Chứng khoán ngày 28/10: Dòng tiền đột biến

Chủ đề trong 'Thị trường chứng khoán' bởi lentran, 28/10/2011.

5890 người đang online, trong đó có 847 thành viên. 17:04 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
Chủ đề này đã có 670 lượt đọc và 9 bài trả lời
  1. lentran

    lentran Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/03/2009
    Đã được thích:
    0
    Có vẻ một phần dòng tiền đã bừng tỉnh hôm nay sau hơn một tháng ngủ say. Giao dịch rất sôi động và khó tìm thấy những điểm tiêu cực trong một phiên mà những tiêu chí cơ bản đều đáp ứng yêu cầu khắt khe của nhà đầu tư khó tính.=D>

    Có chăng những ý kiến nghi ngại là chưa tìm thấy được lý do nào đủ thuyết phục để lý giải hiện tượng đột biến hôm nay. Thực ra lý do cũng không cần tìm, vì dòng tiền vào mới là điều quan trọng nhất. Dĩ nhiên để lôi kéo thêm nhiều tiền và dài hơi thì chỗ dựa vĩ mô vẫn là điều quan trọng.

    Ấn tượng của phiên là sự thay đổi rất nhanh trong tâm lý của người cầm tiền. Có vẻ như lòng tham có nhiều cách để kích thích. Khi mà không có một phiên sụt giảm mạnh để kích cầu, thì lòng làm có thể xuất hiện khi người cầm tiền sợ “nhỡ tàu”. Trong cả hai trường hợp, sự chú ý của nhà đầu tư là như nhau. Chỉ có điều để tạo một cú giật mạnh đủ thuyết phục, chi phí vốn là lớn và chỉ có được khi sự buông xuôi của người bán lên tới cao trào.

    Tốc độ giao dịch được đẩy cao lên dần và quán tính ngày càng mạnh về cuối phiên là minh chứng rõ ràng nhất cho mối lo ngại nhỡ tàu. Thực ra nếu đã có một xu hướng tăng được xác nhận thì cơ hội luôn tồn tại, không nhất thiết phải nhắm mắt đua giá bằng được. Hiện tượng trần hàng loạt hôm nay cho thấy tâm lý muốn mua đúng đáy, sợ giá rẻ không còn vẫn rất lớn.

    Người mua hôm nay bị cuốn theo tốc độ giao dịch rất nhanh, đặc biệt là khoảng giữa đợt hai. Cú giật dứt khoát tạo nên sự đột biến là trong khoảng 9h30 đến 10h. Một giờ giao dịch đầu tiên của HSX (tính cả khớp lệnh mở cửa), giá trị khớp khoảng 200 tỷ đồng, VN-Index tăng hơn 2 điểm. Quy mô này có khá hơn những phiên trước nhưng chưa có gì thuyết phục và đảm bảo về một khả năng đột biến sau đó. Thậm chí đến thời điểm này, thị trường vẫn chỉ là một đợt hồi giá đơn thuần như đã từng diễn ra nhiều lần trước đó.

    Điểm khác biệt là lực kéo xuất hiện nhanh và dứt khoát. Trong vòng 30 phút tiếp theo từ sau 9h30, lượng vốn đổ vào thêm lên tới gần 180 tỷ đồng. SSI từ mức 17.500 đồng (trên tham chiếu chỉ 2 bước giá) bất thần được đánh thốc lên trần trong vài phút. PVF, HCM, OGC... và một số mã khác cũng được kéo lên trần. Trên HNX, VND, BVS khởi động đầu tiên rồi kế tiếp là KLS, PVX, VCG, SHN.

    Nói chung nhóm đầu cơ thanh khoản cao được lựa chọn là trọng tâm của đợt đánh lên này chứ không phải các đầu kéo như BVH hay MSN. Điều này cũng phản ánh dòng tiền nóng vẫn rất quan tâm đến các cổ phiếu có tính đầu cơ. Hiệu ứng lan tỏa mạnh và dòng tiền cũng rất khá.

    Khi quán tính được tạo ra, nhất là khi các cổ phiếu nói trên bắt đầu lên sát trần và khớp vào dư bán trần, dòng vốn bổ sung mới thực sự xuất hiện một cách ồ ạt. Một bộ phận người mua tỏ ra nóng ruột và nâng giá rất nhanh. Nhìn cách bên mua giải quyết lượng dư bán từ vài trăm đến hơn triệu đơn vị tại SSI, KLS, PVX cũng đủ thấy quán tính này lớn thế nào. Khối lượng tăng rất thuyết phục và tiền vào rất mạnh, chuyển sang chặn mua trần.

    Thời gian còn lại từ sau 10h, thị trường lại giao dịch tương đối nhàm vì chỉ còn bên bán khớp vào dư mua ở những cổ phiếu nóng. Đến lượt các cổ phiếu làng nhàng, khởi động chậm khác nhận được dòng vốn “lỡ thì” tăng tốc. Độ rộng trên cả hai sàn tăng vọt, đặc biệt là HNX với hàng trăm mã kịch trần, hàng trăm mã tăng giá.

    Lượng tiền vào cả hai sàn (không tính thỏa thuận) vọt lên mức rất ấn tượng: 996 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với phiên trước và cao hơn bình quân của tuần tới 70%. Lượng vốn này chia khá đều cho hai sàn và HSX nhỉnh hơn một chút, chiếm 51% tổng giá trị.

    Không rõ có nguyên nhân gì khác ngoài sự sốt ruột vì lo ngại lỡ tàu của người cầm tiền, nhưng một lượng tiền lớn như vậy đã tham gia thì chắc chắn “có chuyện”. Những phiên tới áp lực bán ở vùng giá cao sẽ tăng lên, là điều kiện tốt để kiếm chứng độ mạnh của dòng tiền vào, nhất là dòng tiền tiếp sức.

    Lan Ngọc (VnEconomy)
  2. shn_hnx

    shn_hnx Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    29/03/2010
    Đã được thích:
    4
    Thực ra thì cái bảng nợ công Châu Âu to đùng án ngữ, cộng với Hy Lạp vỡ nợ cận kề làm bà con cẩn trọng, nhưng hôm qua cả thế giới bừng tình thì cái đoạn sợ lỡ tàu của những người đang cầm tiền là hoàn toàn có lý, nhất là HNX về sát đáy cũ rồi,,,,bật lại do bắt đáy một phần, được tiếp sức bởi sự sợ hãi là một phần nữa...vậy là tự nhiên tháng con sóng thôi !
  3. lentran

    lentran Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/03/2009
    Đã được thích:
    0
    Có thể có tin tốt sẽ ra trong cuối tuần này mà sáng nay các media còn chưa thấy!
    Theo lịch trình thì 27/10 là ngày kết thúc thanh tra 4 doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu... và cuối tuần này Bộ TC sẽ có QĐ giảm giá xăng-dầu?
  4. lentran

    lentran Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/03/2009
    Đã được thích:
    0
    lentran xin bình câu nói ấn tượng nhất trong tuần là: "... Không rõ có nguyên nhân gì khác ngoài sự sốt ruột vì lo ngại lỡ tàu của người cầm tiền, nhưng một lượng tiền lớn như vậy đã tham gia thì chắc chắn “có chuyện”..."
    Mọi người thấy thế nào? :)
  5. VnH

    VnH Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    20/03/2010
    Đã được thích:
    17

    Thanks, hiếm khi mới đọc được 1 bài tổng hợp hay như thế này :)>-
  6. stefano

    stefano Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    08/07/2003
    Đã được thích:
    12
    bài viết rất hay và đánh trúng tâm lý...tình hình vĩ mô của VN sẽ ăn theo đà của thế giới...sức mạnh của dòng tiền se lan tỏa và đc khẳng định trong tuần tới...phải đợi thêm nữa mới có thể khẳng định một con sóng lớn...khuyến cáo bà con nhập hàng bằng tiền thịt của mình thôi chưa nên margin làm j vội
  7. lentran

    lentran Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/03/2009
    Đã được thích:
    0
    1/- Trong một trend tăng giá của thị trường chung mà giá CP xuống thấp hơn giá của bạn mua 10-15% thì hãy kiên quyết cắt bỏ (Nếu bạn chọn đúng CP và đúng thời điểm mua thì không bao giờ nó rơi xuống 10-15%, nếu nó rơi xuống 10-15% nghĩa là bạn đã sai và không có gì bảo đảm rằng giá của nó sẽ không xuống nữa, bạn cần nên nhớ những tỷ lệ này: Nếu bạn để thua lỗ 10-15-25-30-40-50-60-70% thì bạn cần kiếm lại tương ứng 11-18-33-43-67-100-150-233% mới đủ để hòa vốn).

    2/- Là một nhà đầu tư cá nhân, bạn đừng đa dạng hóa danh mục đầu tư quá mức, chỉ nên giới hạn 2-3 loại cổ phiếu được lựa chọn thật kỹ lưỡng. Khi phát hiện một CP hấp dẫn khác mà bạn muốn mua thêm, thì bạn hãy bán đi một cổ phiếu kém nhất khác mà mình đang sở hữu _ Bạn hãy luôn luôn xem hành động này là một kỷ luật trong đầu tư chứng khoán (làm như vậy bạn sẽ giữ được mọi thứ trong tầm kiểm soát vì càng sở hữu nhiều cổ phiếu bạn càng khó theo dõi đầy đủ được chúng).

    3/- Bạn đừng bao giờ mua cổ phiếu vì lý do duy nhất là “giá thấp”, hãy tránh mua những hàng hóa “ế thừa”.

    4/- Cuối cùng. Bạn xác định chiến thuật đánh của bạn là gì? Mạo hiểm đi trước hay cẩn trọng theo sau?

    • Mạo hiểm đi trước: Phải là những người có kinh nghiệm trận mạc, và một cái đầu lạnh. Xem thắng thua, đúng sai trong mỗi một thương vụ mua bán cổ phiếu là chuyện bình thường. Họ chỉ lựa chọn những mã Hot, những em chân dài, những chuyến tàu nhanh hoặc những mã dẫn dắt thị trường trong một Up Trend.
    • Cẩn trọng theo sau: Thường là những người không có nhiều kinh nghiệm, họ chỉ thấy được sóng sau 3-4 phiên thị trường xác định đà tăng. Khi ấy, các chuyến tàu nhanh của những mã Hot, của các em chân dài đã đầy khách, sẽ không còn chỗ họ. Họ càng tham gia trễ, mua cổ phiếu đã tăng mạnh thì rủi ro sẽ càng cao.
      - Đối với những người có kinh nghiệm trận mạc, họ thường mạo hiểm đi trước, một con sóng họ kiếm được rất nhiều lợi nhuận. Song song đó họ cũng chịu nhiều rủi ro.
      - Nhưng; với cách đánh cẩn trọng, họ sẽ không kiếm được nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên rủi ro cũng không hề ít, nếu họ lên tàu trể hoặc mua nhầm những hàng hóa “ế thừa”.

    Vậy; bạn còn chần chờ gì nữa? Ngay từ bây giờ, bạn hãy chọn mua cho mình những mã ưng ý và chờ đợi thành quả (Đặc biệt: Khi đã tham gia đầu cơ trên thị trường chứng khoán tức là bạn đã chấp nhận thắng hoặc thua, vậy nên bạn hãy hết sức tránh mua bán những cổ phiếu có thanh khoản kém vì khi đã mua vào được một khối lượng kỳ vọng nhưng khi bán thì khó được như ý).

    Chúc các bạn luôn giao dịch thành công.
  8. lentran

    lentran Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/03/2009
    Đã được thích:
    0
    Nhà đầu tư đã có thể “kê cao gối”?

    Việc châu Âu đạt được đồng thuận trong việc giải cứu khu vực ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ công và việc kinh tế Mỹ bất ngờ tăng trưởng mạnh đã giúp giới đầu tư quốc tế lấy lại được niềm tin về triển vọng kinh tế thế giới.

    Phải chăng đã tới lúc, nhà đầu tư đã có thể yên tâm "kê cao gối" mà ngủ, khỏi cần thấp thỏm trước giờ giao dịch như những đêm trước đó?

    Thỏa thuận hiếm có
    Kết quả hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu lần hai tại Brussels (Bỉ) hôm 26/10 có thể nói là ngoài mong đợi, bởi lẽ trước đó vô số ý kiến nhận định đều cho rằng, cuộc họp này sẽ không đi tới đâu, nhất là sau khi có tin cho biết các bộ trưởng bộ tài chính Khu vực đồng Euro hủy cuộc họp diễn ra liền kề.

    Hội nghị đã thông qua được một thỏa thuận quan trọng với ba điểm chính, giúp xoa dịu được những lo ngại của nhà đầu tư trên các thị trường hàng hóa về nguy cơ sụp đổ của Khu vực đồng Euro gồm 17 thành viên, nhưng quan trọng hơn cả là giúp nhà đầu tư bớt lo lắng về sự lung lay của hệ thống tài chính toàn cầu.

    Theo nội dung thỏa thuận, các nhà cho vay tư nhân chấp thuận xóa 50% khoản nợ cho Hy Lạp, cao hơn hai lần so với mức 21% đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Khu vực đồng Euro hồi tháng 7. Động thái này được xem là sẽ giúp Hy Lạp củng cổ nền tài chính và nhẹ gánh nợ nần đang ở mức 160% GDP.

    Giới chức châu Âu cũng nhất trí tăng tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu của các nhà băng trong khu vực lên 9%, nhằm đảm bảo các ngân hàng đang nắm giữ trái phiếu Hy Lạp không bị ảnh hưởng trong trường hợp quốc gia này tái cấu trúc nợ.

    Theo Cơ quan quản lý ngân hàng châu Âu, số tiền cần thiết cho các ngân hàng sẽ lên tới 106 tỷ Euro, trong đó riêng các nhà băng của Hy Lạp sẽ cần thêm 30 tỷ Euro; Tây Ban Nha 26 tỷ Euro; Italy 14,8 tỷ Euro. Các ngân hàng cần huy động vốn tư nhân trước bằng tái cơ cấu hoặc chuyển nợ thành cổ phiếu.

    Trong trường hợp các ngân hàng không thể tự huy động đủ phần vốn yêu cầu, chính phủ các quốc gia thành viên chịu trách nhiệm hỗ trợ giải quyết. Và một khi các quốc gia không thể chìa tay giúp đỡ, Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu sẽ hỗ trợ thông qua một khoản vay.

    Vấn đề then chốt thứ 3 trong thỏa thuận và cũng là điều quan trọng nhất được thị trường quan tâm là việc nâng quy mô nguồn vốn của Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu từ 440 tỷ Euro lên 1.000 tỷ Euro. Hiện quỹ này chỉ còn 290 tỷ Euro, do phải chi cứu Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp.

    Giới chức châu Âu hy vọng với khoản tiền mới, quỹ trên có thể mở rộng phạm vi hoạt động cứu trợ cho các quốc gia có nguy cơ bị nợ công đe dọa, chẳng hạn như ở hai nền kinh tế lớn thứ 3 và thứ 4 trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu, Italy và Tây Ban Nha.

    Việc mở rộng quỹ này có thể được thực hiện bằng cách bảo lãnh cho các nhà đầu tư mua trái phiếu nợ các nước Khu vực đồng Euro hoặc thông qua một quỹ đầu tư đặc biệt với vốn được thu hút từ các nước ngoài khối như từ khối BRICS gồm Trung Quốc hay Brazil...
    3 nội dung thỏa thuận trên ngay sau khi được công bố đã giúp giá trị đồng Euro tăng mạnh, thị trường chứng khoán toàn cầu khởi sắc. Nhiều nhà phân tích đã đánh giá bước đi này của châu Âu là hiếm có, mở ra một "kỷ nguyên mới" cho tương lai của Khu vực đồng Euro và toàn bộ Liên minh châu Âu.

    Bất ngờ tăng trưởng
    Nếu như thỏa thuận ở châu Âu là ngoài mong đợi, thì báo cáo tăng trưởng kinh tế của Mỹ cũng lại là một sự bất ngờ khác. Theo báo cáo ngày 27/10 của Bộ Thương mại Mỹ, tăng trưởng GDP quý 3 của nền kinh tế này là 2,5%, gần gấp đôi quý 2 và là mức tăng cao nhất trong 12 tháng qua.

    Kinh tế Mỹ bất ngờ tăng mạnh chủ yếu là nhờ cả người tiêu dùng và các doanh nghiệp đều tăng chi tiêu, trong khi thâm hụt thương mại giảm và các khoản chi của chính phủ tăng.

    Cụ thể, trong quý vừa qua, chi tiêu tiêu dùng tại nước này tăng 2,4%, cao hơn nhiều so với mức 0,7% trong quý 2/2011. Đây cũng là mức tăng nhanh nhất trong một năm, đặc biệt là đối với các sản phẩm lâu bền như ô tô và tủ lạnh.

    Trong khi đó, đầu tư của các doanh nghiệp vào các lĩnh vực không thuộc bất động sản tăng 16,3%, cũng là mức tăng cao nhất kể từ một năm trước. Tỷ lệ lạm phát trong quý cũng đã giảm xuống 2,1%, so với 2,3% trong quý trước.

    Theo báo cáo trên, tốc độ tăng GDP của Mỹ (gồm cả hàng hóa và dịch vụ) trong 3 tháng vừa qua cao hơn nhiều so với mức tăng chỉ đạt 0,4% trong quý 1 và 1,3% trong quý 2/2011, và chỉ thấp hơn một chút so với mức dự báo 2,7% của các chuyên gia phân tích kinh tế.

    Kết quả này đã góp phần xua tan mối quan ngại lâu nay về nguy cơ nền kinh tế đầu tàu thế giới lại rơi vào suy thoái. Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đồng loạt tăng điểm sau báo cáo này, cộng thêm tin tốt từ châu Âu trước đó một ngày. Đặc biệt thị trường chứng khoán Pháp đã tăng vọt tới 6,3%.

    Đã bớt lo?
    Diễn biến thị trường sau hai thông tin trên được công bố là rõ ràng, cho thấy niềm tin của giới đầu tư trên các thị trường hàng hóa quốc tế đã được cải thiện. Nhiều nhà phân tích lạc quan cho rằng, mối lo suy thoái kép và vỡ nợ công đã được giải trừ... nhưng thực tế, thị trường chỉ đi lên được một phiên rồi sau đó lại chao đảo ngay trong phiên kế tiếp.

    Điều này không quá khó hiểu. Ở vấn đề châu Âu, thỏa thuận chỉ là một chuyện, thực hiện lại là một chuyện khác. Và thực hiện có vẻ là bài toán khó hơn nhiều so với những tuyên bố, mà vốn dĩ đã khó đạt được đồng thuận chung. Thậm chí cho người còn cho rằng, đây chỉ là một giải pháp tình thế để xoa dịu thị trường.

    Các nhà phân tích kinh tế thuộc cơ quan nghiên cứu kinh tế Capital Economic, một trong những cơ quan nghiên cứu và tư vấn kinh tế hàng đầu trên thế giới, cũng bày tỏ hoài nghi về hiệu quả của các biện pháp nói trên đối với tăng trưởng kinh tế của Eurozone - một yếu tố then chốt có thể giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng hiện nay ở khu vực.

    Capital Economic cho rằng, các biện pháp này chỉ có thể là giải pháp nhất thời chứ không giải quyết được cơ bản những căn nguyên dẫn đến khủng hoảng nợ công của Eurozone.

    Tại Washington, nhóm nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ tại quốc hội đã kêu gọi Tổng thống Obama không dành bất kỳ khoản đóng góp mới nào vào Quỹ Tiền tệ Quốc tế (như đã hứa) để cứu trợ cho các nước châu Âu bị khủng hoảng nợ công.

    Người đứng đầu nhóm nghị sĩ này, Cathy McMorris Rodger, cho rằng, việc Mỹ tăng thêm viện trợ cho châu Âu vào thời điểm hiện nay là không thích hợp khi nợ của Mỹ cũng đã lên tới 15.000 tỷ USD, và một lý do nữa mà nghị sĩ này không muốn Mỹ cứu trợ EU bởi cho rằng EU là một đối thủ cạnh tranh kinh tế với Mỹ.

    Việc nâng nguồn vốn cho Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu cũng là một nan đề chưa có lời giải. Châu Âu đang muốn tạo ra một phương tiện đầu tư đặc biệt để huy động vốn từ các nhà đầu tư tư nhân và nước ngoài, như Trung Quốc, Nga, Brazil, Ấn Độ và Trung Đông thông qua việc mua trái phiếu của các quốc gia mắc nợ.

    Tuy nhiên, theo giới quan sát, việc huy động vốn từ các “nhà đầu tư ngoài châu Âu” là một vấn đề xem ra rất nhạy cảm về chính trị và khó có thể nêu ra cụ thể. Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tuyên bố ủng hộ EFSF nhưng Bắc Kinh vẫn chưa có cam kết cụ thể về tài chính hoặc sự hỗ trợ nào cho quỹ này.

    Tại Mỹ, mặc dù kinh tế tăng trưởng, nhưng vấn đề lớn nhất hiện nay là tỷ lệ thất nghiệp thì vẫn ở mức trên 9% trong 5 tháng. Các nhà kinh tế cho rằng, GDP của Mỹ cần tăng trưởng ổn định ở mức trên 2,5% thì mới đủ để hạ tỷ lệ thất nghiệp.

    Hôm 27/10, người phát ngôn của Nhà Trắng Jay Carney đánh giá mặc dù kết quả GDP là khả quan và đáng khích lệ, song vẫn còn thấp và chưa đủ để làm giảm tỷ lệ thất nghiệp hiện vẫn ở mức cao (9,1%). Ông Carney cũng cho rằng nước Mỹ vẫn cần nhiều biện pháp thúc đẩy hơn nữa nhằm tạo công ăn việc làm và vực dậy nền kinh tế đang sa sút.

    Nhiều nhà phân tích đồn đoán rằng, tình thế này có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phải cân nhắc tới các biện pháp bổ sung để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế trong thời gian tới.

    Theo một số chuyên gia, trước khả năng xảy ra suy thoái ở châu Âu cùng với nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ giảm xuống sau khi tăng mạnh, trong khi chính sách tài chính thắt chặt hơn và các chính sách thiếu chắc chắn, tăng trưởng kinh tế của nước này có thể giảm từ 2% trong nửa đầu năm 2012 xuống 1% vào cuối năm.

    Từ những đánh giá riêng rẽ về Mỹ và châu Âu, nhiều chuyên gia kinh tế và tài chính quốc tế cho rằng, suy thoái kép vẫn có thể xảy ra tại Mỹ và một số quốc gia thuộc Liên minh châu Âu trong 12 tháng tới. Trong đó, đặc biệt đáng chú ý là phân tích của chuyên gia "bi quan" Nouriel Roubini.

    Ông Nouriel Roubini cho rằng, phương pháp điều hành hệ thống tài chính, tiền tệ của châu Âu hiện không đủ mạnh để có thể sớm kết thúc cuộc khủng hoảng nợ công ở một số quốc gia châu Âu hiện nay. Theo ông, khả năng xảy ra suy thoái kép ở Mỹ và một số nước châu Âu là 50/50.

    Đặc biệt, chuyên gia kinh tế "ít khi lạc quan" này cho rằng, nếu chẳng may xảy ra những bất ổn về tài chính, tiền tệ, thì mầm mống nảy sinh đều xuất phát từ khu vực các nền kinh tế phát triển.

    Theo VNE/ĐTCK-Online 31/10/2011 08:33:00
  9. lentran

    lentran Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/03/2009
    Đã được thích:
    0
    (ĐTCK-online) Ngày 06/9/2011, HĐQT của CTCP Địa ốc Dầu khí (PVL) đã ra quyết định điều chỉnh phương án kinh doanh khối chung cư dự án Petro Vietnam Landmark nhưng đến ngày 28/10, PVL mới thông báo về khoản lỗ 70 tỷ đồng từ việc giảm giá bán 85 căn hộ của dự án này trong một thông báo về sự kiện bất thường gửi đến UBCK và Sở GDCK Hà Nội. Cách công bố thông tin như vậy đã ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông đại chúng trong Công ty.

    Cổ đông cá nhân bất ngờ
    Dự án Petro Vietnam Landmark gồm 4 block chung cư và 1 block văn phòng và trung tâm thương mại. PVL đã mua toàn bộ 139 căn hộ block C và D của chủ đầu tư với giá 21,36 triệu đồng/m2. Từ tháng 4, PVL đã mở bán dự án với giá bình quân 23 triệu đồng/m2. Nhưng đến tháng 9, còn lại 85 căn hộ diện tích 101 và 150 m2 chưa có người mua. HĐQT PVL đã quyết định điều chỉnh giảm giá bán 85 căn hộ này xuống không thấp hơn 15,5 triệu đồng/m2 (đã bao gồm VAT). Nếu toàn bộ 85 căn hộ được bán với giá 15,5 triệu đồng/m2 thì PVL sẽ lỗ khoảng 70 tỷ đồng. Lý do bán căn hộ theo giải thích của PVL là để thu hồi vốn, trả khoản vay 100 tỷ đồng sắp đến hạn cho Ngân hàng Liên Việt.

    Theo ghi nhận của ĐTCK, cùng thời điểm này, tại TP. HCM, các sàn giao dịch bất động sản, nhà đầu tư thứ cấp đã nắm được thông tin giảm giá bán căn hộ của PVL và có ý định làm nhà đầu tư thứ cấp. Cũng theo nguồn tin của ĐTCK, CTCP Dầu khí Sông Hồng có thể là một trong những nhà đầu tư thứ cấp tham gia mua sỉ số căn hộ giảm giá của PVL.

    Trong Báo cáo quản trị công ty quý III/2011 của PVL ghi rõ, HĐQT PVL đã ra quyết định ngày 6/9/2011 điều chỉnh phương án kinh doanh khối chung cư dự án Petro Vietnam Landmark. Nhưng tại thời điểm đó, các cổ đông bên ngoài PVL đã không được biết việc điều chỉnh giảm giá bán này có thể làm lỗ 70 tỷ đồng.

    Đến ngày 31/10, phiên giao dịch đầu tiên sau khi PVL công bố số lỗ dự kiến, giá cổ phiếu PVL đã giảm mạnh và ngày hôm qua, cổ phiếu này dư bán sàn hơn 2,4 triệu đơn vị, dù giá đã giảm chỉ còn 6.000 đồng/CP. Diễn biến này cho thấy, nhiều cổ đông bị bất ngờ trước con số lỗ dự kiến mà PVL công bố nên đã bán tháo cổ phiếu.

    PVL có số vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó, các cổ đông lớn (đều là tổ chức như Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam, Tổng CTCP Phong Phú, Tổng CT Tài chính CP Dầu khí Việt Nam và CTCP Đầu tư phát triển đô thị và KCN Sông Đà) nắm giữ khoảng 35% cổ phần. Khoảng 65% cổ phần do các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ nắm giữ. Có lẽ họ là những người sau cùng biết về khoản lỗ 70 tỷ đồng do phải giảm giá bán căn hộ, sau gần 2 tháng kể từ khi HĐQT PVL đưa ra quyết định này.

    Ông Đàm Trọng Hiếu, Kế toán trưởng PVL cho biết, khoản lỗ sẽ được ghi nhận khi bàn giao căn hộ cho khách hàng. Như vậy, nếu chủ đầu tư thi công đúng tiến độ bàn giao nhà cho khách hàng vào cuối năm 2011 và PVL bán hết 85 căn hộ với giá 15,5 triệu đồng/m2 thì 70 tỷ đồng lỗ sẽ được hạch toán ngay năm nay, làm thay đổi nghiêm trọng kết quả kinh doanh của PVL.

    Theo kế hoạch năm 2011, PVL sẽ đạt lợi nhuận sau thuế là 89 tỷ đồng, nhưng lũy kế 9 tháng đầu năm mới thực hiện được 7,54 tỷ đồng, trong đó, quý III lỗ 4,41 tỷ đồng. Như vậy, nếu quý IV không có thêm khoản lợi nhuận khác thì PVL sẽ lỗ lũy kế cả năm tối thiểu gần 70 tỷ đồng.

    Theo quy định tại Thông tư 09/2010/TT-BTC, công ty niêm yết phải công bố các thông tin ảnh hưởng đến giá cổ phiếu. Nhưng khoản lỗ 70 tỷ đồng do giảm giá bán căn hộ cần được công bố kịp thời khi HĐQT PVL có quyết định hay không? Câu hỏi này đang chờ HNX và UBCK trả lời.

    Ai được mua căn hộ giá bèo?
    Tại TP. HCM, sau khi PVL công bố giảm giá, lập tức khách hàng tại TP. HCM đã có thể tìm hiểu và đặt cọc hoặc đặt chỗ mua căn hộ ở các sàn giao dịch bất động sản tại TP. HCM. Nhưng giá chào bán là 17 triệu đồng/m2 (gồm cả VAT).

    Sàn giao dịch Hưng Thịnh Phát cho biết, có hơn 30 căn hộ Petro Vietnam Landmark diện giảm giá do các cá nhân ở Hà Nội nhờ bán. Giá bán đồng hạng cho các căn ở các tầng khác nhau là 17 triệu đồng/m2, người mua sẽ ký hợp đồng với bên bán là cá nhân. Sàn Nam Việt có vài căn giảm giá do một số cá nhân gửi bán và ngay ngày thứ 2, sàn này đã bán được 01 căn 101 m2 giá 17 triệu đồng/m2. Trong khi đó, sàn Sacomreal thông báo giá bán là 17,2 triệu đồng/m2 và người mua được ký trực tiếp hợp đồng với chủ đầu tư.

    Điểm đặc biệt là các sàn đều nêu điều kiện người mua thanh toán ngay 100% giá trị căn hộ, với lý do người bán cũng phải thanh toán ngay 100% giá trị căn hộ khi mua giá rẻ từ chủ đầu tư.

    Petro Vietnam Landmark có một ví trí đẹp, nằm gần ngã ba Cát Lái (TP. HCM) giáp các trục đường lớn và ngay gần hầm Thủ Thiêm sắp thông xe trong tháng 11, rút ngắn khoảng cách từ dự án vào quận 1 chỉ còn 10 phút đi xe máy. Dự án đã hoàn thành phần xây thô. Mức giá 15,5 triệu đồng/m2 được cho là rất "bèo" so với các dự án lân cận có vốn đầu tư nước ngoài như Imperia An Phú, Estella, giá khoảng 1.800 USD/m2. Ngay cả khi cộng thêm chệnh lệch 10% thì giá 17 triệu đồng/m2 mà các nhà đầu tư thứ cấp bán ra thị trường vẫn rẻ hơn giá của những căn được bán trước đó (với giá từ 22,5 đến 25 triệu đồng/m2). Việc giảm giá bán giúp giá trị của 85 căn hộ có diện tích lớn 100 và 150 m2 trở nên vừa túi tiền hơn. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền sở hữu căn hộ ở mức giá này.

    Tuy nhiên, đến thời điểm này, ai là người được quyền mua giá rẻ vẫn còn là câu hỏi. Theo thông tin từ các sàn giao dịch thì người bán giá 17 triệu đồng/m2 là những người đã mua căn hộ giá 15,5 triệu đồng/m2 từ chủ đầu tư và nhờ các sàn bán lại để hưởng chênh lệch.

    Thông tin từ Phòng kinh doanh của PVL cho biết, sau khi công bố giảm giá, PVL đã nhận được khoảng 1.000 cuộc điện thoại để hỏi. Vì thế, ngày thứ Ba tuần sau, PVL sẽ tổ chức bán đấu giá 15 căn hộ với giá khởi điểm là 15,5 triệu đồng/m2 cùng một số điều kiện về thanh toán. Phòng kinh doanh của PVL không khẳng định Công ty sẽ bán đấu giá hết 85 căn hộ.

    Phương thức bán căn hộ như thế nào là điều các cổ đông quan tâm để đảm bảo PVL chịu khoản lỗ tối thiểu từ quyết định cắt lỗ, vì bán giá càng cao, khoản lỗ của PVL càng giảm.

    Một nguồn tin từ PVL cho biết, khoản vay 100 tỷ đồng của Liên Việt, PVL đã thanh toán được gần một nửa nên trên thực tế, quyết định giảm giá căn hộ để thu hồi khoảng 200 tỷ đồng vốn là tính toán của PVL, nhằm sử dụng vốn hiệu quả hơn là để vốn chôn trong dự án này.

    T.Hương
  10. lentran

    lentran Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/03/2009
    Đã được thích:
    0
    ... ... ...

    Cuối tháng 10, PVL gây sốc cho thị trường bất động sản khi tiến hành giảm 35% giá trị căn hộ thuộc dự án Petro Vietnam Landmark dưới áp lực trả nợ 100 tỷ đồng cho ngân hàng Liên Việt. Việc bán tháo này có thể dẫn tới mức lỗ dự kiến 70 tỷ đồng lũy kế cuối năm 2011.

    Quá trình bán hạ giá căn hộ của PVL khiến nhà đầu tư đi từ vui mừng đến hẫng hụt do điều kiện mua ngặt nghèo, không khuyến khích khách hàng của chủ đầu tư. Không chỉ yêu cầu bốc thăm 15 trong số 85 căn hộ hạ giá, khách hàng còn phải trả ngay 100% giá trị trong khi không được sử dụng ngay. Cũng vì thế, PVL bị nghi PR cho dự án này với chiêu "bán tháo", tránh một kết quả tài chính bất lợi cuối năm.

    Một lãnh đạo cấp cao của PVL cho hay, đến nay, Công ty đã trả nợ được 55 tỷ đồng số tiền nợ Ngân hàng Liên Việt từ việc bán cổ phiếu và căn hộ. Ngoài ra, kế hoạch bán căn hộ PV Landmark cũng sẽ kết thúc vào ngày 18/11 tới.:-w

    Về việc chậm công bố khoản lỗ 70 tỷ đồng dự kiến ngay tại thời điểm quyết định bán hạ giá căn hộ, ông này cho biết do công ty còn đang trong quá trình xây dựng kế hoạch bán hàng cụ thể. Quyết định hạ giá có từ tháng 9 nhưng cuối tháng 10 mới được công bố.
    Ngoài ra, theo vị lãnh đạo này, các cổ đông lớn dồn dập bán cổ phiếu của PVL trong thời điểm cuối năm 2010 đến đầu năm 2011 hoàn toàn là theo xu hướng thị trường. Trong bối cảnh hầu hết các phân đoạn thị trường địa ốc trầm lắng, cổ phiếu bất động sản lao đao, việc các cổ đông, thậm chí là lãnh đạo công ty, tiến hành điều chỉnh danh mục đầu tư là việc dễ hiểu. Lượng dư bán lớn trong thời gian dài đẩy cổ phiếu PVL giảm giá là khó tránh khỏi. "Điều đó là hợp lý và công ty không thể can thiệp được", lãnh đạo này chia sẻ.

    "Theo quy định, lãnh đạo doanh nghiệp như cấp phó tổng giám đốc sau 3 năm mới được bán cổ phiếu nên khi họ chờ đủ 3 năm họ bán ra thì không ai ngăn cản được", vị lãnh đạo nói.

    (theo ĐTCK; ngày 05/11/2011)

Chia sẻ trang này