Cổ phiếu giảm giá - cái bẫy nguy hiểm nhất trên thị trường chứng khoán

Chủ đề trong 'Thị trường chứng khoán' bởi kekhatgai, 21/04/2007.

3180 người đang online, trong đó có 37 thành viên. 02:27 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
Chủ đề này đã có 838 lượt đọc và 3 bài trả lời
  1. kekhatgai

    kekhatgai Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/02/2007
    Đã được thích:
    3
    Cổ phiếu giảm giá - cái bẫy nguy hiểm nhất trên thị trường chứng khoán

    Cổ phiếu giảm giá - cái bẫy nguy hiểm nhất trên thị trường chứng khoán


    Công việc khó khăn nhất khi quyết định mua cổ phiếu là xác định thời điểm nào giá của cổ phiếu được xem là rẻ nhất. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, vào lúc mà giá của một cổ phiếu xuống tới mức thất nhất mà nó đã từng đạt tới trước đây, hoặc thấp hơn giá cổ phiếu của các đối thủ cạnh tranh, thì đó chính là thời điểm nên mua với số lượng lớn. Nhưng thông thường, giá cả chỉ phản ánh một cách tương đối giá trị thật của cổ phiếu. Nếu bạn chỉ đánh giá dựa vào yếu tố này mà không đi sâu phân tích giá trị thực của chúng, thì bạn rất dễ bị rơi vào bẫy.

    Tại sao lại như vậy? Điều này đã được lịch sử thị trường chứng khoán minh chứng bằng những ví dụ như sau:

    Câu chuyện về bong bóng dot-com

    Hẳn nhiều người còn nhớ bong bóng dot-com ở Mỹ 7-8 năm về trước. Vào thời điểm đó, Internet phát triển như vũ bão đã khiến nhiều doanh nghiệp nhanh chân ra sức tận dụng thế mạnh của nó cho ra đời hàng loạt các công ty dựa vào Internet để tiến hành công việc kinh doanh của mình. Đó chính là các công ty dotcom. Các doanh nghiệp này cho rằng, Internet sẽ giúp họ xóa bỏ hàng rào ngăn cách giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng, không còn phải lo đến các khâu trung gian như phân phối hoặc chi phí bán lẻ. Sự ra đời hàng loạt các công ty dotcom đã khiến cho thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo. Tuy thị trường chứng khoán Mỹ đã rất phát triển với hệ thống các quy chế chặt chẽ còn dân Mỹ thì đã quen với thị trường này mấy trăm năm, thế mà hàng chục triệu người vẫn đổ xô vào mua cổ phiếu của các công ty dot-com khiến cho chỉ số Nasdag trong ba năm đã tăng gấp năm lần.

    Nhiều công ty chưa hề tạo ra một xu lợi nhuận mà cổ phiếu vẫn được mọi người lùng mua (tức là hệ số giá cổ phiếu trên lợi tức P/E bằng vô cùng chứ không phải 70 hay 100 như một số công ty được đánh giá là có tiềm năng phát triển trong tương lai như hiện nay). Thế rồi bong bóng dot-com vỡ vào tháng 03/2000. Hàng loạt công ty dot-com phá sản, nhiều nhà đầu tư trở nên trắng tay.

    Những công ty kinh doanh viễn thông và Internet có uy tín trên thị trường cũng bị vạ lây, mà điển hình là trường hợp của Hãng Nortel Networks Corp. ?" hãng khổng lồ viễn thông của Canada, nhà cung cấp các thiết bị viễn thông lớn thứ ba trên thế giới. Khi diễn ra cuộc khủng hoảng này, giá cổ phiếu của Nortel Network đã giảm từ 800 đô-la xuống chỉ còn 200 đô-la. Nhiều nhà đầu tư cho rằng một cổ phiếu có giá bằng 25% giá ở thời điểm cao nhất của nó, sẽ là một vụ làm ăn lớn, chắc sẽ đem lại nhiều lợi nhuận. Nhưng sự thật, họ đã lầm. Cái giá 800 đô-la/cổ phiếu của Nortel Networks thời điểm trước khủng hoảng là một cái giá vượt quá giá trị thực của nó rất nhiều lần. Và khi nó xuống còn 200 đô-la/cổ phiếu, đấy cũng chưa phải là giá trị thực của nó.

    Vì vậy, khi bạn nhìn thấy giá cổ phiếu xuống thấp hơn với đỉnh điểm của nó nhiều lần, cũng đừng vội vàng đầu tư, vì rất có thể đó là sự đầu tư thiếu khôn ngoan.

    Thậm chí, khi một cổ phiếu có giá trị tương đối trên thị trường bỗng nhiên sụt giá nhanh chóng, cũng chưa chắc là sự đầu tư tốt nếu như viễn cảnh của nó ảm đạm. Hãy lấy Hãng Novastar Financial - một hãng tài trợ nợ địa ốc lớn tại Mỹ làm ví dụ. Giá cổ phiếu của hãng này hiện nay dường như không đắt như cuối năm 2006. Nhưng nếu bạn phân tích thị trường thì sẽ thấy, từ đó đến nay, thị trường địa ốc ở Mỹ đang tiếp tục chịu tổn thất và sụt giảm nghiêm trọng, vì vậy vay tiền bằng cách thế chấp nhà sẽ ngày càng khó khăn khăn. Do đó, đương nhiên việc kinh doanh các món nợ thế chấp đang trong chiều hướng đi xuống, nên mặc dù giá cổ phiếu của Novastas Financial có giảm đi nhiều lần, nó rõ ràng không phải là một giá hời để bạn đầu tư.

    Giá cổ phiếu hai đối thủ cạnh tranh, một cao một thấp, bạn quyết định đầu tư vào đâu?

    Một trong số những sai lầm hay mắc phải là bạn cho rằng giá của một cổ phiếu là rẻ khi nó thấp hơn nhiều lần so giá cổ phiếu của các với đối thủ cạnh tranh. Trở lại thời kỳ đầu năm 2000, Nokia và Motorola là hai đối thủ kình địch trên thị trường điện thoại di động và giá cổ phiếu không chênh nhau mấy. Khi giá của một cổ phiếu của Nokia xuống thấp hơn giá một cổ phiếu của Motorola, nhiều nhà đầu tư đã quyết định đầu tư vào Nokia. Rất tiếc, ở thời điểm đó, giá của cả hai cổ phiếu này đều được nâng cao lên so với giá trị thực rất nhiều lần. Và các nhà đầu tư đã có một cái nhìn thiển cận khi mua cổ phiếu của Nokia.

    Hoặc bạn có thể xem xét ví dụ xảy ra gần đây nhất của hãng truyền thông và Internet Yahoo Inc. và đối thủ cạnh tranh lớn nhất của nó là Google. Vào tháng 1/2006, Yahoo! có chỉ số P/E (hệ số giữa thị giá một cổ phiếu trên thu nhập của nó) vào khoảng trên dưới 30, trong khi chỉ số P/E của Google lớn gấp gần ba lần. Mà như chúng ta đã biết, ý nghĩa đầu tiên của chỉ số này là biểu hiện số tiền mà nhà đầu tư bỏ ra để thu được một đồng lợi nhuận từ cổ phiếu đó. P/E = 30 có nghĩa nếu nhà đầu tư bỏ ra 30 đồng thì sẽ nhận được một đồng lợi nhuận.

    Như vậy, thông thường nhiều người sẽ cho rằng hiển nhiên Yahoo có giá cổ phiếu hời hơn? Nhưng thực tế, không phải như vậy. P/E thường phản ánh kỳ vọng của thị trường về sự tăng trưởng của cổ phiếu hơn là kết quả làm ăn thực của công ty. Người ta so sánh P/E của các công ty cùng ngành; nếu chỉ số P/E của một công ty cao hơn mức bình quân, có nghĩa thị trường kỳ vọng công ty này sẽ ăn nên làm ra trong thời gian tới nhiều hơn so với mức kỳ vọng vào các công ty khác.

    Quay trở lại với ví dụ của Yahoo và Google, Google đã chứng minh sự tăng trưởng lớn mạnh của nó, khi giá cổ phiếu của nó hiện tăng hơn 10% so với giá tháng 1/2006, trong khi đó, giá cổ phiếu của Yahoo lại giảm 20%.

    Như vậy, có thể thấy, khi bạn muốn trở thành một nhà đầu tư giá trị thành công, bạn phải có cái nhìn tổng thể và đầu óc phân tích thị trường sắc bén. Bạn không chỉ nhìn vào giá tương đối của cổ phiếu trên thị trường, mà cần phải đánh giá các cơ hội tăng trưởng lợi nhuận, cũng như vị trí cạnh tranh của công ty trên thị trường. Bởi vì, suy cho cùng, mục tiêu mà bạn muốn đạt được chính là sự đầu tư an toàn, không những bảo toàn được vốn, mà vốn đó phải được sinh sôi, nảy nở. Một cổ phiếu có giá quá cao so với giá trị thực của nó, mặc dù trên thực tế, nó đang giảm giá, là một sự đầu tư không mang lại lợi nhuận.

    Bên cạnh đó, một vấn đề nữa mà bạn cần lưu ý là khi đánh giá chỉ số P/E để quyết định mua cổ phiếu. Tại các thị trường đã phát triển, theo số liệu thống kê về chỉ số P/E, hệ số này từ 8-15 là bình thường, nếu hệ số này lớn hơn 20, thì công ty đang được đánh giá rất tốt và người đầu tư trông đợi trong tương lai, mức thu nhập trên một cổ phiếu của công ty sẽ tăng nhanh. Trường hợp công ty có hệ số P/E thấp có thể là do thị trường không đánh giá cao hoặc chưa hiểu biết nhiều về công ty đó.

    Khi tất cả các cổ phiếu trên thị trường đều có giá quá cao so với giá trị thực của của nó, thì phần bong bóng sẽ vượt quá phần thực và nhất định có ngày nổ tung, gây ra sự khủng hoảng thị trường như đã từng xảy ra ở các nước phát triển.


    Theo bwportal.com
  2. nvduc81

    nvduc81 Thành viên tích cực

    Tham gia ngày:
    17/03/2006
    Đã được thích:
    1
    Nhiều cổ phiếu trở về vạch xuất phát đầu năm
    Khép lại tuần giao dịch nổi bật nhất trong vòng một tháng qua, thị trường phiên 20/4 tiếp tục điều chỉnh sâu và phổ biến. Nhưng với nhiều nhà đầu tư, sự sụt giảm của phiên này không hoàn toàn quá lo ngại.

    Chỉ số VN-Index giảm mạnh tới 29,21 điểm, còn 968,88 điểm cùng với loạt cổ phiếu tiếp tục xuống giá. Diễn biến này không còn tạo bất ngờ đối với nhiều nhà đầu tư, khi sự thất thường diễn ra rõ nét trong những phiên gần đây. Điểm đáng chú ý hơn cả là sự điều chỉnh này sẽ tác động như thế nào đến xu hướng những phiên tới?

    Đó sẽ là một tâm lý lo ngại, khi phiên ngày 20/4, sự giảm giá phổ biến tới 74 mã với những tên tuổi lớn trên sàn Tp.HCM, trong khi chiếm phần lớn trong 16 mã tăng lại là các cổ phiếu có mức giá nhỏ, bước tăng cũng bị khống chế vẻn vẹn dưới 3.000 đồng/cổ phiếu. Riêng TCT được đánh giá là cổ phiếu có sức mạnh chống lại sự giảm giá của thị trường trong giai đoạn vừa qua hơn cả bởi tiềm năng kinh doanh bền vững và hiệu quả; bằng việc công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2007 với vốn điều lệ 15 tỷ, đạt doanh thu 18 tỷ và mức lợi nhuận là 11 tỷ đã làm cho giá TCT tăng 2000đ.

    Nếu lấy phiên 20/4 này để làm mốc chốt một tuần đầy biến động, một tuần mà xu hướng điều chỉnh sâu tiếp tục thể hiện, thì tâm lý lo ngại là hoàn toàn có cơ sở. Tính đến phiên này, sự điều chỉnh đã đánh mạnh vào hầu hết các cổ phiếu, dù thông tin hỗ trợ giá một số cổ phiếu vẫn khá thuận lợi; đáng chú ý hơn, sự điều chỉnh đó đã đẩy một loạt cổ phiếu trở về với vạch xuất phát từ đầu năm. Rõ ràng đó là sự thụt lùi mà bản thân một số công ty niêm yết cũng phải lo ngại.

    Điểm nhấn của phiên này là cổ phiếu FPT khi dẫn đầu thị trường mức sụt giảm (-25.000 đồng/cổ phiếu). Mức sụt giảm đó là biên độ thay đổi khá quen thuộc của cổ phiếu này, nhưng điểm đáng chú ý là trong tuần FPT có khá nhiều thông tin hỗ trợ tích cực.

    Đó là thông tin Công ty FPT vừa có kế hoạch mở rộng hoạt động và thêm đối tác mới trong lĩnh vực phân phối (lĩnh vực ước chiếm tới 60% doanh thu), qua kế hoạch hợp tác với nhà sản xuất linh kiện máy tính hàng đầu Đài Loan (MSI) và kế hoạch thiết lập cửa hàng đầu tiên chuyên phân phối các sản phẩm của hãng Apple (Mỹ).

    Hơn nữa, qua phiên này, cổ phiếu FPT đánh dấu sự sụt giảm dưới ngưỡng 500.000 đồng/cổ phiếu, còn 480.000 đồng/cổ phiếu. Đây có thể là một điểm ngắm của những tốp săn lẻ trên thị trường trong những phiên tới.

    Điểm nhấn thứ hai là sự tụt sâu hơn so với vạch xuất phát đầu năm của loạt cổ phiếu giá nhỏ. Những cái tên như BHS, SFN, SJ1, TAC, MCV lần lượt được nhắc tới như những dẫn chứng tiêu biểu cho sự điều chỉnh sâu của thị trường.

    Phiên này, ngoài MCV tăng nhẹ 300 đồng/cổ phiếu, những cái tên còn lại đều tiếp tục sụt giảm, về với mức giá thấp hơn với mức đầu năm và cách với thời đỉnh cao từ 20.000 ?" 25.000 đồng/cổ phiếu, trong khi mức giá niêm yết đều đang tính ở đơn vị chục nghìn đồng.

    Với diễn biến giá của nhóm cổ phiếu này, có thể khẳng định đây là những biển hiện rõ nét nhất mức độ điều chỉnh khá đều và sâu của thị trường trong thời gian qua.

    Tại sàn Hà Nội, sự điều chỉnh sâu cũng thể hiện ở sự sụt giảm đồng loạt của các cổ phiếu lớn nhỏ. Chỉ số HASTC-Index giảm 8,83 điểm, còn 365,56 điểm. Ngoài một màu đỏ phổ biến của nhóm cổ phiếu ngân hàng, tài chính phiên này, VNR tạo một bất ngờ nhỏ khi có màu xanh khá hiếm hoi trong thời gian qua (tăng 1.500 điểm), như một dấu hiệu tích cực về kết quả Đại hội cổ đông Tổng công ty Tái bảo hiểm sắp tới.

    Ngoài ra, ?othông đáy? với nhóm cổ phiếu mệnh giá nhỏ trở về vạch xuất phát đầu năm trên sàn Tp.HCM, phiên này, HNM cũng mất 3.200 đồng/cổ phiếu, xuống còn 44.700 đồng/cổ phiếu và ngày càng cách xa thời đỉnh cao (gần 70.000 đồng/cổ phiếu).

    Tuy nhiên, sự điều chỉnh khá sâu và phổ biến của phiên này lại không quá bi quan đối với nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm. Sự lo ngại cùng đà bán tháo trên thị trường có thể sẽ được điều hòa trong khoảng cách hai ngày nghỉ cuối tuần, tạo điều kiện tính toán và bình tĩnh hơn trong tuần kế tiếp.

    Trong đó, có thể là phương án săn mua những cổ phiếu bị bán ra phiên này như FPT, TDH, thậm chí là STB sau một tuần được chuyển nhượng nhiều?

    Ngoài ra, thay vì tâm lý lo ngại, một số nhà đầu tư chuyên nghiệp còn xác định rằng sự điều chỉnh sâu của thị trường còn có ý nghĩa tạo ra những cơ hội để săn cổ phiếu giá thấp, vì cổ phiếu của những doanh nghiệp thực sự làm ăn hiệu quả và có triển vọng cũng đã bị lôi kéo vào đợt điều chỉnh này.

    Tất nhiên, đi cùng với sự săn mua đó là những tính toán, phân tích chuyên nghiệp thay vì mua theo, bán theo khá phổ biến thời nóng sốt vừa qua.

    http://www.vneconomy.vn/?home=detail&page=category&cat_name=01&id=6b039178249ae7
  3. kekhatgai

    kekhatgai Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/02/2007
    Đã được thích:
    3
    Thua đậm vì chứng khoán
    23:15:18, 21/04/2007


    Các nhà đầu tư đang phải trải qua một giai đoạn rất khó khăn. Ảnh: D.Đ.M
    Thị trường thoáng khởi sắc trong vài phiên tuần qua không đủ để làm nguôi ngoai nỗi buồn của không ít nhà đầu tư (NĐT) thua lỗ nặng nề trước đó. Năm 2006 "rực rỡ" đối với các NĐT đã qua, năm 2007 đầy âu lo vẫn còn trước mắt.


    "Sai một li, đi tiền tỉ"

    Thắng đậm ở năm 2006, anh Hoàng, một nhà đầu tư "máu mặt" quyết định chuyển một phần vốn và lãi vào bất động sản, còn lại anh mua các cổ phiếu (CP) nhỏ thay vì đầu tư vào các CP "blue-chip" như trước. Đầu tiên là bỏ hơn 1 tỉ đồng để ôm CP Công ty Mai Linh (mệnh giá 10.000 đồng/CP) với giá "4 chấm 2" (42.000 đồng/CP). Sau một tháng, giá CP Mai Linh tăng lên 45.000 đồng/CP, anh Hoàng tin tưởng ôm hàng chờ thời. Không ngờ, giá CP Mai Linh "down" liên tục. Đầu tiên là xuống "4 chấm"; "3 chấm 9" rồi xuống tới "3 chấm 6" mà vẫn không tìm được người mua. Chỉ trong một thời gian ngắn, anh Hoàng mất vài trăm triệu đồng, nhưng anh lo hơn cả là không biết đến bao giờ mới thu lại được số vốn hàng tỉ đồng đang kẹt trong khoản đầu tư này.

    Trường hợp của anh Lâm còn bi đát hơn. Vừa chập chững những bước đầu tiên đầu tư tài chính, anh đã bị một vố nhớ đời. Đó là "phi vụ" CP của Công ty cổ phần Ngọc Sương. Bằng quan hệ của mình, anh Lâm "bắt mối" cho cả nhóm bạn anh cùng mua CP Ngọc Sương với giá chỉ gấp rưỡi số tiền ghi trên CP gốc (Ngọc Sương phát hành CP ưu đãi cổ tức, không ghi mệnh giá CP mà ghi theo số tiền của người mua). Anh Lâm và 5 người bạn, mỗi người "ôm" một CP ghi danh trị giá 1,2 tỉ đồng (thực chất số tiền anh bỏ ra là 1,8 tỉ đồng vì mua lại của một người khác). Theo cách phân tích của anh Lâm, Ngọc Sương kinh doanh tốt, giá còn mềm, khả năng giá tăng gấp đôi là trong tầm tay. Một hôm khi đến Công ty Ngọc Sương yêu cầu tách nhỏ CP để dễ giao dịch, anh Lâm mới ngớ người ra: CP của anh có thời hạn 3 năm và không thể chuyển đổi sang CP phổ thông. Sau 3 năm, công ty sẽ hoàn lại số tiền gốc, cổ tức sẽ lãnh mỗi tháng là 2,5%. Anh Lâm nhăn nhó: "Tôi bỏ tiền tỉ ra đâu phải để mỗi tháng lãnh vài triệu tiền lãi. Giờ chôn hơn gần 2 tỉ bạc trong 3 năm chắc chết quá".

    Thắng - thua là chuyện thường tình

    Trên thị trường niêm yết, giá hầu hết các loại CP tụt giảm liên tục khiến các NĐT lao đao. Nhiều NĐT "ôm" CP của Công ty cổ phần nhà Thủ Đức (TDH) đang... khóc ròng. Sau khi lên đến trên 300.000 đồng/CP ở phiên giao dịch đầu tiên, giá CP TDH giảm mạnh, giờ chỉ còn 200.000 đồng/CP. Một số NĐT "ôm" TDH nhận định CP TDH thuộc loại "blue-chip", rất khó bị giảm mạnh và sẽ sớm tăng trở lại. Tuy nhiên câu trả lời của thị trường là ngược lại. Giá TDH chưa bao giờ quay trở lại mức giá ở phiên giao dịch đầu tiên.

    Các NĐT "ôm" CP UNI (Công ty cổ phần dây cáp điện Viễn Liên) còn bi đát hơn. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, giá UNI rớt từ 74.000 đồng/CP xuống 46.000 đồng/CP. Trào lưu "săn hàng" giá dưới 100.000 đồng/CP khởi động chưa được bao lâu đã bị cơn điều chỉnh sâu của thị trường "trả bài" thẳng tay.

    Ông Huy Nam, chuyên gia tài chính chứng khoán nhận định, cạm bẫy được giăng ra trong cả quá trình chứng khoán nóng. Những NĐT tham gia vào thời điểm "cuối mùa" (sau một thời gian dài nóng) gặp rủi ro là điều tất yếu. Trên thực tế, rất nhiều cảnh báo đã được đưa ra, song do giá chứng khoán tăng nóng trong một thời gian dài nên hầu hết NĐT đều "sống chung với cảnh báo" mà thiếu sự thận trọng khi mua, bán.

    Chuyện thắng - thua trong đầu tư chứng khoán là thường tình. Những NĐT bị thua lỗ cần bình tĩnh, phải có chủ trương và kỳ vọng riêng của mình. Đây là lúc cần có sự chín chắn để phán đoán tình hình, nghiên cứu thị trường và đưa ra những quyết định chính xác.

    Nguyên Hằng
  4. kekhatgai

    kekhatgai Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    03/02/2007
    Đã được thích:
    3
    Mấy cha ngu dốt ôm trái phiếu công ty Ngọc Sương mà cứ tưởng là cp . Mấy thằng cò bán được trái phiếu gấp 1,5 lần thì siêu thiệt

    Trường hợp của anh Lâm còn bi đát hơn. Vừa chập chững những bước đầu tiên đầu tư tài chính, anh đã bị một vố nhớ đời. Đó là "phi vụ" CP của Công ty cổ phần Ngọc Sương. Bằng quan hệ của mình, anh Lâm "bắt mối" cho cả nhóm bạn anh cùng mua CP Ngọc Sương với giá chỉ gấp rưỡi số tiền ghi trên CP gốc (Ngọc Sương phát hành CP ưu đãi cổ tức, không ghi mệnh giá CP mà ghi theo số tiền của người mua). Anh Lâm và 5 người bạn, mỗi người "ôm" một CP ghi danh trị giá 1,2 tỉ đồng (thực chất số tiền anh bỏ ra là 1,8 tỉ đồng vì mua lại của một người khác). Theo cách phân tích của anh Lâm, Ngọc Sương kinh doanh tốt, giá còn mềm, khả năng giá tăng gấp đôi là trong tầm tay. Một hôm khi đến Công ty Ngọc Sương yêu cầu tách nhỏ CP để dễ giao dịch, anh Lâm mới ngớ người ra: CP của anh có thời hạn 3 năm và không thể chuyển đổi sang CP phổ thông. Sau 3 năm, công ty sẽ hoàn lại số tiền gốc, cổ tức sẽ lãnh mỗi tháng là 2,5%. Anh Lâm nhăn nhó: "Tôi bỏ tiền tỉ ra đâu phải để mỗi tháng lãnh vài triệu tiền lãi. Giờ chôn hơn gần 2 tỉ bạc trong 3 năm chắc chết quá".

    Được kekhatgai sửa chữa / chuyển vào 19:03 ngày 22/04/2007

Chia sẻ trang này