Ác mộng mang tên chứng khoán - Bài viết trên báo Thể thao Văn hóa - thế mới hay chứ

Chủ đề trong 'Thị trường chứng khoán' bởi chic_scorpio, 06/03/2007.

4337 người đang online, trong đó có 350 thành viên. 13:43 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
Chủ đề này đã có 1276 lượt đọc và 8 bài trả lời
  1. chic_scorpio

    chic_scorpio Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    14/02/2006
    Đã được thích:
    0
    Ác mộng mang tên chứng khoán - Bài viết trên báo Thể thao Văn hóa - thế mới hay chứ

    Ác mộng mang tên chứng khoán

    Mạng đã đến Chắc Cà Đao, nên chú Ba mày mới nhận được i-meo của tao đây. Kỳ này lúa, cá, tôm nhà mình trúng đậm. Tao đọc tin điện tử thấy thiên hạ đang sốt với thị trường chứng khoán ở thành phố mày đang ở. Nghe nói có người bỏ ra 1 đồng mà ăn gần 500 đồng. Quá đã! Ê mày, tao có nên chơi cổ phiếu một cú xả láng không hở Ba Gạo?"


    Dạ thưa anh Hai,

    Đúng là thế giới đã thu nhỏ lại thành một cái làng. Nhấp chuột là tin tức bay vèo đến quê ta, với vận tốc ánh sáng. Tiền cũng bay vèo vèo ở thị trường chứng khoán Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, thể hiện qua bảng điện tử màu xanh (tăng giá), đỏ (giảm giá) và vàng (đứng giá).

    Vào ngày có phiên giao dịch, từ 7g30 đến 10g30, những nhà đầu tư lớn nhỏ nườm nượp kéo vào các sàn giao dịch chứng khoán ở thành phố Hồ Chí Minh. Ai cũng ôm những giấc mơ. Họ đốt đuốc giữa ban ngày để tìm câu trả lời cho ba câu hỏi cơ bản của thị trường chứng khoán:

    - Mua cổ phiếu nào đây?

    - Khi nào mua?

    - Khi nào bán?

    Nghe thì đơn giản, nhưng tính toán hay quyết định cho ba chuyện này thì không dễ đâu anh Hai à.

    Xin nói sơ qua vài khái niệm cơ bản.

    Mọi công ty cổ phần, tuân thủ và có đủ điều kiện theo Luật chứng khoán (có hiệu lực từ ngày 1/1/2007 ở nước ta), đều có thể lên "sàn" giao dịch. Thường họ phải qua công ty tư vấn chuyên nghiệp, để minh bạch hoá tình hình tài chính đã kiểm toán đúng luật, có bản cáo bạch cung cấp cho nhà đầu tư và thành công trong đợt bán cổ phiếu lần đầu tiên ra công chúng (IPO - Initial public offerings).

    Thí dụ, vốn điều lệ của công ty A là 100 tỉ đồng, nếu quy ra 10 triệu cổ phiếu mang mệnh giá 10.000 đồng, thì khi khéo léo lên sàn, có thể bán với giá gấp 20 lần là 200.000 đồng/một cổ phiếu. Tiền lời được chia từ công ty phát hành cổ phiếu là cổ tức (dividend). Nhưng các tay kế toán cừ khôi đều có thể phù phép nâng cổ tức lên cao cho hấp dẫn. Mức cổ tức hiện nay thường ở khoảng 10-12%/1năm, cao hơn lãi suất tiết kiệm của ngân hàng một chút.

    Nếu anh Hai có vai vế trong công ty quốc doanh và khi cổ phần hoá với hình thức cổ phần khép kín, nhờ định giá tài sản công ty là con thỏ thay vì con voi là trọng lượng thực, và được chia cổ phiếu ưu đãi thì chỉ một thời gian sau, nếu ăn nên làm ra và có thời, rồi con thỏ trở thành con voi khổng lồ, cổ phiếu trị giá 500 tỷ ngon ơ. Nhưng loại tài sản này thường có những ràng buộc gắt gao về mặt quản lý, mặt dư nợ, các khoản vay, lợi nhuận riêng, lợi nhuận chung và trách nhiệm.

    IPO còn có một phương thức khác là đưa cổ phiếu ra thị trường thứ cấp bằng hình thức đấu giá (như Vinamilk đã làm ở Hội trường Thống Nhất ngày 17/02/2005 với giá khởi điểm 220.000đ và đạt giá trúng thầu bình quân 313.000đ/1 cổ phiếu).

    Nhà đầu tư nước ngoài cũng được tham gia trong tỷ lệ sở hữu được nhà nước quy định (gọi là room), thường tối đa 49%, và hiện nay đang ở khoảng 30% trên thực tế.

    Theo quy định hiện hành, giá cổ phiếu ở thị trường chứng khoán được tăng tối đa + 5% trong mỗi kỳ giao dịch, được gọi là giá trần. Nếu giảm tối đa -5% thì gọi là giá sàn. Với giá tham chiếu là giá kết thúc phiên giao dịch hôm trước, để làm giá mở cửa cho phiên giao dịch hôm sau. Khung dao động giữa giá trần và giá sàn gọi là biên độ. Hiện thời biên độ ở thị trường chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh là +/-5%, ở Hà Nội là +/-10% so với giá tham chiếu. Giá mua/bán cổ phiếu trong một phiên giao dịch nào đó thường không được ra ngoài biên độ đã quy định trừ một vài trường hợp ngoại lệ.

    Anh Hai thường nghe VN-Index (sàn chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh) và HaSTC-Index (sàn Hà Nội). Đó là chỉ số thể hiện sự chênh lệch về giá của tổng số các cổ phiếu tăng giá với tổng số cổ phiếu giảm giá trên toàn sàn. Hiện nay chẳng hạn, nếu trong số 107 đơn vị lên sàn thành phố Hồ Chí Minh có đa số là 65 loại phiếu chẳng hạn, được mua bán với giá cao hơn hôm trước, thì kết thúc phiên giao dịch, chỉ số đã tăng lên.

    Anh Hai có thể tham khảo một số trang web tiếng Việt để nắm thông tin, giá cả, chỉ số nóng hổi nhất, ở www.ssc.gov.vn, www.vse.org.vn, www.hastc.org.vn, www.*********.com.vn, www.ckvn.com (dĩ nhiên là Ba Gạo chẳng có trách nhiệm về những gợi ý của mấy trang web này nghe anh Hai). Ở đó, anh Hai có thể thấy các biểu đồ (chart) là hàng thứ biểu mà dân "chơi" chứng khoán nhìn vào có thể mừng vui hay lo lắng. Chính đó là nơi gặp gỡ, với cả giá thật hoặc giá "còn ảo" trên thị trường tiền tệ thông qua sàn chứng khoán.

    Tỷ lệ đầu tư trên lãi suất (P/E-Price to Earning ratio) trong khu vực Đông Nam Á thường chỉ ở khoảng 8 - 15, nhưng ở nước ta hiện nay, đã lên tới mức bình quân là 43, đơn lẻ có trường hợp lên tới 328 (cổ phiếu PVD), do chứng khoán Việt Nam rơi vào tình trạng quá nóng và vượt giá trị thật, bởi cầu đang lớn hơn cung. Việc này đã tạo ra một "hàm ếch" mà thị trường sẽ tự điều chỉnh bất cứ lúc nào. Và lúc ấy, kẻ thiệt thòi thường là nhà đầu tư cá nhân. Việc đánh giá P/E vừa là khoa học vừa là ma thuật, và nhiều người đã chơi chứng khoán theo cảm tính hoặc dựa một phần vào logic tuỳ hứng, thường đa dạng hoá danh mục đầu tư (port-folio), theo kiểu "không bỏ hết trứng vào một rổ". Có thể nói: Chứng khoán là tiền trồi sụt theo tâm lý người mua, kẻ bán. Khuynh hướng chứng khoán là "tiền" cộng với "tâm lý".

    Anh Hai lên đây xem cảnh bùng nổ cơn sốt săn lùng cổ phiếu. Họ hí hửng đặt cọc. Họ chơi chứng khoán như đánh bạc, và có lúc bỏ tiền cọc, bỏ của chạy lấy người, khi bị "hố" hay bị "tổ trác". Số lượng tài khoản các nhà đầu tư chứng khoán, cũng là nhà đầu cơ theo nghĩa tương đối tốt, đã vượt quá 300.000. Hàng trăm "cò" chứng khoán tung đủ thứ tin, làm như họ là tiên tri, là chủ tin tức nội gián, ca ngợi hoặc thêu dệt những kế hoạch kinh doanh mà đến vị giám đốc của chính công ty ấy cũng chưa hề biết đến.

    Thiên hạ đổ xô đi học các khoá thị trường chứng khoán, tựa như phong trào nuôi chim cút hay ào ào gửi tiền cho nước hoa Thanh Hương ngày trước. Đã có gần 60 công ty chứng khoán là thành viên của 2 sàn giao dịch. JP Morgan, Citgroup Global Markets và Goldman Sachs đã nhảy vào. Không biết ông trùm khuynh đảo tài chính quốc tế George Soros sẽ ra đòn lúc nào đây?

    Anh Hai thân mến,

    Hãy ngược dòng lịch sử một chút xíu, anh Hai sẽ rõ nguồn gốc thị trường chứng khoán: vào thế kỷ 11, ông Braudel ở Cairo (Ai Cập) đã tổ chức cho người Do Thái và người theo đạo Hồi mua bán vàng bạc đá quý bằng tín dụng, hùn hạp và có các phương thức thanh toán mới mẻ hơn "tiền trao, cháo múc". Nước Pháp, ở thế kỷ 12, đã tận dụng sự trợ giúp của nhà môi giới (broker) và ngân hàng để bán nông sản. Qua thế kỷ 13, ông Van der Beurs quan sát cảnh giao hàng cồng kềnh, cực khổ, đã đề xuất hình thức ghi tín phiếu. Quảng trường ở khu chợ Bruegge (Bỉ) đã trở thành thị trường chứng khoán lộ thiên. Họ dựa vào tên ông và chữ bursa trong tiếng La Tinh, có nghĩa là túi (đựng cổ phiếu), để đặt tên cho thị trường chứng khoán đầu tiên, mở cửa vào năm 1309 tại nhà ông Beurs gọi là boerse (tiếng Đức), và bourse (tiếng Pháp).

    Thị trường chứng khoán khó duy trì hoạt động lâu dài ở một cái làng Bruegge, lớn hơn Chắc Cà Đao hay Mù Căng Chải chút xíu. Nó đã phát triển từ Antwerpen, Amsterdam, Paris, London, Frankfurt am Main, Warsaw, rồi trở thành khổng lồ ở New York, Tokyo, Hongkong ... và đến đầu thế kỷ 21, như một tất yếu, đã đến Việt Nam. Trong một tương lai gần, NYSE của New York và thị trường chứng khoán Tokyo sẽ liên minh để làm trùm chứng khoán thế giới.

    Người Pháp rất có lý khi gọi chứng khoán là giá trị động sản (valeurs mobilieres), đối ngược với bất động sản là các loại đất, ruộng, ao... Chứng khoán tạo nên vốn lưu động, vốn đầu tư giá rẻ cho doanh nghiệp niêm yết, vốn hóa thị trường, tăng minh bạch hoá, giảm phí chuyển nhượng vốn và cố gắng bảo vệ nhà đầu tư (vừa là nhà đầu tư ngắn hạn hoặc lâu dài)... ở mức có thể. Thật ra, thị trường chứng khoán ở mức phát triển cao thì không chỉ dừng lại ở cổ phiếu và trái phiếu như ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, mà còn bao gồm ngoại tệ, hàng hoá (commodity), nguyên liệu, dịch vụ tài chính như mua bán kỳ hạn (futures/forwards), nhờ tham gia bán trước (short), phòng tránh rủi ro (hedge), chứng từ có giá trị, trao đổi (swaps) ... và chủ yếu ở thị trường chính thức tại sàn giao dịch (trading floor). Sàn phi tập trung (OTC - Over the counter off exchange) thì thông qua máy vi tính nối mạng giữa các thành viên của thị trường chứng khoán và chủ yếu mua bán cổ phiếu các công ty vừa và nhỏ.

    Vì thế, giá cà phê, tiêu, kim loại màu ... sẽ dựa vào thị trường chứng khoán London, còn thịt heo, bông vải ... thì Chicago, chẳng hạn. Kostolany đã nói rất dễ hiểu: "Anh có nhiều tiền, có thể đầu cơ. Có ít tiền, anh đừng nên đầu cơ gì cả. Và nếu anh không có tiền thì phải đầu cơ thôi"; "ai muốn ăn ngon: mua cổ phiếu; ai muốn ngủ ngon: mua trái phiếu" và "tiền của anh chẳng bao giờ mất, nó chỉ chạy qua túi những kẻ khác" (*).

    Tuy nhiên, anh Hai à, đừng có chơi chứng khoán xả láng hay vay mượn để chơi. Chứng khoán được cầm cố đang đạt 3% tổng dự nợ của các ngân hàng Việt Nam và như thế là cao lắm rồi. Chơi thì chơi, nhưng nhà đầu tư nhỏ thì rất cần mở hai mắt thật to để tránh một số nguy cơ tiềm ẩn như sau:

    Cân nhắc kỹ trước khi chơi vì đã khớp lệnh và đã mua rồi, thì phải thường xuyên theo dõi báo chí và Internet, để canh chừng xem lúc nào bán được, trên thị trường chính thức. Nên tránh thị trường OTC hay thị trường ngoài luồng (kiểu sanotc hay chungkhoanotc) vì thiếu hành lang pháp lý đầy đủ cho những cách chơi này.

    Đề phòng thủ thuật tung hoả mù bằng đặt lệnh, động tác giả của nhóm đầu cơ đại gia lũng đoạn tài chính, có đủ ma thuật để làm mờ mắt nhà đầu tư cá nhân thường nghiêng về cảm tính và chạy theo tâm lý đám đông. kỹ thuật mua bán kiểu "rải đinh", "đánh trống bỏ dùi", tung tin đồn thất thiệt, tin nội gián dỏm...

    - Có cổ phiếu bị kích giá lên khá cao trước khi niêm yết, song đến thời kỳ sao dịch chính thức sẽ bị điều chỉnh giá xuống, làm không ít nhà đầu tư mất khá bộn tiền.

    - Cẩn trọng với các kênh đầu tư thời thượng, kể cả việc lăng xê các cổ phiếu hàng hiệu nổi tiếng (blue chip), theo dõi sát sao khi có tăng trưởng nóng, hoặc biến động nhảy cảm, hoặc khi nhà nước áp dụng các biện pháp thanh tra, tăng cường giám sát.

    - Cẩn trọng khi thấy các chủ doanh nghiệp của blue chip bán ra. Có thể đã, hay sẽ có vấn đề đấy!

    - Nhà đầu tư bi quan, bán tống bán tháo cổ phiếu, làm giá tụt xuống nhanh quá mức và do đó không phản ánh đúng thực trạng của các công ty niêm yết. Nếu tình trạng tụt giá xảy ra đồng loạt ở nhiều blue chip chẳng hạn, thị trường chứng khoán có thể sụp đổ (crash). Dĩ nhiên, lúc phất cao (boom) hay rơi đài (baisse) đều có ẩn chứa cơ hội.

    - Không chơi chứng khoán theo kiểu đánh bạc vì thời cơ không phải lúc nào cũng nằm ở dạng đầu tư ngắn hạn.

    - Việc chọn công ty quản lý chứng khoán rất quan trọng, nhất là chất lượng của các phân tích kỹ thuật: tính toán lãi suất, chỉ số tài chính, các hệ số về cơ cấu vốn, các hệ số về khả năng sinh lời.

    - Thủ thuật đấu giá ngày càng tinh vi, thậm chí nham hiểm.

    - Thông tin đúng nửa chừng. Thế là tin sai hoàn toàn, chứ thiếu một nửa sự thật là một trăm phần giả dối. Đánh giá sai một tin đúng hay đánh giá đúng một tin sai, đều dẫn đến sai lầm.

    - Hệ số P/E hiện tại có thể mê hoặc hay đánh lừa nhà đầu tư. Điều quan trọng thật sự là hệ số P/E của thì tương lai. Logic của thị trường chứng khoán là logic tầm nhìn.

    - Cẩn trọng trước kỹ xảo bán cổ phiếu với giá sàn để tạo tâm lý hoảng loạn, hoặc mua giá trần tạo tâm lý hưng phấn. Nhiều tay mơ sẽ vào rọ và ngày thua liểng xiểng không xa.

    - Mua cổ phiếu phải rõ ai sẽ nhận cổ tức trong năm tài chính lúc mua.

    - Xin lưu ý việc sắp đánh thuế thu nhập từ chứng khoán. Nếu lọt vào bảng công bố 100 người giàu nhất Việt Nam, thì phúc và hoạ chỉ cách nhau một găng tay.

    - Cảnh giác chẳng bao giờ thừa, đối với các doanh nghiệp phát triển kiểu bong bóng, thùng rỗng kêu to.

    - Giới đầu tư tài chính quốc tế thông qua đầu tư gián tiếp để "đánh nhanh thắng nhanh, rút gọn", và khi thị trường nổ tung thì họ đã thu lợi lớn, còn những ai gánh hậu quả thì "cuốn theo chiều gió".

    Trên đây là mấy nét chấm phá về thị trường chứng khoán ở nước ta, là ABC của mảng kinh doanh đặc biệt này, là nhập môn của nhập môn, mang màu xám của lý trí. Nhưng thị trường chứng khoán của nền kinh tế mới nổi (energingeconomy) còn chứa nhiều đặc trưng chưa hiểu hết được. Thắng thua nóng lạnh của chứng khoán còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố, có thể gộp chung và gọi là thời tiết chứng khoán.

    Tinh thần mạo hiểm của nhà đầu tư cũng là yếu tố thành công hoặc nguyên nhân thất bại. Chẳng mấy ai có điều kiện và linh cảm minh triết như Bechtolsheim, khi nghe hai nhà sáng lập trẻ tuổi của Google trình bày ý tưởng kinh doanh xong, ký tặng ngay một tấm séc 100.000 đô la Mỹ để mua máy tính, rồi phóng xe bỏ đi.

    Sau này, khi Google phất lên, hiệu quả đầu tư ấy đã củng cố danh hiệu "thiên thần thung lũng Silicon" của ông. Vì ông linh cảm và nhận định như kiểu chơi chứng khoán: " Tôi nghĩ Google sẽ được nhiều người ưa dùng và Google sẽ hái ra tiền". Sequoia Capital bỏ ra 2 triệu đôla Mỹ để làm IPO cho Yahoo, và thu lãi 32 triệu. Ấy là chuyện của nhà đầu tư mạo hiểm (venture capital), rất gần với chứng khoán.

    Trên thị trường chứng khoán, cảnh "mèo mù vớ cá rán" thường hay xảy ra. Không nhất thiết phải đọc bài này mới khoái hay sợ chứng khoán. Có thể giấc mơ của người này, khi biến thành hiện thực, là ác mộng của người khác. Có thể suy tính rất kỹ, rất khoa học mà vẫn chuốc thất bại đắng cay, như lần rơi đài của blue chip ngành công nghệ thông tin ở miền Tây nước Mỹ, làm bốc hơi 90% trị giá chứng khoán đầu tư, sự chao đảo và sập sàn ở Đông Nam Á vào năm 1997 mới đây. Xa hơn nữa là thảm hoạ sụp đổ sàn chứng khoán New York, dẫn đến đại suy thoái toàn cầu vào thứ hai đen tối 28/10/1929. Thị trường chứng khoán là một thị trường đầy giấc mơ và ác mộng?
  2. ntc50hdhkhn

    ntc50hdhkhn Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    12/07/2004
    Đã được thích:
    1.988
    Boá viết hả bác? Báo thể thao cũng viết vè CK thì ác mộng thật ha ha ha.
    Nhưng kô hiểu sao lại lôi VN bây h so với Mỹ hồi năm 29 nhỉ, ông nào viết bài này dốt lịch sử quá
  3. vnog

    vnog Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/02/2007
    Đã được thích:
    0
    Thì chắc còn thừa trang, mà bài viết phóng viên chưa nộp đủ đành lấy cái bài đấy đưa vào, bây giờ nhà nhà chứng khoán, nguời người chứng khoán.

    Ooi chứng khoán
  4. Investor_1

    Investor_1 Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    26/10/2006
    Đã được thích:
    5.293
    Bài học hồi tháng 4/2006 đã dạy cho các nhà đầu tư cá nhân thiếu hiểu biết mua bán theo bầy đàn một bài học rồi! Bây giờ không có chuyện đầu tư bầy đàn nữa đâu! hôm nay thị trường giảm, Vnindex giảm hơn 25 điểm, tuy nhiên bên cạnh những cổ phiếu bán tháo sàn ra không có ai mua thì cũng rất nhiều cổ phiếu có khối lượng dư mua giá trần khổng lồ nhưng không có ai bán ra cả!!! Một bức tranh tổng thể đa dạng của thị trường chứng khoán!!!
  5. huynguyen0306

    huynguyen0306 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    29/11/2006
    Đã được thích:
    0
    cũng bổ ích đấy chứ
  6. chungkhoan_dream

    chungkhoan_dream Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    23/02/2007
    Đã được thích:
    0
    Dù không phải là ác mộng, dù tôi vẫn chơi, vẫn thắng, nhưng chứng khoán đúng là nỗi ám ảnh luôn ngự trị trong tôi. Không lúc nào trong tôi không vang lên những tiếng chứng khoán, cổ phiếu, down, up, STB, PPC, PVD... Vào tiệm ăn tôi xem đôi đũa, cái bát, món ăn đó, gia vị đó... của công ty gì, đã cổ phần hoá chưa. Lúc ngủ tôi cũng toàn thấy những VNM, REE... nhảy múa. Cuối tuần 2 ngày nghỉ thật là buồn tẻ, mong cho qua thật nhanh để lại đến ngày giao dịch, mua bán. Suốt buổi chiều, tối, đêm lượn quanh các 4rums bàn tán, tranh luận, nghe hơi nồi chõ... Tiền kiếm được bao nhiêu lại đổ hết vào mã này, mã kia, trong ví lúc nào cũng chỉ còn đôi ba trăm tiền lẻ , hê hê
    Quyết tâm....cai CK thôi
  7. nhocnhoc81

    nhocnhoc81 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    24/08/2006
    Đã được thích:
    0
    Cái này chắc khó cai đó bro ơi
  8. anhtumlm

    anhtumlm Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    25/05/2006
    Đã được thích:
    1
    Cai làm gì hả đại ca.
    Cứ mơ tiếp đi.
    Lúc nào đủ tiền nhồi bất động sản rồi cai là vừa...
  9. h0909866999

    h0909866999 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    03/06/2006
    Đã được thích:
    0
    AI BAN CP MB VUI LONG NHAN TIN 09 09 866 999 So luong VA GIA. TOI GOI LAI. TKS.

Chia sẻ trang này