Cánh hoa trước gió

Chủ đề trong 'Giao Lưu' bởi Hoa_Sim, 26/03/2014.

6116 người đang online, trong đó có 661 thành viên. 22:20 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
Chủ đề này đã có 2053 lượt đọc và 3 bài trả lời
  1. Hoa_Sim Thành viên gắn bó với f319.com

    Cánh hoa trước gió

    [​IMG]

    Bước vào văn phòng một buổi sáng, liếc mắt nhìn trang báo thấy giá cổ phiếu mình mua tăng vọt, bạn bỗng cảm thấy khoan khoái. Nhẩm tính số tiền lời, bạn mơ màng nghĩ đến chuyến du lịch sắp tới.
    Lòng đang lâng lâng thì chuông điện thoại reo vang. Phòng xuất khẩu cho biết lô hàng tháng rồi vừa bị khách hàng từ chối vì không đạt tiêu chuẩn. Từ mây xanh rơi xuống đất, bạn hốt hoảng nghĩ đến số tiền lỗ phải chịu mà toát mồ hôi. Lập tức gọi phòng sản xuất, bạn xổ cho một trận không tiếc lời. Gác máy điện thoại xuống, tuy chưa nguôi giận và tim vẫn còn đập mạnh, bạn cảm thấy hối tiếc là đã buộc công nhân làm thêm ca đêm để giao hàng cho kịp khiến xảy ra việc có lô hàng kém chất lượng. Liếc nhìn chồng hồ sơ chờ giải quyết, lòng đang ngao ngán thì điện thoại lại reo vang. Phòng kế toán cho biết vừa đòi được nợ của một khách hàng lớn: “À, thì ít ra cũng còn có một tin vui!”, bạn tự nhủ và mỉm cười. Thế nhưng nỗi lo âu lại trở về cùng một cảm giác hoang mang khi nghĩ đến tương lai.

    Chỉ trong vòng 15 phút đầu ngày mà bạn đã nếm đủ mọi cảm xúc và tất cả đều bắt nguồn từ những sự việc rất thông thường mà một người giám đốc công ty phải đối đầu hàng giờ, hàng phút. Với công việc dồn dập một ngày như mọi ngày, chả trách mà bạn cảm thấy cuộc sống ngày càng căng thẳng. Sự căng thẳng này nếu chỉ ngắn hạn thì cũng chỉ là chuyện bình thường, tuy nhiên nếu kéo dài liên tục thì sẽ đưa đến nhiều hậu quả không tốt cả về thể xác lẫn tinh thần. Với áp huyết gia tăng, tim yếu và đầu óc thấm mệt, dần dà bạn trở nên… dễ quên và cảm thấy khó khăn hơn khi phải ra quyết định. Là người lãnh đạo công ty, bạn phải chọn hướng đi trước những ngã ba đường và đương đầu với những lo toan trong công việc, tức là phải quyết định. Thế nhưng, bây giờ mỗi quyết định, dù chỉ là chuyện nhỏ cũng trở thành một gánh nặng. Điều đó khiến công việc cần giải quyết ngày càng chồng chất và sự căng thẳng cứ thế mà gia tăng.

    Hãy thử chắp tay trước mặt rồi đè mạnh vào nhau. Cứ giữ như thế một lúc, tuy chẳng xê dịch đi đâu cả mà hai lực đối nghịch ấy cũng đủ để làm ta kiệt sức. Tương tự, khi cần giải quyết một vấn đề thì ta có một số tình huống khác nhau để lựa chọn. Tuy nhiên, nếu cứ giữ mãi trong trí những ý tưởng giằng co, đối nghịch nhau thì chẳng bao lâu, cái khối óc mong manh của ta rồi cũng thấm mệt và từ đó đưa đến chỗ rối loạn thần kinh.

    Nếu so sánh mỗi vấn đề phải giải quyết như một trái banh bay đến khung thành thì người giám đốc không khác gì một thủ môn trên sân cỏ. Tuy nhiên, vai trò của người giám đốc khó hơn rất nhiều, ở chỗ không chỉ có một trái banh mà có đến hàng chục trái banh từ mọi hướng liên tục xẹt tới khung thành. Sau một ngày làm việc mệt nhọc, người “thủ môn giám đốc” ấy rời sân cỏ, lê tấm thân rã rời và bộ óc mệt mỏi về nhà, nghỉ mệt lấy sức để ngày mai tiếp tục “bắt banh”.

    Nếu được nghỉ mệt lấy sức như vậy thì cũng còn may. Bước sang thập niên 1990, một cuộc “động đất” mãnh liệt đã xảy ra trên “sân cỏ”. Sự xuất hiện của Internet đã biến thị trường thế giới thành một sân chơi không biên giới, trong đó thời gian và khoảng cách không còn là vấn đề. Thêm vào đó, chiếc máy vi tính xách tay và cái điện thoại di động đã khiến con người ngày càng gắn liền với công việc.

    Thật vậy, đời sống gia đình và công việc giờ đây dường như không còn một hàng rào cách biệt mà tất cả cùng nằm trên một sân bóng. Ba giờ sáng đang ngon giấc, bạn có thể bị đánh thức để “bắt banh” với một cú điện thoại từ nước khác gọi đến. Nối mạng Internet ở nhà thì cũng không khác gì sau một ngày làm việc mệt nhọc, về nhà bạn lại thấy đầy người đang ngồi chờ trong phòng khách. Trước đây, mỗi lần muốn làm việc thì bạn phải đến sở, nay thì chẳng cần đi đâu xa dù đang nghĩ mát ở bất cứ nơi nào, chỉ cần mở chiếc máy vi tính xách tay và nối mạng hoặc mở điện thoại di động là bạn sẽ có việc ngay.

    Phải liên tục làm việc không nghỉ 24/24 giờ để đương đầu với bao nhiêu vấn đề cần giải quyết thì lại càng mau thấm mệt. Mà càng mệt mỏi, căng thẳng thì lại càng không thể ra quyết định sáng suốt và nhanh chóng. Như một… cánh hoa trước gió, người giám đốc phải làm gì để giữ cho cuộc sống bớt căng thẳng, để tâm trí mình luôn an bình và không xao động trước mọi tình huống? Trong phạm vi bài viết này, tôi xin đề nghị vài điều căn bản:

    Tập thể dục đều đặn: Việc đầu tiên là cần có sức khỏe tốt. Chắc hẳn bạn đã nghe nhiều về việc tập thể dục và dinh dưỡng nên chúng ta sẽ không bàn thêm về điều này.

    Giữ trí óc nhẹ nhàng: Nên dùng trí óc để suy nghĩ và phán đoán hơn là để nhớ, do đó nên tránh lưu trữ quá nhiều dữ liệu không cần thiết trong óc. Nên ghi ra giấy những việc cần làm mỗi ngày. Tương tự như chiếc máy vi tính, bạn nên đưa hết dữ liệu vào bộ đĩa cứng và chỉ dùng bộ CPU (khối óc) để phân tích và quyết định.

    Tái lập hàng rào giữa cuộc sống cá nhân và công việc: Đơn giản nhất là nên hạn chế sử dụng hoặc tắt chiếc điện thoại di động trước khi bước vào nhà, cũng như không nên mang chiếc máy vi tính xách tay về nhà để làm việc và nhất là phải tìm cách thư giãn trí óc, tránh đừng nghĩ đến công việc khi ở nhà.

    Thiền: Đây là một phương pháp rất công hiệu. Trước hết, thế nào là thiền và tại sao thiền lại có thể giúp tăng sức mạnh tinh thần?

    Hãy nhìn lại hình ảnh người giám đốc ở đầu bài và chú ý đến diễn biến của ý nghĩ. Ta thấy rằng tương tự như khi mở một chai nước ngọt có gas, những ý nghĩ trong trí ta cũng như những bọt khí từ đáy chai (tiềm thức) tự động nổi lên mà chúng ta không hề điều khiển. Trí óc con người cứ thế mà bận rộn liên tục với mọi ý nghĩ từ chuyện này sang chuyện khác. Nếu chỉ suy nghĩ, tính toán thì có lẽ cũng không đến nỗi nào. Tuy nhiên, ý nghĩ thường đưa đến cảm xúc nên cứ thế tâm trí ta đi từ vui, buồn, hy vọng đến lo âu… và chính những cảm xúc bi quan vô cớ là nguồn gốc của mọi khổ ải.

    Hãy tưởng tượng trí óc ta là một màn hình vi tính. Nếu có một vạch thẳng đứng chia đôi màn hình, tượng trưng cho thời điểm hiện tại thì bên trái màn hình là quá khứ và bên mặt là tương lai. Trí óc con người mỗi lúc chỉ có thể nghĩ về một việc và không khác gì con trỏ, cứ chạy lăng quăng trên màn hình. Khi con trỏ ở bên trái thì ta nghĩ đến chuyện quá khứ và khi con trỏ sang bên phải thì lại bận tâm đến chuyện tương lai. Nghĩ về quá khứ thì thường hối tiếc mà nghĩ đến tương lai thì lại hay lo lắng và cứ thế tâm trí con người bận bịu suốt đời!

    Thực ra, nghĩ về quá khứ cũng vô ích vì nó đã đi qua không sao thay đổi được mà nghĩ đến tương lai thì lại càng vô ích hơn vì chưa chắc những điều ta lo toan sẽ xảy ra. Thế nhưng, trí óc con người luôn luôn lẩn quẩn với lo lắng và hối tiếc mà quên hẳn thực tại. Thiền là cách giúp tâm trí ta chú ý vào hiện tại và chỉ khi nào trí óc tập trung vào hiện tại ta mới thực sự tìm được sự bình an trong tâm trí.

    Thiền cũng không phải là một cái gì cao siêu bí ẩn, thuộc về một tôn giáo nào hoặc chỉ dành riêng cho những kẻ muốn thoát tục. Đối với những người hàng ngày phải vật lộn với cuộc sống thì thiền là một phương pháp hữu hiệu để giúp tâm trí được thư giãn và sáng suốt.

    Trong phạm vi bài này, tôi xin trình bày vài quy tắc rất giản dị về thiền: Ban đầu mỗi ngày bạn chỉ cần bỏ ra khoảng 15 phút, vào buổi sáng khi vừa thức dậy hoặc buổi tối trước khi ngủ, tìm một góc phòng yên tĩnh, ngồi kiết già và làm hai bài tập sau đây:

    1. Chú tâm: Bài học đầu tiên là tập chú ý đến hơi thở. Ngồi yên lặng, mắt hơi nhắm, và chỉ nghĩ đến hơi thở đang thông qua mũi khi ta hít vào. Sau đó thở ra nhẹ nhàng, cũng vẫn nghĩ đến hơi thở và đếm trong trí … “một” cứ thế mà đếm “hai”, “ba”, “bốn”, rồi trở lại “một”. Giữ cho ý nghĩ tập trung vào hơi thở là một điều không dễ như ta tưởng vì tâm trí ta cứ thích đuổi theo bao chuyện vẩn vơ. Mỗi lần cảm thấy mình “đi lạc” thì bạn chỉ cần nhẹ nhàng kéo ý nghĩ của mình về lại hơi thở.

    2. Quán niệm: Sau một thời gian tập theo dõi hơi thở, bạn có thể học thêm bài thứ hai. Lần này bạn không bắt buộc trí óc mình phải chú tâm vào hơi thở mà cứ thả cho nó đi mông lung và chỉ cần “theo dõi” cùng “ghi nhận” xem mình đang suy nghĩ cái gì. Như một con khỉ trên cây, ý nghĩ của ta cứ chuyền từ cành này sang cành nọ. Ta cần tưởng tượng như có một người thứ ba đứng nhìn “con khỉ” (ý nghĩ) đó và đọc thầm trong tâm về vị trí của nó.

    Khi chú ý đến một tiếng động thì tự bảo “nghe động - nghe động”.

    Bỗng cảm thấy ngứa thì tự bảo “ngứa ngáy - ngứa ngáy”.

    Trong trí muốn gãi thì tự bảo “muốn gãi - muốn gãi”.

    Đang nghĩ đến một chuyện gì khác thì tự bảo “suy nghĩ - suy nghĩ”.

    Cứ liên tục theo dõi và ghi nhận về trạng thái của ý nghĩ ở mỗi lúc như vậy thì chẳng bao lâu bạn sẽ thấy “con khỉ” ấy dường như chậm lại vì đi đến đâu nó cũng bị ta bám theo sát nút! Có lúc bạn sẽ cảm thấy ý nghĩ mình ngừng lại và tâm trí trống không thì hãy tự bảo “biết rõ - biết rõ”.

    Hai bài tập trên đây tuy rất căn bản nhưng cũng đủ để mang ra dùng suốt đời. Dần dần bạn có thể tăng thời gian tập mỗi ngày và nếu muốn tiến xa hơn thì bạn có thể nghiên cứu qua sách vở hoặc tìm các thiền sư để thụ giáo.

    Thế nào bạn cũng hỏi rằng chỉ ngồi yên một chỗ và theo dõi ý nghĩ của mình như vậy thì lợi cái gì? Hãy nhìn một người tập tạ. Anh ta chỉ ở một chỗ, nâng mấy quả tạ lên xuống thì được lợi cái gì? Thực ra, qua những động tác lập lại như thế, sau một thời gian bắp thịt sẽ nở nang và cơ thể trở nên khỏe mạnh, giúp ta có thể làm việc nặng khi cần. Ngồi thiền trông cũng … “vô tích sự” như việc tập tạ nhưng chính là một phương pháp tập thể dục trí óc để tăng sức mạnh tinh thần và giúp ta làm chủ được tâm trí mình.

    Con người thường nhìn việc đời qua một cặp mắt kính lọc bởi những quan niệm và chính kiến riêng biệt. Cùng một sự việc, cùng một thông tin mà người mang kính hồng thì thấy tươi đẹp trong khi người mang kính đen thì lại cho là u tối. Khi cặp kính vẩn đục thì ta nhìn đời với những ý nghĩ bi quan, đầy lo âu. Thiền chính là một cách để giúp chùi sáng cặp mắt kính, giúp tạo lại thăng bằng cho nội tâm và khiến ta không cảm thấy nao núng trước mọi tình huống.

    Mươi phút ngồi thiền mỗi ngày thì làm sao có thể giúp ta làm chuyện lớn được? Quán niệm được ý nghĩ là một bước quan trọng, giúp ta biết rõ và làm chủ được mọi tư tưởng và hành động của chính mình. Từ đó tâm trí ta sẽ lắng xuống, thái độ và phong cách sẽ trở nên từ tốn, ung dung với đầy nội lực, giúp ta quyết định công việc một cách sáng suốt và tự tin. Như thế người giám đốc có thể trụ được mọi cơn gió bão trong công việc và cuộc đời.

    Trí óc con người thì luôn mãi lẩn quẩn với lo lắng và hối tiếc mà quên hẳn thực tại. Thiền là cách để giúp tâm trí ta chú ý vào hiện tại và chỉ khi nào trí óc tập trung vào hiện tại thì ta mới thực sự tìm được hanh phúc bình an trong tâm trí.

    Võ Tá Hân
    Surfing thích bài này.
  2. Hoa_Sim

    Hoa_Sim Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    27/11/2010
    Đã được thích:
    23.967
    Võ Tá Hân và những bài viết trong Cánh Hoa Trước Gió
    [​IMG]

    Năm 2006 khi ba mua cho tôi cuốn Cánh hoa trước gió của Võ Tá Hân, lúc tôi chuẩn bị thi môn Quản Trị Học; tôi ngờ ngợ với cái tựa đề. Nếu không có những dòng chữ “những bài viết về kinh tế, tài chính và quản trị đăng trên tạp chí Thời báo kinh tế SàiGòn” thì có thể tôi đã hiểu lầm là một cuốn tiểu thuyết.

    Nhưng rồi càng đọc càng thấy hay. Không phải tiểu thuyết tình cảm ướt át mà là những bài tin trên báo; “Hơn 10 năm nay ông Võ Tá Hân đều đặn viết những bài báo thiết thực, gần gũi, dễ hiểu, phê phán nhưng rất dễ tiếp thu góp ý cho việc quản lý tài chính trong nước, Quản lý doanh nghiệp. Hướng dẫn cách vay vốn, cách thương thảo hợp đồng, các tập quán kinh doanh ở nước ngoài……Một Việt Kiều xa Việt Nam có dễ gần 40 năm viết về đề tài kinh tế khô khan mà văn phong bình dân dễ hiểu, lại tỏ ra am tường chuyện trong nước như ông thật là hiếm thấy. Nhưng quý hơn cả là người nghe trong nước từ lớn tới nhỏ ( Từ dân thường đến lãnh đạo cao cấp ) bị chê rất thẳng mà không cảm thấy tối tăm mặt mũi và cố gắng tìm mọi cách để sửa sai. “

    Tôi thích những dạng tin ấy, trông đơn giản, nhẹ nhàng như cái cách mà người ta đọc lướt qua cái “tít” mà ông đặt ra. Nhưng lại là những cảnh báo, những hồi chuông gióng trước của một người ngoài cuộc, ngồi ngoài xã hội nhìn thật thấu đáo vào từng cty , từng sự việc đang diễn ra. Đọc thử bài “Sao mắt mẹ chưa vui?” ; Cuối năm con Cọp nói chuyện con Ếch; Dương buồm trong cơn bão; Biển số… đừng xô tôi! ;…

    Ông xem sự lên xuống của doanh nghiệp giống như sức khỏe; hay ông xem doanh nghiệp giống như 1 con người, cũng cần được chăm sóc. Với mấy chục năm hoạt động trong lĩnh vực tư vấn doanh nghiệp, ông Hân cho biết nhiều trường hợp doanh nghiệp chưa “mắc bệnh” nhưng do khủng hoảng tác động tâm lý nên luôn cho rằng mình bị bệnh. Ngoài ra, có những cơ hội ở ngay trước mắt nhưng doanh nghiệp lại không nhìn thấy.

    [​IMG]

    Ông kể câu chuyện về một cặp vợ chồng nọ – chủ một nhà hàng lớn, chủ nhân chiếc xe Rolls Royce đắt tiền. Đôi vợ chồng này than vãn thời kinh tế khủng hoảng, nhà hàng có 50 bàn nhưng mỗi đêm chỉ một, hai bàn có khách. Nhờ được tư vấn, hai người đã đưa ra chương trình “đặt tiệc cưới, tặng miễn phí xe Rolls Royce cho lễ rước dâu”. Ngay sau đó, nhà hàng nhận được rất nhiều hợp đồng đặt hàng tiệc cưới!“

    Bài học ở đây là càng trong khủng hoảng càng phải “nặn óc” nghĩ cách làm như thế nào và nên tự trấn an là luôn có cách. “Khủng hoảng sớm hay muộn rồi cũng sẽ qua bởi không có con đường nào đi xuống dốc mãi. Do vậy, “nghiệm” của bài toán vượt khủng hoảng là… cầm cự được!”, ông Hân nói.

    Ông cho rằng thay vì phí công sức đi tìm câu trả lời cho những vấn đề như “kinh tế Mỹ đã xuống đến đáy chưa, khi nào hồi phục?” hoặc “Việt Nam sẽ hồi phục sớm hay muộn, theo kiểu nào, độ trễ bao nhiêu?”, mỗi nhà doanh nghiệp nên tập trung chăm sóc công ty của mình cho thật kỹ, xác định những gì là “bò sữa” của công ty để mà nâng niu, gìn giữ. Và điều quan trọng hơn là phải xắn tay vào làm chứ không chỉ nghĩ và bàn bạc mãi.

    Surfing thích bài này.
  3. Hoa_Sim

    Hoa_Sim Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    27/11/2010
    Đã được thích:
    23.967
    Ồ ... thế á ? :-o
    Tôi có mở bên đó đâu cơ chứ ? :-??
    Mở bên giao lưu này để bạn bè đọc và suy ngẫm rộng hơn về nhiều đề tài xã hội , chứ bên diễn đàn chính thì tập trung cho chuyên môn chứng khoán, không khéo Mod lại cho rằng mình spam !

    Cái này là lỗi kỹ thuật của diễn đàn , không phải do mình !
    SurfingVoteforyou thích bài này.
  4. Hoa_Sim

    Hoa_Sim Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    27/11/2010
    Đã được thích:
    23.967
    Sao mắt mẹ chưa vui?
    Võ Tá Hân (Singapore)
    Chủ Nhật, 3/1/2010, 10:38 (GMT+7)



    [​IMG]

    Hoạt động thương mại quốc tế từng đem lại sự phồn thịnh cho Singapore nhưng trong bối cảnh hiện nay, đảo quốc này lại đang tìm cách giảm sự lệ thuộc vào lĩnh vực này. Trong ảnh là một góc cảng Singapore.

    (TBKTSG) - Cuối tháng 3-2009, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu đã gây một cú sốc ở Singapore khi báo động rằng ông e ngại nền kinh tế của đảo quốc này có thể sẽ suy thoái hơn 10% trong năm nay và phải mất đến ba năm mới hồi phục!

    Không báo động sao được khi tất cả mọi chỉ số kinh tế đều đồng loạt tụt dốc với riêng lượng xuất khẩu trong tháng 1-2009 đã giảm 35% so với cùng kỳ năm 2008.

    Trước tình thế nguy cấp, Bộ Tài chính quyết định đệ trình ngân sách quốc gia tài khóa 2009 một tháng sớm hơn mọi năm và tung “độc chưởng” với một gói “kích cầu” trị giá 20,5 tỉ đô la Singapore (8,4% GDP).

    Những “liều thuốc cấp cứu” này nhằm vào năm lĩnh vực chính: a) Tạo việc làm cho dân Singapore (5,1 tỉ); b) Giúp ngân hàng cho vay (5,8 tỉ); c) Giúp các công ty đỡ kẹt vốn lưu động và tăng tính cạnh tranh (2,6 tỉ); d) Giúp những gia đình gặp khó khăn tài chính (2,6 tỉ); và e) Xây dựng cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế cho tương lai (4,4 tỉ đô la Singapore).

    Đứng đầu danh mục các “liều thuốc” là chương trình trợ cấp tiền lương cho các công ty nhằm giúp họ bớt sa thải nhân viên để kìm con số thất nghiệp trên đà gia tăng. Chương trình này kéo dài một năm bắt đầu ngay từ tháng 1-2009, theo đó nhà nước sẽ trợ cấp 12% tiền lương (tối đa là 300 đô la Singapore mỗi tháng cho mỗi nhân viên).

    Thế nhưng từ chỗ “gần như niềm tuyệt vọng”, giá chứng khoán bỗng tăng vọt và nhà cửa lại bán chạy như tôm tươi! Từ điểm thấp nhất vào đầu tháng 3 cho đến tháng 11 thì chỉ số thị trường chứng khoán đã tăng đến gần 90%! Giá nhà cửa leo thang vùn vụt và các công trình xây dựng ế ẩm lâu nay cũng không còn căn hộ để bán!

    Sau bốn quí liên tiếp bị suy thoái, GDP tăng trung bình 18,5% liên tiếp trong quí 2 và quí 3 so với quí trước và dự đoán chính thức của nhà nước là GDP của Singapore năm 2009 sẽ chỉ suy giảm từ -2% đến -2,5% và sang năm 2010 thì GDP của Singapore có thể sẽ tăng từ 3-5%.

    Phải chăng thần dược kích cầu 20,5 tỉ đã mang lại hiệu quả? Phải chăng nền kinh tế thế giới đã vực dậy và giúp cho con bệnh Singapore nhanh chóng bình phục? Thế nhưng dường như vẫn có một cái gì không ổn đâu đây! Các bản phân tích của những chuyên gia kinh tế đều còn rất dè dặt và ngay cả Bộ trưởng Tài chính Tharman Shanmugaratnam mới đây cũng đã tuyên bố trước Quốc hội rằng gói kích cầu năm tới không những sẽ được tiếp tục mà lại sẽ... nặng cân hơn năm nay nữa! Trong khi nhiệt kế GDP cho biết bệnh nhân đã giảm sốt thì bác sĩ lại cứ tống thêm thuốc trụ sinh! Nếu thực sự kinh tế đã phục hồi, nói theo cố nhạc sĩ họ Trịnh, thì tại sao... “mắt mẹ vẫn chưa vui”?

    Thước đo GDP không đầy đủ


    [​IMG]
    (Ghi chú: Tất cả các số thống kê trong bài này đều được trích từ “The Economist - Pocket World in Figures - 2010 Edition” và “Yearbook of Statistics Singapore 2009”)
    Công thức GDP như mọi người vẫn biết là GDP = C + I + G + (Ex -Im) nghĩa là bằng tổng số chi tiêu của khối tiêu dùng (C), đầu tư (I), nhà nước (G) cộng với lượng xuất siêu hay trừ đi lượng nhập siêu.

    Nhìn vào cấu trúc kinh tế Singapore thì ta sẽ thấy có một sự thiếu cân đối! Khối thương mại quốc tế không những là cột trụ lớn thứ nhì, đóng góp 51 tỉ đô la Mỹ (gần một phần ba GDP), mà tổng kim ngạch xuất nhập hai chiều lại lên đến 690,2 tỉ đô la Mỹ (xuất 370,6 tỉ đô la Mỹ và nhập 319,6 đô la Mỹ), chiếm đến hơn 4 lần (428,7%) GDP của Singapore.

    Sự lệ thuộc quá nhiều của Singapore vào hoạt động thương mại được thể hiện rõ khi so sánh với một số nước và nền kinh tế khác qua bảng 1:

    Tính đến tháng 10-2009 thì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Singapore đã giảm 23,9% so với 10 tháng đầu năm ngoái. Nếu tình hình khả quan hơn trong hai tháng cuối năm và lượng xuất và nhập khẩu chỉ giảm 20% mỗi chiều cho cả năm thì lượng đóng góp trực tiếp của khối thương mại vào GDP năm 2009 cũng sẽ giảm đi 10,2 tỉ đô la Mỹ (20% của 51 tỉ đô la Mỹ) tức là khoảng 6,3% GDP.

    Tuy nhiên điều mà mọi người ít để ý đến là nếu tiếp tục đà này thì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều trong năm 2009 sẽ giảm 138 tỉ đô la Mỹ (20% của tổng doanh số xuất khẩu 370,6 tỉ đô la Mỹ và nhập khẩu 319,6 tỉ đô la Mỹ). So với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2008 là 114,6 tỉ đô la Mỹ thì 138 tỉ đô la Mỹ quả là một con số khổng lồ cho một nước với 5 triệu dân.

    Sự sụt giảm đột ngột từ khu vực thương mại sẽ mang lại ảnh hưởng dây chuyền đến các lĩnh vực khác (các công ty thương mại sẽ sa thải nhân viên, dịch vụ vận tải, chuyên chở hàng hóa, mãi lực mua sắm, thuế thu nhập... tất cả sẽ đều giảm theo).


    [​IMG]

    Muốn tăng lượng xuất khẩu thì cũng rất khó vì các bạn hàng chính của Singapore hiện cũng đang lao đao vì cuộc khủng hoảng.

    Gần một nửa (46,6%) lượng hàng xuất khẩu của Singapore được bán sang năm thị trường chính là Malaysia, Hồng Kông, Trung Quốc, Mỹ và Nhật.

    Riêng ba bạn hàng lớn nhất là Malaysia, Hồng Kông và Trung Quốc đã chiếm đến một phần ba tổng xuất khẩu của Singapore, tuy nhiên ba nơi này nhập hàng từ Singapore không hoàn toàn để tiêu thụ nội địa mà phần lớn là để chế biến và tái xuất khẩu sang Mỹ và Nhật, hai thị trường đầu tàu đang bị khủng hoảng.

    Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thể tăng giảm mạnh nhưng chỉ có con số khác biệt (xuất siêu hay nhập siêu) là được đưa vào công thức tính GDP. Do đó trong trường hợp của Singapore, nếu chỉ nhìn vào GDP và mức tăng trưởng thì ta sẽ không thấy được con sóng ngầm phát sinh từ sự suy giảm mậu dịch đang ảnh hưởng đến nền kinh tế Singapore.

    Tìm “động cơ” mới cho con tàu kinh tế

    Hoạt động thương mại quốc tế từ lâu vẫn là lực đẩy quan trọng của con tàu kinh tế Singapore nhưng nay thì động cơ này lại bị... ngộp xăng! Giới lãnh đạo kinh tế Singapore thấy rõ điều này nên từ lâu đã tìm cách lắp thêm những “động cơ” mới cho con tàu của mình. Hai “động cơ” lớn được chú trọng nhất là về ngành tài chính và du lịch.

    Về mặt tài chính thì chiến lược mũi nhọn là tìm cách nâng cấp Singapore thành một trung tâm tài chính quan trọng của châu Á. Ngoài những thay đổi về “phần mềm” như cải tổ luật lệ tài chính, đầu tư, thuế má, kế toán, đào tạo chuyên viên... thì cả một khu trung tâm tài chính mới đang được xây dựng trên vùng đất bồi vịnh Marina.

    Theo dự tính thì bắt đầu từ năm 2010, trung tâm này sẽ tung vào thị trường thêm khoảng một phần ba diện tích văn phòng tài chính và ngân hàng hiện có. Đây là một bước đi táo bạo vì nếu nhu cầu không tăng kịp như dự tính thì lượng mặt bằng văn phòng cho thuê sẽ bị dư thừa rất nhiều, tiền thuê lại sẽ giảm mạnh khiến cho lắm chủ đầu tư địa ốc sẽ gặp khó khăn, ngân hàng vướng thêm nợ xấu, và kéo theo các ảnh hưởng dây chuyền khác.

    Điều đáng lo ngại này đang có nguy cơ trở thành sự thực vì các “tổ chim” sắp sửa xây xong nhưng lũ chim thì lại... vắng bóng! Đại bàng Lehman Brothers đã “bị đạn” còn một số các đại gia ngân hàng, tài chính khác thì cũng đều đã bị sứt lông, gãy cánh cả!

    Về việc tăng thêm công suất cho cái “động cơ” thứ hai là ngành du lịch thì nhiều người vẫn không quên rằng cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu trước đây đã từng kịch liệt chống đối việc xây sòng bạc tại đảo quốc này để thu hút du khách vì ngại có thể đưa đến những hậu quả không tốt cho xã hội.

    Thế nhưng giờ đây, để cạnh tranh với các nước trong vùng, Singapore lại sẽ xây không những một mà là hai sòng bạc khổng lồ cùng một lúc. Công trình xây dựng hai sòng bạc và trung tâm tài chính cũng đã tạo công ăn việc làm về mảng xây dựng, giúp đóng góp vào GDP của Singapore trong vòng hai năm qua.

    Vấn đề là khi hai động cơ này bắt đầu hoạt động vào năm tới thì bối cảnh kinh tế thế giới lúc ấy sẽ ra sao? Cuộc suy thoái lần này gắn liền với mặt tín dụng và ngân hàng, và với sự sụt giảm của thị trường tiêu thụ Mỹ thì nền kinh tế toàn cầu rồi cũng sẽ không phục hồi nhanh chóng như sau những lần suy thoái trước đây.

    Để cho con tàu kinh tế Singapore chạy đều, quả không còn cách nào khác hơn là phải tăng công suất của cái “động cơ” nhà nước. Đó là lý do tại sao Bộ trưởng Tharman đã tuyên bố rằng gói kích cầu của Singapore sẽ còn tiếp tục và không những thế, ông lại còn báo trước là mức đóng góp của khu vực nhà nước vào GDP trong vòng 5, 10 năm tới sẽ lên đến 17% GDP!

    Đặt lại vấn đề!

    Suốt ba thập kỷ vừa qua, nền kinh tế toàn cầu đã đạt những thành quả vượt bậc chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Sự thành công này được đặt trên nền tảng tự do mậu dịch và đầu tư, và những nước đang phát triển đã lướt theo làn sóng “toàn cầu hóa” này để đưa đất nước mình vươn lên. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại đã khiến nhiều người “đặt lại vấn đề” và chủ trương toàn cầu hóa hiện đang có nguy cơ đi thụt lùi!

    Theo báo cáo tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Singapore vào tháng 11 thì tổng kim ngạch thương mại toàn cầu năm 2009 sẽ giảm 12%. Lãnh đạo các nước tham dự hội nghị không ngớt hô hào tránh xây dựng rào cản thương mại và khuyến cáo các quốc gia thành viên nên thực thi những điều đã hứa thay vì chỉ tuyên bố suông!

    Nước chủ nhà Singapore rất hiểu rõ vấn đề vì bị ảnh hưởng suy thoái mậu dịch nặng, nên cũng đã lớn tiếng kêu gọi các nước lớn nên phá bỏ các rào cản và mạnh dạn tiếp tục chính sách gia công qua các nước khác (outsourcing).

    Tuy hùng hồn tuyên bố ủng hộ tự do mậu dịch nhưng chính các cường quốc cũng đang ngầm xây dựng những rào cản. Việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu vỏ ruột xe hơi từ Trung Quốc và Trung Quốc lập tức trả đũa bằng cách đe dọa tăng thuế nhập phụ kiện xe hơi từ Mỹ là một thí dụ điển hình về những diễn tiến mới nhất.

    WTO cũng cho biết đã xác nhận hơn 150 trường hợp vi phạm toàn cầu và hiện vẫn còn hàng trăm trường hợp khác đang được điều tra! Ngay chính Thủ tướng Anh, Gordon Brown vào tháng 11 vừa qua cũng đã hô hào “việc Anh cho người Anh” khi tuyên bố là sẽ dành 250.000 việc làm riêng cho dân Anh và châu Âu.

    Con đường trước mặt

    Cũng như nhiều nước khác, Singapore đã dựa vào con đường xuất khẩu để đưa đất nước mình đi lên, và thực sự là đã dựa phần lớn vào thị trường tiêu thụ của Mỹ. Thế nhưng bối cảnh kinh tế mới đã có nhiều thay đổi lớn sau cuộc khủng hoảng vừa qua.

    Tổng số nợ của Mỹ (khu vực tư nhân và nhà nước) nay đã lên mức kỷ lục là 350% GDP và con số đáng ngại này không thể kéo dài. Đối với số nợ của khu vực tư nhân thì dân Mỹ từ lâu vốn ăn xài xả láng, nay sẽ phải thắt lưng buộc bụng.

    Theo một dự đoán của SocGen, nếu dân Mỹ tăng mức tiết kiệm lên 7% thì cũng phải mất ít nhất chín năm để tỷ số nợ/thu nhập có thể trở lại mức an toàn của thập niên 1980. Như thế sức tiêu thụ và lượng nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Mỹ sẽ giảm mạnh trong một thời gian dài.

    Sau khi đã đưa ra những biện pháp tài chính, đổ tiền vào thị trường để cứu vãn nền kinh tế, thì mức nợ của khu vực công tại các nước lớn cũng đã tăng vượt bậc. SocGen ước tính là dù không chi tiêu thêm thì chỉ trong vòng hai năm nữa mức nợ của khu vực nhà nước sẽ lên đến 105% GDP ở Anh, 125% GDP ở Mỹ và khối euro, và 270% GDP ở Nhật.

    Tổng số nợ của khu vực nhà nước trên toàn cầu sẽ lên đến 45.000 tỉ đô la Mỹ, tăng 2,5 lần chỉ trong vòng một thập niên. Để “cứu vãn tình thế” thì một số nước có thể sẽ chọn con đường lạm phát, phá giá đồng bạc để... chạy nợ, và như thế là giá vàng sẽ tiếp tục leo thang! Trong trường hợp tồi tệ nhất thì sẽ có thể đưa đến một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới.

    Từ Singapore nhìn về Việt Nam, với hoạt động thương mại ngày càng là trụ cột quan trọng của cấu trúc kinh tế, với tình trạng nhập siêu liên tục và mức dự trữ ngoại tệ thấp trong một bối cảnh mậu dịch toàn cầu đang suy giảm, việc lèo lái con thuyền kinh tế đất nước là một thách đố lớn cho chúng ta trong những tháng ngày sắp tới!
    Surfing thích bài này.

Chia sẻ trang này