Những chia sẻ của tôi về TTCK - dành cho những nhà đầu tư mới

Chủ đề trong 'Thị trường chứng khoán' bởi FA4life, 07/08/2019.

2877 người đang online, trong đó có 1150 thành viên. 16:43 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
Chủ đề này đã có 1136 lượt đọc và 7 bài trả lời
  1. FA4life

    FA4life Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    23/07/2015
    Đã được thích:
    104
    Trước hết, tôi mở topic này không nhắm đến hô hào mua/bán bất kỳ cổ phiếu nào. Nói tóm lại, topic không nhằm hô hào, cổ động, thúc giục bất kỳ ai mua/bán gì cả. Vì thế đừng ai nhảy vào đây nói lùa gà, chim lợn... gì hết. Tôi chỉ dùng những cổ phiếu làm ví dụ minh hoạ cho những chia sẻ của mình.

    Mục đích của tôi chỉ đơn giản là giúp những nhà đầu tư mới tham gia thị trường tránh được những vết xe đổ mà tất cả chúng ta đã và sẽ mắc phải và chúng ta phải trả giá cho sai lầm của mình bằng học phí cho trường học TTCK của chúng ta. Tôi đã tham gia TT nghiêm túc được 7 năm và tôi hi vọng có thể chia sẻ những kinh nghiệm mà tự mình rút ra cho bản thân để kể cho những nhà đầu tư mới.

    Hi vọng sẽ có những bài học hữu ích cho các bạn mới tham gia. Như thế là tôi đã phần nào đạt được mục đích của mình, đó là chia sẻ thông tin/kiến thức cho mọi người.
    caybaobap, Tieukhiet, z682 người khác thích bài này.
  2. FA4life

    FA4life Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    23/07/2015
    Đã được thích:
    104
    Bài số 1: BẠN LÀ AI? ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN ĐỂ LÀM GÌ?

    Câu hỏi nghe buồn cười nhưng đó lại là câu hỏi tối quan trọng nếu ai đó thực sự muốn trở thành một nhà đầu tư nghiêm túc.

    Trước khi vùi đầu vào các cuốn sách dạy làm giàu hay đầu tư chứng khoán, nghiền ngẫm các đồ thị biểu đồ hay đọc mớ báo cáo tài chính, bản cáo bạch hay đơn giản hơn nữa là lên diễn đàn để đọc tin & tìm cơ hội thì hãy tự hỏi MÌNH LÀ AI?

    1. Hoàn cảnh của bạn là gì – vừa có sự nghiệp/vừa đầu tư? Bạn có tiền nhàn rỗi hay toàn bộ tài sản thả vào chứng khoán? Bạn có gia đình chưa? Có con cái, ràng buộc tài chính gì hay không?

    2. Bạn có tính cách thế nào – ưa rủi ro/mạo hiểm hay thích tìm kiếm sự ổn định an toàn? Bạn có mức độ kiên nhẫn đến đâu? Và sự kiên trì bền bỉ đến đâu?

    3. Kỳ vọng của bạn là gì? Là đầu tư để kiếm lời hàng tháng/hàng tuần hay để sinh lời ổn định theo năm? Mức kỳ vọng của bạn là gì? Là lãi càng nhanh càng tốt, càng nhiều càng tốt? Hay có một tỷ lệ sinh lời cụ thể nào đó?

    4. Kiến thức/kinh nghiệm của bạn ở thị trường chứng khoán là gì? Yếu tố này sẽ quyết định bạn nên dành thời gian ra sao, chiến lược thế nào, số vốn bao nhiêu để tham gia thị trường. Ví dụ bạn có nền tảng tài chính tốt thì tập trung vào FA, còn nếu bạn chỉ chuyên về PTKT mà ko rõ về FA thì bạn hãy tập trung vào điểm mạnh đó của mình để ra quyết định.

    5. Quỹ thời gian bạn có để dành cho chứng khoán? Điều này quyết định khung thời gian đầu tư của bạn. Nếu bạn là full-time trader, bạn có thể theo đuổi các giao dịch mỗi ngày (thậm chí nhìn biểu đồ theo khung 15’ hay 60’). Nếu bạn chỉ là đầu cơ tay ngang, bạn cần các khung thời gian dài hơn (theo dõi biểu đồ daily hoặc weekly). Thậm chí, nếu bạn là nhà đầu tư thuần túy, bạn chả cần nhìn bảng giá mà chỉ tập trung vào phân tích doanh nghiệp thôi.

    6. Lượng tiền bạn bỏ ra cho chứng khoán là bao nhiêu? Lượng vốn càng lớn, bạn sẽ càng đau đầu trong việc phân bổ vốn, đi tiền thế nào cho hợp lý. Nó còn phụ thuộc vào các yếu tố ở trên. Nếu kỳ vọng của bạn lớn + bạn có kiến thức + thời gian à bạn có thể bỏ số tiền lớn vào đầu tư & phân bổ nhiều cổ phiếu khác nhau. Ngược lại, nếu chưa có kiến thức, ít thời gian à bạn nên hạ kỳ vọng xuống, chấp nhận chơi vốn nhỏ, tập trung vào một vài cổ phiếu để tích lũy kinh nghiệm qua từng giao dịch để đến lúc tự tin thì nâng số vốn của mình lên.

    7. Bạn kiếm tiền từ TTCK để làm gì? Là nguồn thu nhập duy nhất của gia đình (giống như tôi) hay là một khoản để dành dài hạn mà ko ảnh hưởng đến kế hoạch chi tiêu, hay chỉ là một món tiền nhỏ để các bạn thử tham gia một lĩnh vực mới mà mình chưa biết? Tùy từng trường hợp khác nhau mà mức độ rủi ro/kỳ vọng/phương pháp sẽ khác nhau. Ví dụ như tôi, nếu ko kiếm được tiền từ TT thì ko còn khoản thu nhập nào khác, thì tôi phải rất cẩn trọng với đồng vốn của mình & tôi cũng ko thể nào làm một nhà đầu tư dài hạn, sẵn sàng nằm chờ 2 – 3 năm cho mỗi cơ hội đầu tư được. Ngược lại, nếu bạn có tiền nhàn rỗi, và tìm được cơ hội đầu tư tuyệt vời cho 5 – 10 năm, bạn hoàn toàn có thể mua và “cất tủ” cổ phiếu của mình như một khoản để dành lâu dài.

    Dựa vào những biến số đó, bạn sẽ tự phân loại được mình là dạng nhà đầu tư nào, điểm mạnh & điểm yếu là gì và từ đó xác định từ đầu mình sẽ là dạng nhà đầu tư thế nào?

    Ngoài ra, còn có một số yếu tố khác ảnh hưởng đến quyết định có nên tham gia thị trường không mà tôi thấy cần chia sẻ:

    - Bạn có thực sự đam mê với TTCK không? Giả sử bạn đang có rất nhiều tiền, bạn có đầu tư nữa không?

    - Nếu bạn có cảm giác thăng hoa, sung sướng khi cổ phiếu tăng giá và buồn bã, chán nản khi cổ phiếu giảm giá – tức là bạn tham gia để được trải nghiệm cảm xúc của bản thân. Tôi gọi nó là “cảm xúc đánh bạc” – bạn thấy mình cần mua/bán vì muốn tận hưởng cảm xúc chứ ko phải để kiếm tiền.

    - Bạn có cần đánh đâu thắng đó, đã mua là phải từ Hòa đến Phát hay không

    Nếu thiếu đam mê, bạn sẽ khó thành công trong dài hạn vì sẽ có những lúc thị trường làm bạn nản chí. Đường đến thành Rome (giàu có) có rất nhiều cách và TTCK có thể sẽ ko phải là cách bạn muốn đi lâu dài. Nếu vì cảm xúc, bạn có vẻ giống một con bạc, lúc nào cũng thích đặt cược để thỏa mãn cảm xúc của mình. Còn nếu vì cái TÔI đánh đâu thắng đó, bạn sẽ khó giữ được tiền trong dài hạn. Cả ba yếu tố này đều ko thể đảm bảo thành công cho bạn trong lâu dài.


    Bây giờ lấy ví dụ của chính tôi để minh họa cho bài viết này của mình.

    Hoàn cảnh gia đình: 1 vợ 2 con – vợ tôi làm việc tự do, thu nhập không ổn định. Tôi đã có nhà, đủ để sống them vài năm ở đó. Bố mẹ tôi sức khỏe tốt, tài chính ổn định. Tôi từ bỏ công việc, tập trung đầu tư chứng khoán

    Rủi ro: vì đây là nguồn thu nhập duy nhất – tôi vừa phải cân nhắc đảm bảo đủ thu nhập hàng tháng/quý cho gia đình mà vẫn phải cân nhắc rủi ro vì nguy cơ mất vốn.

    Kiến thức: Tôi tham gia thị trường từ 2007 nhưng nghiêm túc từ 2011 – trải qua 7 năm đầu tư. Tôi tốt nghiệp ngành tài chính, hiểu về BCTC + kinh nghiệm làm việc ở ngân hàng trong mảng phân tích doanh nghiệp + cái bằng CFA(chả dùng được ở VN J) à FA tạm đủ dùng. PTKT thì tôi ko biết gì nhiều, vừa đọc sách, mò mẫm diễn đàn và rút KN bản thân từ những giao dịch thất bại. Tôi chỉ nghiêm túc học PTKT từ 2018. Do đó, tôi lựa chọn cp cho mình dựa trên yếu tố cơ bản là chính – lấy thêm PTKT để làm điểm ra quyết định chứ ko nhắm mắt mua theo đồ thị kỹ thuật.

    Quỹ thời gian: vô hạn – vì CK là thu nhập duy nhất, tôi cho phép mình tập trung 100% thời gian làm việc vào chứng khoán. Do có full thời gian, tôi cho phép mình tập trung vào chiến lược ngắn hạn (daily) và weekly.

    Số vốn < 5 tỷ và nhu cầu chi tiêu của gia đình 40tr à tôi cần đặt kỳ vọng của mình ở mức tối thiểu 1%/tháng hoặc 12%/năm + chi phí cơ hội (gửi tiết kiệm 8%) – đây là chưa tính chi phí cơ hội từ việc đi làm) à mức kỳ vọng là 20%/năm.

    Dựa vào những thông số đó, tôi coi mình là nhà đầu tư nhỏ/trung bình – với mục tiêu rõ là kiếm lợi nhuận với khung thời gian hàng tháng. Do rủi ro mất vốn, tôi đặt mức phân bổ vốn tối đa 10% cho mỗi giao dịch, đặt mức lỗ tối đa là 10% cho mỗi giao dịch (tức là mất 1% vốn). Tôi tập trung vào penny/midcap vì mức độ biến động lớn hơn – phù hợp với nhu cầu tăng trưởng vốn nhanh của mình.

    Tôi biết mình có cái tôi lớn (Big Ego) nhưng đã loại bỏ được nó sau thất bại để đời vào năm ngoái mà tôi sẽ chia sẻ sau. Tôi biết mình có tâm lý con bạc (Gambler Urge) nên để 100 tr để đánh PS hàng ngày, tôi đặt mức lỗ tối đa cho mình là 2tr/ngày từ PS. Và tôi có đam mê với chứng khoán thực sự từ những năm 2007 – 2008, theo đuổi TTCK suốt từ đó đến nay.

    Tôi hi vọng giúp ai đó NHÌN LẠI MÌNH – vì trước khi vào chiến trường CK mà ko biết MÌNH LÀ AI thì các bạn hãy khoan – đừng ném tiền vào TTCK vội vàng. Hoặc nếu đã làm, thì nhìn lại mình, xem chiến lược mình đang đi có đúng với kỹ năng/điều kiện/hoàn cảnh/mục đích/kỳ vọng của mình không. Sau đó, bạn hãy điều chỉnh lại cho phù hợp.

    Chúc các bạn thành công! GOOD TRADE!
    CMDOLA đã loan bài này
  3. soibac2020

    soibac2020 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    28/06/2019
    Đã được thích:
    174
    Bác có thể chỉ thêm về cách xem bctc k?
  4. Tieukhiet

    Tieukhiet Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    30/03/2017
    Đã được thích:
    1.398
    Hay quá, bạn ở đâu, nếu ở HN anh em giao lưu nhé?
  5. Thanhphosaulung

    Thanhphosaulung Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    05/07/2015
    Đã được thích:
    1.426
    Đọc bài viết của bác khá tâm huyết, có điều em thắc mắc bác có kinh nghiệm lâu năm chuyên về phân tích CB mà đặt mục tiêu là daily và weekly (sẽ nặng về PTKT) trong khi PTKT bác lại mới học từ 2018, PTKT thì rất khó không đơn giản như các broker vẽ vời ra, và như vậy bác có đạt được mục tiêu lãi 20% trong năm này không.
  6. FA4life

    FA4life Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    23/07/2015
    Đã được thích:
    104
    BÀI SỐ 2: BẠN CHỌN BÍ KÍP GÌ? LỰA CHỌN PHƯƠNG PHÁP ĐẦU TƯ CHO NHÀ ĐẦU TƯ MỚI

    Với một người chơi mới, bạn sẽ bị ngập trong mớ sách vở về các trường phái đầu tư khác nhau, từ việc được truyền miệng trên diễn đàn, cho đến tham gia các khóa học đầu tư và đọc các cuốn sách về các nhà đầu tư thành công. Mỗi lần bạn đọc, bạn cảm giác như mình sắp chạm đến thành công đến nơi rồi, mình hiểu phương pháp này rồi, có bí kíp trong tay rồi, chắc chắn giao dịch tiếp theo sẽ thành công… Nhưng mãi mà thành công chưa tới. Vì sao vậy?

    BẠN PHẢI TÌM ĐƯỢC PHƯƠNG PHÁP PHÙ HỢP VỚI BẢN THÂN MÌNH

    Chỉ có bạn mới hiểu nổi bản thân mình, hoặc ko ai cả. Chính vì thế, tôi mới khuyên các bạn hãy tự soi xét lại bản thân mình trước khi bắt đầu tham gia TTCK. Sau khi đã nhìn nhận được bản thân, biết được mình là ai (khả năng/số vốn/quỹ thời gian/tính cách) thì bạn dựa vào đó để xây dựng phương pháp của mình.

    Bạn có thể đọc hàng trăm cách khác nhau để kiếm tiền trên TTCK, nhưng bạn sẽ chỉ có thể áp dụng một hoặc một vài cách để chọn làm bí kíp của mình. Đã chọn rồi, bạn mài giũa phương pháp đó, tinh chỉnh nó theo thị trường để phát huy tối ưu kết quả. Chọn quá nhiều cách khác nhau, kết quả của bạn sẽ chỉ ở mức bình thường so với thị trường. Như Lý Tiểu Long nói “chỉ sợ người tập 1 kiểu đá 1000 lần chứ không ngán kẻ đá 1000 kiểu khác nhau”.

    VẬY TÌM PHƯƠNG PHÁP ĐẦU TƯ THẾ NÀO?

    Thử và sai là câu trả lời. Bạn có thể bắt đầu với câu hỏi mình là ai, tìm ra các giới hạn bản thân và dựa vào đó đưa ra quyết định ban đầu về phương pháp mình chọn. Ví dụ

    (1) bạn ít thời gian, nhiều tiền và chỉ cần sinh lời > lãi suất ngân hàng, bạn mạnh về phân tích cơ bản à hãy thử làm nhà đầu tư dài hạn – học kỹ về FA – cách định giá cổ phiếu và tìm ra các động lực dài hạn để cổ phiếu tăng giá (catalyst).

    (2) nếu bạn nhiều thời gian, sẵn sàng ngồi cả ngày xem các biến động ngắn hạn của cổ phiếu, bạn kỳ vọng đánh nhanh thắng nhanh, ăn 5 – 7% là té à bạn đang cố gắng trở thành nhà đầu cơ ngắn hạn. Hãy tập trung vào các kiến thức về TA daily hoặc các khung thời gian ngắn hơn nữa, nhìn kỹ biểu đồ nến, volume + biên độ dao động…

    (3) bạn biết cả về FA + TA, muốn kết hợp cả hai cho việc đầu tư. Vậy hãy thử chia tiền ra 2 tài khoản (1 cho FA và 1 cho TA) – rồi sau một thời gian thì so sánh hiệu quả.

    (4) Hoặc là giống như tôi : chia tỷ lệ đi tiền theo mức độ FA/TA của cổ phiếu. Ví dụ: FA ngon nhưng TA chưa có tín hiệu à đi 25%. Sau đó, nếu TA xác nhận tín hiệu 1 à thêm 25%, tín hiệu 2 / 3 à đi tiếp 50%. Hoặc nếu cổ phiếu có điểm vào TA lý tưởng nhưng chưa biết FA là gì à đi 25%. Sau khi đọc kỹ FA à vào nốt 75% trong đợt chỉnh tiếp theo hoặc bán hết ra nếu FA ko đạt.

    KHI NÀO THÌ BẠN BIẾT MÌNH XÀI NHẦM BÍ KÍP?

    (1) Khi bạn thấy hiệu quả đầu tư theo phương pháp ko cao. Hiệu quả đầu tư có thể đo được bằng mức lợi nhuận ko đạt kỳ vọng cho khoảng thời gian bạn đặt ra (vd bạn đặt kỳ vọng dài hạn 20%/năm nhưng chỉ đạt 5% à ko ổn rồi). Hoặc tỷ lệ win/loss của bạn ko đạt kỳ vọng (xác suất thắng chỉ đạt 20 – 30%) trong khi bạn kỳ vọng nó đạt 50%.

    (2) Bạn giao dịch theo phương pháp của bạn và bạn thấy bất an, lo lắng, ko tin tưởng vào quyết định của mình. Ví dụ, bạn chọn chiến thuật bắt dao rơi + bình quân giá xuống (theo đầu tư dài hạn) nhưng lại thấy căng thẳng, mất ngủ, lo lắng khi cổ phiếu tiếp tục giảm giá so với giá bạn mua vào à bạn ko có tính cách phù hợp với phương pháp ấy – hãy thay đổi thôi!

    (3) LƯU Ý:

    - Đừng vì kết quả kém trong một khoảng thời gian ngắn mà quyết định là mình đã đi sai đường. Tối thiểu cho mình 6 tháng (đầu cơ) hoặc 1 – 2 năm cho đầu tư dài hạn. Trong thời gian đó, ghi lại những deal thành công/ thất bại của mình và học từ đó và chỉnh lại phương pháp. Có thể bạn đi đúng đường rồi, nhưng kết quả chưa thấy vì yếu tố khách quan nữa (ví dụ nếu TT đang suy thoái thì đầu tư dài hạn cũng khó thấy kết quả ngay).

    - GHI NHỚ theo Mark Minervini “Nhà đầu tư thường đánh giá quá cao tiềm năng của mình trong ngắn hạn, và đánh giá quá thấp khả năng của mình trong dài hạn”. Vì thế, hạ kỳ vọng ngắn hạn xuống và chấp nhận thời gian đầu có lợi nhuận thấp/thua lỗ. Đừng vì thất bại trong ngắn hạn mà nản chí.

    - Tránh “style drift”: bạn thành công với phương pháp của mình trong thời gian đầu, sau đó thấy hiệu quả phương pháp giảm hẳn. Trong lúc đó, các phương pháp khác trong sách đem hiệu quả cao hơn và bạn bỏ đi bí kíp tu luyện của mình và học theo bí kíp của người khác. Bạn có thể thành công một thời gian ngắn, nhưng khi bí kíp ko phải phù hợp với bạn, sẽ có lúc bạn tẩu hỏa nhập ma, ko tu thành chính quả. Ví dụ: nếu các nhà đầu tư FA nhìn vào năm 2010, đa số sẽ lắc đầu vì chiêu trò của đội lái đưa các cổ phiếu penny lên đỉnh này đỉnh nọ mà chả cần cơ bản. Nếu họ bỏ FA & đua theo lái thì sao? Họ sẽ ko thể tự tin, luôn bồn chồn lo lắng mỗi ngày khi biết cổ phiếu mình mua là rác nhưng vẫn mua. Đầu tư mà ko an yên – thì bạn nên tìm công việc khác... HÃY NHỚ: phương pháp nào cũng có lúc phát huy được ở một thời điểm nhất định của TT, nếu bạn đã tìm đúng bí kíp của mình, và nó ko phù hợp với TT hiện tại à hãy đứng ngoài nghỉ ngơi chứ đừng thay đổi bản thân.



    PHƯƠNG PHÁP CỦA TÔI:

    Chia sẻ một chút về phương pháp của bản thân:

    - Kết hợp FA + TA:

    o chia tiền 10% cho cp FA thuần túy (ko cần TA) (kỳ vọng 40%/năm + cut loss 20%)

    o 50% cho TA + FA (với trend dài 3 – 6 tháng, kỳ vọng 20%, cắt lỗ 7%)

    o 20% cho TA thuần túy (trend 2 tuần – 1 tháng, kỳ vọng 8%, cắt lỗ 4%)

    o 10% cho phái sinh – TA thuần túy

    - Lựa chọn cổ phiếu FA + TA : 80% FA (20% cho lãnh đạo + 20% cho ngành + 20% cho KQKD + 20% cho catalyst – hay động lực tăng trưởng) – 20% cho điểm vào TA

    - Chọn điểm vào TA: theo các sách dạy về PTKT mà ai cũng biết

    - Đảm bảo điểm vào đạt gain/loss ratio > 2:1 (ví dụ mua giá 20, cut loss 10% - giá 18 thì target là 24). Nói đúng là chọn target dựa vào điểm cắt lỗ, miễn sao tỷ lệ gain/loss > 2 là OK.

    CHÚC CÁC NHÀ ĐẦU TƯ SỚM TÌM ĐƯỢC BÍ KÍP CỦA RIÊNG MÌNH VÀ KIÊN TRÌ THEO ĐUỔI CON ĐƯỜNG CỦA MÌNH!!!!
    kha_nguyen thích bài này.
  7. FA4life

    FA4life Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    23/07/2015
    Đã được thích:
    104
    Bài số 3: HÌNH THÀNH NHỮNG THÓI QUEN CHIẾN THẮNG

    Bạn đã hiểu được bản thân mình (kỳ vọng về Thị trường, giới hạn của bản thân) & đã xác định phương pháp đầu tư để đáp ứng được những kỳ vọng và ràng buộc đó. Bước tiếp theo bạn cần làm là xây dựng kỷ luật cho bản thân – hay “thói quen để chiến thắng”.

    Ngoại trừ những người đánh một lần thắng luôn và đạt mục tiêu tài chính cả đời mà ko cần tham gia TTCK nữa, thì hầu hết chúng ta ko thể xây dựng nền tài chính vững chắc cho mình nếu chưa tham gia TTCK trong 5- 10 năm. Và để tồn tại trong môi trường khắc nghiệt như TTCK thì nhà đầu tư cần phải trui rèn kỹ năng và kỷ luật trước đã.

    CỜ BẠC ĐÃI TAY MỚI

    Sẽ có nhiều người bảo với bạn, chứng khoán dễ lắm, bà A kia vừa mới tham gia, mua con XYZ rồi sau 1 tháng nó x2, x3. Bà ấy chả biết gì nhưng đã lãi cả trăm triệu hay cả tỷ gì đó. Bạn sốt ruột và muốn tham gia ngay sau đó, để ngày kia mình sẽ thành huyền thoại ông B bà C gì đó mà người ta truyền miệng? Cần quái gì phương pháp, quy trình, kỷ luật gì chứ.

    Ta đều biết “bạc già không bằng gà son”. Người chơi mới dễ thắng vì phần đông họ tham gia thị trường với kỳ vọng lợi nhuận được đặt lên trên hết, họ ko biết sợ và chấp nhận rủi ro (mà bản thân họ ko biết và những tay bạc già ko dám tham gia). Và người chơi mới thường tham gia TT khi được những người khác kể về những câu chuyện bà A mà tôi kể bạn nghe, tức là lúc thị trường đang sôi sục, khi mà việc kiếm lợi nhuận là rất dễ dàng. Nhưng bạn có biết, bao nhiêu bà A ông B đó đạt được thành công, giữ được lợi nhuận & tăng trưởng tài sản thêm nữa sau những cơn trồi sụt của thị trường. Tôi nghĩ là ko có nhiều người như thế, TTCK vận hành theo quy luật 80:20, tức là qua thời gian, 80% nhà đầu tư sẽ bị đào thải, và chỉ còn 20% tồn tại và nắm trong tay 80% tài sản của thị trường. Và nếu loại trừ đi các con cá mập market maker, bạn sẽ thấy tỷ lệ NĐT nhỏ lẻ thành công sẽ còn giảm đi nhiều đấy.

    GIAO DỊCH THEO CẢM TÍNH

    Trong ngắn hạn, sẽ có những lúc bạn thấy khó chịu, tốn thời gian khi tuân theo kỷ luật mình đăt ra. Có những lúc, bạn thấy giao dịch theo cảm tính còn hiệu quả hơn.

    Ví dụ: bạn là nhà đầu tư thấy cổ phiếu rẻ lắm rồi, P/E = 5 thấp nhất trong lịch sử rồi, cần quái gì phải phân tích nữa, ngồi đọc BCTC + tin có khi mất thêm 1 – 2 ngày, cổ phiếu nó tăng giá mất 10%. Bạn hứng lên và mua cổ phiếu và lãi 20% trong 3 ngày. À mình giỏi quá. Lần sau cứ theo cảm tính mà giao dịch, cứ P/E = 5 là phang.

    Vào thời điểm đó, bạn đã dần hình thành một thói quen xấu, mua bán mà ko cần biết vì sao, chỉ vì nhìn và cảm giác là phải mua/phải bán. Vài lần như vậy, bạn đã đánh mất cơ hội để làm nhà đầu tư có kỷ luật, vì thói quen xấu (giống hút thuốc) rất khó bỏ. Cảm xúc mua bừa, rồi hồi hộp nhìn cổ phiếu tăng giá mà ko biết vì sao à như một thứ thuốc phiện kéo bạn lặp đi lặp lại quy trình mua bán đó và dần dần sẽ bào mòn tài khoản của bạn.

    Có thể bạn lấy ví dụ về những cao thủ chứng khoán trong sách hay trên diễn đàn, chỉ cần nhìn qua xu hướng là biết có cơ hội/rủi ro đang đến và họ ra quyết định cực nhanh. Cứ đọc Jesse Livermore sẽ thấy có những quyết định triệu đô của ông ấy cũng là giao dịch cảm tính. Hay như kimhoababa trên F319 – hỏi cổ phiếu nào là được phán ngay trong vòng 5 – 15p và độ chính xác cao.

    Vì sao bạn biết không? Theo Malcom Gladwell trong sách Blink có đề cập, với những chuyên gia hàng đầu, khi họ làm việc liên tục với một lĩnh vực gì đó lâu năm, bộ não của họ đã học hỏi rất nhiều thì cái phản ứng tức thì của bộ não thực ra lại là một phản xạ có điều kiện chứ ko phải cảm tính nữa. Một bác sỹ hàng đầu khi qua hàng nghìn ca khám bệnh, có thể bắt bệnh chính xác bằng khám lâm sàng chưa cần qua chụp chiếu. Cũng như vậy, một nhà đầu cơ theo kỹ thuật tài giỏi thì chỉ cần nhìn thoáng qua đồ thị giá + volume là có thể đọc xu hướng của cổ phiếu ấy (vì hàng ngày trong vòng 10 năm, họ đã đọc hàng chục chart – đưa ra nhận định, nghiền ngầm đúng sai…). Một nhà đầu tư theo cơ bản giỏi chỉ cần mất 1h là biết cổ phiếu đó đáng giá bao nhiêu chỉ qua một vài con số trên BCTC + bản cáo bạch (vì họ đã đọc cả trăm BCTC vào mỗi mùa KQKD + trải qua hàng chục deal thành công/thất bại theo đầu tư của mình).

    Malcom Gladwell có luật 10,000 giờ: nếu bạn muốn thực sự giỏi hàng đầu trong bất cứ điều gì, bạn cần 10,000 giờ tập luyện. Với chứng khoán, để giỏi hàng đầu, bạn cũng sẽ phải bỏ rất nhiều công sức. Đừng vì 1 – 2 deal thành công ban đầu mà đi theo lối mòn giao dịch cảm tính hoặc là bạn sẽ mãi ko thành công. Mark Minervini từng đề cập Luyện tập sẽ chỉ đem lại sự hoàn hảo khi bạn làm đúng cách. Còn nếu làm sai cách thì mãi mãi sẽ ko thành công.

    TẬP TRUNG VÀO QUÁ TRÌNH – KẾT QUẢ RỒI SẼ ĐẾN

    Nếu bạn đã OK rằng mình cần hình thành thói quen chiến thắng và xây dựng nó, sẽ có giai đoạn đầu mà mọi thứ ko suôn sẻ. Bạn đã làm bài tập rất kỹ, phân tích cổ phiếu cơ bản + điểm vào Kỹ thuật rất ổn, vậy mà vẫn thua lỗ. Đừng nản chí!

    Cho mỗi giao dịch của mình, bạn nên nhớ có 2 yếu tố song hành May mắn & Kỹ năng (luck & Skill). Một giao dịch thực sự thành công nếu có Luck + Skill. Và giao dịch thất bại thảm hại nếu Bad Luck + bad skill. Hai kết quả này rất dễ chấp nhận, thúc đẩy bạn tiến lên vì mình cố gắng thì được đền đáp xứng đáng còn mình lười nhác thì thất bại.

    Nhưng bad luck + good skill: Bạn phân tích điểm vào rất ổn + FA ổn nhưng tự dung Trump có dòng Tweet à TT lao dốc, cổ phiếu giảm 10% và bạn phải cut loss theo nguyên tắc. Đau hơn nữa bạn vừa bán, Trump làm thêm dòng Tweet, cổ phiếu bạn bán ra tăng 20%. Bạn thấy mình ngu 2 lần vì tuân theo mớ lý thuyết về kỷ luật ngu ngốc??? Bad luck + good skill dễ làm ta nản chí. Nhưng đó là thử thách cho lòng kiên trì của bạn. Tôi khuyên bạn hãy vượt qua nó một cách nhẹ nhàng. Hãy nhắc nhở mình rằng mình đã làm đúng nguyên tắc, dòng tweet của Trump là yếu tố ko lường trước được. Hoặc nếu có rủi ro nào mà ta chưa nhìn thấy (cháy máy in của INN, vỡ nợ SEARS của TCM…) thì ta ghi nhận nó là những rủi ro mà ta chưa biết à là bài học tốt cho những phân tích về sau.

    Rồi lần khác bad skill + good luck: bạn mua bừa cổ phiếu theo tin đồn, ko cần phân tích gì cả à cổ phiếu tăng 50 – 100% trong 2 tuần. Bạn sung sướng vì mình ko mất công sức gì, đánh bừa mà được cả mớ tiền??? Đó là thói quen xấu và bạn gặp may, nhưng ở trên đỉnh chiến thắng, bạn sẽ ko nghĩ thế đâu. Bạn sẽ thấy mình tài giỏi, và tiếp tục học theo lối ấy. Cho đến ngày kia, bạn sẽ giống bà A hôm nào, thắng 1 deal để đời rồi lợi nhuận cứ bị ăn mòn mãi về sau mà ko tìm ra được lối đi thành công cho mình.

    Nói tóm lại, cứ tập trung vào nâng cao skill. Người ta vẫn nói “luck is when opportunity meet preparedness” – may mắn sẽ đến với người nào chuẩn bị kỹ càng các kỹ năng cần thiết cho mình.

    Và hãy nhớ, những nhà đầu tư hàng đầu họ ko chú trọng đến tiền mình kiếm được. Họ chú trọng vào việc đảm bảo phương pháp giao dịch của mình là đúng đắn, tuân thủ các kỷ luật mình đặt ra và tinh chỉnh nó theo thời gian để đảm bảo hiệu quả tối ưu.

    VẬY KỶ LUẬT BẠN CẦN LÀ GÌ?

    Tôi xin tóm tắt một vài nguyên tắc, kỷ luật mà tôi rút ra cho mình. Bạn có thể áp dụng và tự học hỏi thêm những kỷ luật khác cho mình.

    Luôn luôn trade with a plan, no plan = no trade. Nếu ko có kế hoạch, ý tưởng rõ ràng trong đầu, đừng giao dịch. Nếu có gambler urge (tâm lý con bạc) giống tôi, cap size cho giao dịch theo cảm tính ở mức 1% tổng tài sản, sẵn sàng cut loss T3.

    Never force trade – đừng mua bán chỉ vì bạn thấy mình phải hành động. Nếu theo FA, cứ phân tích kỹ cổ phiếu & tâm niệm rằng nếu cổ phiếu thực sự định giá thấp, thì cơ hội còn rất dài phía trước dù cổ phiếu đã chạy 5 – 10 %. Nếu là theo TA, hãy đợi chắc chắn cổ phiếu về gần điểm mua (nếu bạn bắt đáy) hoặc các setup rõ ràng cho đợt breakout (nếu bạn là momentum trader)

    Trade for a reason, not reason anymore = stop trade: mua hay bán gì đi nữa, hãy viết rõ lý do ra. Nếu mua vì FA – có catalyst là KQKD tăng trưởng theo quý… mà KQKD quý tiếp theo ko như kỳ vọng tức là lý do bạn mua đã ko còn, đừng có lập luận với bản thân rằng mình vẫn giữ vì ABCXYZ gì đó. Nếu mua theo TA breakout, mà breakout fail à cổ phiếu giảm 10 – 15% so với giá mua – bán ngay khi có thể (đừng lập luận FA cổ phiếu ngon lắm, cổ phiếu dưới giá trị…) Nói tóm lại, bạn mua vì lý do gì thì bán vì lý do đấy. Đừng mua theo FA rồi giữ theo TA hoặc ngược lại mua theo TA rồi giữ theo FA.

    Loại bỏ các cảm xúc, các bias ra khỏi phân tích của bạn: càng khách quan thì bạn sẽ càng nhìn nhận đúng về cổ phiếu /cty mà bạn đang quan tâm. Vấn đề là khi bạn đã mua rồi, bộ não bạn sẽ tự tìm ra ti tỉ lý do để cổ phiếu nó tăng. Khi bạn đã bán, bạn lại tìm đủ lý do để cp giảm. Dừng suy nghĩ kiểu đó lại ngay và đừng ép cổ phiếu phải đi theo ý mình (trừ khi bạn chính là market maker – cá mập hay đội lái). Luôn giữ thái độ khách quan trong phân tích, lập luận của mình sẽ dễ giúp bạn thành công hơn.

    Not comfortable = selldown or sellout (hay là pillow effect) – nếu quá lo lắng về một khoản đầu tư nào đến mức mất ăn mất ngủ vì nó, phải lên diễn đàn F319 để tìm xem người khác đang nghĩ gì về nó, tức là bạn đã ko còn tự tin với khoản đầu tư của mình. Bán ra một phần hoặc bán hết cho tới khi bạn ko còn thấy lo lắng nữa. Nhớ rằng, giao dịch CK chỉ thành công nếu ta luôn giữ được sự an yên trong suy nghĩ. Nếu lúc nào cũng bồn chồn lo lắng à bạn làm nghề khác còn hơn.

    Know the odds = luôn luôn biết rằng tỷ lệ thắng/thua cho giao dịch của bạn là thế nào. Nếu khả năng gain/loss 50%. Với người chơi mới, tỷ lệ 50% là đáng mơ ước lắm đấy.

    Ngoài những điều chung này ra, tùy theo bạn là nhà đầu tư theo cơ bản, đầu cơ theo TA hay con bạc gì nữa, thì cũng có những nguyên tắc riêng cho từng loại. Các bạn tự khám phá tìm tòi thêm theo trường phái mình chọn để xây dựng bộ quy tắc kỷ luật cho mình.

    Chúc các bạn sớm làm nhà đầu tư có kỷ luật, xây dựng cho mình thói quen chiến thắng!

    GOOD LUCK & GOOD TRADE!!!
    caybaobap thích bài này.
  8. caybaobap

    caybaobap Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    08/08/2015
    Đã được thích:
    59
    bác viết bài hay, tâm huyết. mà viết được đôi ba bài rồi lăn mất tăm đâu rồi.bác viết tiếp để tôi chém gió với bác cho vui nhé.

Chia sẻ trang này