầu như không có trong quan niệm của nhiều người trên thế giới. Ðặt tên Mivina là tự đặt mình vào thế yếu. Nhưng cuối cùng, niềm tin tưởng và lòng tự hào về Tổ quốc đã chiến thắng. Tên tuổi Việt Nam trong thời kỳ hội nhập cần phải được giương cao qua các sản phẩm trí tuệ, không thể núp bóng hoặc vay mượn. Và họ đã đúng. Thương hiệu Mivina ngày nay đã được 95% dân số Ukraine biết đến, sản phẩm của nhà máy đã xuất khẩu sang 20 nước trên thế giới, giành sự bình chọn "Thương hiệu vàng", "Hàng số một trong năm", "Chất lượng số một châu Âu".


    Tập đoàn kinh tế Technocom của người Việt có trụ sở chính tại số nhà 15 phố Dabaicanxky, Kharkiv trở nên nổi tiếng ở Ukraine và đã được xếp hạng thế giới trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm ăn nhanh. Qua 14 năm hoạt động, tài sản của tập đoàn được đánh giá là 200 triệu USD, doanh thu trung bình mỗi năm 100 triệu USD (trong đó có 30 triệu USD xuất khẩu sang các nước châu Âu khác), là đơn vị đi đầu trong việc tạo công ăn việc làm cho người địa phương (gần 3.000 người), đóng góp ngân sách cho Cộng hòa Ukraine mỗi năm tám triệu USD. Với những đóng góp quan trọng ấy, với ý thức chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật và ý thức xây đắp tình hữu nghị - hợp tác lâu bền, người Việt được chính quyền và nhân dân Ukraine tôn trọng. Tại Ukraine, người Việt nào cũng ngẩng cao đầu tự hào nói: "Tôi là người Việt Nam".


    Tập đoàn sản xuất thực phẩm hàng đầu thế giới NESTLE đã nhiều lần thương thảo để mua lại thương hiệu và cơ sở vật chất của Mivina, lần gần đây nhất với giá 400 triệu USD, nhưng đã được trả lời thẳng thừng: Dù với giá nào cũng không bao giờ bán vì đó là thương hiệu Việt Nam, là công sức, sự phấn đấu không dễ gì có được.


    Trong lễ kỷ niệm 14 năm ngày thành lập Technocom, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phạm Nhật Vượng phát biểu: "Hỡi tất cả các bạn! Chúng ta đã đi qua một chặng đường đầy chông gai nhưng cũng đầy tự hào vì đã thành công. Nếu dừng lại, tôi và các bạn đã có thể có một cuộc sống thừa sung túc. Chúng ta đã có những cái mà ngày trước chúng ta chưa dám mơ ước tới. Nhưng chúng ta không thể dừng lại. Vì Việt Nam, vì các bạn, chúng ta hãy tiếp tục tiến lên! Chọn sự tiến lên, cũng có nghĩa là chúng ta chọn con đường chông gai và tiếp tục phấn đấu không mệt mỏi, nhưng tôi nghĩ đó là con đường tốt nhất, đáng khát khao nhất của tuổi trẻ, của người Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, người Việt Nam không thua kém bất cứ dân tộc nào trên thế giới. Ðiều họ làm được nhất định ta làm được. Không những thế, bên sự giàu có, chúng ta còn tạo ra một cuộc sống tinh thần tốt đẹp hơn, mang đậm bản sắc văn hóa và lòng nhân ái Việt Nam...".


    Một cộng đồng nhân ái, phát triển


    Một cuộc sống tinh thần tốt đẹp, không phải chỉ trong tương lai, mà chúng tôi đã thấy rõ trong cộng đồng hơn năm nghìn người Việt tại Kharkiv và hàng nghìn người khác nữa trên đất nước Ukraine.


    Ðã qua hẳn rồi thời làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, bán hàng lấy lãi ở vỉa hè hoặc công-ten-nơ. Ðã qua hẳn thời tư duy rằng, chỉ kiếm lấy một ít "đồng xanh", "đồng vàng" rồi trở lại quê nhà. Tấm thẻ định cư như một ý chí, một quyết tâm hội nhập. "Ðến đây thì ở lại đây, Bao giờ bén rễ, xanh cây mới là"; "Một cây làm chẳng nên non, Ba cây chụm lại nên hòn núi cao".


    Ông Lê Viết Lam (quê Thanh Hóa), Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ukraine, Chủ tịch Hội doanh nghiệp người Việt Nam tại Kharkiv tâm sự: "Người đi trước giúp người đi sau, người có hơn giúp người chưa có. Căn hộ trong Làng Thời đại của người Việt do một số người Việt giàu có hơn, mua đất xây dựng, được giải thưởng kiến trúc của nhà nước Ukraine, giá bán cho đồng bào Việt chỉ bằng một phần ba giá thị trường. Ở đây có Công viên nước trong nhà lớn nhất Ukraine, có các phúc lợi, có trường học mầm non Mùa xuân, trường phổ thông Khánh Hòa để dạy tiếng Việt, văn hóa Việt và vẫn bảo đảm chương trình giáo dục của Ukraine do tập đoàn Technocom, Tập đoàn Sun Group hỗ trợ, học phí chỉ bằng một phần ba bên ngoài.


    Hằng năm, một phần ba cán bộ, công nhân của tập đoàn được nghỉ mát ở Biển Ðen, về thăm Việt Nam được tài trợ vé máy bay khứ hồi... Những sân bóng đá, bể bơi, câu lạc bộ thể thao tiêu chuẩn quốc tế... được xây dựng để cho người Việt hưởng thụ, không kinh doanh. Tượng Thánh Gióng nhắc nỗi nhớ quê nhà và ý thức "đằng vân" (cưỡi mây) đã được xây dựng. Tới đây, ngôi chùa Việt có hình dáng như Trúc lâm thiền viện và Quốc Tử Giám với tổng vốn hàng chục triệu USD sẽ được xây dựng.


    Người Việt ở đây được khám chữa bệnh, cắt thuốc miễn phí tại bệnh viện và Trung tâm y tế do tập đoàn xây dựng nên. Từng có những khu phố Trung Quốc, Nhật Bản sầm uất tại Hoa Kỳ, Pháp và các nước Âu- Mỹ, bây giờ hiển hiện những khu phố Việt Nam sầm uất giữa lòng châu Âu, cho ta một cách nhìn mới về tiềm lực Việt Nam, về khái niệm chất xám và "chảy máu chất xám". Ở đây đã không có sự chảy máu chất xám mà chất xám Việt Nam đã được phát huy ở nước ngoài. Hy vọng sẽ có nhiều cộng đồng người Việt như vậy ở nước ngoài.


    Có khát vọng lớn, đi trước một bước về phát triển kinh tế, đó chính là yếu tố quyết định để có thể thực hiện thành công một cộng đồng nhân ái phát triển trong lòng châu Âu. Những người nước ngoài làm việc cho các tập đoàn kinh tế của Việt Nam, đều có mức thu nhập cao hơn mức thu nhập trung bình sở tại.


    Vì sao người Việt có những thành công ở Kharkiv như vậy? Ngoài những thời cơ, thì những con người ở đây đều là những con người ưu tú có học vấn đại học, tiến sĩ, có thực tài và quyết tâm lớn.


    Hoàng Văn Sơn, kỹ sư điện lạnh tốt nghiệp tại Odessa, hiện là trợ lý Chủ tịch Hội đồng quản trị Technocom, đảng viên dự bị tâm sự: "Chí hướng của tôi và mọi người ở đây là luôn hướng về đất nước, phục vụ đất nước. Tôi vào Ðảng vì lý tưởng cao đẹp, vì mong muốn có cơ hội để một lúc nào đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của quê hương Nam Ðịnh của tôi nói riêng, của đất nước Việt Nam nói chung. Dù xa xôi về địa lý nhưng chúng tôi không bao giờ là những người xa Tổ quốc".

    http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=37&sub=130&article=105400
  2. bimson15

    bimson15 Thành viên này đang bị tạm khóa Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    16/09/2007
    Đã được thích:
    0
    chuyện thật hay bịa? Cho xin cái link đi mới tin
  3. WarrenBuffetWTO

    WarrenBuffetWTO Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    26/05/2006
    Đã được thích:
    1
    Truyện hay,đã từng đọc.Đọc lại vẫn thấy hay.Cảm ơn chủ Topic.
  4. lolem752003

    lolem752003 Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    25/07/2007
    Đã được thích:
    990
    http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=37&sub=130&article=105400



    Được lolem752003 sửa chữa / chuyển vào 06:57 ngày 23/09/2007

Chia sẻ trang này