Giao dịch cầu may

Chủ đề trong 'Thị trường chứng khoán' bởi qcnick90, 03/02/2009.

5834 người đang online, trong đó có 810 thành viên. 17:02 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
Chủ đề này đã có 169 lượt đọc và 0 bài trả lời
  1. qcnick90

    qcnick90 Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    31/07/2008
    Đã được thích:
    174
    Giao dịch cầu may

    Thị trường chứng khoán đã có một phiên khởi đầu năm Kỷ Sửu buồn tẻ. Các nhà đầu tư đến sàn gần như chỉ để giao dịch chút ít cầu may với tâm lý tiếp tục chờ đợi những tín hiệu mới.

    Hà Nội: Vắng vẻ

    Cả bãi xe phía trước sàn giao dịch của Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI), số 25 Trần Bình Trọng (Hà Nội) sáng 2.2 vắng tanh, không có lấy một chiếc xe nào. Lúc 9 giờ, khi đợt giao dịch thứ hai trong ngày bắt đầu, sàn giao dịch mới có 4 khách nhưng cả 4 vị khách này dường như chẳng hề để ý đến những con số trên bảng điện tử. Suốt hơn nửa tiếng đồng hồ mà không thấy ai bước tới bàn đăng ký lệnh mua hay bán. Các nhà đầu tư (NĐT) trong ngày đầu năm âm lịch này đều mang tâm lý tới sàn cầu may. Thay vì tính toán mua "con" này, bán "con" kia, câu chuyện của các NĐT có đủ thứ nào là đi chùa đầu năm, diễn biến giá vàng hai ngày qua, cho đến chuyện bếp núc cho các bữa ăn đầu năm...

    Tại sàn giao dịch của Công ty chứng khoán Tràng An và Công ty chứng khoán ACB, không khí ấm áp hơn tí chút. Mỗi sàn cũng có chừng 30 - 40 NĐT ngồi tán chuyện. Một NĐT tên Bích ở sàn ACB cho biết chị không có ý định mua hay bán gì mà chỉ là đi để lấy may vì hôm qua (ngày 2.2) là ngày chẵn (mùng 8 âm lịch). 10 quầy đăng ký ghi lệnh và trợ giúp khách hàng của sàn giao dịch chứng khoán ACB ở 95 Trần Quốc Toản (Hà Nội) thi thoảng mới có người đến cầm bút hý hoáy ghi chép. NĐT tên Hà cho hay, chẳng lẽ "mở hàng" đầu năm mà không mua, bán gì nên quyết định bán một ít cổ phiếu để lấy may. Mà lấy may thì phải có lãi, nên anh Hà phải đặt lệnh bán với mức giá trần. Giá trần thì không khớp được lệnh, rút cuộc để không bị xui xẻo anh Hà phải thay đổi quyết định bằng cách đặt lệnh mua. Tâm lý giằng co giữa người mua và người bán đã khiến giá trị giao dịch trên Sàn chứng khoán Hà Nội ngày 2.2 thấp, đạt 57,8 tỉ đồng với tổng khối lượng giao dịch thành công đạt 2,6 triệu đơn vị. Chỉ số HASTC-Index tiếp tục giảm giá sau khi mất mốc 100 điểm trong phiên cuối năm trước, còn 98,64 điểm, giảm 1,29 điểm.

    Nhận định về thị trường năm 2009, nhiều NĐT nhận định việc lãi suất cho vay giảm mạnh đầu năm là tín hiệu vui, giúp các doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn nhưng thực tế khó khăn của năm 2009 rất lớn nên NĐT vẫn mang tâm trạng lo lắng, tiếp tục chờ đợi.

    TP.HCM: Sàn đông nhưng giao dịch ít

    Tại các sàn giao dịch chứng khoán ở TP.HCM, số lượng NĐT khá đông. Tại Công ty chứng khoán ACB chi nhánh Ngô Lê Cát, NĐT ngồi gần kín. Theo ông Trương Duy Khiêm - Giám đốc chi nhánh này - số lượng NĐT phiên này đông gấp nhiều lần những phiên giao dịch trước Tết. Tuy nhiên, những NĐT thật sự có giao dịch vẫn chưa nhiều. Lác đác vài người đặt lệnh. VN-Index đã giảm xuống ngay từ khi mở cửa thị trường và sau hai đợt giao dịch đầu tiên, chỉ số này đã trượt khỏi mốc 300 điểm dù khối lượng giao dịch thành công cao hơn nhiều so với phiên cuối cùng của năm Mậu Tý. Anh Nam - một NĐT tại đây - cho biết anh đang mua vào vì thấy giá đã hấp dẫn và đây là thời điểm anh bắt đầu giải ngân. Trong khi đó, theo một NĐT tên Hạnh thì ngày đầu năm mà nhiều cổ phiếu đã rớt sàn thì khó lạc quan được. Chị Hạnh cho biết chỉ lên sàn theo dõi phiên giao dịch đầu tiên sau những ngày nghỉ. Còn việc mua hay bán thì phải chờ xem tình hình thế nào.

    Tình hình cũng tương tự ở nhiều sàn chứng khoán khác. Một NĐT tên Tâm tại sàn BVSC tâm sự thật khó để mua bán kiếm lời theo kiểu lướt sóng hiện nay. Còn nếu xác định đầu tư dài hạn thì phải nghiên cứu kỹ hơn và anh cũng sẽ chờ đợi thêm một thời gian nữa. Kết thúc phiên giao dịch 2.2, sàn TP.HCM chỉ có 5,35 triệu chứng khoán giao dịch thành công với tổng trị giá gần 149 tỉ đồng. Có đến 108 mã chứng khoán giảm giá trong khi chỉ có 43 mã chứng khoán tăng giá, 25 mã chứng khoán đứng giá. VN-Index còn 297,52 điểm, giảm 5,69 điểm.

    Chờ đợi thông tin mới

    Ông Johan Nyvene - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) - nhận định hiện nay thông tin khách quan từ thị trường thế giới tác động đến tâm lý NĐT nhiều hơn là những thông tin từ trong nước. Những biện pháp khắc phục suy giảm kinh tế của các nước vẫn phải cần nhiều thời gian để đạt được hiệu quả. "Chỉ khi các NĐT nhìn thấy được tiềm năng của thị trường thì khi đó thị trường mới có khả năng phục hồi. Tình hình hiện nay cũng không có gì bi quan hơn nữa nên giao dịch chưa có biến động mạnh", ông Johan Nyvene nói. Ở một góc độ khác, ông Trương Duy Khiêm cho rằng nếu một công ty niêm yết vẫn duy trì mức trả cổ tức từ 10-12%/năm và với giá giao dịch xoay quanh mệnh giá thì tỷ suất sinh lời của khoản đầu tư đó cao hơn lãi suất tiết kiệm ngân hàng hiện nay. Vì vậy công ty đang tập trung nghiên cứu những doanh nghiệp có tình hình hoạt động ít bị tác động bởi khủng hoảng kinh tế để giới thiệu cho NĐT tham khảo. Theo ông Trương Duy Khiêm, NĐT hiện nay vẫn đang thận trọng xem xét và chờ thông tin về kế hoạch kinh doanh, lợi nhuận và cổ tức của các doanh nghiệp sẽ được đưa ra trình Đại hội cổ đông thường niên 2009 sắp tới.

    Còn theo ông Võ Hữu Tuấn - Giám đốc Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) chi nhánh TP.HCM - đến thời điểm hiện nay, các NĐT vẫn còn bám trụ thì tình hình không đến nỗi quá bi quan dù không loại trừ khả năng VN-Index chưa thể hồi phục. NĐT vẫn hy vọng và đang chờ đợi những tín hiệu khả quan từ nền kinh tế. "Theo tôi, có thể hết quý 1 thị trường mới có những tín hiệu mới. Ngay cả việc giảm lãi suất ngân hàng sẽ có những tác động tích cực cho doanh nghiệp và thị trường chứng khoán thì cũng cần phải có thời gian", ông Võ Hữu Tuấn nói.

    Mai Phương - Xuân Toàn

    thanh niên

Chia sẻ trang này