HDB – Tăng trưởng còn kéo dài bao lâu

Chủ đề trong 'Thị trường chứng khoán' bởi herolong88, 14/11/2024 lúc 15:30.

2868 người đang online, trong đó có 130 thành viên. 01:21 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
Chủ đề này đã có 379 lượt đọc và 0 bài trả lời
  1. herolong88

    herolong88 Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    20/05/2014
    Đã được thích:
    411
    HDB có lẽ là ngân hàng hiếm hoi trên thị trường vẫn cho thấy sự tăng trưởng tốt trong năm 2024 dù về cơ bản cả ngành đang đối diện nhiều khó khăn hơn là cơ hội. Vậy những điều tốt đẹp này cũng như sự tăng trưởng này còn kéo dài được tới khi nào?

    I. Kết quả kinh doanh

    Như thường lệ chúng ta sẽ điểm qua kết quả kinh doanh của ngân hàng để xem tình trạng hoạt động của ngân hàng đang như thế nào cũng như diễn biến của một số chỉ số quan trọng của ngân hàng. Kết thúc Q3-2024 HDB ghi nhận tổng lợi nhuận thuần đạt 8,535 tỷ đồng, tăng 40.3% yoy. Lợi nhuận trước thuế cũng ghi nhận 4,491 tỷ đồng, tăng 42.7% yoy (Hình 1)

    [​IMG]

    Động lực hỗ trợ thu nhập và lợi nhuận của ngân hàng tăng trưởng mạnh trong Q3-2024 đến từ mảng tín dụng với +58.1% yoy và hoạt động dịch vụ với +29.6% yoy. Đáng chú ý đây chính là 2 mảng đóng góp lớn nhất vào thu nhập của ngân hàng với tổng tỉ trọng lên tới 95.9%.

    Tuy nhiên nhìn trên biểu đồ chúng ta có thể thấy Q3-2024 cũng là quý tăng trưởng thứ 4 liên tiếp kể từ Q4-2023 và như vậy từ Q4 tới trở đi với mức nền rất cao thì để duy trì được đà tăng trưởng tiếp sẽ là thách thức rất lớn đối với HDB. Chi tiết hơn về tiềm năng của các mảng chính liệu có tiếp tục đưa HDB tăng trưởng tiếp trong các quý tới hay không chúng ta sẽ phân tích rõ hơn trong phần dưới của bài viết.

    Về các chỉ số kinh doanh quan trọng có một số điểm nhấn sau:

    • Chỉ số NIM tiếp tục tăng tốt trong Q3 và đã đạt 5.86%, mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây cho thấy hiệu quả kinh doanh của HDB là rất tốt. Dù phải huy động chính từ tiền gửi của các cá nhân cũng như có hệ số Casa thấp nhưng HDB vẫn tối ưu được để đạt mức NIM hết sức ấn tượng nhờ hướng tới các khách hàng ngách với lãi suất tốt hơn.
    • Chi phí vốn COF và chi phí hoạt động CIR cũng tiếp đà giảm từ Q4-2023 cho tới nay phần nào giúp cho NIM tiếp tục được cải thiện cũng như kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt dù gần đây chi phí dự phòng có phần tăng lên. (Hình 2)
    [​IMG]

    Tiếp theo với các mảng kinh doanh ngoài lãi cũng có một số điểm đáng chú ý sau:

    • Mảng hoạt động dịch vụ có quý tăng trưởng đầu tiên sau 5 quý giảm liên tiếp, tuy nhiên sự tăng trưởng này đến phần chính là do mức nền cùng kỳ thấp chứ lợi nhuận so với giai đoạn 2022 thì vẫn chỉ bằng một nửa. Tình hình khó khăn vẫn chủ yếu tới từ mảng bảo hiểm vẫn còn nhiều thách thức cho sự phục hồi kể từ 2023 cho tới nay khi luật xiết chặt hơn về quy định bán bảo hiểm. (Hình 3)
    [​IMG]

    Ngoài ra từ 1/7/2024 luật tỏ chức tín dụng mới bắt đầu có hiệu lực sẽ phát sinh thêm các chi phí và tạo thêm các gánh nặng cho hoạt động bảo hiểm của ngân hàng trong nửa cuối năm 2024 và mảng hoạt động dịch vụ cũng sẽ khó hồi phục được mạnh trở lại. Với mức nền cùng kỳ cao trong Q4 nên khả năng tăng trưởng mảng dịch vụ trong Q4-2024 là rất khó và khả năng cao là giảm so với cùng kỳ.

    • Các hoạt động khác như mua bán chứng khoán, kinh doanh ngoại hối cũng như hoạt động khác (thu hồi nợ) có mức đóng góp không quá lớn vào kết quả kinh doanh của ngân hàng (tổng đóng góp dưới 4.5%) nên mức độ ảnh hưởng là không lớn. Các mảng này có kết quả kinh doanh khá bất thường và khó dự đoán theo từng quý.
    Còn lại là mảng kinh doanh chính của ngân hàng – mảng tín dụng với nhiều điểm nhấn tích cực và chúng tôi sẽ phân tích chi tiết trong phần dưới của bài viết.

    II. Tiềm năng tăng trưởng và bức tranh tài chính

    1. Mảng tín dụng

    Mảng tín dụng chiếm tới 92.2% tỉ trọng trong tổng lợi nhuận thuần của HDB và tỉ trọng này là cao hơn khá nhiều so với trung bình ngành ngân hàng ( khoảng 80%). Với tỉ trọng rất cao trên thì gần như kết quả kinh doanh của HDB sẽ phụ thuộc gần như hoàn toàn và tiềm năng của mảng tín dụng.

    Trong 9 tháng đầu năm, tổng tăng trưởng tín dụng của HDB đạt 16.3%, cao hơn nhiều so với mức tín dụng trung bình của toàn ngành là 9%. Trong 2 năm gần đây mức tăng trưởng tín dụng cả năm của HDB đều ghi nhận con số rất tích cực với khoảng 30% mỗi năm. Đây là mức giúp HDB thuộc top những ngân hàng có tỉ lệ tăng trưởng tín dụng cao nhất ngành. Như các phân tích tại bài viết trước, để đạt được kết quả cho vay ấn tượng như vậy là nhờ ngân hàng có lối đi riêng với nhóm khách hàng đặc thù đó là các khách hàng tại các vùng nông thôn vay vốn cho các hoạt động nông nghiệp nên khó tiếp cận các khoản vay yêu cầu nhiều thủ tục phức tạp của các ngân hàng lớn hay ngân hàng nhà nước. (Hình 4)

    [​IMG]

    Trong năm 2024 ngoài nhóm khách hàng quen thuộc thì HDB còn đang đẩy mạnh thêm vốn cho vay sang các mảng mới để có thể giúp tăng trưởng tín dụng tốt hơn. Cụ thể ngân hàng đang đẩy mạnh thêm cho vay bên BĐS và xây dựng, những ngành đang gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua nhưng có tiềm năng hồi phục trong các năm tới. 2 nhóm ngành này đang bị nhiều ngân hàng quay lưng nên nhu cầu vay vốn để hồi phục là khá cao. Đây là rủi ro trong ngắn hạn nhưng cũng sẽ là động lực để HDB có thể mở rộng thị phần của mình. Những điều trên cùng với lịch sử công ty thường ghi nhận tăng trưởng tín dụng mạnh nhất vào Q4 hàng năm giúp chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng năm 2024 HDB cũng sẽ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng lớn với khoảng trên 25% cho cả năm.

    Tuy nhiên trong khâu đầu vào của ngân hàng chúng tôi lo ngại các chi phí cũng như giá vốn có thể sẽ tăng trở lại bắt đầu từ 2025 khi mà nguy cơ lãi suất đầu vào sẽ nhích dần lên trong khi lãi suất cho vay đầu ra khó tăng được do nhu cầu tín dụng vẫn là kém với toàn ngành cũng như chính sách hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế. Cụ thể tiền huy động đầu vào chủ yếu được HDB huy động từ kênh tiền gửi của khách hàng (tỷ lệ tiền gửi KH/ tiền cho vay tại Q3 đang là 99.5%). Hiện để có thể huy động đủ tiền gửi HDB đang đưa ra ưu đãi và lãi suất cạnh tranh hơn cho khách hàng và rất khó để HDB có thể đứng ngoài xu hướng phải tăng lãi suất đầu vào đang hiện hữu trước mắt. (Hình 5)

    [​IMG]

    Điều này sẽ phần nào khiến đà tăng của NIM bị dừng lại cũng như gây áp lực lên chi phí COF từ 2025 trở đi. Tuy nhiên mục đích tăng lãi suất trong thời gian tới là để hạ nhiệt tỷ giá cũng như cân bằng lại tránh để khối ngoại hút ròng nên khả năng cao lãi suất sẽ không tăng mạnh như giai đoạn cuối 2022 mà chỉ dừng lại ở mức tăng khoảng 0.5-1% mang tính điều tiết thị trường tiền tệ. Vì vậy tăng trưởng tín dụng cao hoàn toàn có thể bù đắp được cho chi phí tăng qua đó theo chúng tôi 2025 khả năng cao tín dụng của HDB vẫn có thể tăng nhẹ về thu nhập lãi thuần được so với mức nền cao trong 2024.

    2. Bức tranh tài chính

    Ngoài kết quả kinh doanh ấn tượng trong 4 quý gần đây thì bức tranh tài chính của ngân hàng cũng đang dần tốt lên trong các quý gần đây. Cụ thể tại Q3-2024 tỉ lệ nợ xấu đã giảm về 1.9%, thấp hơn mức 2% mục tiêu của ngân hàng nhưng vẫn còn khá cao nếu so với chính HDB trong giai đoạn 2021. Nợ xấu trong Q3 cũng giảm đáng kể so với 2 quý trước đó khi chỉ còn 7,567 tỷ đồng. (Hình 6)

    [​IMG]

    Bóc tách từng nhóm nợ của ngân hàng chúng ta thấy trong Q3-2024 nhóm nợ xấu giảm nhiều nhất là nợ nhóm 3 với hơn 500 tỷ đồng, tiếp theo là nợ nhóm 4 cũng giảm nhẹ trong khi nọ nhóm 5 không có nhiều biến động so với 2 quý trước đó. Ngoài 3 nhóm nợ xấu thì nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) cũng có xu hướng giảm trong các quý gần đây sẽ phần nào giảm áp lực lên các nhóm nợ phía sau trong tương lai. (Hình 7)

    [​IMG]

    Tiếp theo về trích lập dự phòng, trong 4 quý gần đây HDB đều duy trì mức trích lập khá cao với trên 1,000 tỷ đồng. Nguyên nhân là do nợ xấu và tỉ lệ nợ xấu có phần tăng lên khá nhiều trong 2023 trong khi bộ đệm dự phòng liên tục suy giảm khi tỉ lệ bao phủ nợ xấu giảm mạnh từ 93% tại Q2-2022 xuống còn chỉ 54% tại Q3-2023. Trong 4 quý gần đây khi tăng dần trích lập đã giúp tỉ lệ bao phủ nợ xấu hồi phục về 64%. (Hình 8)

    [​IMG]

    Tuy nhiên đây vẫn chưa phải mức độ an toàn và khi mà TT02 sẽ hết hạn vào đầu 2025 khiến cho nguy cơ nợ nhóm 2 tăng lên trở lại và gây áp lực lên các nhóm nợ xấu thì khả năng rất cao HDB vẫn sẽ phải duy trì mức trích lập ít nhất trên 1,000 tỷ đồng trong năm 2025 để phần nào giảm áp lực tài chính cho ngân hàng.

    Như vậy bức tranh tài chính của HDB so với toàn ngành đang có những chuyển biến tích cực hơn, tuy nhiên điều này không khiến cho việc trích lập trong 2025 giảm đi do bộ đệm dự phòng vẫn còn thấp cũng như TT02 sẽ hết hạn vào đầu 2025.

    III. Tổng kết và định giá

    HDB đã có một bctc Q3-2024 tăng trưởng tốt về kết quả kinh doanh, đi kèm đó bức tranh tài chính cũng khá ổn. Tuy nhiên với mức nền cao từ Q4-2024 trong sẽ khiến HDB khó có thể tăng trưởng mạnh trong thời gian tới được. Tín dụng có thể vẫn tăng trưởng tốt nhưng giá vốn đầu vào sẽ tăng trở lại khi áp lực tăng lãi suất huy động trong thời gian tới. Ngoài ra dù tài chính đang tích cực dần nhưng HDB vẫn sẽ phải duy trì trích lập cao ít nhất hết 2025 để làm dày bộ đệm dự phòng đang thấp của mình cũng như để đối phó với áp lực nợ xấu có thể tăng trở lại khi thông tư 02 hết hiệu lực cuối năm nay.

    Hiện HDB đang giao dịch trong vùng giá 25.x và vùng giá này cũng đã đi ngang khoảng 3 tháng nay. Chúng tôi cho rằng điều này là phù hợp khi mà ngành bank vẫn còn nhiều khó khăn cũng như chu kỳ tăng trưởng mạnh của HDB đã gần qua đi, sẽ chưa có động lực nào hỗ trợ tiếp để cổ phiếu tăng giá cả. Mức định giá theo P/B của HDB hiện đang khoảng 1.4 lần và đây là mức cao nếu so với trung bình các ngân hàng khác nhưng phần nào nó cũng thể hiện cho hoạt động kinh doanh tốt hơn của ngân hàng so với ngân hàng khác trong thời gian qua nên theo chúng tôi mức định giá này là hợp lý. Tuy nhiên để kỳ vọng tăng tiếp là khá khó và khả năng cao giá cổ phiếu sẽ đi ngang vùng 24-26k/cp trong thời gian tới và đây cũng là mức định giá phù hợp với HDB trong Q4 tới.

    ———-Team LTBNM tổng hợp và phân tích ————-
    Songbeng thích bài này.

Chia sẻ trang này