Bài viết này rất được, dành cho những ai quan tâm

Chủ đề trong 'Thị trường chứng khoán' bởi futureprecedor, 16/05/2008.

3637 người đang online, trong đó có 212 thành viên. 06:15 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
Chủ đề này đã có 951 lượt đọc và 4 bài trả lời
  1. futureprecedor

    futureprecedor Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    11/05/2006
    Đã được thích:
    467
    Bài viết này rất được, dành cho những ai quan tâm

    Thận trọng trong chính sách tiền tệ

    Ông Kiều Hữu Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ các ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước, hiện là Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), trong bài viết dưới đây đã đề nghị cần thận trọng khi áp đặt các biện pháp hành chính trong chính sách tiền tệ. Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online xin giới thiệu bài viết này.


    Ngân hàng Nhà nước được khuyến cáo nên tiến hành ngay việc tổ chức lại hệ thống thanh tra giám sát theo chuẩn mực quốc tế
    Đừng quá ngạc nhiên về việc lạm phát đang gia tăng cao ở Việt Nam, vì đây là hiện tượng mà nhiều nền kinh tế trên thế giới trước đây (Chile, Nga, Argentina, các nước Đông Nam Á khác?) khi hội nhập kinh tế thị trường, mở rộng thông thương đi liền với quá trình tự do hóa tài chính đã gặp phải.

    Cũng như nhiều nước đã trải qua, Việt Nam đang phải đối mặt với một loạt những căn bệnh cố hữu của kinh tế thị trường như lạm phát gia tăng cao, hiện tượng căn bệnh ?oHà Lan? do sự dịch chuyển của các luồng vốn quốc tế, những vấn đề khác như nhập siêu, đầu cơ gia tăng và sự vật lộn trong khó khăn của hệ thống ngân hàng?

    Đặc biệt hơn, tại thời điểm này, quá trình toàn cầu hóa quá nhanh chóng đã làm cho sự phụ thuộc của các quốc gia vào môi trường bên ngoài ngày càng lớn, làm tăng tính dễ bị tổn thương của các nền kinh tế đang phát triển và những biến động trên thế giới diễn ra nhanh chóng đã làm cho các điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam bộc lộ nhanh hơn, làm cho sự đổi chiều của phát triển kinh tế từ tích cực sang bi quan diễn ra sớm hơn dự báo; đồng thời đặt các nhà lãnh đạo đất nước trước những thách thức to lớn về bình ổn kinh tế vĩ mô, đảm bảo sự an toàn của hệ thống tài chính và đồng thời duy trì được động lực tăng trưởng, chuẩn bị cho quá trình phát triển mạnh khi có điều kiện?

    Bài viết này đề cập đến góc nhìn về một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực ngân hàng mà tác giả muốn đề cập trên quan điểm cá nhân của người viết.

    Hãy thận trọng

    Điều làm tôi ngạc nhiên là trong thời gian vừa qua, một loạt các biện pháp hành chính đã được sử dụng một cách quá dễ dãi như áp dụng trần lãi suất huy động, tín phiếu bắt buộc... Trước tiên, hãy nhìn vào một vấn đề, tại sao lại có sự đảo chiều nhanh như vậy về nguồn vốn. Nếu như cuối năm 2007, nguồn vốn vẫn còn dồi dào thì hiện nay lại đang rất hiếm dù là hệ quả của chính sách thắt chặt tiền tệ, nhưng chỉ vì điều này không thì chưa thuyết phục khi mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuy đã rút hơn 20 nghìn tỉ đồng về nhưng trước đó đã bơm ra hơn 40 nghìn tỉ đồng để cứu thanh khoản.

    Tôi cho rằng yếu tố tâm lý đã đóng một vai trò rất quan trọng ở đây. Chính vì một số động thái chính sách không hợp lý đã tạo thành yếu tố tâm lý đó. Việc khó rút tiền mặt trong dịp Tết tại các ngân hàng thương mại (NHTM) đã làm dấy lên mối nghi ngờ về tính thông suốt của hệ thống thanh toán, chính vì vậy mà sau Tết, đã xuất hiện hiện tượng giữ tiền mặt nhiều hơn tại các cá thể kinh tế và người dân. Hậu quả là nguồn tiền vào hệ thống ngân hàng đã không được tăng lên như dự kiến. Trong tình hình đó, việc rút tiền về bằng trái phiếu bắt buộc với lãi suất thấp là một hành động không đúng lúc đã tạo nên hiệu ứng tâm lý xấu đi nhiều về khả năng thanh khoản. Đặc biệt trong bối cảnh việc hoạt động ngân hàng đang khó khăn, việc phải cõng 20 nghìn tỉ đồng với lãi suất thấp đã làm cho khả năng sinh lãi và khả năng tài chính của hệ thống ngân hàng bị suy giảm và làm hình ảnh của các ngân hàng xấu đi trong mắt nhà đầu tư.

    Những hiệu ứng này cộng với sự hoạt động thiếu bình thường của hệ thống liên ngân hàng qua việc NHNN đã thực hiện cho vay nặng lãi qua đấu thầu lãi suất lên đến 30%/năm (dù chỉ xảy ra trong một ngày) và hoạt động cầm chừng trong tư cách vai trò của người cho vay cuối cùng (NHNN) đã làm cho ngay trong hệ thống ngân hàng thương mại có tâm lý về một cuộc khủng hoảng khả năng thanh khoản. Điều này đã làm cho tâm lý ?odự trữ? trên mức cần thiết xuất hiện ở những ngân hàng mạnh và cơn khát vốn của nhiều ngân hàng nhỏ gia tăng.

    Hiệu ứng tâm lý đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong kinh tế thị trường, đặc biệt ở các nước đang phát triển. Vấn đề gạo tăng giá đột ngột tại Việt nam là một ví dụ, khi mà một hộ gia đình chỉ tăng thêm dự trữ (dù không cần thiết) thì sẽ đẩy cầu vượt cung và xảy ra tình trạng đầu cơ và khan hiếm giả tạo. Trong thị trường tiền tệ ở cấp độ khác, hình thức khác, song có vẻ cũng như đang xảy ra tình trạng đó. Việc áp dụng lãi suất huy động trần (12%) trong khi lãi suất cho vay lên đến trên dưới 20% đã làm cho người gửi tiền thì không muốn gửi, người đi vay thì phải chịu vay đắt. Vấn đề này làm giảm đi cơ chế truyền dẫn về chống lạm phát, vì rằng khi lãi suất tăng, thì sự tăng giá trị của nguồn vốn đó phải có đến người tiết kiệm, qua đó sẽ làm cho tâm lý tiết kiệm gia tăng, chi tiêu giảm đi và làm cho cầu giảm đi tác động làm kiềm chế lạm phát. Song việc duy trì lãi suất tiền gửi trần đã làm cho giá trị gia tăng của nguồn vốn không đến tay người tiết kiệm, hậu quả là nguồn tiết kiệm vào hệ thống ngân hàng giảm đi.

    Vấn đề đặt ra là tại sao lãi suất cho vay vẫn rất cao? Ở đây chính là chi phí rủi ro vì môi trường bất ổn mà các chính sách thiếu khôn ngoan đã tạo ra cung thấp nhiều hơn so với cầu, sự thiếu thông suốt của hệ thống thanh toán và thị trường liên ngân hàng đã làm cho chi phí đầu vào của các ngân hàng gia tăng, rủi ro vì chính sách đã làm tăng thêm chi phí đó. Lãi suất cho vay cao này (hay chi phí nguồn vốn cao này) xuất phát từ những vấn đề trên đã làm lãng phí nguồn lực, không đến tay người tiết kiệm. Tuy nó cũng làm cho đầu tư giảm xuống do lãi suất cao qua đó kiềm chế được lạm phát, song nó là quá tốn kém và không tạo được dự trữ về nguồn lực của xã hội (lẽ ra ở dự trữ ở người gửi tiết kiệm khi lãi suất lên cao) để bung ra sau này cho sản xuất và đầu tư khi lạm phát đã bị kiểm soát. Mặt khác, việc gia tăng đột ngột nhanh chóng của lãi suất đã làm cho các doanh nghiệp trở tay không kịp, rối loạn về kế hoạch kinh doanh, cộng thêm việc tiếp cận nguồn vốn đang trở nên rất khó khăn sẽ đẩy một loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ đi vào phá sản, làm gia tăng thất nghiệp.

    Như vậy, có thể nói tuy phần nào đó có thể giảm lạm phát trong thời gian tới, song những biện pháp mà NHNN vừa qua đã thực hiện là quá tốn kém về chi phí cho nền kinh tế và nếu không có những điều chỉnh kịp thời sẽ đẩy nền kinh tế nước nhà đi xuống, không loại trừ khủng hoảng, làm mất cơ hội vàng của Việt Nam trong việc trở thành nền kinh tế phát triển trong thời gian tới. Trong mọi lý thuyết của kinh tế thị trường, các biện pháp hành chính có thể dùng, song nên hạn chế tối đa.

    Kinh tế thị trường trừng phạt rất nhanh những biện pháp hành chính cản trở sự vận động bình thường của nó. Một nhận xét của tôi là trong thời gian qua việc ban hành các chính sách của NHNN đã thiếu sự tham khảo rộng rãi đối với các NHTM và các doanh nghiệp đã làm cho các chính sách đó thiếu sự đồng thuận của thị trường và đã không phù hợp với nó, liều thuốc thắt quá chặt chính sách tiền tệ đã quá liều.

    Giám sát ngân hàng yếu

    Những năm qua, chúng ta chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của hệ thống ngân hàng, với sự gia tăng đến chóng mặt về tích sản của hệ thống ngân hàng. Song song là các sản phẩm phái sinh về tài chính nở rộ với nhiều biến tướng khác nhau. Sự phình ra về hoạt động và tổ chức đã làm cho các NHTM phải đối mặt nhiều hơn với các loại rủi ro trong hoạt động và ở cấp độ quy mô ngày càng lớn. Tình hình đó đặt ra việc đổi mới công tác thanh tra giám sát ngân hàng, xác định được các rủi ro tiềm ẩn của hệ thống để xử lý kịp thời.



    Cần thực thi một chính sách tiền tệ thắt chặt vừa phải để tạo ra và xác lập được một lãi suất cho vay ở quanh mức độ 16-17%/năm
    Song, có thể nói hệ thống thanh tra giám sát của Việt Nam đang lạc hậu so với sự phát triển của thị trường. Có thể ví hệ thống thanh tra giám sát của NHNN hiện giống như một chiếc xe công nông chạy theo một chiếc xe ô tô còn có nhiều vấn đề là hệ thống NHTM. Một người bạn làm trong tổ chức quốc tế hơn 8 năm qua làm việc với hệ thống ngân hàng nói với tôi rằng, những năm trước đây Việt Nam không xây dựng được hệ thống thanh tra giám sát ngân hàng tốt là Việt Nam đã bắn vào chân mình; ngày nay, nếu không xây dựng được thì Việt Nam sẽ tự bắn vào đầu mình.

    Bốn năm làm Vụ trưởng tại NHNN có liên quan đến khu vực thanh tra giám sát, tôi đã cực kỳ ngạc nhiên về những sự chậm đổi mới đến kỳ lạ của khu vực này. 14 năm trước, khi tôi làm phiên dịch cho một đoàn thanh tra NHNN đi học về thanh tra giám sát theo phương pháp CAMELS tại Thái Lan, NHNN đã nói đến khả năng áp dụng CAMELS (Phương pháp đánh giá ngân hàng thương mại trên cơ sở chất lượng của vốn, tài sản có, quản trị, lợi nhuận, khả năng thanh khoản và khả năng thích ứng với thay đổi của thị trường và chính sách) trong thanh tra NHNN. Cho đến ngày nay, những đề án đó vẫn nằm trên giấy hoặc được triển khai ở mức sơ khai.

    Trong bất cứ nền kinh tế nào, sự yếu kém của hệ thống thanh tra giám sát đều là một trong những nguyên nhân cơ bản của khủng hoảng tài chính. Cuộc khủng hoảng của châu Á năm 1997/1998, tại Nga năm 1998, hay trở về Việt Nam trong những năm 1994-1995, đã cho thấy những bài học đắt giá về yếu kém của hệ thống thanh tra giám sát sẽ ảnh hưởng to lớn như thế nào đến an toàn của mạch máu nền kinh tế - hệ thống ngân hàng. Hơn bao giờ hết, cấp bách và cần thiết, Chính phủ Việt Nam và NHNN phải thực hiện một loạt hành động toàn diện cấp bách để kiện toàn và xây dựng hệ thống thanh tra giám sát tài chính vững mạnh, hiện đại ở Việt nam. Theo tôi, đó là yếu tố sống còn bảo đảm an ninh kinh tế trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

    Có thể nói, với những chính sách kinh tế vĩ mô chưa hợp lý trên đã đẩy chúng ta đang đối mặt với nguy cơ lớn hơn nhiều khi mà nhiều công ty, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ vỡ nợ. Hậu quả là hệ thống ngân hàng sẽ có nhiều nợ xấu hơn và có thể tạo ra những vấn đề nghiêm trọng cho hệ thống ngân hàng.

    Nói chung, với tình trạng của chính sách tiền tệ hiện nay và hiện trạng của hệ thống ngân hàng đã tạo nên những hiện tượng mà chúng ta thấy đang dần xuất hiện như: hiện tượng nợ xấu có nguy cơ tăng đột biến, một số ngân hàng khó khăn về thanh khoản tìm mọi cách để huy động tiền gửi với mức lãi suất rất cao, chênh lệch giữa lãi suất cho vay và huy động rất cao vì chi phí ngân hàng tăng vọt, lãi suất cho vay quá cao, trên cả mức sinh lời của các doanh nghiệp, xảy ra hiện tượng khó vay, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, xảy ra hiện tượng găm giữ hàng hóa không cần thiết, xảy ra hiện tượng những ngân hàng nhỏ gặp nhiều vấn đề trầm trọng.

    Hệ quả là khủng hoảng cục bộ có thể xảy ra và làm cho việc phát triển hệ thống tài chính không thực hiện được, tín dụng bị phân phối cho những nơi kém hiệu quả, nơi mà ngân hàng thường thiên về cứu khách hàng cũ dù họ có vấn đề (đâm lao phải theo lao) thay cho việc cho vay các dự án mới khả thi hơn. Và trong tình trạng khó khăn như vậy của hệ thống ngân hàng thương mại, chính sách thắt quá chặt chính sách tiền tệ sẽ tạo nên khủng hoảng về khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại, không loại trừ dẫn đến hiện tượng xấu hơn là mất khả năng chi trả của một số ngân hàng yếu kém và kết quả là sẽ đẩy cho tình trạng cả vĩ mô và vi mô xấu đi.

    Đứng trước những hiện tượng như vậy, cần hành động là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chúng ta khẩn trương nhưng không nên quá hoảng sợ. Nhiều cuộc khủng hoảng xảy ra trong quá khứ đã làm cho nền kinh tế thế giới linh hoạt hơn, hồi phục nhanh hơn trước đây. Những dấu hiệu hồi phục gần đây của nền kinh tế Mỹ mà chỉ cách đây mấy tháng còn rất bi quan cho thấy các nền kinh tế đã chịu va đập tốt hơn đối với các cuộc khủng hoảng.

    Tại Việt Nam cũng vậy, có những nhân tố cơ bản của nền kinh tế vẫn còn rất tích cực như đầu tư nước ngoài vẫn tăng mạnh, xuất khẩu tăng mạnh và sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ sẽ làm giảm các lo ngại và tác động xấu từ bên ngoài đối với Việt Nam. Hơn nữa và rất quan trọng là niềm tin về những đặc điểm tốt đẹp của Việt Nam như sự cần cù và thông minh của người dân, sự ổn định của hệ thống chính trị và thường khi bị dồn vào chân tường, Việt Nam thường xuất hiện những yếu tố phi thường có thể giúp vượt quá giai đoạn khốn khó. Điều đó cho chúng ta niềm tin về sự hồi phục trở lại của nền kinh tế.

    Những đề xuất về chính sách

    Thứ nhất, lạm phát là đáng sợ và cần phải kiềm chế, song lạm phát là tích tụ của nhiều nguyên nhân trong một thời gian dài. Chống lạm phát cũng phải bắt đầu đồng bộ từ việc chính sửa các nguyên nhân gây nên chúng. Việc thắt quá chặt chính sách tiền tệ trong khi nền kinh tế chưa kịp thích ứng và hệ thống ngân hàng không kịp trở tay sẽ đẩy nhanh nền kinh tế tới thảm họa và khủng hoảng. Mặt khác, sẽ chẳng thể chống lạm phát được nếu hệ thống ngân hàng bị khốn khó và nền kinh tế đang đứng trước ngưỡng cửa của khủng hoảng. Các biện pháp ổn định chính sách kinh tế vĩ mô chỉ làm tốt, kể cả chống lạm phát khi hệ thống ngân hàng vững mạnh, hay nền kinh tế có khả năng hấp thụ liều thuốc đó. Hiện nay, cá nhân tôi cho rằng việc làm cấp bách đó là việc ổn định hệ thống ngân hàng, tạo một môi trường thuận lợi hơn hiện nay cho doanh nghiệp phát triển cùng với biện pháp giảm dần lạm phát.

    Thứ hai, NHNN phải tạo lập sự thông suốt của hệ thống thanh toán, bảo đảm hoạt động bình thường của thị trường liên ngân hàng, có phương án xử lý được các ngân hàng yếu kém.

    Bên cạnh đó, cần thực thi một chính sách tiền tệ thắt chặt vừa phải để tạo ra và xác lập được một lãi suất cho vay ở quanh mức độ 16-17%/năm. Chỉ như vậy, các doanh nghiệp mới có đất sống, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc nâng lãi suất lên mức 16-17% là đã nâng hơn 4% so với năm 2007 là hợp lý để có thể làm giảm đầu tư, qua đó kiềm chế được lạm phát, và như vậy, so với tình trạng thắt quá chặt hiện nay, NHNN phải giảm bớt độ chặt không cần thiết đó để nền kinh tế có thể thở được. Chính sách tiền tệ mà làm cho lãi suất cho vay trên 20% là lãi suất trên mức sinh lời của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt đối với các doanh nghiệp sử dụng lao động nhiều, sẽ đẩy nhiều doanh nghiệp vào vỡ nợ.

    Thứ ba, đối với hệ thống thanh tra giám sát, NHNN cần tiến hành ngay việc tổ chức lại hệ thống thanh tra giám sát theo các chuẩn mực quốc tế.

    Với chức năng và những công cụ như hiện nay, NHNN hoàn toàn có thể thực hiện được các mục tiêu đó và chúng ta có quyền được mong chờ. Các chính sách phải được công khai minh bạch với những đề xuất cụ thể để tăng cường lòng tin của thị trường. Còn nếu không, có lẽ những sự thay đổi cần phải sớm được thực hiện trước khi mọi việc đã quá muộn.


    Nguồn tin TBKTSG
  2. rulebreaker

    rulebreaker Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    23/01/2006
    Đã được thích:
    33
    Bác Dũng này có Tứ quý có phần còn đẹp hơn anh Hưng. Anh là đệ của bác Thuý nên phải out khỏi SBV. Cá nhân tôi đánh giá cao pác này vì tác phong nhanh nhẹn và quyết đoán.

    Giống như nhiều NHTW các nước khác như NHTW Mỹ (Fed) hay Anh, SBV đang bị "kẹp" giữa 2 sự lựa chọn đối lập nhau: (1) Là thặt chặt tiền tệ để chống lạm phát v.s. (2) Nới lỏng bớt việc thắt chặt để tạo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.

    Như trong vụ khủng hoảng subprime ở Mỹ, Fed đã lựa chọn việc bơm thanh khoản lên hàng đầu để cứu vướt NHĐT Bear Stearn, tránh đổ vỡ cho hệ thống ngân hàng, tài chính của Mỹ, và tới giờ có thể thấy hành động đầy quyết đoán của Fed đã mang lại kết quả. NHTƯ Anh cũng đã lựa chọn bơm thêm tiền vào hệ thống ngân hàng mặc dù đang phải đối mặt với áp lực lạm phạt.

    Đối với Việt Nam, xin mượn lời T.s Lê Xuân Nghĩa, Đột quỵ đến nơi rồi thì care gì đến cholesterols nhiều hay ít. Nôm nay NH là chết đến nơi rồi thì pác Giầu nên lo cứu hệ thống, đảm bảo cho máu lưu thông chứ (lạm phát) chelesterol thì không thể làm cho chết ngay được thì nên lo từ từ cũng được.

    Sắp tới còn nhiều màn hay lắm. Vấn đề là nắm bắt cơ hội thế nào???
  3. futureprecedor

    futureprecedor Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    11/05/2006
    Đã được thích:
    467
    Credit crisis là lửa gần
    Inflation là lửa xa
    cứ thế mà cứu phải không bác.
  4. bigheads

    bigheads Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    20/04/2007
    Đã được thích:
    5
    Bài viết đúng là hay, lột ra nhiều vấn đề bất cập giữa chính sách và cuộc sống trong hệ thống ngân hàng VN.

    Nhưng suy cho cùng, nói thì dễ, làm được mới khó nhất là sự thiếu đồng bộ, sự phối hợp ăn khớp giữa các con người trong một bộ phận, các bộ phận trong một tổ chức và giữa các tổ chức với nhau. Dù sao, cũng phải thừa nhận, ít nhất Mr. Kiều cũng có tư tưởng khá cấp tiến trong vấn đề chính sách tiền tệ quá thắt chặt hiện nay. Hành động quyết liệt chống lạm phát của NHNN đang vô tình "khủng bố" luôn cái nền KT VN, trước hết là HTNH, tạo ra một mặt bằng lãi suất cho vay chết người trên dưới 20%.

    Đó là sự lãng phí lớn nhất, tiêu tốn trên đường dẫn từ chính sách đến thực tiễn.
  5. thuquynh06

    thuquynh06 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    15/05/2006
    Đã được thích:
    0
    Đúng là bài viết rất hay, có bác nào làm NH thì biết, hiện nay hầu hết các khoản vay được duyệt đều với lãi suất 1.9%/tháng nhưng vẫn không được giải ngân ngay, DN thì khốn đốn vì không quay vòng được đồng vốn, hàng bán thì ế ẩm và khó có thể thu tiền mặt vì chính khách hàng của họ cũng gặp khó khăn trong việc vay vốn và giải ngân. mấy hôm nay, tình hình thanh khoản của các NH căng như dây đàn, còn DN thì bị áp lực trả nợ NH đè nặng trong khi khó mà tiêu thụ sản phẩm, đồng thời cố chịu lỗ để vay với LS cao để duy trì SX cũng không được giải ngân dù hạn mức tín dụng vẫn còn. Thử hỏi một nền kinh tế mà NH thì khó khăn trong thanh khoản còn DN chấp nhận lỗ để vay cũng không vay được, hàng hoá thì ế ẩm... Nếu không thay đổi chính sách sớm tôi nghĩ Khủng hoảng kinh tế là điều khó tránh khỏi. CP thì mải mê mở rộng HN theo sự thao túng của Mafia BĐS quên cả nhiệm vụ Chống lạm phát, ổn định TTCK, tránh cho nền kinh tế một cuộc khủng hoảng do chính những chính sách bất hợp lý của mình. Dù lỗ rất nhiều, nhưng hôm nay e vẫn quyết định bán 90% số CP còn lại trên sàn và OTC các bác ạ. Buồn lắm...

    Chia sẻ một số thông tin mới với các bác trên diễn đàn nhá: NHNN sẽ bỏ trần lãi suất huy động, nhưng áp dụng trần lãi suất cho vay, lo các NHTM mất khả năng Thanh khoản nên đã yêu cầu Các NHTM phải báo cáo tài chính hàng ngày, ...



    Được thuquynh06 sửa chữa / chuyển vào 21:52 ngày 16/05/2008

Chia sẻ trang này