Bản tin thị trường tiền tệ, trái phiếu tuần 16/09/2024 -20/09/2024

Chủ đề trong 'Thị trường chứng khoán' bởi HQDfinance, 23/09/2024.

3711 người đang online, trong đó có 165 thành viên. 07:37 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
Chủ đề này đã có 663 lượt đọc và 0 bài trả lời
  1. HQDfinance

    HQDfinance Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    31/07/2024
    Đã được thích:
    11
    Bản tin thị trường tiền tệ, trái phiếu tuần 16/09/2024 -20/09/2024

    Thị trường tiền tệ

    Lãi suất mua kỳ hạn điều chỉnh giảm

    Thanh khoản hệ thống duy trì trạng thái cân bằng trong tuần trước và các nghiệp vụ trên kênh thị trường mở khá trầm lắng và chốt tuần, NHNN rút ròng nhẹ 7,3 nghìn tỷ. Cụ thể, NHNN tiếp tục không chào thầu trên kênh tín phiếu, và trên kênh mua kỳ hạn, nhu cầu từ phía các NHTM khá thấp khi chỉ có 1,5 nghìn tỷ được phát hành trên tổng số 8,8 nghìn tỷ đồng gọi thầu, lãi suất giảm 25 điểm cơ bản xuống còn 4,0%. Đây là lần thứ 2 NHNN giảm lãi suất OMO trong vòng hơn 1 tháng qua và đưa lãi suất OMO về mức tương đương đầu năm.

    Việc NHNN giảm lãi suất OMO cho thấy tính linh hoạt trong việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong bối cảnh tỷ giá hạ nhiệt và định hướng điều hành sẽ tập trung hơn vào việc hỗ trợ kinh tế. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã có phản ứng trong tuần trước đó và xu hướng giảm được duy trì trong 4 ngày đầu tuần (xuống vùng 3,2%) trước khi bật tăng lên 3,8% trong phiên giao dịch thứ 6.

    Lãi suất trên thị trường 1 phụ thuộc nhiều vào thanh khoản hệ thống và nhu cầu tín dụng. Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 17/9 ghi nhận ở 7,38% - không quá nhiều khác biệt so với cuối tháng 8 và giúp thanh khoản hệ thống dồi dào. Điều này sẽ giúp mặt bằng lãi suất huy động và cho vay sẽ ổn định trong thời gian tới và được kỳ vọng sẽ tăng nhẹ vào cuối năm khi tín dụng phục hồi.

    Thị trường ngoại hối

    Giá vàng thế giới tiếp tục vượt đỉnh lịch sử

    Trong tuần trước, tâm điểm xoay quanh kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, với mức giảm 50 điểm cơ bản. Động thái của Fed đánh dấu lần cắt giảm đầu tiên của Fed trong 4 năm qua và kết thúc chu trình tăng lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm qua nhằm đối phó với lạm phát. Fed khẳng định đây là bước đi tái cân bằng thích hợp của chính sách tiền tệ, nhằm giữ vững thị trường lao động trong khi vẫn kiểm soát được lạm phát. Các quan chức của Fed dự kiến sẽ giảm thêm 125 điểm cơ bản cho đến cuối năm 2025 trong khi thị trường đang kỳ vọng mức giảm mạnh hơn, với mức giảm lên tới 200 điểm cơ bản.

    Chỉ số DXY giảm 0,3% trong khi các đồng tiền chủ chốt khác đều tăng giá so với USD như GBP (+1,5%) hay EUR (+0,8%) trừ JPY (-2,1%) do NHTW Nhật Bản có quyết định không thay đổi lãi suất trong kỳ họp vừa qua. Các đồng tiền Châu Á biến động trái chiều so với USD, trong đó có tăng giá mạnh nhất là MYR (+2,3%) và KRW (-0,16%) giảm giá. Giá vàng thế giới tiếp tục lập đỉnh lịch sử vào phiên giao dịch ngày thứ 6 tuần trước, và ghi nhận mức tăng 1,7% trong tuần qua và 27% kể từ cuối năm 2023. Giá vàng miếng SJC cũng đã điều chỉnh tăng 1,8% trong tuần qua, tuy nhiên chỉ tăng 8% so với cuối năm 2023 do động thái thu hẹp chênh lệch từ NHNN. Hiện tại chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng thế giới chỉ vào khoảng 3-4 triệu đồng/lượng – tương đương khoảng 4% giá SJC.

    Trên thị trường trong nước, tỷ giá USDVND liên ngân hàng, tỷ giá niêm yết tại các NHTM và tỷ giá tự do tăng giá nhẹ (+0,1%) và mức tăng so với cuối năm 2023 là 1,4%. Trong thời gian tới, thị trường có thể kỳ vọng NHNN có thể đẩy mạnh việc mua ngoại tệ bổ sung cho dự trữ ngoại hối, đưa về mức an toàn hơn để đối phó với các cú sốc nếu có trong tương lai.

    Thị trường trái phiếu chính phủ

    Lợi suất trên cả 2 thị trường giảm nhẹ

    Trong tuần trước, KBNN giảm khối lượng gọi thầu xuống chỉ còn 11,5 nghìn tỷ đồng (-18,7% so với tuần trước đó) – chủ yếu là do kỳ hạn 10 năm (-27,8%). Tỷ lệ trúng thầu giảm xuống 63%, trong đó kỳ hạn 5 năm (500 tỷ) và 30 năm (500 tỷ) huy động được toàn bộ khố lượng gọi thầu. Lợi suất trúng thầu giảm nhẹ (2-3 điểm cơ bản) đối với 2 kỳ hạn 10 và 15 năm và không thay đổi so với phiên trước đó đối với các kỳ hạn còn lại. Như vậy, KBNN đã huy động được 70% kế hoạch phát hành Quý 3 và khó có thể hoàn thành kế hoạch khi chỉ còn 1 tuần giao dịch cuối cùng và KBNN giảm khối lượng gọi thầu xuống chỉ còn 10 nghìn tỷ. Đối với kế hoạch năm, KBNN huy động được 262 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 65,5% kế hoạch.

    Lợi suất trái phiếu trên thị trường thứ cấp giảm nhẹ ở các kỳ hạn, phản ánh xu hướng lãi suất thế giới cũng như thông điệp từ NHNN. Kết tuần đóng cửa như sau: 1 năm (1,85%, -1 bps), 3 năm (1,89%; -1 bps); 5 năm (1,95%, -1 bps); 10 năm (2,67%, -3 bps); 15 năm (2,87%, -2 bps); 20 năm (2,97%, -2 bps) và 30 năm (3,17%, -1 bps). Giá trị giao dịch trung bình ngày Outright và Repos trên thị trường thứ cấp cải thiện lên mức 11,5 nghìn tỷ đồng (+28%) – tương đương mức giao dịch trung bình trong thời gian qua. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục giao dịch sôi động (giá trị giao dịch trung bình đạt 200 tỷ/ngày – cao hơn 40% so với mức bình quân 9 tháng đầu năm) và chốt tuần bán ròng nhẹ 20 tỷ đồng.

Chia sẻ trang này