Quan điểm cá nhân về việc kết hợp Phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản

Chủ đề trong 'Thị trường chứng khoán' bởi binhfantasy1406, 30/07/2021.

8194 người đang online, trong đó có 1121 thành viên. 15:33 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
Chủ đề này đã có 2988 lượt đọc và 3 bài trả lời
  1. binhfantasy1406

    binhfantasy1406 Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    24/12/2005
    Đã được thích:
    496
    Quan điểm riêng của (Binhnt.tamviet@gmail.com) chỉ dành riêng cho đầu tư chứng khoán.

    Đây là bài viết tôi chia sẻ ở Group Wyckoff - VSA

    Nếu muốn trao đổi các bạn có thể join vào đây

    https://www.facebook.com/groups/381246259939234/


    Tuy hơi dài nhưng các bạn hãy cố đọc hết. Biết đâu bạn tìm được điểm sáng nào đó

    Hôm nay chúng ta sẽ đi sâu vào việc kết hợp giữa phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật.

    I. Đầu tiên tôi đề cập đến việc xác định vùng hỗ trợ và kháng cự.

    Nhiều bạn có thể đang thắc mắc đây là một công việc rất đơn giản đối với bất kỳ một nhà phân tích kỹ thuật nào.

    Tuy nhiên hôm nay tôi không đề cập đến vùng hỗ trợ và kháng cự theo phân tích kỹ thuật.

    Cái mà tôi đề cập ở đây là vùng kháng cự vào hỗ trợ theo phân tích cơ bản.

    Tôi biết trong group này không có nhiều người sử dụng phân tích cơ bản, nên những khái niệm mà tôi đưa ra ở đây có thể gây sự khó hiểu đối với các bạn.

    Thực ra không có vùng hỗ trợ và kháng cự trong phân tích cơ bản đây chỉ là một khái niệm mới theo quan điểm của riêng cá nhân tôi khi kết hợp giữa 2 trường phái phân tích khác nhau.

    Trong phân tích cơ bản người ta tập trung vào việc đọc hiểu các báo cáo tài chính, sau đó phân tích chúng để hình dung ra bức tranh toàn cảnh về một doanh nghiệp.Và một công việc bắt buộc phải làm đối với bất kỳ một nhà phân tích cơ bản là đó là định giá doanh nghiệp để tìm ra giá trị nội tại của doanh nghiệp đó. Sau đó họ mới tiến hành mua khi giá cả thấp hơn giá trị mà họ định giá.

    Giá trị nội tại này không phải là một mức giá cố định mà là một vùng giá có mức giá cao phía trên và mức giá thấp phía dưới.

    Tôi gọi đây chính là vùng hỗ trợ và kháng cự của giá trị nội tại.

    - Nguyên lý cốt lõi của phân tích cơ bản đó là chỉ mua cổ phiếu khi giá cả thấp hơn từ 20 đến 30% trở lên so với vùng giá trị nội tại được xác định (gọi là biên an toàn).

    - Và công việc định giá không phải là một môn khoa học chính xác, mà chúng là một nghệ thuật.Và nghệ thuật ở đây là mỗi người tùy theo kỹ năng sẽ có những mức định giá khác nhau, và ai có kỹ năng định giá tốt và chuẩn xác nhất thì họ sẽ là những người thành công nhất, điển hình chính là ngài Warren Buffet.

    Ở đây chúng ta phân biệt 2 khái niệm: Giá cả thị trường và giá trị nội tại

    Giá cả thị trường: chính là mức giá đang biến động mỗi giây trên cái bảng điện.

    Giá trị nội tại: chính là mức giá được định giá theo các công thức tính toán.

    - Theo phân tích kỹ thuật: Giá cả thị trường có tính chu kỳ: sẽ có các giai đoạn giá đi ngang, các giai đoạn giá có xu hướng tăng và xu hướng giảm.

    - Giá trị nội tại cũng vậy, chúng cũng có chu kỳ.Đi ngang khi doanh nghiệp duy trì sự ổn định trong hoạt động kinh doanh. Có xu hướng tăng khi doanh nghiệp liên tục mở rộng tăng trưởng và phát triển mạnh. Hoặc xu hướng giảm khi doanh nghiệp bị thu hẹp quy mô, kinh doanh thua lỗ hoặc gặp những biến cố bất ngờ khiến cho công việc kinh doanh trì trệ...

    - Giá cả thị trường sẽ giao động hình sin xung quanh các giá trị nội tại này. (Do quy luật cung cầu, tâm lý thị trường, tin tức, hoặc do sự thay đổi trong cảm nhận giá trị của nhiều nhà đầu tư lớn...)

    - Và các nhà đầu tư giá trị theo cơ bản sẽ tận dụng sự giao động này để mua vào khi giá cả thấp hơn giá trị (Biên an toàn) và bán ra khi giá cả vượt quá giá trị nội tại. Đây là nguyên lý cơ bản về hoạt động của dòng tiền thông minh mà Wyckoff đã đề cập.

    - Dựa vào việc xác định các vùng giá trị nội tại này, chúng ta cũng có thể xác định vùng hỗ trợ và kháng cự và các kênh giá đi lên cũng như các kênh giá đi xuống giống hệt như phân tích kỹ thuật.

    II. Tại sao phải sử dụng phân tích cơ bản

    Đến đây nhiều bạn thắc mắc tại sao lại rắc rối đến vậy?

    Quan tâm phân tích cơ bản và xác định giá trị nội tại làm gì. Khi trong phân tích kỹ thuật chúng ta đã có đủ các công cụ cần thiết nhất để xác định các biến động giá.

    Phân tích kỹ thuật nhanh và đơn giản hơn phân tích cơ bản nhiều.

    Cũng như việc tại sao phải học về phân tích cơ bản, trong khi chỉ cần dựa vào phân tích kỹ thuật là chúng ta đã có thể xác định những thời điểm mua và bán cho lợi nhuận tốt rồi?

    Khi tôi mới học về phân tích cơ bản tôi nhận được rất nhiều quan điểm như:

    - Học làm gì môn này cho tốn thời gian.

    - Học làm gì vì phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật có lý thuyết và quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau.

    - Học lắm dễ bị loạn trưởng và tẩu hỏa nhập ma.

    Nếu ngày đó tôi bị những quan điểm này thuyết phục thì đã không có tôi của ngày hôm nay. Và có lẽ sẽ không bao giờ có những bài viết như thế này.

    Khi tôi bắt đầu việc học về phân tích cơ bản, tôi bắt đầu từ câu hỏi tại sao?

    Tôi muốn biết tại sao nhiều nhà đầu tư chỉ sử dụng duy nhất phương pháp phân tích cơ bản lại có thể trở nên rất giàu có và thành công như Warren Buffet...

    Cũng như tại sao nhiều nhà đầu cơ chỉ sử dụng duy nhất phân tích kỹ thuật cũng trở nên rất giàu có và thành công như Jesse Livermore....

    Hoặc tại sao nhiều nhà đầu tư kết hợp cả phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật cũng trở nên rất giàu có và thành công như George Soros, Williams Oneil, Mark Minervini...

    Chính câu hỏi tại sao đó là động lực khiến tôi dành thời gian và sự quyết tâm theo đuổi việc học về phân tích cơ bản.

    Mặc dù ban đầu tôi chỉ là một nhà phân tích kỹ thuật thuần túy: Nên các khái niệm hoặc lý thuyết về phân tích kỹ thuật đối với tôi rất dễ học và dễ hiểu.Trong khi những khái niệm về phân tích cơ bản lại rất khó hiểu, gây sự bực bội nhàm chán đến khó chịu, đặc biệt là ở thời điểm ban đầu khi tôi học về đọc hiểu báo cáo tài chính và phân tích DN.

    Tuy nhiên sau khi vượt qua những giai đoạn khó khăn ban đầu, càng học sâu về phân tích cơ bản tôi lại càng có nhiều sự thích thú và đam mê.

    Cuối cùng sau khi nắm vững được các nguyên lý cốt lõi nhất về phân tích cơ bản tôi đã phải thốt lên Ơrêca - tìm ra rồi. Thiếu điều giống như nhà bác học Acsimet khi ông đã tìm ra định luật về sức đẩy của nước khi đang tắm. Ông đã sung sướng nhảy ra khỏi bồn tắm, chạy thẳng về phòng làm việc mà quên cả mặc quần áo, miệng kêu lớn: "Ơrêca! Ơrêca (Tìm thấy rồi! Tìm thấy rồi!).

    Sử dụng phân tích cơ bản cho những lúc thị trường Downtrend hoặc bị một diễn biến bất ngờ nào đó (Thiên nga đen). Thì chúng cũng giúp tôi biết được rằng mình đang cầm Vàng và Kim cương, đừng nên hoảng loạn bán tháo.

    Hoặc khi ta có đợt Saleoff hàng loạt, Vàng và Kim cương đang được bán tháo với giá rẻ mạt, thì phân tích cơ bản cũng giúp tôi có sự tự tin mua thêm vào theo dòng tiền thông minh.

    Giờ thì các bạn đã hiểu dòng tiền thông minh mà Wyckoff đề cập hoạt động dựa trên nguyên lý nào rồi đó.

    Cho nên bạn nào thông minh thì hãy học theo dòng tiền thông minh cho đúng cách. Việc chỉ dùng duy nhất bộ công cụ của Wyckoff để giúp nhận diện ra dòng tiền thông minh chỉ là phần ngọn của vấn đề.

    Phân tích kỹ thuật chỉ là các chiêu thức bề ngoài. Còn phần nội công tâm pháp chính là phân tích cơ bản. Muốn trở thành đại cao thủ hàng đầu trong thiên hạ ta cần luyện cả nội công tâm pháp và chiêu thức kỹ thuật.


    III. Nguyên lý kết hợp giữa phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật.

    Đây là quan sát của tôi:

    1. Nếu các bạn chỉ thuần đánh ngắn hạn dưới 3 tháng, chỉ cần dùng phân tích kỹ thuật là đủ. (Thời hạn 3 tháng là một cái mốc, bởi vì mỗi 1 quý các doanh nghiệp thường đưa ra các báo cáo tài chính 1 lần và dựa vào đó các tổ chức sẽ tiến hành Định giá lại giá trị doanh nghiệp. Từ đó giá cả thị trường sẽ có những sự dao động tạo thành các xu hướng mới dựa trên việc mua vào bán ra của các tổ chức lớn). Ưu điểm ngắn hạn là có thể các bạn xoay vòng vốn nhanh hơn, kiểm soát rủi do nhanh hơn. Nhưng nhược điểm là lợi nhuận cũng mỏng hơn, tỷ lệ đúng sai cũng chỉ 50/50. Tất cả vấn đề nằm ở chỗ bạn có kiểm soát rủi do nhanh ko? (đọc về Mark Minervini về quan điểm này). Và nhược điểm tiếp theo là thời gian theo dõi bảng điện liên tục gây lãng phí rất nhiều time vô ích và sinh ra nhiều cảm xúc tiêu cực nhất thời.

    2. Nếu các bạn đánh dài hạn từ trên 1 năm trở lên hãy thuần sử dụng phân tích cơ bản. Tập trung tối đa công lực vào việc phân tích và lựa chọn các doanh nghiệp tốt nhất, mua và nắm giữ chúng trong dài hạn, mà không cần phải quá quan tâm vào các biến động giá ngắn hạn. Hãy dành thời gian còn lại để tận hưởng cuộc sống và làm những công việc yêu thích khác. Đầu tư theo cách này khá nhàn nhã, bạn có rất nhiều time để làm các công việc yêu thích khác. Vì chỉ mỗi 3 tháng bạn mới phải xem xét lại danh mục một lần thông qua phân tích các báo cáo quý.

    3. Nếu các bạn đánh trung hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm hãy sử dụng phương pháp kết hợp giữa phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản, đây là phương pháp tối ưu nhất. Tuy nhiên điều này chỉ dành cho những người có nhiều thời gian cho chứng khoán và sự đam mê nghề nghiệp. Vì nó đòi hỏi rất nhiều kỹ năng và tốn khá thời gian ban đầu để luyện thành chúng. Luyện theo phong cách này, ban đầu bạn sẽ kiếm được ít tiền hơn so với những người đầu tư ngắn hạn, nhưng về dài hạn bạn sẽ vượt trội hơn rất nhiều so với họ. Vì kỹ năng của bạn đa dạng hơn và tỷ lệ thắng của bạn cao hơn họ nhiều.

    Cho nên bước đầu tiên trong bộ hướng dẫn xây dựng hệ thống đầu tư của tôi đã chia sẻ cho các bạn chính là xác định rõ nét: Ban đầu Bạn muốn chơi theo phong cách đầu tư nào. Để từ đó định hướng các mục tiêu thật rõ ràng. Sau đó mới đến quá trình học tập và rèn luyện các kỹ năng cần thiết.

    Trở lại với nghiên cứu mà tôi đã đề cập ở bài viết trước: Trong chứng khoán có 90 đến 95% các nhà đầu tư ngắn hạn là thua lỗ. Chỉ có đầu tư trung và dài hạn mới ít thua lỗ và đem lại lợi nhuận

    Vậy tại sao chúng ta lại lãng phí thời gian và công lực của mình cho một môi trường có nhiều sự cạnh tranh cao và xác suất thắng thì ít, mà tỷ lệ thua lỗ lại lớn?

    Tại sao không dành thời gian và công lực cho một mảnh đất màu mỡ hơn ít sự cạnh tranh hơn, tỷ lệ thắng cao hơn, thua lỗ ít hơn.

    Đó là đầu tư trung và dài hạn.

    Đầu tư trung và dài hạn nhàn hạ hơn, có nhiều thời gian có ích hơn dành cho việc học tập, nghiên cứu hoặc làm các công việc khác. Tránh được sự lãng phí thời gian vào việc ngắm nghía cái bảng điện mỗi giờ, mỗi phút.

    Chỉ trừ những lúc quyết định mua sau khi nghiên cứu tổng thể các vấn đề, tôi mới dành thời gian cho việc ngắm bảng điện để chọn điểm mua tối ưu. Sau khi mua xong tôi có thể tắt bảng điện và dành thời gian còn lại cho việc nghiên cứu và học tập (quan điểm này Mark Minervini có đề cập trong quyển sách của ông). Anh em nào chú ý đọc kỹ sẽ thấy.


    IV. Chúng ta đều bị ràng buộc bởi thời gian.

    Cuộc đời này đều cho chúng ta 24 giờ mỗi ngày không ai nhiều hơn ai.

    Chúng ta cũng không thể kéo dài hay rút ngắn thời gian, cũng không thể tiết kiệm thời gian để dùng cho sau này.

    Cuộc đời này tuổi thọ trung bình của loài người chỉ tầm 60 cho đến 80 tuổi.

    Chúng ta cũng phải phân bổ thời gian cho rất nhiều các công việc khác, mối quan tâm khác, nên thời gian luôn là không đủ cho tất cả mọi người.

    (Vậy mà tôi thấy rất nhiều người đang cực kỳ lãng phí thời gian có ích của họ, khi dành quá nhiều time vào những công việc vô bổ ko đem lại lợi ích gì lớn lao cho cuộc đời họ. Do đó, họ thường xuyên chán nản, thất bại, chửi đời, trách người là chuyện đương nhiên tất yếu).

    Đó là những giới hạn vật lý thời gian mà chúng ta buộc phải chấp nhận và tuân theo quy luật của tự nhiên.

    Cho nên hãy dành thời gian của bạn cho những công việc có ích bạn sẽ thấy sự hiệu quả của nó trong tiến trình phát triển và tiến bộ của bản thân.

    V. Phải học các kỹ năng mới để kết hợp được giữa phân tích cơ bản và phân tích kỹ thuật

    Trong tài liệu hướng dẫn xây dựng hệ thống đầu tư tôi nhấn mạnh ở bước đầu tiên đó là lựa chọn phong cách đầu tư.

    Từ bước đầu tiên này chúng ta mới xác định con đường chúng ta cần đi và các kỹ năng cần thiết cho hành trình này.

    Nếu các bạn không xác định rõ ràng ngay bước đầu tiên này, bạn sẽ rất mông lung trong công việc định hình các kỹ năng, cũng như phân bổ thời gian của mình cho hợp lý. (Trong quá trình lựa chọn, bạn nên tham khảo tư vấn từ những nhà đầu tư thành công lâu năm hơn ở nhiều phong cách khác nhau, để tổng hợp các quan điểm trước khi xác định rõ phong cách đầu tư của mình cần theo đuổi là gì).

    Công việc tiếp theo là chúng ta cần bỏ thêm 1 chút thời gian để học thêm một vài kỹ năng mới.

    Đó là kỹ năng đọc hiểu các báo cáo tài chính. Kỹ năng phân tích, đánh giá và định giá doanh nghiệp cho các bạn trước giờ chỉ chuyên về phân tích kỹ thuật.

    Đối với những người có toàn thời gian cho công việc nghiên cứu và đầu tư chứng khoán thì khoảng thời gian cần thiết để học về kỹ năng này mất tầm khoảng trên dưới 1 năm, những người có ít thời gian hơn sẽ mất khoảng thời gian dài hơn.

    Lưu ý:Với những người thuần theo phân tích kỹ thuật khi mới chuyển sang học phân tích cơ bản sẽ có cảm giác cực kỳ khó chịu lúc đầu, tuy nhiên vượt qua cảm giác ban đầu này bạn sẽ rất thích thú khi làm chủ đc kỹ năng mới này.

    Tất cả chỉ là do thói quen mà thôi. Việc của chúng ta chỉ là vượt qua cảm xúc khó chịu ban đầu khi tập luyện một thói quen mới.

    Giống như các nhà phân tích kỹ thuật chuyên nghiệp, khi nhìn qua đồ thị giá thì họ đã biết đâu là điểm mua hợp lý đem lại lợi nhuận ngay lập tức cho họ. Nhưng khi nhìn vào 1 bảng báo cáo tài chính thì họ chỉ thấy những con số khó hiểu và chả rút ra được điều gì hay cả.

    Hoặc các nhà phân tích cơ bản chuyên nghiệp, khi lướt qua một bảng báo cáo tài chính, chỉ trong vòng vài phút là họ đã có thể biết có thể mua được doanh nghiệp này hay không ngay lập tức. Nhưng khi nhìn vào đồ thị giá họ chỉ thấy những đường ngoằn nghèo khó hiểu.

    Tất cả phụ thuộc vào các kỹ năng mà họ còn thiếu. Các kỹ năng này có thể họ biết nhưng không muốn học hoặc không chịu học. Vì nó không phù hợp với phong cách đầu tư mà họ đã chọn.

    Những ai đầu cơ ngắn hạn hầu hết đều đã đọc qua các cuốn sách của William Oneil và Mark Minervini. Đều biết các ông đều rất chú trọng việc phân tích cơ bản khi lựa chọn cổ phiếu. Tuy nhiên trong các quyển sách họ viết, lại không quá tập trung cho việc phân tích sâu về một doanh nghiệp, như bỏ qua việc định giá, xác định vùng giá trị nội tại của doanh nghiệp.

    Tôi nghĩ đây là mảnh ghép còn thiếu duy nhất để bổ sung cho các lý thuyết của họ. Và để tìm kiếm mảnh ghép này, chúng ta cần phải tự nâng cấp kỹ năng của mình để tìm tòi, nghiên cứu và bổ sung thêm chúng cho phương pháp đầu tư của Chính Mình.

    VI. Xác định tư duy và tầm nhìn trong đầu tư

    Việc dùng phân tích cơ bản để phân tích DN và xác định giá trị nội tại của doanh nghiệp có thể trong ngắn hạn không đem lại cho các bạn lợi nhuận ngay lập tức, nhưng chúng cực kỳ quan trọng trong việc đem đến cho bạn 1 tầm nhìn có tính vĩ mô toàn cảnh.

    Sau khi có tầm nhìn vĩ mô toàn cảnh, tiếp đến chúng ta tập trung vào quan sát góc nhìn cận cảnh hơn của cổ phiếu qua việc xác định xu hướng giá, các mẫu hình giá, các vùng hỗ trợ và kháng cự cũ, nó đang nằm ở sóng Elliott nào, dùng thêm Fibonacci để xác định các vùng đảo chiều tiềm năng...

    Cuối cùng là tập trung vào tầm nhìn vi mô qua việc quan sát và phân tích từng cây nến để xác định điểm mua tối ưu đem lại lợi nhuận ngay lập tức.

    Trước giờ nhiều bạn thắc mắc tại sao tôi lại quá tập trung vào việc tích nến như vậy.

    Bởi vì sau khi tôi có được tầm nhìn vĩ mô toàn cảnh qua phân tích cơ bản và tầm nhìn cận cảnh qua các mô hình giá và xác định xu hướng thì việc cuối cùng còn lại mà tôi cần tập trung vào là tầm nhìn vi mô (phân tích từng cây Nến).

    Đây là điều đã dẫn tôi đến việc nghiên cứu sâu môn VSA và Wyckoff.

    Qua phân tích vi mô, chúng đem lại cho tôi điểm mua có lợi nhuận ngay lập tức. Đồng thời vẫn đảm bảo cho tôi sự an toàn cho trung và dài hạn, khi tôi vẫn được mua ở vùng giá rẻ dưới vùng giá trị nội tại (Vùng có biên an toàn theo phân tích cơ bản).

    Giờ các bạn đã hiểu tại sao tôi lại nghiên cứu sâu về môn VSA và Wyckoff rồi đó.

    Chúng nó là mảnh ghép còn thiếu mà tôi cần phải hoàn thiện nốt trong hành trình của mình.

    Tôi cũng tiết lộ cho các bạn biết, thời gian tôi tìm hiểu về bộ môn VSA và Wyckoff chỉ tầm hơn 1 năm trở lại đây.

    Nếu nói về việc phân tích cổ phiếu theo phương pháp Wyckoff thì tôi còn thua kém rất nhiều các bạn ở Group này. Thậm chí việc vẽ các pha Wyckoff với tôi chỉ như học sinh tiểu học đứng trước các sinh viên đại học là các bạn.

    Nhưng tôi nghĩ những gì cốt lõi nhất về bộ môn này tôi tin là mình đã nắm rõ. Và để luyện cho đạt đến sự tinh túy thì cần thêm nhiều thời gian nữa.

    Tuy nhiên sau khi hoàn thành xong các khóa học về phân tích cơ bản, đối với tôi việc vẽ pha của Wyckoff cho chính xác không còn quá quan trọng.

    Bởi vì tôi đã xác định được đâu là một Doanh nghiệp tốt đâu là một doanh nghiệp xấu. Đâu là vùng giá trị hợp lý của cổ phiếu. Từ đó tôi đã biết được đâu là vùng tích lũy, đâu là vùng phân phối của cổ phiếu.

    Và chỉ trong thời gian ngắn nữa thôi, khi các kỹ năng về phân tích cơ bản của tôi đc hoàn thiện tốt hơn, thì việc tôi xác định đâu là vùng tích lũy lại, đâu là vùng phân phối lại cũng sẽ dễ như trở bàn tay.

    Dựa vào định giá tôi có thể xác định được cổ phiếu đang ở một giai đoạn nào trong chu trình vòng đời của nó rồi. Việc sử dụng các công cụ kỹ thuật như việc vẽ pha Wyckoff chỉ là một công cụ giúp thêm cho tôi trong việc đo lường diễn biến cung cầu, cũng như tâm lý của các nhà đầu tư đang diễn ra trên thị trường mà thôi.

    Vẽ pha Wyckoff chúng cũng không quá quan trọng– Không biết quan điểm này của tôi có khác với các chuyên gia Wyckoffian ko?

    Việc sử dụng phân tích cơ bản giúp tôi biết vùng mua hợp lý của cổ phiều, và việc phân tích kỹ thuật giúp tôi gia tăng thêm lợi nhuận qua việc chọn điểm mua bán tối ưu nhất. Cũng như kiểm soát rủi do tốt hơn so với những người chỉ thuần theo phân tích cơ bản.

    VII. Xác định tư duy đúng

    Các bạn thấy đấy trong quá trình học tập: Tư duy đầu tư đúng mới là thứ quan trọng nhất còn kiến thức và kỹ năng chỉ là thứ bổ sung theo sau.

    - Nếu bạn tư duy đúng bạn sẽ xác định được hướng đi đúng. Trong hướng đi đúng đó tự bạn sẽ xác định đc cần phải hoàn thiện các kỹ năng gì để cho hành trình của mình được thuận lợi và nhanh tới đích nhất.

    - Nếu bạn tư duy sai thì chắc chắn bạn sẽ xác định hướng đi sai và hành trình của bạn sẽ chỉ là một vòng lặp nối tiếp các sai lầm hoặc là những cái đường ngoằn ngoèo không rõ xu hướng. Chắc chắn con đường thành công của bạn sẽ kém xa và dài hơn những người tư duy đúng khác.

    Trong các bài viết trước tôi luôn nhấn mạnh vào việc rèn luyện thật nhiều các kỹ năng và dành thời gian để học càng nhiều phương pháp đầu tư càng tốt.

    Giờ chắc các bạn đã hiểu ý của tôi.

    Lý do bởi vì tất cả chúng đều cung cấp cho ta những góc nhìn khác biệt.

    Quay trở lại câu chuyện các thầy bói mù và con voi: chúng ta đều biết con voi vẫn chỉ là một con voi. Mặc kệ các thầy bói mù có quan sát và phán xét con voi ở bất kỳ góc nhìn khác biệt nào: Người bảo con voi giống như một cái cột đình khi sờ vào chân, người bảo con voi giống cái chổi khi sờ vào đuôi, người bảo con voi giống cái quạt khi sờ vào tai…Nhưng con voi là con voi, đó là sự thật ko cần phải bàn cãi nhiều. Những góc nhìn khác biệt hoàn toàn có rất ít giá trị gì trong việc xác định đâu là con voi thực sự. Nếu có thì cũng chỉ là sự suy đoán mông lung ko rõ ràng.

    Chỉ có một tầm nhìn tổng quát được tập hợp từ nhiều phương pháp khác nhau mới đem lại cho chúng ta bức tranh rõ ràng nhất về sự thật.

    Tất nhiên để đạt được tầm nhìn này chúng ta phải bỏ ra rất nhiều time để luyện được các kỹ năng cơ bản cần thiết.

    Do thời gian là hữu hạn, nên chúng ta chỉ cần tập trung vào vài môn thiết yếu nhất và hãy cố gắng nắm bắtnhững điều cốt lõi cơ bản nhất nhất trong đó là đủ. Sau đó kết hợp chúng lại với nhau cho đúng cách, thử nghiệm và chỉnh sửa dần dần. Không cần phải đi quá sâu như khi chỉ luyện 1 môn duy nhất.

    (Bản thân tôi ngoài việc ăn và ngủ ra, còn lại toàn bộ thời gian của tôi là dành cho chứng khoán, mà tôi còn cảm thấy mình không có đủ thời gian để học và đọc các tài liệu.

    Tuy nhiên khi kỹ năng của mình còn yếu hoặc thiếu trong mảng gì, thì chúng ta có thể mượn sức lực của người khác qua việc theo đuôi và học hỏi những người giỏi hơn. Hoặc hỏi ý kiến từ các chuyên gia xịn)

    Cũng lưu ý là: Những người luyện 1 trường phái duy nhất cũng có thể thành công nhờ luyện đến tầng thâm sâu nhất của nó. Tuy nhiên hãy đọc lại lưu ý của tôi trong bộ hướng dẫn tôi đã chia sẻ: chuyên sâu về 1 lĩnh vực nhưng hiểu biết phải đa lĩnh vực khác.

    Đó là toàn bộ suy nghĩ của tôi về vấn đề này muốn chia sẻ với các bạn.

    Hơi dài dòng văn tự chút. Hy vọng các bạn tự tìm cho mình những điểm sáng.

    Nếu các bạn có các quan điểm khác hãy cùng chia sẻ để chúng ta có thêm nhiều góc nhìn khác biệt trong việc mô tả chú voi đầu tư này.

    Thân.
    P_BBS, sao_lai_the, phikhonglo1 người khác thích bài này.
  2. motbuocchanbenho

    motbuocchanbenho Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    08/03/2015
    Đã được thích:
    136
    Rất tâm huyết ! :drm3
  3. phikhonglo

    phikhonglo Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    07/03/2010
    Đã được thích:
    42.558
    Lý thú đấy
  4. Aquarius01

    Aquarius01 Thành viên này đang bị tạm khóa Đang bị khóa Not Official

    Tham gia ngày:
    03/07/2018
    Đã được thích:
    5.159
    FA + VSA là 1 sự kết hợp tuyệt vời. Nhưng việc xác định các phase trong thực tế rất luộm thuộm, không thực dụng. Chỉ cần các SOS SOW là đủ.
    sao_lai_the thích bài này.

Chia sẻ trang này