HOT HOT HOT - Thị trường chứng khoán: Có hiện tượng lũng đoạn giá để trục lợi

Chủ đề trong 'Thị trường chứng khoán' bởi ndhungbk, 11/01/2007.

4832 người đang online, trong đó có 670 thành viên. 17:55 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
Chủ đề này đã có 758 lượt đọc và 1 bài trả lời
  1. ndhungbk

    ndhungbk Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    25/06/2004
    Đã được thích:
    856
    HOT HOT HOT - Thị trường chứng khoán: Có hiện tượng lũng đoạn giá để trục lợi

    Thị trường chứng khoán: Có hiện tượng lũng đoạn giá để trục lợi
    http://www.thanhnien.com.vn/Kinhte/2007/1/11/177613.tno

    Ngày 10.1.2007, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã tổ chức hội nghị triển khai hoạt động thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2007. Đây là một hội nghị đưa ra nhiều số liệu thống kê cũng như các phát biểu rất ấn tượng.

    Những con số ấn tượng...

    Theo số liệu của UBCKNN, năm 2006 là một năm phát triển rất mạnh của TTCK Việt Nam. Đến 31.12.2006, TTCK đã có 193 công ty niêm yết vào đăng ký giao dịch, tổng giá trị vốn hóa thị trường đạt 221.156 tỉ đồng (tương đương 14 tỉ USD), chiếm 22,7% GDP 2006. Giá trị vốn hóa của thị trường đã vượt mục tiêu của năm 2010 (từ 10 -15% GDP). TTCK Việt Nam đã có tới 100.000 tài khoản giao dịch, tăng gấp 30 lần so với năm đầu tiên. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài là 1.700, nắm giữ từ 25-30% số lượng cổ phiếu của toàn thị trường. Trong 6 năm hoạt động, tổng giá trị thanh toán của TTCK qua Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (ngân hàng chỉ định thanh toán của TTCK) đạt 240.000 tỉ đồng thì chỉ riêng trong năm 2006 giá trị thanh toán đã là 150.000 tỉ đồng.

    Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Bằng - Chủ tịch UBCKNN cho biết, hướng sắp tới là Trung tâm giao dịch chứng khoán (TTGDK) TP.HCM sẽ được chuyển thành Sở giao dịch chứng khoán. Trong giai đoạn đầu, Sở giao dịch sẽ được tổ chức dưới hình thức công ty TNHH và đến 2010 thì tiến hành cổ phần hóa Sở giao dịch chứng khoán. TTGDCK Hà Nội cũng sẽ được tách ra khỏi UBCKNN thành công ty TNHH do Nhà nước sở hữu. Ông Bằng nhấn mạnh: "Năm 2007, TTCK sẽ tập trung vào chất lượng phát triển nhiều hơn, thị trường OTC (các loại cổ phiếu chưa niêm yết - TN) sẽ được đưa vào khuôn khổ để giảm rủi ro cho nhà đầu tư".

    ...và phát biểu gây sốc

    Trong phần phát biểu của mình, ông Vũ Bằng thừa nhận: "TTCK vẫn chưa phải là phong vũ biểu của nền kinh tế do các tập đoàn lớn của Việt Nam vẫn chưa được gia nhập. Thị trường OTC thì cực kỳ rủi ro vì hoạt động theo tin đồn và nhiều tin rất không chính xác. Bên cạnh đó, công tác giám sát thị trường còn nhiều hạn chế...". Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chứng khoán Sài Gòn nhận xét: "TTCK thì có phát triển nhưng nếu như nhà đầu tư nước ngoài mua thì giá lên, còn bán thì giá xuống. Rõ ràng là thị trường không ổn".

    Trong phần tham luận của mình, ông Trần Bắc Hà - Tổng giám đốc Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam nhận xét ngắn gọn: "Ấn tượng, phấn khởi nhưng còn đôi chút băn khoăn". Cụ thể, ông Hà nói: "TTCK phát triển rất nhanh nhưng số lượng vốn được huy động phục vụ cho tăng trưởng trực tiếp của nền kinh tế là bao nhiêu ? Đây là một điều khiến chúng tôi băn khoăn". Tiếp đó, ông Hà đặt câu hỏi: "Trong cơ chế nhập nhằng và còn nhiều kẽ hở này, cần phải kiểm tra xem liệu có sự liên minh, thao túng giá cả cổ phiếu để trục lợi cá nhân trên TTCK hay không?". Ông Hà cũng nhận xét là các thông tin từ các công ty niêm yết thường không được giám định: "Tôi cũng có biết một số người trục lợi cá nhân ở đây chứ không phải là không biết. Nhưng tôi biết nói sao đây về chuyện này ?". Ông Hà cũng kiến nghị UBCKNN cần phải đưa ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, tránh hiện tượng lũng đoạn, làm giá trên thị trường như hiện nay.

    Khi Báo Thanh Niên đặt vấn đề này với ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN thì ông Bằng từ chối trả lời. Tuy nhiên, trong phần phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh nói: "Anh Bắc Hà có nói đến chuyện lũng đoạn thị trường, tôi nghĩ chắc là có nhưng quy mô đến mức nào thì phải phân tích thêm. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là nhà đầu tư cứ lao vào mua cổ phiếu mà không cần biết công ty đó có doanh thu, lợi nhuận... ra sao thì là một vấn đề rất cần suy nghĩ

  2. ndhungbk

    ndhungbk Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    25/06/2004
    Đã được thích:
    856
    ''Nhà nước không nên can thiệp vào TTCK''

    http://www.vnexpress.net/Vietnam/Kinh-doanh/Chung-khoan/2007/01/3B9F2190/

    Sự phát triển nóng của chứng khoán khiến cơ quan quản lý không ngừng phát đi lời cảnh báo. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí mới đây, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) Lê Xuân Nghĩa khẳng định, Nhà nước sẽ không can thiệp trực tiếp vào thị trường.

    - Theo ông, sắp tới thị trường chứng khoán sẽ phát triển như thế nào?

    - Theo tôi, tương lai của thị trường chứng khoán mới nổi như Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa. Chính vì vậy, một cơ quan có chức năng giám sát thị trường tài chính sẽ được hình thành nhưng chỉ được phép giám sát về mặt vĩ mô chứ không can thiệp, kìm hãm sự phát triển của thị trường này. Với lại theo tôi, sự phát triển của thị trường ấy không có gì để phải kìm hãm.

    Chính phủ sẽ chú ý hơn đến việc bảo vệ thị trường chứng khoán. Ngân hàng Trung ương sẽ xây dựng thị trường tiền tệ liên thông với thị trường vốn cũng như tiến hành những cải cách liên quan như giao dịch tự động, khớp lệnh tự động..., để đáp ứng số lượng nhà đầu tư rất lớn đang dồn dập đổ vào thị trường.

    - Vậy tiến trình cổ phần hoá hàng loạt ngân hàng quốc doanh sẽ mở ra cơ hội gì cho thị trường chứng khoán, thưa ông?

    - Trong năm 2007, khoảng 20 tập đoàn lớn sẽ cổ phần hoá, 1/3 trong số đó sẽ niêm yết. Dự báo từ tháng 7/2007 đến cuối năm nguồn cung thị trường sẽ tăng mạnh. Đặc biệt khi Ngân hàng Ngoại Thương (Vietcombank) phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Cuối quý 4 năm nay, Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam (Bidv), Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB) và Ngân hàng Công thương (Incombank) cũng sẽ cổ phần hoá.

    Có nhiều tập đoàn tài chính đang thăm dò thị trường Việt Nam, đó là dấu hiệu cho thấy có 1 dòng vốn lớn sắp đổ vào thị trường. Sự tăng trưởng đồng đều ở cả cung lẫn cầu sẽ khiến cho thị trường chứng khoán phát triển bền vững, không đột biến như hồi năm 2002, 2003.

    Tuy vậy, hiện nay giá nhiều cổ phiếu ngân hàng chưa phản ánh đúng giá trị thực của nó. Nguyên nhân, theo tôi, là do quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài chỉ được tối đa 30% khiến các nhà đầu tư ngoại không mặn mà lắm với cổ phiếu này.

    - Tình hình làm ăn khấm khá khiến các ngân hàng Thương mại Cổ phần chia cổ tức rất cao. Việc chia cổ tức nhiều về lâu về dài có tốt không, thưa ông ?

    - Cá nhân tôi nghĩ việc chia cổ tức nhiều là không tốt. Bởi tỷ lệ lãi ròng trên số vốn tự có do nhiều yếu tố cùng hình thành như tỷ lệ cổ phiếu trên tổng tài sản thấp, lương rẻ ...tạo ra cơ hội kiếm lời tốt cho các ngân hàng. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu tính theo chuẩn Việt Nam còn thấp, lợi nhuận cao, nếu tính theo chuẩn quốc tế thì chưa chắc đã được như thế.

    Tuy vậy, việc chia cổ tức cao sẽ làm giá trị cổ phiếu đội lên. Mặc dù vậy, đó chỉ là giải pháp ngắn hạn, về lâu về dài sẽ không tốt. Bởi nếu giữ lại để tái đầu tư tương lai phát triển ngân hàng sẽ phát triển tốt hơn.

    - Vậy việc cho phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam vào 4/2007 theo cam kết WTO sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc kinh doanh của các ngân hàng nội, thưa ông ?

    - Theo tôi, trong năm nay vẫn chưa ảnh hưởng gì nhiều. Bởi các ngân hàng ngoại sẽ nghiên cứu thật kỹ thị trường cũng như xây dựng mạng lưới tín dụng rộng khắp trước khi vào Việt Nam. Bởi tín dụng chính là hoạt động chủ yếu của các ngân hàng, mà đối tác của họ chỉ là số ít những công ty có vốn nước ngoài hoặc công ty liên doanh liên kết. Thực tế, trong suốt 15 năm có mặt tại Việt Nam, chưa có ngân hàng ngoại nào dám cho doanh nghiệp trong nước vay vốn bởi tỷ lệ rủi ro cao cũng như họ chưa tin vào công ty Việt. Bởi vậy, họ phải có lộ trình chuẩn bị một vài năm trước khi đổ bộ vào thị trường mới. Đó chính là thời gian cho các ngân hàng nội chuẩn bị.

Chia sẻ trang này