Cứu ai, ai cứu, bây giờ cứu ai!

Chủ đề trong 'Thị trường chứng khoán' bởi tvpjsc, 04/03/2008.

3209 người đang online, trong đó có 74 thành viên. 01:24 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
Chủ đề này đã có 299 lượt đọc và 0 bài trả lời
  1. tvpjsc

    tvpjsc Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    28/04/2007
    Đã được thích:
    2.012
    Cứu ai, ai cứu, bây giờ cứu ai!

    Cậu Gióng chứng khoán, con ông kinh tế và bà mẹ tiền tệ đã bệnh thật rồi. Lên tám tuổi, cậu bụ bẫm dễ thương như bao thiên thần nhỏ khác. Ba mẹ cậu trăm công nghìn việc, lâu lâu mới nhìn con một lần nên thấy cậu phổng phao, mỗi khi hàng xóm hỏi thăm đều cảm thấy nở mày nở mặt. Ngày Gióng ngã bệnh, cha mẹ cậu mới nghe qua còn bán tín bán nghi, xanh xao và biếng ăn đôi chút cũng là chuyện thường tình của trẻ nhỏ mà. Hôm nay, thì cậu bệnh thật, không phải cảm mạo vài ngày là khỏi như bao trẻ con nhà hàng xóm, mà tinh thần hoảng hốt và tiêu chảy - sụt cân liên tục.

    Đi hết phòng khám này đến bệnh viện kia, uống hết toa thuốc khẩn cấp này đến liều thuốc tình thế nọ, mà bệnh tình của cậu không hề thuyên giảm. Một cuộc hội chẩn y khoa dành cho cậu được tổ chức thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Kết quả, các nhà chuyên môn cho rằng, nguyên nhân sâu xa của căn bệnh là chế độ chăm sóc cậu Gióng này có vấn đề: khi bỏ cho đói lê đói la hàng năm trời, khi lại bắt ăn liên tục theo kiểu ?onhồi vịt? trong một tháng, khi thì dỗ ngon dỗ ngọt bằng vô số bánh trái hoa quả, lúc lại khủng bố tinh thần từ mức khuyên can đến cảnh cáo, cắt đứt bữa trưa bữa tối?

    Rồi các nhà chuyên môn cũng chỉ ra rằng, ba mẹ cậu vốn là những bậc sinh thành đầy tình thương và trách nhiệm, chỉ do bộn bề công việc mà trước đây đã có lúc giao hết niềm tin cho một nhà trẻ quốc tế từ ngày cậu vào lớp mầm. Ở đây, cậu được uống sữa ngoại hiệu ?ocon voi? ngày ba lần, quanh năm suốt tháng và khẩu phần luôn nhiều bơ sữa. Thời gian đầu, ba mẹ cậu còn chút nghi ngại nên hàng ngày vẫn đón cậu về sớm và yêu cầu nhà trường cho ăn bơ sữa ít thôi. Sau đó, thấy trẻ con nhà khác trước gửi ở trường này nay lớn khôn thành đạt nên cũng ngại con mình thua kém, thôi thì nhà trường cứ bơ cứ sữa đi, ăn nhiều một chút không sao. Tuổi lên hai, cậu đã đạt trọng lượng của một trẻ lên năm.

    Nhà trường lại báo cáo rằng, cậu ăn nhiều bơ sữa mà kém vận động quá, lâu ngày thành ra béo phì nên yêu cầu phụ huynh phải năng cho cậu vận động vã mồ hôi hột ra. Rồi chế độ kiêng khem nhanh chóng được cha mẹ cậu nghĩ ra và áp dụng ngay như một thiết quân luật, bơ sữa ngoại từ nay tuyệt đối cấm, có dùng đến cũng phải bóc nhãn ra và dán nhãn VND vào.

    Người ta bảo, kiểu kiêng khem hơi thiếu sáng tạo ấy, ví như chuyện trẻ em không được ăn thịt chó trong văn học Việt Nam, sẽ giúp giảm béo nhưng có nhiều tác dụng phụ nhưng ba mẹ cậu nhất quyết phải như thế. Cậu biếng ăn, mất ngủ và nhớ bơ sữa khiến cha mẹ cậu đành chạy khắp mọi nơi tìm lại bơ sữa ngoại và các món ngon ngọt nhưng cậu kiên quyết không ăn nữa. Ba năm sau đó, Gióng bắt đầu ăn mạnh trở lại, ngày ba mâm cà, 50 cân gạo và 30 lít bơ sữa. Rồi chỉ 1 năm sau đó, cậu vươn mình trở dậy và được báo chí thế giới nhắc đến như một thần đồng của khu vực châu Á.

    Khắp nơi trên thế giới, kể cả các đại gia từ Mỹ, châu Âu, châu Á đều đến và gửi bơ sữa, chờ đợi ngày cậu thành tài. Sẵn bơ sữa viện trợ, cũng sẵn khoai sắn trong nhà và kinh nghiệm chống béo phì trước đây, Gióng được đầu tư hết cỡ, ăn khoai sắn thỏa thích và bơ sữa đúng tiêu chuẩn (theo nhãn VND kịp in), tập tạ - điền kinh và leo núi. Nhưng dù có giỏi giang thế nào đi nữa, Gióng cũng đang là trẻ con nên không thể no dồn đói góp, lại không phù hợp với cường độ vận động quá mức do xương cốt còn yếu, thế là cậu bệnh thôi. Rồi các nhà tài trợ nhóm họp và chỉ ra rằng, nếu không để cậu tự chọn lấy thực phẩm phù hợp và vận động vừa sức, hậu quả sẽ xảy ra.

    Vấn đề là chế độ tập tạ của một vận động viên Olympic đã được ba mẹ cậu hoạch định và ký hợp đồng quảng cáo từ 2 năm về trước nên không dễ thay đổi. Về dinh dưỡng, ba mẹ cậu biết rằng, tập tạ nặng cần uống nhiều bơ sữa nhưng trước chủ trương ủng hộ hàng Việt Nam chất lượng cao thì cậu chỉ được uống sữa ngoại trong điều kiện đã bóc nhãn USD, thay bằng nhãn VND. Rất tiếc, nhãn VND lại được in theo chỉ tiêu kế hoạch hóa, làm sao đảm bảo rằng tỷ lệ cấp cho bơ sữa USD cân bằng so với các mặt hàng ngoại nhập khác nên hiện đang rất thiếu. Gióng phải chờ thôi.

    Thế là ba mẹ cậu liền tính đến một số giải pháp sáng tạo để cứu cậu. Nói là cứu vì trước đây đã phát sinh vấn đề nhưng ba mẹ cậu quá kỳ vọng vào khả năng của cậu, đến khi vấn đề sức khoẻ trở nên quá nghiêm trọng mới cứu.

    Giải pháp chính tập trung vào dinh dưỡng và chế độ vận động. Thiếu bơ sữa thì thêm phần khoai sắn, thiếu khoai sắn thì giảm cường độ vận động. Kết quả là do tình hình thiếu nhãn VND cho bơ sữa, trong nhà khoai sắn lại đang mất mùa cho nên cậu được chỉ định rằng, 3 ngày mới tập tạ 500 kg một lần thay vì tập hàng ngày, mỗi ngày tập chạy và leo núi 2 giờ thay cho 6 giờ. Đến lúc này, cường độ tập luyện đã giảm nhưng do ký kết hợp đồng quảng cáo rồi, trọng lượng tạ không thể giảm, nhất nhất phải là loại tạ dành cho các nhà vô địch - loại 500 kg.

    Hôm nay, khi câu chuyện này đang được kể, cậu vẫn bệnh. Các chuyên gia khuyên rằng, cậu cần sữa ngoại và cần khoai sắn, do đó có kịp in nhãn VND hay không, không phải là không thể giải quyết được. Hơn nữa, vấn đề không nằm ở chỗ cường độ tập luyện của cậu thiếu điều độ, mà do trọng lượng 500 kg của tạ có đến 300 kg là nhãn mác quảng cáo và phần cược thêm của chính ba mẹ cậu. Mà ở độ tuổi của cậu, 200 kg đã là thành tích tốt lắm rồi. Các nhà tài trợ nước ngoài và nhà đầu tư trong nước vẫn cho rằng, cường độ tập luyện không phải là vấn đề chính, mà do trọng lượng tạ có vấn đề, xương cốt cậu có vấn đề, chế độ ăn uống khi tập luyện có vấn đề. Giải pháp chính phải là giảm bớt quảng cáo và phần cược của cha mẹ cậu để trọng lượng tạ vừa đúng sức của cậu.

    Câu chuyện của Gióng không quá xa lạ với câu chuyện của TTCK Việt Nam ngày hôm nay. Mọi giải pháp được đưa ra chủ yếu nhắm vào việc cải thiện tình hình trên thị trường chính thức, mặc dù đây chỉ là phần nổi của tảng băng cơ hội của TTCK. Tình trạng khan hiếm tiền đồng để thanh toán vẫn là vấn đề của các tổ chức đầu tư ngoại, trong khi dòng tiền trong nước dành cho chứng khoán giảm sút. Quan trọng nhất, quả tạ quá sức nằm ở thực tế là các cuộc đấu giá trong năm 2007 và đầu năm 2008 đã giảm đi mức độ hấp dẫn do tình trạng giá trị doanh nghiệp được định giá cao, giá khởi điểm quá cao khiến cho giá doanh nghiệp chào bán cao hơn nhiều lần so với giá trị doanh nghiệp. Đấu giá thành công thì Nhà nước thu hồi phần lớn tiền thu được, thay vì để lại cho doanh nghiệp kinh doanh.

    Trong đợt đấu giá Vietcombank vừa qua và Sabeco sắp tới, nhiều tổ chức và cá nhân đầu tư cảm thấy nuối tiếc nhưng phải từ chối tham gia mua ở mức giá sát với giá khởi điểm. Do đó, nếu ai đó cần phải cứu nhất thì đó chính là sự hợp lý, thuận mua vừa bán trong các đợt IPO sắp tới. Xét cho cùng, chính sách cổ phần hóa nhắm vào việc nâng cao hiệu quả của khối doanh nghiệp nhà nước và tập trung nguồn lực từ các nhà đầu tư, hoàn toàn không có ý nghĩa là tận thu. Do đó, cổ phần hóa cũng không phải là bán doanh nghiệp với mức giá mà các nhà đầu tư đành phải chấp nhận bỏ cuộc.



    Theo ĐTCK

Chia sẻ trang này