‎25 năm hải chiến Trường Sa

Chủ đề trong 'Giao Lưu' bởi thangbomchoick, 15/03/2013.

7573 người đang online, trong đó có 1026 thành viên. 11:00 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 3 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 3)
Chủ đề này đã có 4124 lượt đọc và 41 bài trả lời
  1. thangbomchoick Thành viên này đang bị tạm khóa Đang bị khóa

    Sáng giờ em xới tung cái F319 mà không đào đâu ra một dòng nói về những ngày bi tráng này....

    Các thần dân F319 dạo này bị làm sao ấy nhẩy?

    Buồn.


    25 năm trước, ngày 14.3.1988, 64 người con đất Việt đã ngã xuống biển Đông trước họng súng quân xâm lược Trung Quốc.

    Bao nhiêu % con dân Đất Việt biết được sự thật đau lòng này?​
  2. thangbomchoick

    thangbomchoick Thành viên này đang bị tạm khóa Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    17/08/2011
    Đã được thích:
    1
    25 năm trước, ngày 14.3.1988, 64 người con đất Việt đã ngã xuống biển Đông trước họng súng quân xâm lược Trung Quốc. Sự hy sinh anh dũng của những người lính Việt Nam đã biến địa danh Gạc Ma (thuộc cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) trở thành bất tử.

    Gạc Ma, sáng 14-3-1988. Một vòng tròn bất tử. Những loạt đạn chát chúa. Những lưỡi lê sắc lạnh. Nhiều chiến sĩ VN ngã xuống. Nhưng người khác vẫn ào lên giữ vững ngọn cờ. Ngày hôm nay, trên cả nước sẽ có 64 đám giỗ trong gia đình những người lính hải quân và đồng đội của các anh chắc cũng đang tưởng niệm. Xin thắp một nén nhang tưởng niệm các anh, những người con ưu tú của Tổ Quốc đã ngã xuống để bảo vệ giang sơn khi tuổi đời còn rất trẻ... 25 năm rồi, đến giờ phút này khi đất nước yên bình nhưng xương cốt các anh vẫn còn nằm dưới đáy sâu lòng biển lạnh, đến bao giờ thì các anh mới về được với đất Mẹ?
  3. theluan

    theluan Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    29/06/2010
    Đã được thích:
    1.253
    [};-
  4. tocgiahanquoc

    tocgiahanquoc Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    24/10/2011
    Đã được thích:
    1
    Báo chí như con kẹt. Còn Hải chiến của các anh hùng dân tộc ở Hoàng Sa đâu éo thấy thèn nào đăng.
  5. thangbomchoick

    thangbomchoick Thành viên này đang bị tạm khóa Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    17/08/2011
    Đã được thích:
    1
    Tại sao Trung Quốc đánh chiếm các đảo của Việt Nam vào tháng 3.1988?

    Đảo Gạc Ma đã bị quân Trung Quốc đánh chiếm vào ngày 14.3.1988 - Ảnh: D.Đ.Minh
    (TNO) Từ đầu năm 1988, Trung Quốc đã sử dụng một lực lượng lớn hải quân gồm nhiều tàu chiến chiếm đóng một loạt đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

    >> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 1: Cuộc xâm lược của Trung Quốc
    >> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 2: Anh hùng đất Việt
    >> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 3: 1.000 ngày bị địch bắt
    >> 25 năm hải chiến Trường Sa - Kỳ 4: Cuộc trở về của anh hùng Nguyễn Lanh
    >> Ngày 14.3.1988, hai lăm năm nhìn lại

    Cao trào của hành động xâm lược này diễn ra vào ngày 14.3.1988 khi biên đội gồm 6 tàu chiến, trong đó có 3 tàu hộ vệ có trang bị tên lửa và pháo 100 mm, của Trung Quốc đã bắn chìm và cháy 3 tàu vận tải của Việt Nam tại bãi đá ngầm Gạc Ma trong cụm đảo Sinh Tồn của Việt Nam.

    Trong vụ thảm sát này, 64 binh sĩ Việt Nam đã anh dũng hy sinh. Sau đó Trung Quốc còn ngăn chặn không cho tàu mang cờ chữ thập đỏ ra cứu những người bị thương, bị nạn.

    Điều phải lưu ý là đây là lần đầu tiên người Trung Quốc (lục địa) đặt chân đến Trường Sa. Trước đó, với tư cách quan phương, Trung Quốc chưa bao giờ có mặt ở vùng biển này.

    Tàu HQ505 đã lao lên bãi ngầm ở đảo Cô Lin cắm cờ khẳng định chủ quyền Tổ quốc vào ngày 14.3.1988 - Ảnh: tư liệu

    Đã một phần tư thế kỷ trôi qua, từ sự kiện 14.3.1988, có những điều cần phải nói rõ như sau:

    Đầu tiên, ngay sau ngày 14.3.1988, thông qua hệ thống tuyên truyền khổng lồ của mình, Trung Quốc đã ngang nhiên bịa đặt trắng trợn với dư luận trong nước và quốc tế rằng: Các tàu Trung Quốc đang thả neo để yểm trợ cho tàu chở đoàn các nhà khoa học Liên Hiệp Quốc (LHQ) đi khảo sát khoa học tại Trường Sa thì bị các tàu chiến của Việt Nam tấn công. Vì thế hải quân Trung Quốc bắt buộc phải đánh trả tự vệ!

    Sau đó thông qua người phát ngôn của Tổng thư ký, LHQ đã nói rõ: không hề có tàu của LHQ tổ chức khảo sát khoa học ở Trường Sa vào 3.1988!

    Rõ là “cháy nhà ra mặt chuột” và chính quyền Trung Quốc đã “lấy thúng úp voi”, đã “lấy thịt đè người” lại còn muốn lấy tay che mặt trời!

    Đã không có tàu khảo sát khoa học của LHQ thì chắc chắn không có việc tàu chiến Việt Nam tấn công tàu Trung Quốc. Điều mà nhiều người đều biết đó là chuyện “ngậm máu phun người” là sở trường của các nhà cầm quyền Trung Quốc.

    Trước đó, năm 1962 Trung Quốc phát động chiến tranh biên giới với Ấn Độ và chiếm của Ấn Độ hàng nghìn km2 nhưng lại vu cáo Ấn Độ xâm lược Trung Quốc. Năm 1979, Trung Quốc tiếp tục đem 60 vạn quân xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới Bắc. Sự việc rõ ràng như vậy nhưng cũng được họ tuyên truyền là “phản kích tự vệ quân Việt Nam xâm lược”!

    Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh ngày 14.3.1988 tại Cam Ranh (Khánh Hòa) - Ảnh: tư liệu

    Thứ hai, có một câu hỏi cần đặt ra là, tại sao Trung Quốc lại tiến hành đánh chiếm các đảo của Việt Nam tại Trường Sa vào tháng 3.1988?

    Cuối 1987 đầu 1988 là thời kỳ Việt Nam rơi xuống điểm thấp nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội. Tình hình trong nước chồng chất khó khăn: kinh tế đình đốn, đời sống của đại đa số người dân cực kỳ vất vả.

    Cũng trong thời điểm đó, Liên Xô cũng bắt đầu lâm vào khủng hoảng chính trị - xã hội. Bắc Kinh cúi mình trước Washington, tự nhận là “NATO phương Đông” để nhận được nguồn tài chính và công nghệ, kỹ thuật từ Mỹ và phương Tây để phục vụ cho mục tiêu hiện đại hóa. Trong bối cảnh ấy, Trung Quốc cũng đã câu kết với Mỹ và hầu hết các nước trong khu vực (trừ Lào và Campuchia) siết chặt vòng bao vây, cấm vận đối với Việt Nam.

    Lợi dụng tình thế khó khăn đó của Việt Nam, Trung Quốc đánh chiếm một số đảo của Việt Nam tại Trường Sa phục vụ cho ý đồ lâu dài.

    Trung Quốc cũng là bậc thầy trong việc lợi dụng thời điểm. Mặc dù đã đưa lực lượng ra Trường Sa và có những hoạt động đe dọa từ đầu năm 1988, nhưng thời điểm được Trung Quốc lựa chọn nổ súng rơi đúng vào 14.3.1988 cũng là thời điểm lễ tang Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng được tổ chức tại Hà Nội! Một khi họ đã có dã tâm thì chuyện “tang gia bối rối” lại trở thành điều có thể lợi dụng được!


    Độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là tài sản lớn nhất, quý giá và quan trọng nhất của cả dân tộc - Ảnh: Chiến sĩ canh gác trên đảo Len Đao (quần đảo Trường Sa) - Ảnh: D.Đ.Minh

    Câu chuyện xảy ra ngày 14.3.1988 tại Trường Sa đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự. Sự hy sinh của những người lính Việt Nam 25 năm trước là một lời nhắc nhở tới 90 triệu người đồng bào hôm nay, trước hết là những người có trọng trách với dân tộc, không bao giờ được quên 3 điều:

    Một là, lòng tin phải được đặt đúng chỗ. Đối với Trung Quốc, điều quan trọng không phải là lời nói mà là hành động. Các đấng quân vương Trung Hoa từ xưa đến nay và từ nay về sau đều là những bậc thầy về nghệ thuật “nói một đàng làm một nẻo”. Tin vào những điều mà giới lãnh đạo cấp cao ở Bắc Kinh nói không khác gì chuyện “gửi trứng cho ác”!

    Hai là, cần phải hiểu về con đường mà Trung Quốc lựa chọn. Những toan tính và hành động của Trung Quốc liệu có phải là một quốc gia cộng sản đồng chí như họ từng miêu tả hay thực tế là chính sách dân tộc nước lớn vị kỷ?

    Việc vô cớ đem quân đánh chiếm các đảo của một quốc gia láng giềng, bất kể quốc gia đó phát triển theo đường lối nào cũng là đi ngược lại những nguyên tắc sơ đẳng trong quan hệ quốc tế và phản bội đối với chủ nghĩa Marx - Lênin mà Trung Quốc từng sử dụng như một chiêu bài.

    Láng giềng là vĩnh viễn và không bao giờ thay đổi, trừ phi có một trận siêu động đất đẩy hai quốc gia ra xa nhau!

    Việt Nam cần và mong muốn có một mối quan hệ hữu nghị, ổn định, lâu dài với Trung Quốc. Tuy nhiên quan hệ ấy cần được đặt trong sự tôn trọng lẫn nhau về nhiều mặt, đặc biệt là vấn đề “bất biến” là chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc. Không tỉnh táo nhận thức được điều này, lệ thuộc vào những yếu tố “ứng vạn biến” như “mười sáu chữ”, “bốn tốt” có thể dẫn đến những bước đi sai lầm mang lại hậu quả lớn cho quốc gia, dân tộc!

    Chúng ta đã có được bài học đắt giá khi rơi vào cảnh bị cô lập trên trường quốc tế từ 1979-1990. Bài học ấy cùng với sự kiện 14.3.1988 mách bảo chúng ta rằng bị cô lập không đồng nghĩa với có độc lập, mà ngược lại, bị cô lập sẽ dẫn đến thảm họa, thậm chí mất cả độc lập và chủ quyền quốc gia.

    Các nhà sử học Việt Nam chân chính và những người Việt có lương tâm trong sáng sẽ còn mất nhiều thời gian và công sức nghiên cứu, mổ xẻ, soi xét sự kiện 14.3.1988 một cách khách quan để rút ra bài học bổ ích cho những người Việt hiện nay và các thế hệ mai sau.

    Độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc không thuộc sở hữu riêng của riêng ai. Nó là tài sản lớn nhất, quý giá và quan trọng nhất của cả dân tộc.

    Liêm Thạch
  6. thangbomchoick

    thangbomchoick Thành viên này đang bị tạm khóa Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    17/08/2011
    Đã được thích:
    1
    Gạc Ma-tháng 3 không quên: Chủ động bảo vệ vững chắc chủ quyền
    THU HÀ | 14/03/2013 10:30 (GMT + 7)

    TT - Không được quên lịch sử, phải chủ động bảo vệ vững chắc chủ quyền. Những bài học đó được ôn lại nhân 25 năm xảy ra sự kiện Gạc Ma rơi vào tay quân Trung Quốc xâm chiếm.

    Đúng ngày này 25 năm trước, ngày 14-3-1988, 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam hi sinh, ba tàu hải quân bị bắn cháy trong cuộc chiến không cân sức. Cũng từ ngày này, đảo Gạc Ma rơi vào tay quân Trung Quốc xâm chiếm. Một phần tư thế kỷ trôi qua, quá khứ bi tráng, hào hùng, đớn đau đó đang được hậu thế ôn lại...

    “Chúng ta nhìn lại sự kiện Gạc Ma 1988 và toàn bộ lịch sử quan hệ Việt - Trung để từ những bài học đau đớn đó xác định đường lối chiến lược ngoại giao đúng đắn và giảm tối đa thiệt hại cho mình” - đại tá Quách Hải Lượng, nguyên tùy viên quân sự Đại sứ quán VN tại Trung Quốc (TQ), chia sẻ với Tuổi Trẻ trong những ngày tháng 3 bi tráng.

    Hoàn toàn bất ngờ

    "Cần tranh thủ mọi diễn đàn để nói với quốc tế, với nhân dân ta và cả nhân dân TQ biết những sự thật lịch sử. Với nhân dân ta, chúng ta có thể nhắc nhở hằng ngày, trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Với quốc tế và nhân dân TQ, chúng ta nên tổ chức những diễn đàn khoa học, mời các học giả hàng đầu của TQ đến VN tranh luận công khai, bình đẳng, hữu nghị để đi đến chân lý về chủ quyền của chúng ta"

    Đại tá Quách Hải Lượng

    * Thưa đại tá, 25 năm trước, khi hải quân TQ tấn công tàu hải quân VN và chiếm đảo Gạc Ma, liệu chúng ta có bị bất ngờ?

    - Lúc đó quan hệ hai bên còn khá căng thẳng, tôi đã ở Bắc Kinh về được hai năm (ông Lượng là tùy viên quân sự tại Bắc Kinh từ năm 1981-1986) và công tác tại Học viện Quân sự cấp cao, ban nghiên cứu chiến lược quân sự TQ. Chúng ta không thể lường được họ có thể nã pháo thẳng vào tàu vận tải, xả súng tấn công những người lính không có vũ khí trong tay. Rõ ràng họ đã chủ động tấn công và có mưu đồ xâm chiếm.

    * Không chỉ tấn công quân sự, TQ còn chủ động giáo dục và chủ động thông tin. Vậy chúng ta cần làm gì để đối phó với sự chủ động này mà vẫn cố gắng hết sức tránh xung đột?

    - Trước hết, cần phải hiểu TQ đã làm gì và đang làm gì với VN? Thời Báo Hoàn Cầu thuộc Nhân Dân Nhật Báo - tiếng nói của Đảng Cộng sản TQ - liên tục đưa ra những phân tích, xã luận, những bài viết có trích dẫn “như thật” tạo nên một hình ảnh VN rất xấu, hiếu chiến và xâm lược trong mắt người TQ. Có những bài viết dẫn lời một chỉ huy cao cấp của Bộ tổng tham mưu Bộ Quốc phòng VN nói: “Quân đội VN sẽ đánh thẳng đến Bắc Kinh” (!?) mà tên tuổi nhân vật đó không hề có thật. Nhưng người TQ tin, vì chúng ta không tự đứng ra nói lại cho nhân dân TQ hiểu.

    Khi tôi ở TQ, từ đầu những năm 1980, Trung ương Đảng Cộng sản TQ đã tập hợp một số nhà sử học, địa lý viết một bộ sách sáu tập về biển Đông, trong đó bắt đầu khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa của TQ, biển Đông của TQ. Bộ sách ban đầu lưu hành nội bộ, nhưng sau đó TQ đề ra chiến lược “xâm lược bằng bản đồ”, bộ sách được in công khai bằng hai thứ tiếng Hoa - Anh. Đáng buồn là giới học giả TQ không ai lên tiếng phản đối. Quách Mạt Nhược, một học giả nổi tiếng mà VN rất tôn trọng, còn viết thêm bộ sách hai tập nữa, trong đó cũng khẳng định chủ quyền biển Đông là biển Nam Trung Hoa của TQ.

    Chúng ta cần khai thác triệt để và hiệu quả những nguồn tài liệu mình đang có. Đơn cử như một tư liệu trong cuốn Sự thật 30 năm quan hệ VN - TQ của Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia do bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch chủ biên ghi chép rất rõ: Năm 1963, trong cuộc gặp gỡ lãnh đạo ba đảng có xu hướng cộng sản Indonesia, Lào và VN, thủ tướng TQ Chu Ân Lai đặt vấn đề: “Đất nước chúng tôi thì rộng nhưng không có đường ra biển, đề nghị Đảng Cộng sản VN mở đường ra biển giúp chúng tôi”. Nếu lúc đó họ đã có thực quyền trên biển Đông, sao còn phải đặt vấn đề mượn đường ra biển? Sử liệu của cả bốn đảng chắc chắn còn ghi chép sự kiện này, chúng ta phải khai thác một cách hữu hiệu và thuyết phục.

    Không được quyền quên lịch sử

    * Thưa đại tá, cũng không ít người cho rằng chúng ta nên “xếp lại quá khứ, hướng đến tương lai”?

    - Chúng ta chưa bao giờ hết bị gây sức ép, vì chúng ta luôn ở thế bị giằng co giữa các thế lực siêu cường. Chúng ta chỉ có thể chủ động bảo vệ vững chắc chủ quyền nếu chúng ta đủ mạnh. Nhưng nếu muốn trở nên hùng mạnh, chúng ta cần trước hết là hòa bình và ổn định. Do vậy, điểm mấu chốt trong quan hệ với TQ vẫn là hòa mục.

    Là một người lính và làm ngoại giao trong giai đoạn quan hệ hai nước căng thẳng nhất, tôi thấy chủ trương của Nhà nước hiện nay là sáng suốt: kiên quyết bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ nhưng cũng kiên quyết giữ gìn hòa bình, không mắc mưu khiêu khích.

    TQ có thể luôn luôn dọa dẫm gây chiến tranh nhưng thế giới ngày nay đã khác, không thể có chuyện một quốc gia dễ dàng gây chiến với quốc gia khác mà Liên Hiệp Quốc không can thiệp. Nhưng có những xung đột ở cấp độ thấp hơn - như vụ Gạc Ma, mà khi thế giới biết thì chuyện đã xong rồi - TQ là bậc thầy của những “chuyện đã rồi” và là người khai sinh ra chiêu thật giả - giả thật kiểu binh pháp Tôn Tử. Họ rất biết chúng ta không muốn chiến tranh (có dân tộc nào bị đặt vào tình thế phải tham chiến liên miên như chúng ta?) nên luôn dọa gây chiến như một sức ép... Và chúng ta phải đủ sự hiểu biết về TQ, đủ tỉnh táo và đủ mạnh để biết khi nào họ chỉ dọa, khi nào họ dám hành động như vụ Gạc Ma. Và cũng vì thế để có thể hướng đến một tương lai hòa bình trên biển Đông và trên toàn khu vực, không thể và không được quyền quên lịch sử đã diễn ra đau đớn như thế nào.

    Hồi ức hải chiến Trường Sa

    Chiều 13-3, ông Thái Thanh Hùng - chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng - cho biết chương trình giao lưu Hướng về Trường Sa thân yêu diễn ra tại Đài phát thanh - truyền hình Đà Nẵng vào sáng 14-3, đúng ngày kỷ niệm 25 năm trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma sẽ có sự góp mặt của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đại úy Nguyễn Văn Lanh - người có mặt trong sự kiện bi tráng ngày 14-3-1988. Theo ông Hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lanh sẽ kể hồi ức về trận hải chiến năm 1988 để các bạn trẻ hiểu hơn những hi sinh mất mát mà thế hệ trước đã trải qua nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ.



    * Cùng ngày, ông Đào Thái Thi - trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Trường Sa tỉnh Phú Yên - cho biết buổi họp mặt truyền thống hằng năm tưởng niệm đồng đội hi sinh ở Trường Sa do ban liên lạc tổ chức diễn ra sáng nay (14-3) tại xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa (Phú Yên) với sự tham dự của các cựu chiến binh Trường Sa ở Phú Yên, Khánh Hòa và cựu lãnh đạo Lữ đoàn 146 (Vùng 4 hải quân). Đây là năm thứ bảy (tính từ năm 2006), ban liên lạc cựu chiến binh Trường Sa tỉnh Phú Yên tổ chức hoạt động này.

    ĐOÀN CƯỜNG - HU.H.

    Thượng tá Phạm Quang Trung (bí thư Đảng ủy, chính trị viên đảo Trường Sa Lớn): Khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc

    Trong những ngày này, trên đảo Trường Sa Lớn chúng tôi tổ chức cho cán bộ chiến sĩ, đoàn viên thanh niên, nhân dân trên đảo tham gia các hoạt động về nguồn: dâng hương, viếng đài liệt sĩ trên đảo Trường Sa Lớn để tưởng nhớ sự kiện ngày 14-3-1988. Trong những buổi sinh hoạt tập trung, chúng tôi đều ôn lại truyền thống vẻ vang của hải quân VN để ý thức rõ ràng rằng từng tấc đất, từng mét biển mà cha anh gìn giữ và để lại có thấm máu xương, thông qua đó khơi dậy lòng yêu biển, yêu đảo, niềm tự hào, tự tôn dân tộc trong từng cán bộ, chiến sĩ để mỗi người có ý thức trách nhiệm và vững vàng hơn trong thực hiện nhiệm vụ của mình.

    Trung sĩ Dương Minh Triều (21 tuổi, đang công tác tại đảo Trường Sa Lớn): Chúng tôi sẽ sống như các anh

    Quê tôi ở TP.HCM, đã ra công tác tại đảo được hơn một năm rồi. Trong thời gian huấn luyện tân binh, lần đầu tiên tôi được nghe kể câu chuyện về sự kiện ngày 14-3-1988. Cho tới bây giờ, dù đã nghe đi nghe lại nhiều lần về sự kiện này, mình vẫn nghe vẹn nguyên cảm giác xúc động bồi hồi lẫn tự hào căng đầy trong lồng ngực: tự hào được khoác áo chiến sĩ hải quân VN. Trong những lần tâm sự, trò chuyện, chúng tôi vẫn nói với nhau rằng nếu ở trong hoàn cảnh như thế, chúng tôi cũng sẽ hành động như các anh: dù bất cứ giá nào, dù hi sinh thân mình cũng quyết tâm bảo vệ lá cờ của Tổ quốc, giữ vững chủ quyền trên từng tấc đảo, mét biển quê hương.

    Nguyễn Lâm Trâm Anh (giảng viên Trường ĐH Sài Gòn): Khoảnh khắc không quên

    Tôi đã may mắn được tới Trường Sa. Gần hai năm qua, tôi không thể quên được khoảnh khắc cả đoàn chúng tôi đứng lặng người, mặc áo cờ đỏ sao vàng làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ hải quân đã hi sinh ở vùng biển Gạc Ma trong sự kiện ngày 14-3-1988 trên con tàu HQ 996. Cảm giác vẫn còn nóng hổi trong lòng tôi. Hai năm qua, tôi biết rõ chính khoảnh khắc “lặng người” đó đã giúp tôi hiểu rõ giá trị của cuộc sống và lý tưởng của một đời người: sống có ích, sống vì người khác, sống biết quên mình và tự hào mình là một người trẻ của một dân tộc anh hùng. Trường Sa, Hoàng Sa là một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc VN và những ký ức Trường Sa sẽ sống mãi trong lòng những người trẻ chúng tôi để soi rọi và nhắc nhở.

    MAI HƯƠNG ghi

    Làm điều tốt nhất cho biển đảo

    Hôm nay, Lữ đoàn 125 cùng gia đình các liệt sĩ làm lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ anh hùng của mình đã hi sinh 25 năm trước ở đảo Gạc Ma. Hôm nay, tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức triển lãm hình ảnh Trường Sa và bản đồ khẳng định chủ quyền biển đảo VN. Hôm nay, các nhóm sưu tầm “Tổ quốc em có nhiều đảo” của Trường tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1, TP.HCM) đang hối hả bổ sung những tư liệu cuối cùng cho ngày triển lãm 18-3 sắp tới...

    Cần nhắc lại câu chuyện bi tráng máu đỏ hòa vào biển xanh 25 năm trước. Nhưng cũng không thể không nhắc về những hi sinh nối tiếp hi sinh mà 64 gia đình cùng rất nhiều đồng đội của các liệt sĩ Gạc Ma đã âm thầm chịu đựng bao năm qua. Là những giọt nước mắt và giấc mơ được gặp cha mà cô bé Trần Thị Thủy, con gái anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, đã rơi và đã mơ suốt từ thời thơ ấu cho đến tuổi trưởng thành. Là niềm tự hào về người cha anh hùng xen lẫn nỗi tủi thân bơ vơ của cậu bé mất cha Vũ Xuân Đăng, con trai anh hùng liệt sĩ Vũ Phi Trừ. Là những đêm mỏi mòn của những người vợ mất chồng, là sự xót xa của những ông bố bà mẹ mất con. Là những hi vọng được thấy lại nắm xương cốt của người thân cứ tan đi mỗi ngày như viết lên trên cát. Và trên hết là sự chịu đựng mất mát của tất cả họ, vì một mục đích lớn lao hơn là giữ gìn hòa bình cho đất nước, giữ gìn sự vẹn toàn cho hàng ngàn gia đình khác.

    Hôm nay, 14-3, khi câu chuyện ấy được kể lại, Trần Thị Thủy và Vũ Xuân Đăng đã nối bước cha trở thành chiến sĩ hải quân, nguyện tiếp tục dâng đời mình cho Tổ quốc. Nhiều ông bố bà mẹ của các liệt sĩ đã ra đi, không chờ nổi nắm xương của con mình như ông Hoàng Sĩ, bố liệt sĩ Hoàng Ánh Đông. Nhiều nỗ lực tìm kiếm, trục vớt kể cả ngoại giao của các đồng chí, đồng đội, đồng bào để trả nghĩa, trả tình, hoàn tất nhiệm vụ với các liệt sĩ đã và đang được thực hiện. Cũng trong im lặng. Im lặng cống hiến, im lặng ra đi, im lặng tìm kiếm. Những sự im lặng đáng được vinh danh.

    Tôi là một người được nghe người trong cuộc kể lại câu chuyện Gạc Ma. Cũng là người được hưởng một cuộc sống bình yên nhờ những liệt sĩ Gạc Ma và các đồng đội của họ, hôm nay trong số ấy còn có cả con của các liệt sĩ. Tôi hiểu lịch sử nước mình máu đã thấm từng hạt cát. Và hiểu rằng cần phải hành động để biểu thị lòng biết ơn với những người đã ngã xuống, chung tay với những người đang thay mình giữ biển, giữ đất nơi những cột mốc biên giới, giữa hải đảo sóng gió hay núi rừng thâm u... Vậy tôi phải làm gì?

    Lướt qua những bộ sưu tầm và sáng tác của các bé Trường tiểu học Lê Ngọc Hân là một ngạc nhiên thú vị và có thể tìm thấy một câu trả lời cũng thú vị không kém. Còn quá nhỏ để được đi đến một hòn đảo, còn quá nhỏ để hiểu được câu chuyện bi tráng từ Hoàng Sa, Trường Sa, nhưng trước chủ đề “Tổ quốc em có nhiều đảo”, các bé đã đủ tinh nhạy để không chỉ reo lên khi phát hiện “Nước mình có những ba ngàn đảo từ to đến nhỏ”, hay “Em thích đảo Lý Sơn nhất vì đó là vương quốc tỏi, mẹ em hay mua tỏi Lý Sơn”, không chỉ có những bức tranh vẽ cảnh biển với cát vàng và dừa xanh. Những sản phẩm là những bức vẽ các chiến sĩ hải quân tay bồng súng bên lá cờ đỏ sao vàng lộng gió trước những ngọn sóng, bức vẽ nhà giàn DK1 chông chênh và chiếc tàu hải quân VN thật to bên cạnh. Đó là mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa được làm bằng bìa cứng. Là những bộ sưu tập hàng trăm trang tư liệu về các đảo, đủ cả địa lý, lịch sử lẫn văn thơ. Cũng không thiếu cả câu chuyện về ngày 14-3.

    Các bé lớp 5/4 viết “hãy làm điều tốt nhất cho biển đảo của Tổ quốc chúng mình”... Và các bé vẽ cảnh các bạn ở đảo Trường Sa đang ca hát, nhảy dây trong ngôi trường mới, khu vui chơi với những vòng đu quay, tàu lượn lộng gió biển mênh mông.

    Ai đó đã nói rằng trẻ con luôn luôn có lý. Làm điều tốt nhất cho biển đảo, cho biên giới, cho thế hệ trẻ vùng biên cương chẳng phải là một câu trả lời đẹp hay sao?

    Phạm Vũ
  7. thangbomchoick

    thangbomchoick Thành viên này đang bị tạm khóa Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    17/08/2011
    Đã được thích:
    1
    Trường Sa - khúc bi tráng 14-3: Đường về quê mẹ
    MY LĂNG | 15/03/2013 10:01 (GMT + 7)

    TT - Ngày 20-11-2009, 8g sáng tại Viện Pháp y quân đội (Hà Nội) là ngày không thể quên với thân nhân gia đình 8 liệt sĩ tàu HQ-604: sau 21 năm vô vọng họ đã được đón con, đón em, đón cha, đón chồng mình trở về.


    [​IMG]
    Mảng xương sọ của liệt sĩ Đoàn Đắc Hoạch với dấu vết của viên đạn xuyên qua - Ảnh tư liệu của Viện Pháp y quân đội​

    ..Dẫu hình hài các anh không còn nguyên vẹn.

    Ngày về sau 21 năm

    Nhìn tám tiểu sành phủ cờ Tổ quốc đỏ tươi rực rỡ sao vàng nằm sát bên nhau trong hương khói quấn quyện vào nhau, không ai kìm được nước mắt, kể cả những người lính hải quân dày dạn sóng gió. Trước mỗi tiểu sành là biểu tượng Tổ quốc ghi công bằng pha lê, bên trong có chứa giọt gen của từng liệt sĩ.

    Sau khi công bố kết quả giám định và bàn giao cho thân nhân gia đình từng liệt sĩ, một đoàn gồm tám chiếc xe bắt đầu lăn bánh rời khỏi hội trường Viện Pháp y quân đội thẳng tiến về bốn tỉnh: Hải Phòng (liệt sĩ Đoàn Đắc Hoạch ở quận Lê Chân, liệt sĩ Nguyễn Thanh Hải ở huyện Thủy Nguyên), Thái Bình (liệt sĩ Trần Văn Phòng ở huyện Kiến Xương, liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm ở huyện Hưng Hà), Nghệ An (liệt sĩ Đậu Xuân Tư và liệt sĩ Hồ Văn Nuôi đều ở huyện Nghi Lộc) và Quảng Bình (liệt sĩ Trần Văn Quyết ở huyện Quảng Trạch, liệt sĩ Trần Quốc Trị ở huyện Bố Trạch). Trước mỗi xe đều được Bộ tư lệnh hải quân gắn vòng hoa rất trang trọng.

    Trước đó, xe của Bộ tư lệnh hải quân đã về tận nhà đón thân nhân của liệt sĩ ở Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An, Quảng Bình đưa về nhà khách Hải Thành (TP Hải Phòng), nghỉ lại một đêm rồi 4g sáng hôm sau lên Hà Nội. “Sáng ra hỏi mới biết đêm qua cả đoàn không ai ngủ được. Ai cũng mong trời sáng để đi lên Hà Nội” - đại tá Hoàng Ngọc Dương (trưởng phòng dân vận - Bộ tư lệnh hải quân) kể.

    Trong tám chiếc xe rời Viện Pháp y quân đội sáng 20-11-2009 ấy, đại tá Dương là người đi trên chuyến xe đưa liệt sĩ Đoàn Đắc Hoạch về phường Nghĩa Xá (Q.Lê Chân). Người em trai út, người anh rể của liệt sĩ và chủ tịch phường Nghĩa Xá cũng có mặt trên chuyến xe ấy để đón liệt sĩ về nhà. Liệt sĩ Đoàn Đắc Hoạch nhập ngũ tháng 2-1982, là thủy thủ trưởng của tàu HQ-604, hi sinh năm 29 tuổi và chưa kịp được biết thế nào là tình yêu.

    Chỉ một ngày sau khi xảy ra sự kiện 14-3-1988, gia đình nhận được thư anh gửi về. Trong thư anh viết ngắn gọn: “Tết này con không về ăn tết được, bố mẹ tha thứ cho con. Sau tết con sẽ về...”. Tính đến thời điểm đó đã sáu năm anh không được đón tết ở nhà cùng gia đình.

    Bố anh - ông Đoàn Tuấn Nghĩa, năm nay đã 76 tuổi - cho biết: “20 năm sau khi em nó hi sinh, ngày 27 tháng giêng âm lịch và ngày 14-3 dương lịch chúng tôi đều làm giỗ. Từ lâu gia đình đã xác định sẽ không bao giờ tìm thấy em nó trở về. Hi sinh trong đất liền biết bao người vẫn chưa tìm được con huống hồ ngoài biển. Từ ngày người của Bộ tư lệnh hải quân về lấy mẫu giám định thì đến hơn một năm sau mới có kết quả. Cho nên khi được Bộ tư lệnh hải quân báo tin về kết quả giám định ADN, tôi chảy nước mắt, tập trung các con cháu lại, thông báo rõ. Đó là điều mà gia đình trông đợi bấy lâu nay nhưng không dám hi vọng”.

    Hơn 1g chiều, chuyến xe đặc biệt ấy đã đưa liệt sĩ Đoàn Đắc Hoạch về đến ngôi nhà nhỏ ở ngõ 170 Vũ Chí Thắng. Người em gái thứ tư khóc ngất khi chạm vào khối hình chữ nhật bằng gỗ phủ cờ Tổ quốc, bên trong là tiểu sành chứa xương cốt anh trai mình. Mẹ anh, người đã khóc 21 năm nay, lại thêm lần nữa nhòe lệ... Hình hài anh về với quê hương chỉ là một mảnh xương sọ có vết đạn bắn xuyên thủng và một đoạn xương chày phải... để trong tiểu sành phủ cờ Tổ quốc.

    Gia đình liệt sĩ đề nghị được đón con về thẳng nhà và làm lễ truy điệu ngay tại nhà. Chiều hôm sau đưa liệt sĩ về nơi anh đã được sinh ra ở Kim Sơn (Tân Trào, Kiến Thụy, Hải Phòng). Ngay từ khi được Bộ tư lệnh hải quân báo tin về kết quả giám định, gia đình đã xây mộ trước trong nghĩa trang liệt sĩ xã Tân Trào.

    Buổi sáng 21-11-2009, ở nghĩa trang liệt sĩ nằm ngay quốc lộ rất rộng, bà con khắp xã kéo đến tiễn đưa người con đã hi sinh vì Trường Sa nay trở về quê hương sau 21 năm.

    Nhắc về người con trai cả Đoàn Đắc Hoạch, ông Nghĩa tâm sự: “Em nó hiền, quý các em lắm. Trước khi đi em nó cứ dặn mẹ: khi bố về mẹ nói bố cố gắng xin việc gần nhà và cho các em được học ngành nghề đàng hoàng. 29 tuổi vẫn chưa dám yêu cô nào. Giục thì em nó bảo: khi nào về con mới yêu, mới cưới vợ”. Rồi ông chùng giọng, nhìn về phía di ảnh người con trai có gương mặt sáng, nụ cười tươi như hoa, bảo: “Nhiều liệt sĩ vẫn chưa về được quê hương mà bố mẹ thì đã gần chết hết rồi. Nghĩ đến những gia đình khác con cái chưa về được, thấy buồn và thương lắm. Niềm vui của tôi cũng vì thế mà không trọn vẹn”.



    Con đã chiến đấu chứ không bỏ chạy

    Trong khi đó, cũng đi về hướng Hải Phòng là một chuyến xe khác chở hài cốt liệt sĩ Nguyễn Thanh Hải về quê hương ở xã Chính Mỹ (huyện Thủy Nguyên). Liệt sĩ Nguyễn Thanh Hải sinh năm 1968, trẻ nhất trong số tám liệt sĩ được tìm thấy từ tàu HQ-604. Anh nhập ngũ tháng 2-1985, là hạ sĩ trên tàu HQ-604. Người chiến sĩ ấy mãi mãi nằm lại giữa biển khơi khi mới 20 tuổi.

    Ngày đón anh về có một phụ nữ ở rất xa nghe tin đến rất lặng lẽ. Chị đặt bó hoa trước linh cữu người liệt sĩ mà nước mắt lưng tròng. Đó là vợ sắp cưới của chàng bộ đội Nguyễn Thanh Hải 21 năm trước. Ngày ấy trước khi đi anh đã hỏi vợ, định về là cưới. Đó là người bạn học từ thuở còn nhỏ xíu, là mối tình năm năm của anh. Mấy năm sau ngày anh hi sinh, chị vẫn qua lại nhà anh thăm hỏi bố mẹ, các em. Chị cứ nhùng nhằng không chịu nhận lời ai dù bố mẹ anh giục mãi. Phải đến năm năm sau, gia đình anh khuyên nhủ cạn lời người con gái ấy mới chịu lấy chồng.

    Nhắc về anh mình, ông Nguyễn Thanh Huân vẫn không thể nào quên những giờ phút cuối cùng hai anh em ở bên nhau. Đó là lần anh Hải về phép tháng 8-1987. Anh được về phép hơn 20 ngày, chưa hết phép đã có lệnh vào công tác gấp.

    “Tôi chở anh ra bến tàu. Hôm đó mưa dông rất to. Tôi đưa mũ cho anh đội nhưng anh không chịu đội, nhường cho em. Khi đến nơi thì thấy lụt cả bến tàu. Chuyến tàu đó phải dừng lại vì không ai xuống được tàu. Anh dặn lúc chia tay: chú ở nhà học hành cẩn thận, sau này anh về sẽ xin cho chú vào cùng đơn vị với anh” - ông Huân xúc động kể.

    Đôi mắt người đàn ông ấy đỏ hoe, bảo: “Khi lên đến Viện Pháp y quân đội, chân tay tôi như khuỵu xuống vì run. Đêm trước đó tôi thấp thỏm không ngủ được. Anh em hàng bao năm mới gặp... Ngồi trên xe, tôi chỉ muốn mau mau về đến nhà để mẹ được đón anh cả. Cũng may là bố mẹ tôi vẫn còn khi anh về”.

    Hình hài anh cả của ông Huân trở về với bố mẹ, với gia đình sau 21 năm chỉ vẻn vẹn là một mảnh xương đỉnh. Những phần xương cốt khác của anh cũng như nhiều liệt sĩ khác vẫn còn nằm lại đâu đó giữa sóng biển Trường Sa...

    Nói về sự ra đi của con trai cả, ông Nguyễn Xuân Cứ (74 tuổi) bồi hồi: “Đó là nhiệm vụ, là nghĩa vụ của một người lính. Tôi cho con vào hải quân để rèn luyện, để có bản lĩnh. Con trai tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy vì Tổ quốc. Gia đình tôi tự hào vì con mình đã chiến đấu, đã hi sinh chứ không bỏ chạy”.

    Ông Cứ từng là trưởng ban tài vụ Lữ đoàn 125 hải quân, cũng là nơi con trai ông công tác trước lúc hi sinh. Người chiến binh hải quân nói với giọng bình thản lạ thường, nhưng trong đôi mắt loang loáng hình của nước...

    ------------------------------------------

    Kỳ tới: Hai chiếc đài để lại
  8. nxtlucky

    nxtlucky Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    31/03/2010
    Đã được thích:
    14
    Quên thì nhiều người không quên đâu bác ạ. Mình nhớ khi ấy mình vẫn còn học cấp 2, thầy cô đọc báo cho tụi mình nghe mà đứa nào cũng muốn khóc. Năm ấy và 2, 3 năm sau trường vẫn tổ chức các đợt viết thư gửi ra thăm các anh ấy.

    Chỉ mong rằng dù ta có nghèo cũng đừng có hèn mà im lặng.
  9. hoasua82

    hoasua82 Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    24/04/2009
    Đã được thích:
    2.537

    Không nên đóng, Topic rất hay.

    Báo chí bị Khựa nó dọa từ mấy hôm trước rồi. Chỉ còn báo Thanh Niên là dũng cảm thôi.

    TSB cái lũ hèn nhát
  10. thangbomchoick

    thangbomchoick Thành viên này đang bị tạm khóa Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    17/08/2011
    Đã được thích:
    1
    Khởi đăng loạt bài "Trường Sa - khúc bi tráng 14-3" trên báo TUỔI TRẺ.

    Trường Sa - khúc bi tráng 14-3
    LÊ ĐỨC DỤC - MY LĂNG | 08/03/2013 11:00 (GMT + 7)

    TT - Ngày 14-3-2013, cuộc chiến đấu trên vùng biển Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của những chiến sĩ Hải quân Việt Nam vừa tròn 25 năm. Đảo Gạc Ma bị Trung Quốc xâm chiếm trái phép từ ngày đó. Những người lính hải quân đã lấy máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc. Sự hi sinh của các anh là những huyền thoại bất tử, như “vòng tròn bất tử” giữa trùng khơi...

    [​IMG]
    Dép nhựa, bát cơm, áo, vũ khí... còn lại trong khoang tàu HQ-604. Các thợ lặn chỉ có thể vớt lên chừng ấy vào năm 2008 - Ảnh: Lê Đức Dục

    Kỳ 1: Những kỷ vật từ lòng biển Trường Sa

    Chuyến xuồng cao tốc CQ từ tàu HQ 936 vừa chở chúng tôi cập đảo Cô Lin. Không như nhiều điểm đảo khác, khi cập đảo anh em báo chí thường níu lấy anh em hỏi han, trò chuyện. Còn sáng hôm ấy, khi xuồng vừa cập đảo, chúng tôi ai cũng vội vã chạy lên tầng thượng. Ở đó, từ đài quan sát, nhìn qua ống kính viễn vọng hướng về phía đảo Gạc Ma, hòn đảo của đất Việt, một phần máu thịt hình hài đất nước đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.


    Những chiếc tàu không trở về

    Với khoảng cách chưa đầy hai hải lý, từ Cô Lin nhìn sang, vùng biển quanh đảo Gạc Ma lấp lóa nắng, màu nước từ thềm san hô xanh óng ánh màu ngọc bích. Dưới mặt nước yên bình cạnh thềm đảo Gạc Ma ấy có một chiếc tàu đang lặng im trong lòng biển lạnh đúng 25 năm qua. Và trong khoang con tàu đang chìm sâu kia vẫn còn những di vật và xương cốt của rất nhiều người lính Việt đã hi sinh vào buổi sáng 14-3-1988 bi tráng ấy!

    Một tiếng đồng hồ trước khi tàu đưa chúng tôi ghé lên đảo Cô Lin, một buổi lễ tưởng niệm đã diễn ra trên vùng biển các anh đã nằm lại năm xưa. Chuyến tàu nào ra với Trường Sa cũng neo lại vùng biển này để tưởng nhớ.

    Và lần nào cũng vậy, tất cả đều xúc động đến rơi nước mắt, từ vị tướng dạn dày trận mạc đến những bạn trẻ lần đầu đến với đảo xa. Lần nào cũng vậy, những vòng hoa khi thả xuống biển luôn dập dềnh theo ngọn sóng theo tàu một quãng xa. Lần tưởng niệm nào cũng vậy, dù máu các anh đã hòa tan vào vị biển mặn chát từ mấy chục năm rồi, nhưng sắc đỏ trên lá cờ Tổ quốc trong buổi lễ luôn đổ bóng đỏ in vào làn nước biển, cứ ngỡ như dòng máu hi sinh ngày ấy vẫn còn kết thành khối đỏ chưa tan.

    Tại nhà truyền thống của lữ đoàn 125 Hải quân (Cát Lái, Q.2, TP.HCM), chúng tôi rất bất ngờ khi thấy những di vật của những người lính hi sinh trong chiếc tàu đắm trên vùng biển Gạc Ma - Cô Lin tròn 25 năm trước đang được lưu giữ nơi này. Tất cả được lưu giữ trong một chiếc thùng gỗ và chưa bao giờ được trưng bày.

    Hôm nay là ngày giỗ của 64 liệt sĩ Trường Sa

    Hôm nay, ngày 8-3-2013, tức ngày 27 tháng giêng âm lịch. Theo phong tục truyền thống của người Việt, giỗ kỵ được tính theo lịch âm, thì ngày 14-3-1988 - ngày xảy ra cuộc hải chiến Trường Sa - cũng là ngày 27 tháng giêng năm Mậu Thìn.

    Ngày hôm nay, trên cả nước sẽ có 64 đám giỗ trong gia đình những người lính hải quân và đồng đội của các anh chắc cũng đang tưởng niệm. Báo Tuổi Trẻ quyết định khởi đăng hồ sơ “Trường Sa - khúc bi tráng 14-3” như một nén nhang tưởng niệm các anh, những người đã nằm lại trên vùng biển Gạc Ma - Cô Lin - Len Đao tròn 25 năm trước!

    Khi chúng tôi loay hoay xếp lại những bức ảnh tư liệu đặt cạnh chiếc thùng gỗ đựng kỷ vật để chọn một góc chụp hình các kỷ vật thì phát hiện một tư liệu quý giá: tấm hình chụp con tàu HQ-604 đúng vào ngày rời bến ra Trường Sa làm nhiệm vụ.

    Đấy cũng là chuyến đi cuối cùng của con tàu lịch sử này bởi chỉ vài ngày sau đó, trong cuộc chiến đấu quyết tử, HQ-604 đã bị bắn chìm cùng với những người lính của lữ đoàn 125, lữ đoàn 146 và trung đoàn 83 công binh.

    Cả ba chiếc tàu HQ-604, HQ-605 và HQ-505 dù số phận có khác nhau nhưng hôm nay tất cả đã im lặng nằm sâu dưới lòng biển lạnh. Ba chiếc tàu quân sự, 64 liệt sĩ hi sinh, vậy mà tất cả kỷ vật của trận chiến bi tráng năm ấy nay chỉ đựng vừa vặn trong một chiếc thùng gỗ sơn màu lính vốn dùng để đựng súng tiểu liên AK.

    Lùa tay vào thớ vải của những bộ quần áo lính được những người thợ lặn vớt lên từ khoang tàu HQ-604, do ngấm nước biển mấy chục năm nay đã trở nên khô cứng ram ráp.

    Dường như qua lần vải kia còn nghe xương thịt người lính hiển linh, chiếc áo này ai đã mặc, chiếc thắt lưng kia của người lính nào? Và chiếc bát ăn cơm đã bị hà ăn mòn trên vành miệng bát...

    “Đó là kỷ vật rất thiêng liêng mà bao năm nay lữ đoàn nâng niu gìn giữ, bảo vệ với cả tình cảm và cái tâm của mình chứ không đơn thuần là trách nhiệm”, đại tá Trần Thanh Tâm (chính ủy lữ đoàn 125) vừa mở khóa chiếc hòm vừa nói.

    Chiếc hòm gỗ đựng kỷ vật

    Khi nắp thùng bật mở, chúng tôi lặng đi khi nhìn thấy những di vật được cẩn trọng gói trong giấy báo. Chính ủy lữ đoàn 125 nâng niu bằng cả hai tay, lấy từng di vật ra. Hai ngòi nổ, một mặt nạ phòng độc M04, hai hộp bộ đổi nguồn thông tin, một hộp đèn soi thông tin (đèn tín hiệu cũ), một bó dây điện nhỏ, một cuốc chim, bốn chiếc dép nhựa, một săm xe đạp. Ba chiếc thắt lưng cũ kỹ đã bị đứt một đoạn.

    Hai bát ăn cơm và chiếc quần quân trang của người lính công binh Việt Nam bị rách không đồng màu, loang lổ những dấu vết của biển cả với những vỏ hàu, vỏ ốc kết chặt. Ba chiếc dép nhựa Tiền Phong màu trắng đã bị đứt quai, chuyển màu vàng sậm. Khẩu AK chỉ còn nòng súng, thoi đẩy và đế báng súng.

    Sóng gió đã đánh trôi dạt, bào mòn, làm mục nát hết những phần khác của các vũ khí quân tư trang. Tất cả những thứ bằng sắt đều đã gỉ sét, cũ kỹ. Có những di vật đã bị biến dạng, méo mó. Chỉ duy hai bát ăn cơm và ống liều phóng của quả đạn B41 trong hộp nhựa là còn nguyên vẹn.

    Đặc biệt, có một ống liều phóng đã được đút vào khẩu B41, sẵn sàng ngắm bắn. Đầu nổ của nó đã bị lòi ra kim phát nổ. “HQ-604 chỉ là tàu vận tải thông thường nên tầm bắn tối đa chỉ ở cự ly 500m. Khi đó tàu HQ-604 đang cách tàu chiến địch 2-3 hải lý (khoảng 3,6-5,4km). Chắc là các bác, các chú đang cơ động cho tàu tiến đến gần tàu địch thì bắn nhưng chưa kịp bắn đã trúng hỏa lực của tàu chiến đối phương” - đại tá Trần Thanh Tâm giải thích.

    Nhìn thấy những kỷ vật đã han gỉ, ố đen ấy, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Lanh - khi đó là trung sĩ trung đoàn công binh E83, một trong những thành viên tàu HQ-604 còn sống sót - lặng đi một hồi rồi bảo: “Khi vào đảo, chúng tôi mang theo cả cuốc chim, xà beng, xẻng để đào móng trên nền san hô xây dựng công trình. Đây là quần áo mặc khi xây dựng công trình của lính công binh chúng tôi ngày ấy. Còn cái săm xe đạp này nữa... Ngày đó còn nghèo khổ, nhiều người lính trước khi đi làm nhiệm vụ còn mua cả săm xe đạp mang về nhà làm quà. Tôi cũng mua một cái ở Ba Ngòi trước khi xuống tàu và còn mua cả một dây chuyền bạc để trong rương định sau chuyến đi đó sẽ về tặng người yêu. Chẳng ai nghĩ mình sẽ không trở về nữa... Đôi dép nhựa Tiền Phong của Hải Phòng này ngày đó quý lắm, không phải ai cũng có mà đi. Trước khi bơi vào đảo, nhiều người bỏ dép lại tàu, sợ bị san hô cứa đứt mất. Làm sao đưa được những di vật này về vậy? Chúng đã chìm dưới đáy biển hơn 20 năm rồi”.

    ____________________

    Không chỉ những di vật, còn xương cốt của những người lính tham gia trận hải chiến ngày 14-3-1988. Hành trình cùng câu chuyện “vòng tròn bất tử” của những chiến sĩ hải quân sau 25 năm bắt đầu từ hồi ức bi tráng của những người trong cuộc...

    Kỳ tới: “Vòng tròn bất tử” trên bãi Gạc Ma

Chia sẻ trang này