Bộ Công thương cho biết, tháng 2, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả nước ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 30,8

Chủ đề trong 'Thị trường chứng khoán' bởi LeaderFPT, 03/03/2008.

5606 người đang online, trong đó có 433 thành viên. 23:37 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
Chủ đề này đã có 220 lượt đọc và 1 bài trả lời
  1. LeaderFPT

    LeaderFPT Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    18/11/2007
    Đã được thích:
    954
    Bộ Công thương cho biết, tháng 2, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả nước ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ n

    Cập nhật, Thứ tư, 27/02/2008, 10:20 GMT+7


    Kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả nước tăng 29,2%

    Nổi lên trong số các mặt hàng đạt mức tăng trưởng cao là hạt tiêu tăng 82,5%; nhân điều 57,9%; chè các loại tăng 55,8%; gạo tăng 53,4%;cao su tăng 24,5%; thuỷ sản tăng 22,2%...

    Tin từ Bộ Công thương cho biết, tháng 2, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá cả nước ước đạt 3,8 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2007 nâng tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá trong 2 tháng lên mức 8,71 tỷ USD, tăng 29,2% so với cùng kỳ. Theo Bộ Công Thương, trong 2 tháng đầu năm 2008, phần lớn các mặt hàng thuộc nhóm nông lâm, thuỷ sản tăng trưởng ổn định và được lợi thế về giá. Nổi lên trong số các mặt hàng đạt mức tăng trưởng cao là hạt tiêu tăng 82,5%; nhân điều 57,9%; chè các loại tăng 55,8%; gạo tăng 53,4%;cao su tăng 24,5%; thuỷ sản tăng 22,2%...


    Song song với đó, các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng trong tháng 2 tập trung vào dệt may, dầu thô, giày dép, sản phẩm gỗ, hàng điện tử và linh kiện máy tính, sản phẩm nhựa, dây điện và cáp điện... Tính chung 2 tháng, kim ngạch nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng khá so với cùng kỳ như dầu thô tăng 41,7%; hàng may mặc tăng 41,7%; giày dép tăng 25,2%; sản phẩm nhựa tăng 53,9%; dây điện và cáp điện tăng 27,6%.


    Mặt khác, kim ngạch nhập khẩu của cả nước trong tháng 2 đạt khoảng 5,8 tỷ USD, tăng 62,7% so với cùng kỳ. Do đó, 2 tháng đầu năm 2008 kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt khoảng 12,99 tỷ USD, tăng 63,7%.


    Các chuyên gia thương mại nhận định, sở dĩ kim ngạch nhập khẩu của cả nước tăng bởi cả lượng và giá đều tăng. Ngoài ra, nhiều mặt hàng nhập khẩu trong 2 tháng qua có kim ngạch tăng mạnh như ô tô nguyên chiếc tăng 4,2 lần; linh kiện ô tô tăng 4 lần; thép thành phẩm tăng 2,5 lần; phôi thép tăng 2,8 lần; xăng dầu tăng 70,9%; giấy các loại tăng 53,1%; chất dẻo nguyên liệu tăng 49,9%; máy móc thiết bị phụ tùng tăng 32,6%; nguyên liệu dệt may da giầy tăng 19,4%; sản phẩm hoá chất tăng 53,4%... Trong đó, chủ yếu do tác động bởi giá nhập khẩu tăng như phôi thép tăng 70 đến 72%; phân bón tăng 62%; xăng dầu tăng 57%; chất dẻo nguyên liệu tăng 7%; sợi các loại tăng 12%; bông tăng 3%...


    Đặc biệt, thâm hụt thương mại hai chiều trong 2 tháng đầu năm khoảng gần 4,3 tỷ USD, chiếm 49,2% kim ngạch xuất khẩu. Các chuyên gia cho rằng, mức nhập siêu và nhập khẩu 2 tháng qua cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái là do thị trường tăng nguồn nhập khẩu máy móc thiết bị và nguyên liệu phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng nhập khẩu tăng cao như xăng dầu, máy móc, chất dẻo nguyên liệu... cũng làm thâm hụt cán cân thương mại./.
    Thuý Hà
  2. LeaderFPT

    LeaderFPT Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    18/11/2007
    Đã được thích:
    954
    http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=38&sub=57&article=116254

    Cập nhật 12:09 ngày 24-02-2008

    Thực hiện giải pháp đồng bộ xử lý tình hình Thị trường chứng khoán hiện nay
    ND - Sau Tết Nguyên đán, giá cổ phiếu giảm mạnh. Gần đây mức độ giảm giá tăng lên và diễn ra liên tục trong nhiều phiên, chỉ số Vn-Index xuống còn 687,10 điểm vào ngày 22-2. Trước tình hình diễn biến phức tạp của thị trường, ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN đã viết bài phân tích về vấn đề này.

    Sự xuống giá của thị trường chứng khoán (TTCK) bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, tác động trên cả khía cạnh cung và cầu, trong đó yếu tố tâm lý đóng vai trò rất lớn.

    Việc ổn định lại hoạt động của TTCK trong bối cảnh hiện nay là một vấn đề cấp bách và cần có những giải pháp đồng bộ của các bộ, ngành trên các lĩnh vực kiểm soát lạm phát, thị trường tín dụng, thị trường bất động sản, chính sách tài khóa và chi tiêu chính phủ, v.v... Chúng ta không nên đặt ra vấn đề hay câu chữ "cứu thị trường chứng khoán", hay "hy sinh thị trường chứng khoán cứu lạm phát" như một số báo đưa ra, mà cần có chính sách tổng thể để có thể xử lý tình hình hiện tại mà không ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của TTCK và nền kinh tế nói chung.

    TTCK Việt Nam tuy còn non trẻ, nhưng đang trở thành một thể chế quan trọng trong nền kinh tế, với mức vốn hóa hơn 41% GDP, trong năm qua riêng mức huy động vốn (cổ phiếu, trái phiếu, đấu giá) đạt 120.000 tỷ đồng. Mặc dù số lượng các công ty niêm yết trên hai sàn chỉ khoảng 272 công ty và số lượng các nhà đầu tư mở tài khoản chỉ khoảng 300.000, nhưng nói đến TTCK chúng ta không chỉ nói đến công ty niêm yết, mà cần phải đề cập đến hàng nghìn công ty cổ phần vàcác cổ đông của các công ty này trên thị trường không chính thức. Sự mất ổn định TTCK sẽ ảnh hưởng đến việc huy động vốn của các doanh nghiệp (DN), đến công tác cổ phần hóa và tăng trưởng chung của nền kinh tế trong những năm tới và đặc biệt là lòng tin của công chúng đầu tư trong và ngoài nước.

    Ðể ổn định lại hoạt động của TTCK, theo chúng tôi cần nghiên cứu và giải quyết một số vấn đề sau:

    Ðiều chỉnh lại một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô (lạm phát, tăng trưởng) cho phù hợp với tình hình kinh tế thế giới và những khó khăn trong nước hiện nay. Vấn đề lạm phát: việc kiểm soát lạm phát thông qua việc áp dụng chính sách tiền tệ chặt chẽ là cần thiết, nhằm bảo đảm sự ổn định kinh tế vi mô. Lạm phát hiện nay là kết quả của việc tăng trưởng lượng tiền cung ứng và tín dụng trong những năm trước đây cũng như những yếu kém và hiệu quả thấp trong sản xuất kinh doanh, đầu tư. Việc huy động vốn quá dễ dàng của các DN trên thị trường tự do cũng dẫn đến sức ép đầu tư tràn lan, làm giảm hiệu quả của các DN này cùng lúc là nguyên nhân tác động đến lạm phát. Bởi vậy quá trình chống lạm phát không chỉ bằng các giải pháp từ phía ngân hàng, mà cần có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, trong đó có cả vấn đề kiểm soát các hoạt động huy động, sử dụng vốn và vấn đề đầu tư các dự án, cả trong hoạt động chi tiêu chính phủ.

    Các giải pháp kiểm soát lạm phát hiện nay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần có độ trễ để phát huy tác dụng, không vì chưa thấy tác dụng mà tiếp tục gia tăng và xiết chặt hơn nữa. Bởi vì nếu muốn có tác dụng ngay lập tức thì sẽ gây "sốc" với DN và nền kinh tế. Các giải pháp hạn chế tín dụng, nâng dự trữ bắt buộc là giải pháp cần thiết và phù hợp. Riêng vấn đề tỷ giá, cần tiếp tục cho đồng Việt Nam lên giá hơn so với hiện nay để giảm sức ép mua ngoại tệ, kích thích nhập khẩu, từ đó giảm sức ép lạm phát và thúc đẩy quá trình cải cách trong hoạt động xuất khẩu. Vấn đề tăng lãi suất đã và đang được sử dụng, nhưng cũng cần tính ở mức độ phù hợp để tránh tác động mạnh đến tăng trưởng. Hiện nay, lãi suất quốc tế giảm nếu chênh lệch lãi suất trong nước quá lớn cộng với việc giữ không cho đồng Việt Nam lên giá sẽ thúc đẩy thêm luồng vốn ngoại tệ đổ vào các khối trái phiếu, đặc biệt các tín phiếu ngắn hạn, từ đó sức ép mua ngoại tệ sẽ gia tăng.

    Về vấn đề kiểm soát tín dụng, NHNN đang làm tốt vấn đề này để kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên cần có sự phân biệt đối với các dự án có hiệu quả thực sự, đặc biệt trên tổng mức tín dụng cho phép cần có sự điều chỉnh bên trong cho phù hợp để có thể vẫn giữ và nới lỏng hơn kênh cho vay chứng khoán, từ đó hỗ trợ cho TTCK không bị "tổn thương" quá mức. Thông thường các nước đều nới lỏng tín dụng cho kênh chứng khoán khi thị trường sụt giảm và thắt chặt hơn khi thị trường quá "nóng".

    Ðối với thị trường bất động sản, cách ứng xử của ngân hàng hiện nay là phù hợp. Tuy nhiên cần kết hợp các giải pháp tăng cường quản lý thị trường bất động sản. Ðồng thời việc kiểm soát thị trường này cũng nên từ từ từng bước, tránh dẫn đến sự "đông lạnh", ảnh hưởng đến các ngân hàng, các DN.

    VỀ luồng vốn ngoại tệ nước ngoài: đồng thời với việc cho đồng Việt Nam lên giá hơn nữa, NHNN cần đẩy mạnh hơn việc mua vào ngoại tệ trong thời hạn ít nhất một tháng. Ưu tiên mua ngoại tệ cho mục đích kiều hối, đầu tư trực tiếp, góp vốn đầu tư chiến lược, đầu tư vào TTCK để hỗ trợ cho thị trường không bị giảm sút. Cùng với mua ngoại tệ, NHNN thực hiện hút tiền về thông qua việc phát hành tín phiếu, trái phiếu.

    Trong thời gian tới, nếu luồng ngoại tệ vượt quá mức độ hấp thụ của nền kinh tế, NHNN cần phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu xác định tổng hạn mức ngoại tệ đầu tư gián tiếp và phân bổ hạn mức trên cơ sở phân loại các tổ chức đầu tư nước ngoài (QII) theo các tiêu chí thích hợp, các tổ chức lớn đầu tư lâu dài sẽ được ưu tiên hơn. Tuy nhiên, việc đưa ra giải pháp này cũng cần cân nhắc kỹ lưỡng quy mô luồng vốn nước ngoài, tránh gây "sốc" với thị trường. Trước mắt, chủ yếu tăng cường chế độ báo cáo, tính công khai, minh bạch và nắm bắt kịp thời chính xác luồng vốn này.

    Về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room), trước mắt vẫn duy trì mức sở hữu 49% với công ty niêm yết, nghiên cứu các tỷ lệ sở hữu đối với ngân hàng lên 33-35% để tạo kích thích cho TTCK. Ðối với chứng khoán chưa niêm yết, có hai phương án xử lý nâng từ mức 30% (theo luật khuyến khích đầu tư trong nước trước đây) lên 40% hoặc thực hiện phân loại DN với các tỷ lệ áp dụng khác nhau. Tuy nhiên, việc phân loại DN cũng sẽ khó khăn vì hiện nay một DN hoạt động trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Trước mắt có thể phân loại theo một số nhóm nhất định (không quá chi tiết) dựa trên hoạt động chính của DN.

    Ðể hỗ trợ sức "cầu" cho TTCK, nghiên cứu cho phép chi nhánh, công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài hoạt động sớm hơn ở Việt Nam, nhưng cho phép quản lý luồng vốn huy động ở nước ngoài nhằm thu hút và quản lý tốt hơn luồng vốn này.

    Về hoạt động đấu giá (IPO) hiện nay, do chưa có giải pháp "kích cầu" đối với TTCK, việc đưa các DN nhà nước lớn ra đấu giá sẽ khó thành công và không khỏi tác động mạnh đến thị trường. Tuy nhiên, trì hoãn việc IPO cũng làm chậm lại quá trình đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và tiến trình cải cách hiện nay. Bởi vậy, cần nghiên cứu chuyển sang chào bán theo phương thức thỏa thuận cho đối tác chiến lược. Nếu lựa chọn đúng đối tác chiến lược, phải nắm giữ trong thời hạn ba năm thì sẽ bớt lượng cung hàng ra thị trường. Ðồng thời giúp cho DN tăng cường quản trị công ty, hoạt động có hiệu quả hơn và Nhà nước và DN sẽ được hưởng lợi nhiều hơn trong tương lai. Ðể tránh thất thoát tài sản nhà nước do áp dụng phương thức thỏa thuận, cần yêu cầu các DN cổ phần hóa phải công bố công khai và chi tiết hơn các thông tin về DN và vấn đề định giá DN cần được các tổ chức chuyên nghiệp xác định một cách công khai, minh bạch.

    Về hoạt động quản lý TTCK: cần sớm triển khai thị trường giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết tại TTGDCK Hà Nội để tăng cường quản lý và tính thanh khoản cho thị trường OTC, giảm bớt tình trạng đóng băng đối với cổ phiếu OTC. Ðồng thời sớm áp dụng một số nghiệp vụ ký quỹ để tạo ra tín hiệu và sức cầu cho thị trường. Bên cạnh đó cần tăng cường hoạt động thanh tra và xử phạt, nhất là đối với các hành vi thao túng giá, gây mất lòng tin trên thị trường.

    Vấn đề tâm lý và công tác tuyên truyền: hiện nay thị trường đã điều chỉnh rất sâu, giá cả chứng khoán đã trở nên hấp dẫn hơn, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, đầu tư nước ngoài trên thị trường chính thức vẫn được duy trì (đạt mức 8,5 tỷ USD vào cuối tháng 1-2008 so với mức 6,5 tỷ USD vào tháng 10-2007), hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN niêm yết nhìn chung là tốt. Các nhà đầu tư không nên quá nhạy cảm trước một vài thông tin cũng như trước việc kiểm soát lạm phát của NHNN. Các cơ quan báo chí thực hiện tuyên truyền tốt hơn và các cơ quan quản lý thực hiện công khai, minh bạch trong việc ban hành và tuyên truyền các chính sách, giải pháp. Các chính sách, giải pháp mới cần đưa ra thăm dò, lấy ý kiến trước để các DN và đối tượng chịu tác động có cơ hội điều chỉnh, từ đó các giải pháp dễ được tiếp thu hơn và không gây sốc về tâm lý.

Chia sẻ trang này