Cơ cấu kinh tế Việt Nam: Những đánh giá và khuyến nghị

Chủ đề trong 'Thị trường chứng khoán' bởi tiutiu0209, 19/11/2024 lúc 12:20.

7899 người đang online, trong đó có 1098 thành viên. 14:20 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 26 người đang xem box này (Thành viên: 7, Khách: 19):
  2. Caterpillar,
  3. MichaelVu,
  4. tiutiu0209,
  5. HighwayAssociates,
  6. LanThanh42
Chủ đề này đã có 223 lượt đọc và 3 bài trả lời
  1. tiutiu0209

    tiutiu0209 Thành viên mới

    Tham gia ngày:
    07/10/2005
    Đã được thích:
    4
    Bài viết là quan điểm cá nhân của tác giả.

    Một bài viết của chuyên gia tài chính quốc tế về nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là sự phát triển của các tập đoàn lớn như VinFast và Vingroup, đã mở ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm:

    Chuyên gia tài chính Trung Quốc bàn về VinFast, Vingroup và kinh tế Việt Nam (nghiencuuquocte.org)


    Không thể phủ nhận được rằng những nhận xét về cơ cấu kinh tế của Việt Nam và độ “sâu” của tăng trưởng của Việt Nam đang có nhiều vấn đề. Khủng hoảng bất động sản và các cú sốc tài chính từ các thị trường nhập khẩu chính đã làm lộ rõ điểm yếu trong cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là sự phụ thuộc vào các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp. Tuy nhiên, bài viết này chưa đi sâu vào những lý do khách quan ảnh hưởng đến bối cảnh phát triển của Việt Nam, bao gồm:

    • Môi trường cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt: Thế giới hiện nay có mức độ cạnh tranh và "độ phẳng" cao hơn nhiều so với trước thập kỷ 1990, thời kỳ bùng nổ công nghệ thông tin.
    • Thiếu sự "chống lưng" mạnh mẽ: Việt Nam thiếu sự hỗ trợ chiến lược từ các quốc gia hàng đầu để phát triển năng lực chiến lược, đặc biệt khi so với các quốc gia Đông Á khác, nơi mà họ đã chủ động chọn phe trong các bối cảnh lịch sử và chính trị khác biệt.
    • Sự so sánh không hoàn toàn công bằng: Các quốc gia như Philippines, Thái Lan và Malaysia, dù có nền tảng công nghiệp vững mạnh hơn và phát triển sớm hơn, vẫn không thể đạt được quy mô hay trình độ phát triển như các nền kinh tế Đông Á khác. Vì vậy, thành tựu của Việt Nam là rất đáng kể khi so với các quốc gia có xuất phát điểm sớm và mạnh hơn.
    Từ góc nhìn cá nhân, sau 30 năm phát triển từ nền tảng thấp, không có sự liên kết mạnh mẽ và phải đối mặt với nhiều đối thủ trong khu vực, hướng phát triển của Việt Nam là hợp lý. Việt Nam khó có thể cạnh tranh trong các ngành thâm dụng vốn, công nghệ và quy mô sản xuất do không có lợi thế so sánh so với các nước xung quanh như các nước Đông Á. Do vậy, việc Việt Nam tập trung vào các ngành có độ sâu thấp, thậm dụng lao động, công nghiệp nhẹ, lắp ráp là phù hợp với bối cảnh và giai đoạn phát triển.


    Các vấn đề hiện tại không gây ra bởi sự lựa chọn ngành nghề phát triển mà tới từ cấu trúc thành phần của nền kinh tế. Một điểm quan trọng mà bài viết chưa hoàn toàn thấu hiểu là, những vấn đề hiện nay không phải do lựa chọn ngành nghề phát triển mà là do cấu trúc nền kinh tế. Việt Nam có thể được hình dung như một "cỗ xe tứ mã", trong đó: nhà nước là người xà ích, còn bốn con ngựa kéo nền kinh tế chính là: FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài), nguồn lực tiêu dùng nội địa, nguồn lực nhà nước, và nguồn lực tư nhân. Cỗ xe kinh tế Việt Nam đã trải qua ba giai đoạn phát triển, với sự thay đổi về động lực phát triển của từng "con ngựa" và khả năng điều hành của nhà nước.


    Giai đoạn 1987–2000: Bước đột phá mạnh mẽ:

    Trong giai đoạn này, cỗ xe kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhờ mở cửa thị trường, hội nhập quốc tế, và thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đây là một giai đoạn tăng trưởng hết sức lành mạnh, về mọi phương diện của Việt Nam khi các nguồn lực dư thừa về nhân lực, thị trường được khai thông. Trong giai đoạn này, con ngựa FDI như những con ngựa mới lớn được thắng cương vào cỗ xe kinh tế trong khi Con ngựa tư nhân và Con ngựa tiêu dùng lúc này như con ngựa non, vẫn cần phải chăm bẵm chưa đóng góp nhiều. Điều đặc biệt trong giai đoạn này là người xà ích lúc này thay vì ngồi trên ghế ghìm cương thì lại cưỡi trên lưng con ngựa trưởng thành là các doanh nghiệp nhà nước dẫn đầu kéo xe. Trong giai đoạn này, cỗ xe kinh tế còn nhẹ nhàng nên chỉ với lực kéo chính của 2 con ngựa nhà nước, FDI vẫn chạy nhanh. Trong giai đoạn này, một số nỗ lực của chính phủ trong việc giúp con ngựa nhà nước trở thành đầu đàn nhờ học hỏi khối FDI thông qua các liên doanh nhưng không thực sự thành công bởi con ngựa nhà nước bị cưỡi bởi người xà ích thiếu sự tự do và cạnh tranh.


    Giai đoạn 2000–2010: Cơ hội đột phá bị bỏ lỡ:

    GIai đoạn này cỗ xe tiếp tục chạy nhanh nhờ con ngựa FDI trưởng thành trong khi con ngựa tư nhân cùng con ngựa tiêu dùng nội địa tiếp tục lớn. Trong giai đoạn này, động lực phát triển chính vẫn là FDI, nhưng Việt Nam đã thành công trong việc nâng tầm trình độ của thị trường tư nhân với sự ra đời của các mô hình kinh tế mới, các tập đoàn tư nhân và hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Con ngựa nhà nước không còn là đầu đàn của cỗ xe kinh tế và đã dần tụt lại sau lưng nhưng người xà ích nhà nước vẫn chưa rời khỏi lưng và cố gắng thúc ép nó. Từ góc nhìn cá nhân, Việt Nam đã bỏ lỡ một cơ hội quan trọng trong việc định hình và gia tăng trình độ phát triển của nền kinh tế bởi không hấp thu được nhiều kinh nghiệm quản lý, hiểu biết về chuỗi cung ứng và nâng cao trình độ từ khối FDI. Các liên doanh do doanh nghiệp nhà nước dẫn đầu trong giai đoạn trước về cơ bản đã thất bại trong chiến lược phát triển, cuối cùng chỉ nhận lại vị thế hạn chế như một nhà đầu tư tài chính. Khá nhiều ví dụ trong giai đoạn này như VEAM, với tỷ lệ tham gia cao trong các liên doanh sản xuất ô tô chính với Honda, Toyota… nhưng hiện nay gần như không có hoạt động gì đáng kể trong lĩnh vực này, và thuần túy là nhà đầu tư tài chính, phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cổ tức từ các liên doanh; hay Hanel, Viettronic Tân Bình, coca-cola, bia Hà Nội. Ngoại trừ một vài điểm sáng của doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực Dầu khí, điện lực, gần như các lĩnh vực công nghệ, công nghiệp trọng điểm còn lại không có doanh nghiệp Việt Nam nào tham gia được sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu hoặc khu vực. Những doanh nghiệp FDI lớn thu hút trong giai đoạn này hoặc tập trung khai thác thị trường trong nước hoặc tập trung tận dụng nguồn lực cơ bản như SamSung..

    Cũng trong giai đoạn này, vấn đề từ Con ngựa tư nhân bắt đầu nảy sinh: thay vì học hỏi từ khối FDI và sự hội nhập mạnh mẽ của nền kinh tế, các con ngựa này chủ yếu tập trung ve vãn con ngựa tiêu dùng nội địa. Các tập đoàn tư nhân được hình thành và hưởng lợi lớn từ thị trường chứng khoán thay vì hướng tới các thị trường nước ngoài lại chọn con đường dễ dàng hơn là khai thác những thị trường mang tính nội địa cao như bất động sản, xây dựng, khai khoáng, thương mại… mà không tham gia sâu vào chuỗi sản xuất, giá trị toàn cầu. Có thể nói Việt Nam đã bỏ lỡ một cơ hội vàng trong quá trình phát triển để nâng cao trình độ phát triển của nền kinh tế, và dần trở nên phụ thuộc vào động lực kéo của khối FDI. Trong khi đó khối tư nhân và tiêu dùng tập trung vào một mô hình tăng trưởng đơn sơ phụ thuộc nhiều vào thị trường mang tính đầu cơ và tài chính gây ra nhiều hệ lụy trong giai đoạn sau.

    Giai đoạn 2010–nay: Sự phụ thuộc vào FDI và những cuộc khủng hoảng luân phiên:Kể từ năm 2010, nền kinh tế Việt Nam đã đối mặt với nhiều cú sốc toàn cầu như khủng hoảng nợ dưới chuẩn, khủng hoảng nợ công ở châu Âu, và các tác động của đại dịch Covid-19. Mặc dù vẫn có sự tăng trưởng, nhưng động lực phát triển đã suy giảm rõ rệt. Các "con ngựa" trong nền kinh tế bắt đầu đạt tới giới hạn về nguồn lực, và nhà nước gặp nhiều lúng túng trong việc điều hành và xác định hướng phát triển tiếp theo của nền kinh tế. Con ngựa nhà nước như một con ngựa già dù người xà ích lúc này đã rời khỏi lưng ngựa để trở về vị trí cầm cương. Do những vướng mắc về chính sách, cũng thiếu đi sự linh hoạt trong việc tham gia sâu vào nền kinh tế khiến cho sự can thiệp của khối nhà nước gần như chỉ dừng ở mức nền tảng đầu tư công (cũng hết sức đơn giản là các công trình hạ tầng) và tăng cung tiền.

    Con ngựa tiêu dùng bắt đầu đóng góp tích cực vào quá trình tăng trưởng. Tuy nhiên, gia tăng nhu cầu của khối tiêu dùng trong nước không đủ lớn để tạo động lực tăng trưởng nhảy vọt cũng như nâng tầm của nền kinh tế, ngay cả khi tốc độ tăng trưởng thu nhập và tiêu dùng có đạt 5-6%/năm có nhiều dấu hiệu cho thấy tiêu dùng đang đạt tới giới hạn khi mà tốc độ tăng trưởng dân số của Việt nam bắt đầu suy giảm, thu nhập bình quân đầu người tăng chậm lại, và tỉ lệ tiết kiệm giảm. Bên cạnh đó, do sự hội nhập và phát triển công nghệ, con ngựa tiêu dùng cũng bắt đầu bị con ngựa FDI ve vãn. Nếu không kiểm soát tốt tiêu dùng nội địa có thể không đóng góp tích cực vào nền kinh tế quốc gia mà lại trở thành lực kéo cản trở và hỗ trợ cho các nước láng giềng bởi nguồn lực bị phân tán.

    Với Con ngựa FDI đã hoàn toàn trưởng thành, vẫn tiếp tục tăng trưởng mở rộng nhưng tốc độ đã giảm do những giới hạn nêu trên. Động lực FDI trong giai đoạn này mang tính cơ hội và không còn đóng góp lớn mang tính lan tỏa dẫn dắt trong việc gia tăng năng lực cạnh tranh cho Việt Nam. Dù Việt Nam là nước hưởng lợi từ các cuộc thương chiến Mỹ- Trung, do cấu trúc của nền kinh tế, Việt Nam vẫn chỉ hưởng lợi hạn chế từ con ngựa tiêu dùng thông qua thu nhập lao động sự yếu kém của con ngựa tư nhân và con ngựa nhà nước.


    Con ngựa tư nhân ở giai đoạn này có thể coi là đã trưởng thành nhưng dần trở nên bất kham. Khối doanh nghiệp tư nhân hiện nay gây ra nhiều vấn đề với nền kinh tế hơn là đóng vai trò động lực dẫn dắt. Nguyên nhân chính là do các tập đoàn lớn tại Việt Nam chỉ khai thác thị trường nội địa, thiếu tầm nhìn dài hạn, và thiếu đi trình độ phát triển và năng lực cạnh tranh để tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

    Người xà ích lúc này thay vì tập trung điều khiển những con ngựa kéo chính thì lại phải tập trung xử lý con ngựa tư nhân bất kham, trở thành người vá những lỗ hổng gây ra bởi khối tư nhân. Những phản ứng chính sách của nhà nước nhằm định hướng phát triển cho khối tư nhân chưa có tốc độ đủ nhanh và đột phá, quá tập trung vào khía cạnh tài chính (thuế, thu nhập…) đã dẫn tới một hệ quả lớn: Việt Nam thiếu độ sâu của nền kinh tế, không khai thác hoàn toàn được khối FDI cũng như lợi ích từ việc mở cửa thị trường và trở nên phụ thuộc vào mô hình tăng trưởng nhờ vốn, mà cụ thể ở đây là cung tiền.


    Hệ lụy của mô hình tăng trưởng hiện tại và sự phụ thuộc vào bất động sản và tài chính


    Những vấn đề gây ra bởi sự chệch hướng của khối tư nhân có thể bắt đầu từ việc nhìn vào các tập đoàn lớn. Theo thống kê của tổng cục thống kê, 10% các doanh nghiệp lớn nhất sử dụng đến trên 70% tổng nguồn vốn của các doanh nghiệp trong khi 90% các doanh nghiệp còn lại chỉ có 30% phần vốn đầu tư còn lại. Nếu lượt qua những tên tuổi lớn trong khối tư nhân hiện nay, dễ nhận thấy tập trung trong lĩnh vực phục vụ thị trường nội địa như: ngân hàng tài chính (24 ngân hàng tư nhân/cổ phần), bất động sản (Vin, Sun, Bim,) nông nghiệp, hàng tiêu dung (Masan, Vinamilk…), trong đó các doanh nghiệp lớn nhất hiện nay là Tài chính và bất động sản. Số lượng các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp có số lượng ít (Hòa Phát, TH true milk, REE, Vinamilk, Masan, Thành Thành Công, Thaco, Thành Công etc) , và cũng chỉ tập trung vào các hàng hóa/dịch vụ cơ bản cho nền kinh tế như điện, thép, hàng hóa tiêu dùng. Nhìn từ góc độ thị trường chứng khoán, trên 70% nguồn hàng là các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa trong lĩnh vực hạ tầng, xây dựng, các doanh nghiệp tài chính và bất động sản…

    Việc các doanh nghiệp tư nhân lớn tập trung vào lĩnh vực bất động sản, tài chính hiện đang gây nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. Các công ty tư nhân sở hữu ngân hàng và liên thông mạnh mẽ với các tập đoàn bất động sản tạo ra một quy trình “in tiền” khép kín mà nhà nước gần như không thể kiểm soát như sau: khối tư nhân khai thác đưa vào lưu thông một nguồn lực đất đai mới nhờ vào sự cho phép của nhà nước. Khi Mảnh đất trở thành tài sản thế chấp trong hệ thống ngân hàng, các ngân hàng (chủ yếu trong khối tư nhân) sẽ khởi động quy trình tạo tiền để tương ứng với giá trị của mảnh đất đó giúp nó lưu thông. Đích đến của tài sản bất động sản là khối tiêu dùng có sự phân hóa cao về năng lực tài chính trong đó phần 90% có nhu cầu cao nhất không có khả năng mua hàng hóa này, còn phần 10% lại có khả năng mua nhiều hơn nhu cầu hiện hữu gấp nhiều lần nhu cầu khiến cho giá hàng hóa bất động sản luôn tăng. Thông qua nhiều vòng quay mua bán với sự tham gia của ngân hàng, nguồn tiền phát hành mới luôn tăng lên tương ứng với tốc độ tăng giá của đất đai và bất động sản (10-20%/năm) ngay cả khi mảnh đất ban đầu chưa hề thay đổi. Quy trình trên như một vòng xoáy nhanh chóng và mạnh mẽ thu hút nguồn lực tiết kiệm và tích lũy của khối tiêu dùng và cả nguồn tiền mới phát hành vào tay khối tư nhân. Nhưng khối tư nhân thay vì sử dụng nguồn tiền từ hoạt động này để phát triển gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế hay giúp tăng thu nhập khối tiêu dùng lại sử dụng vào việc mở rộng vòng xoáy này hơn nữa qua việc khai thác các quỹ đất chưa sử dụng ở khắp mọi nơi. Điều này dẫn tới hệ quá là bất động sản chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong nền kinh tế cũng như trong hệ thống ngân hàng, cạnh tranh nguồn vốn và và chi phối các hoạt động đầu tư khác. Nếu có các nguồn lực hỗ trợ, kích thích từ khối nhà nước hay lĩnh vực khác, nguồn tiền mới cũng sẽ dễ dàng bị hút vào vòng xoáy này hơn là sang các lĩnh vực khác theo quy trình nêu trên.

    Khi bất động sản chỉ chiếm dưới 20% tài sản thế chấp cho vay của ngân hàng thì một sự sụt giảm 20% chỉ gây ra thiệt hại 4% cho danh mục, và có thể không gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động cấp tín dụng của ngân hàng cho các lĩnh vực khác. Nhưng nếu bất động sản chiếm 60% tài sản thế chấp, thì chỉ sụt giảm 10% đồng nghĩa với thiệt hại 6%, ngân hàng chắc chắn đóng băng hoạt động cho vay để khắc phục hậu quả. Dù không có thống kê chính thức tỉ lệ bất động sản trong tài sản thế chấp của các ngân hàng Việt Nam, theo kinh nghiệm cá nhân tỷ lệ đó có thể không dưới 60%. Lý do vì luật tín dụng có nhiều điều khoản khuyến khích các ngân hàng nhận tài sản thế chấp bất động sản như tỉ lệ chiết khấu thấp, khả năng chuyển nhượng tốt. Cuộc khủng hoảng nợ năm 2022 không dẫn tới giá nhà sụt giảm mà lại khiến giá nhà tăng lên trong suốt năm 2023-2024 bởi vì ngân hàng và nền kinh tế đơn giản là không có khả năng chịu đựng nếu giá nhà giảm. Thay vào đó, mọi nỗ lực kích thích kinh tế, hạ lãi vay… đều dẫn tới vòng xoáy tập hợp nguồn lực sang khối tư nhân mà cụ thể là lĩnh vực bất động sản.

    Để sửa chữa điều này không đơn giản, nhưng vẫn còn có khả năng thực hiện thông qua thay đổi về mặt chính sách như:

    - Kiểm soát giá bất động sản, sửa đổi chính sách tín dụng, giảm bớt khả năng cung tiền cho bất động sản thông qua thay đổi các tỉ lệ thế chấp tài sản bất động sản. Thay đổi chính sách tín dụng từ việc sử dụng tài sản thế chấp sang kiểm soát nguồn tiền đặc biệt quan trọng bởi hiện nay các chính sách tín dụng đang được thiết kế để hạn chế tài trợ đầu tư cổ phần (lĩnh vực được coi là rất rủi ro so với tài sản), cho vay không có tài sản thế chấp như vốn lưu động. Tuy nhiên, chính sách này dẫn tới trình độ phát triển thấp của nền kinh tế bởi các doanh nghiệp tư nhân và tập đoàn chỉ tập trung nguồn lực cho lĩnh vực ưu đãi bằng bất động sản thay vì hoạt động kinh doanh khác. Việc cho vay chỉ nên hạn chế với hoạt đông giao dịch chứng khoán thay vì hoạt động đầu tư

    - Tập trung vào đáp ứng nhu cầu và kiểm soát thặng dư từ bất động sản: nhà nước có thể đứng ra đấu thầu phát triển sản phẩm bất động sản nhà ở từ khối tư nhân và thực hiện khâu phân phối trực tiếp nhằm loại trừ giá trị thặng dư đất đai khỏi giá trị hàng hóa bất động sản mà nhà phát triển được hưởng.

    - Thay đổi chính sách ưu đãi, để khuyến khích hình thức hợp tác của khối tư nhân và FDI trong những lĩnh vực xuất khẩu chính ngay cả khi khối tư nhân chỉ đóng vai trò thiểu số. Rõ ràng chính sách yêu cầu hợp tác liên doanh là chính sách đúng đắn, nhưng đối tượng doanh nghiệp nhà nước không phải đổi tượng phù hợp để thực hiện. Các ưu đãi này không nên chỉ áp dụng cho khối FDI, mà còn cần thêm các nguồn lực ưu đãi dành cho khối tư nhân trong những lĩnh vực chủ chốt thông qua hoạt động tín dụng ưu đãi, ưu đãi về thị trường, trợ giá sản phẩm, nghiên cứu…

    - Thay đổi chính sách thuế: thay vì tập trung vào giảm thuế, cần bổ sung thêm nhiều hình thức cho phép doanh nghiệp, cá nhân được tránh thuế hợp pháp như ưu đãi miễn giảm khi tái đầu tư lợi nhuận, mở rộng… Điều này cũng khuyến khích môi trường minh bạch hơn khi các doanh nghiệp được kê khai đầy đủ, tránh thuế hợp pháp thay vì trốn thuế như hiện nay.

    - Việc sử dụng hình thức đầu tư công không chỉ nên giới hạn ở những lĩnh vực hạ tầng mà còn ở những lĩnh vực đầu tư tư nhân, trợ giúp các doanh nghiệp tư nhân trong việc tham gia vào các lĩnh vực tạo ra năng lực. Thay vì chỉ đóng vai trò điều hành, nhà nước cần có một chiến lược đầu tư thông minh vào các lĩnh vực có thể tạo ra giá trị lâu dài cho nền kinh tế. Điều này bao gồm đầu tư vào các doanh nghiệp tư nhân như những nhà đầu tư tài chính/thiên thân, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp trọng điểm và các công nghệ mới. Để làm được điều này, những quy chế để cho phép chấp nhận mức độ rủi ro nhất định trong quá trình đầu tư cần được thông qua.
    HighwayAssociatestoma_hawk thích bài này.
    HighwayAssociates đã loan bài này
  2. toma_hawk

    toma_hawk Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    03/09/2015
    Đã được thích:
    1.197
    Bài viết tổng hợp
  3. phikhonglo

    phikhonglo Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    07/03/2010
    Đã được thích:
    42.913
    Nói thẳng là thể chế lỗi thời lạc hậu. Không thể làm động lực cho sự phát triển của đất nước. Kéo theo sự sự lãng phí tài nguyên, thời gian, nhân lực... quá khủng khiếp.

    Hiện tại không có lối thoát.
  4. HighwayAssociates

    HighwayAssociates Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    01/11/2020
    Đã được thích:
    327
    Bài viết hay ! Công trình nghiên cứu có độ rộng, tầm nhìn bao quát, luận điểm rõ nét !! Rất đáng để đọc và suy ngẫm.
    Nhưng chưa lý giải được vì sao ttck mãi 1200 trong khi các dnny như bank, bds, xây dựng ngày càng 1 lớn khôn, quy mô vốn hoá từ 1 tỷ - 10 tỷ $ :)):))

Chia sẻ trang này