Nhà máy nước Thủ Đức gay rồi-TDH, CII, REE có góp vốn dự án này

Chủ đề trong 'Thị trường chứng khoán' bởi kekhatgai, 12/06/2007.

1894 người đang online, trong đó có 757 thành viên. 19:01 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
Chủ đề này đã có 412 lượt đọc và 1 bài trả lời
  1. kekhatgai

    kekhatgai Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/02/2007
    Đã được thích:
    3
    Nhà máy nước Thủ Đức gay rồi-TDH, CII, REE có góp vốn dự án này

    Tham bát, bỏ mâm!

    Tại một hội nghị về môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Mai Ái Trực đặt vấn đề: "Liệu lợi nhuận từ công nghiệp có đủ bù đắp chi phí phải trả cho việc cải thiện môi trường?".

    Vì theo tính toán của cơ quan môi trường 12 tỉnh, thành nằm trên lưu vực sông Đồng Nai, cần ít nhất 1.500 tỉ đồng để cải tạo và bảo vệ nguồn nước con sông này. Chưa kể mỗi năm TP.HCM sẽ phải bỏ ra 2.100 tỉ (gần 1% GDP của TP) để xử lý nước sinh hoạt khi lưu vực sông Đồng Nai ô nhiễm.

    Ăn mày không đủ đổ cầu ao!


    Bè cá trên sông Đồng Nai, một nguồn gây ô nhiễm

    Rõ ràng để thu được lợi nhuận từ sản xuất công nghiệp thời gian qua, chúng ta đã tàn phá không tiếc thương môi trường sống.

    Đầu năm 2005, giáo sư - tiến sĩ Lâm Minh Triết, nguyên Viện trưởng Viện Môi trường và tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã công bố một công trình thử nghiệm nước sông Đồng Nai tại trạm bơm Hoá An. Kết quả thực nghiệm cho thấy, công nghệ hiện đang áp dụng tại Nhà máy nước Thủ Đức không bảo đảm chất lượng nước cấp đầu ra. Việc tăng chất chlorine để khử trùng nguồn nước bị ô nhiễm hữu cơ dẫn đến việc xuất hiện trong nước các chất có thể gây nguy hiểm đến sức khoẻ.

    Cũng theo tính toán trên, để có nguồn nước chất lượng, Nhà máy nước Thủ Đức phải lựa chọn một trong hai cách: dời trạm lấy nước lên thượng nguồn ít nhất 15km, hoặc phải cải tạo hệ thống xử lý nước. Nếu chọn phương án thứ hai, giá xuất xưởng của một mét khối nước sẽ là 10.000 đồng. Với bài toán này, trong vòng 5 năm kế tiếp, người sử dụng nguồn nước này phải chịu một khoản phí tăng thêm khổng lồ: bình quân 6 tỉ đồng/ngày. Còn tính chung cả năm, con số này là 2.100 tỉ đồng, chiếm gần 1% GDP của TP.HCM.
    Mới chỉ quy ra tiền, những điều thấy ngay trước mắt đủ nói lên tình trạng ô nhiễm môi trường nơi lưu vực sông lớn thứ hai Việt Nam này. Với trữ lượng tiềm năng 36,6 tỉ m3 nước (chỉ sau lưu vực sông Cửu Long), sông Đồng Nai đã đem lại nguồn lợi khổng lồ về điện năng, phục vụ tưới tiêu cho hơn 1,8 triệu hecta đất nông nghiệp... và đặc biệt cung cấp nước sinh hoạt cho người dân tại các khu đô thị lớn như TP.HCM, Biên Hoà...

    Còn bây giờ, các dòng sông đang từng ngày, từng giờ cung cấp nguồn nước "bẩn" cho hàng chục triệu người.

    1.001 kiểu phá hoại!


    Nhà trên sông và thải luôn ra sông

    Đầu năm 2006, phó giáo sư - tiến sĩ Huỳnh Thị Minh Hằng và các cộng sự thuộc Viện Môi trường và tài nguyên - Đại học Quốc gia TP.HCM đã công bố kết quả điều tra của mình tại một hội nghị về môi trường: lưu vực sông Đồng Nai (trong đó có sông Sài Gòn) bị ô nhiễm gây ảnh hưởng đến khoảng 15 triệu người. Sự ô nhiễm ấy xuất phát từ chất thải của 116 khu đô thị có quy mô khác nhau; 47 khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung; trên 50.000 cơ sở sản xuất công nghiệp; 73 bãi rác; hàng nghìn cơ sở chăn nuôi có quy mô lớn; hàng chục bến cảng... Ví dụ: trong số 47 khu công nghiệp tập trung, có đến 31 khu xả nước thải chưa qua xử lý trực tiếp vào nguồn nước của hệ thống sông Đồng Nai với khoảng 111.605m3 nước thải mỗi ngày, trong lượng nước đó có gần 15 tấn TSS, 19,6 tấn BOD5, 76,9 tấn COD, 1,6 tấn nitơ armoniac...

    Nhớ lại, nhiều năm qua, phong trào nuôi trồng thuỷ sản tự phát cũng góp phần giết chết lưu vực sông này. Ai cũng biết, vụ lòng hồ thuỷ điện Trị An bị chia năm, xẻ bảy, trong đó có nhiều quan chức hàng đầu của tỉnh Đồng Nai. Để tìm lợi nhuận, họ đổ xuống dòng nước tất cả những thứ bẩn nhất: phân gia súc gia cầm, thức ăn công nghiệp... Chưa hết, hàng ngàn điểm khai thác cát, tài nguyên nằm chằng chịt dọc các tuyến. Nó tồn tại bất hợp pháp dưới sự bảo kê của một thế lực, đã từng tự xưng là "Long vương" con sông này.


    Các phương tiện khai thác cát trái phép bị Khu quản lý đường sông tạm giữ

    Một ngư ông nhiều năm liền làm nghề nuôi cá bè trên sông Đồng Nai thầm tiếc những mùa cá bội thu trước đây do con sông đem lại. Ông kể, mấy năm qua nhờ được mùa cá điêu hồng và cá chép nên cuộc sống người nuôi cá có phần khá hơn. Tuy nhiên, gần đây nhiều hộ có nguy cơ phải bán nhà trả nợ vì cá đang độ lớn bỗng chết hàng loạt. Vụ cá chết lớn nhất là vào cuối năm 2002, khi đó người dân đứng trước bờ vực phá sản bởi chỉ trong vài ngày, 200 tấn cá trị giá trên 2 tỉ đồng "đi" theo con nước nhiễm bẩn. Tương tự, một chị nuôi hàu lâu năm ở xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, tiếc đứt ruột khi đầu tư 1 tấn con hàu giống. Sau vài tháng thả nuôi, khi thu hoạch chỉ còn 300kg vì nguồn nước bị ô nhiễm.

    Như thế, hàng giờ, các con sông phải ?onuốt vào? toàn chất độc từ nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt, nước thải làng nghề, nước thải y tế, việc khai thác khoáng sản, hoạt động nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản.

    Ăn chung nhưng ngồi riêng


    Vận chuyển cát, hình ảnh quen thuộc trên các con sông

    Thống kê cho thấy tính đến nay, chỉ mới có hơn một phần ba các cơ sở phải xử lý ô nhiễm triệt để trong giai đoạn 2003 - 2007 là đạt yêu cầu. Số cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc thẩm quyền quản lý của các bộ, ngành đã hoàn thành việc xử lý triệt để đạt kết quả thấp.

    Không ít lần, Bộ Tài nguyên và môi trường đã đề nghị 12 tỉnh thành trên lưu vực sông Đồng Nai cấp bách triển khai 8 biện pháp để cứu lưu vực sông này. Cụ thể: bảo đảm ít nhất 70% các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường, tăng mức đầu tư cho bảo vệ môi trường ít nhất là 15% so với mức đầu tư năm 2005, kiên quyết không cho phép xây dựng mới các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...

    Tại báo cáo môi trường quốc gia vào tháng 4 vừa qua, hàng tá biện pháp để cứu lưu vực sông Đồng Nai cũng được nhắc đi nhắc lại: không cho phép xây dựng các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và có nguy cơ gây sự cố môi trường. Theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tạm thời không cho phép đầu tư thêm 5 loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là: chế biến tinh bột sắn, chế biến mủ cao su, sản xuất hoá chất cơ bản có phát sinh nước thải công nghiệp, nhuộm và thuộc da. Đồng thời sẽ sửa đổi, ban hành phí xả nước thải theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền bằng hoặc lớn hơn chi phí xử lý ô nhiễm.

    Tiến sĩ Nguyễn Trung Việt thuộc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM nhận xét cốt lõi của vấn đề: "Gần 10 năm rồi, nhưng để bàn chuyện cứu lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai, người ta vẫn không ngồi lại với nhau được".

    Triệu triệu dân, nơi có con sông chảy qua vẫn miệt mài hứng chịu sự ô nhiễm. Bài học nhãn tiền là "làng ung thư" ở Phú Thọ. Chỉ mong, mọi biện pháp đừng còn nguyên trên giấy.

    Trả giá đến đời con cháu


    Một tụ điểm khai thác, vận chuyển cát trên sông Sài Gòn

    Lưu vực sông Đồng Nai là nơi có 12 tỉnh thành phố, với 6 đơn vị thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Sáu tỉnh thành phố này gồm Đồng Nai, TP.HCM, Tây Ninh, Long An, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu góp đến 40% cho ngân sách nhà nước.

    Tại phần hạ lưu của hệ thống sông Đồng Nai là sông Thị Vải sắp trở thành dòng sông chết. Thứ trưởng Phạm Khôi Nguyên (Bộ Tài Nguyên và môi trường) cảnh báo rằng sông Thị Vải sẽ chết vào năm 2030 nếu tốc độ ô nhiễm cứ tiếp tục như hiện nay. Thế nhưng, liệu có xa đến hơn 20 năm nữa con sông này mới chết hay không, khi nhiều nhà khoa học tính toán đến 2010, lượng nước thải đổ vào hệ thống sông Đồng Nai sẽ tăng hơn gấp rưỡi so với hiện nay?

    Việt Nam đang có nguy cơ bị xếp vào hàng những quốc gia thiếu nước trên thế giới, phó cục trưởng Nguyễn Đình Ninh cho biết. Ông đưa ra con số cách đây 40 năm, bình quân lượng nước sử dụng là 17.000m3/người/năm. Đến năm 2005, chỉ còn 4.600m3/người/năm.

    Doãn Khởi

    Dự báo xấu

    Về kết quả phân tích mẫu nước sông chảy qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, ông Phan Văn Hết, phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Đồng Nai đưa ra những số liệu giật mình: một số khu vực gần TP Biên Hoà, hàm lượng coliform (một dòng vi khuẩn có thể gây bệnh tiêu chảy) vượt chỉ tiêu cho phép từ 186 đến 920 lần, thậm chí có nơi vượt 1.860 lần. Ngoài ra, tại khu vực Hố Nai, hàm lượng cadmi vượt 50 lần và crom (VI) vượt từ 17 đến 75 lần. Theo tính toán của các cơ quan môi trường, đến năm 2010, mỗi ngày hệ thống sông Đồng Nai sẽ tiếp nhận khoảng 1,73 triệu m3 nước thải sinh hoạt, trong đó có 702 tấn cặn lơ lửng, 421 tấn BOD5, 756 tấn COD... và nhiều vi trùng gây bệnh cùng với các tác nhân gây ô nhiễm khác. Ngoài ra, với 74 khu công nghiệp sẽ được hình thành, hệ thống sông này còn phải tiếp nhận khoảng 1,54 triệu m3 nước thải công nghiệp, trong đó có khoảng 278 tấn cặn lơ lửng, 231 tấn BOD5, các kim loại nặng... Rõ ràng, đây là một khối lượng ô nhiễm rất lớn đang đe doạ đến sự an toàn nguồn nước sông Đồng Nai.
  2. Be_goldendragon

    Be_goldendragon Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    11/05/2006
    Đã được thích:
    1
    Còn lâu bác ạ, XH mình toàn là lấy lợi íc cá nhân đặt lên trên lợi ích toàn xã hội, nên bác yên tâm đê, đâu lại vào đó thôi mà.
    Đời còn nhiều bất công lém

Chia sẻ trang này