Khi nào thì EVN thay đổi

Chủ đề trong 'Thị trường chứng khoán' bởi itcstar, 18/06/2014.

?

Theo bạn EVN nhập khẩu điện giá cao là do?

  1. Năng lực của các nhà máy điện trong nước còn yếu, không đáp ứng đủ nhu cầu.

    20,0%
  2. Lợi ích nhóm?

    80,0%
Trạng thái chủ đề:
Đã khóa
3175 người đang online, trong đó có 22 thành viên. 04:22 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
Chủ đề này đã có 591 lượt đọc và 5 bài trả lời
  1. itcstar

    itcstar Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    13/02/2011
    Đã được thích:
    6
    Vì sao EVN "hào phóng" mua điện Trung Quốc giá cao?
    Việc mua điện giá cao từ Trung Quốc ngay ở thời điểm nguồn cung cấp trong nước dồi dào, VN quá thua thiệt và yếu thế trong quan hệ hợp đồng.
    GS TS Đặng Đình Đào - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển, Đại học KTQD Hà Nội nêu quan điểm trước thực tế Việt Nam đang mua điện của Trung Quốc giá cao.

    GS TS Đặng Đình Đào cũng chỉ ra rằng, Việt Nam không thể cứ tiếp tục đàm phán mua điện của Trung Quốc theo hợp đồng dài hạn gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và cho cả các nhà máy điện nội địa.

    Lợi ích nhóm

    Một thực tế vẫn diễn ra là Việt Nam đang mua điện của Trung Quốc với giá cao cả ở thời điểm nguồn cung cấp trong nước dồi dào lý do vì hợp đồng mua điện với Trung Quốc được ký từ năm 2005 và chính thức mua điện từ 2009. Thỏa thuận hợp đồng hiện nay buộc phải cam kết về sản lượng và thời gian mua nếu không mua sẽ bị phạt. Xét trên góc độ kinh tế, ông bình luận thế nào về hợp đồng với những ràng buộc chỉ có lợi cho bên bán như trên?

    GS TS Đặng Đình Đào: - Thực tế nhiều năm qua Việt Nam phải mua một sản lượng điện thương phẩm lớn từ Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu trong nước, có thời điểm lên tới 4,65 tỷ kWh, chiếm 4% tổng sản lượng điện thành phẩm của Việt Nam.

    Trong điều kiện của những năm trước đây khi nguồn cung điện trong nước còn hạn chế thì việc mua điện Trung Quốc là giải pháp cần thiết để giải bài toán cân đối cung cầu điện.

    Nhưng thời gian gần đây, nguồn điện trong nước được tăng cường nhiều hơn, nhiều nhà máy điện ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN chưa huy động hết công suất, có thời điểm điện dư thừa, giá lại rẻ hơn nhiều giá điện Trung Quốc bán cho Việt Nam mà Việt Nam lại vẫn tiếp tục nhập khẩu điện của Trung Quốc với giá cao là điều ngành Công thương và EVN cần phải sớm tính toán và xem xét lại một cách nghiêm túc.

    Dù hợp đồng mua bán điện của EVN với Trung Quốc có cam kết về số lượng, bao tiêu với số lượng cụ thể nếu không mua sẽ bị phạt, thậm chí ngay khi thừa điện ở Việt Nam thì vẫn phải nhập từ Trung Quốc với giá điện ngày càng tăng. Rõ ràng xét trên góc độ kinh tế Việt Nam quá thua thiệt và yếu thế trong quan hệ hợp đồng.





    http://image.*********.vn/2014/06/18/de-xuat-gia-tran.jpg
    Việt Nam đang mua điện của Trung Quốc với giá cao cả ở thời điểm nguồn cung cấp trong nước dồi dào
    Tình trạng này kéo dài, khi mà hợp đồng hàng năm đã như thế thì chúng ta không thể cứ tiếp tục đàm phán mua điện của Trung Quốc theo hợp đồng dài hạn với hình thức trên, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và cho cả các nhà máy điện nội địa.

    Đây là điều không thể chấp nhận được, là trách nhiệm thuộc về EVN và Bộ Công Thương và cũng chính từ đây đặt ra nhiều câu hỏi về lợi ích kinh tế, "lợi ích nhóm" cho EVN và Bộ Công thương.

    Có lẽ đây là hậu quả của độc quyền trong ngành điện và cơ chế bộ chủ quản mà chúng ta phải hứng chịu.

    Trong khi nhiều doanh nghiệp sản xuất điện sẵn sàng chịu lỗ để hòa lưới điện EVN vẫn đang mua điện Trung Quốc với giá cao do ràng buộc bởi hợp đồng mua bán điện đã ký dài hạn. Điều này có chứng tỏ khả năng dự báo nhu cầu điện năng và năng lực sản xuất điện trong nước đang có vấn đề hay không? Dự báo sai gây thiệt hại cho nền kinh tế và cho người dân, EVN phải chịu trách nhiệm như thế nào?

    Thực tế hiện nay, các nhà máy điện nội địa ngoài EVN với giá điện thấp hơn nhiều so với giá điện của Trung Quốc muốn tham gia "thị trường điện cạnh tranh" cũng rất khó vì yêu cầu của EVN quá cao.

    EVN mua với giá chỉ bằng 1/3 giá mua điện của Trung Quốc kèm theo các điều kiện rất khắt khe. Trong khi đó EVN lại rất "hào phóng" khi mua một lượng lớn điện thương phẩm từ Trung Quốc với giá cao và có xu hướng tăng nhanh những năm gần đây, làm méo mó thị trường điện, vốn thị trường độc quyền lâu nay ở Việt Nam.

    Bối cảnh vận hành thị trường điện như vậy của EVN hậu quả là điện nội địa giá rẻ, có khi dư thừa nhưng lại nhập một lượng lớn điện từ Trung Quốc với giá cao để "cân đối cung - cầu". Chắc chắn là sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế quốc dân, cho người dân cũng như cho các doanh nghiệp.

    Điều này, một mặt chứng tỏ khả năng điều tiết thị trường của EVN, khả năng dự báo nhu cầu điện và năng lực sản xuất điện trong nước đang có nhiều vấn đề.

    Mặt khác, chứng tỏ tính độc quyền mặt hàng điện hiện nay mà EVN nắm độc quyền chủ yếu. Trong điều kiện như thế, người tiêu dùng không thể hi vọng giá điện ở Việt Nam sẽ rẻ hơn.

    Dự báo sai về sự vận động của thị trường điện gây thiệt hại cho nền kinh tế và cho người dân, rõ ràng EVN và tiếp đó là Bộ Công thương phải gánh chịu trách nhiệm kinh tế này.

    Nguy cơ phụ thuộc hiện hữu

    Những ràng buộc có nghi vấn trong hợp đồng mua bán điện với Trung Quốc và sự cố Hiệp Hòa liên quan tới việc sử dụng thiết bị Trung Quốc mới đây khiến dư luận đặt câu hỏi về sự hiện diện quá lớn của Trung Quốc trong ngành điện Việt Nam. Phải lý giải điều này như thế nào, khi mà thiết bị Trung Quốc vốn bị coi là chất lượng kém, bãi rác công nghệ của thế giới? Liệu có thể đặt nghi vấn về lợi ích nhóm trong việc này hay không, thưa ông?

    Trung Quốc luôn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 25,3% tổng kim ngạch nhập khẩu và có tới 30 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch trên 100 triệu USD.

    Trong đó có 6 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD và với nhiều dự án mà Trung Quốc trúng thầu ở Việt Nam với giá bỏ thầu thấp cho thấy một thực tế trong ngành điện Việt Nam cũng như nhiều ngành khác, nhiều nhà máy đã và đang sử dụng hệ thống trang thiết bị của Trung Quốc là rất lớn.

    Thiết bị của Trung Quốc vốn bị coi là chất lượng kém nên thường xảy ra sự cố là điều dễ hiểu. Như ở trên đã trao đổi về việc nhập khẩu điện của Trung Quốc với giá cao trong khi giá điện của các nhà máy nội địa ngoài EVN rẻ hơn thì không thể tham gia được thị trường điện và việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc với giá cao.

    Cùng với nhiều doanh nghiệp, nhà máy trong đó có các nhà máy điện Việt Nam đang sử dụng nhiều thiết bị điện của Trung Quốc giá rẻ, chất lượng kém như hiện nay thì việc đặt ra nhiều dấu hỏi, kể cả nghi vấn về "lợi ích nhóm" trong vấn đề này là hoàn toàn có cơ sở.

    Sự hiện diện rất lớn của Trung Quốc trong ngành điện Việt Nam có đặt ra nguy cơ phụ thuộc hay bị thao túng hay không, thưa ông? Nếu điều này xảy ra thì mức độ nguy hại sẽ như thế nào? Với tình trạng độc quyền như EVN hiện nay, trách nhiệm trong việc này liệu có thể quy cho ai khác không, thưa ông? Cụ thể như thế nào?

    Vì điện thương phẩm mà Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc ở thời điểm cao mới ở mức 4% tổng sản lượng điện thương phẩm của Việt Nam.

    Hơn nữa các nhà máy điện nội địa mới chỉ sử dụng khoảng 70 - 80% công suất thiết, với giá điện còn rẻ hơn của Trung Quốc thì hy vọng với những điều chỉnh cần thiết về chính sách và quản lý thị trường điện ở nước ta trong thời gian tới, tình hình kinh doanh điện và thị trường điện sẽ chuyển biến theo hướng tích cực.

    Do vậy, với sự hiện diện của Trung Quốc như hiện nay đối với điện chưa đến mức đặt ra nguy cơ phụ thuộc hay thao túng thị trường của Trung Quốc đối với thị trường điện Việt Nam.

    Tuy nhiên, nếu tình hình thị trường điện hiện nay không được cải thiện, EVN quản lý và kinh doanh điện vẫn theo cách như lâu nay, sản xuất kinh doanh chạy theo thiết bị giá rẻ, bỏ thầu giá thấp của Trung Quốc thì nguy cơ trên là hiện hữu và sẽ gây nguy hại cho nền kinh tế quốc dân, cho chính người dân Việt Nam và cho cả sự phát triển bền vững của Việt Nam…

    Với tình trạng độc quyền như EVN hiện nay và thiếu minh bạch trong kinh doanh trên thị trường điện ở Việt Nam, trách nhiệm trong việc này trước hết là do từ chính cơ chế quản lý kiểu bộ chủ quản lâu nay không được thay đổi, tiếp đó là các cơ quan quản lý nhà nước trong ngành điện mà cụ thể là Bộ Công thương và cả EVN trong tổ chức và quản lý điện Việt Nam.

    Có ý kiến chỉ thẳng, mấu chốt của vấn đề phải là nhanh chóng xóa bỏ tình trạng độc quyền của EVN, chấm dứt tình trạng 1 tay nắm cả mua bán, phân phối, điều độ, ông có đồng tình hay không và vì sao? Xin ông phân tích cụ thể hơn về vấn đề này.

    Tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm này vì tình trạng độc quyền và kéo dài sự "bảo hộ" sản xuất điện quá lâu rồi ở Việt Nam.

    Người tiêu dùng điện phải luôn sử dụng điện với giá ngày một cao và luôn yếu thế trong quan hệ mua bán điện với EVN.

    Đã đến lúc cần phải có sự thay đổi trong quản lý và điều hành thị trường điện theo đúng các quy luật của kinh tế thị trường, không thể "vừa đá bóng vừa thổi còi" trong quản lý và kinh doanh điện ở nước ta.

    Xin trân trọng cảm ơn ông!

    Tâm An (thực hiện)

    đất việt
  2. itcstar

    itcstar Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    13/02/2011
    Đã được thích:
    6
    Hai dự án bauxite Tây Nguyên: "Rủi ro tài chính rất cao"

    (Doanh nghiệp) - Dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ đang vấp phải nhiều lo ngại đưa ra liên quan đến vấn đề vốn đầu tư lớn trong khi lợi nhuận thấp.

    Rủi ro tài chính rất cao

    Tờ Vneconomy dẫn lời Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM Trần Du Lịch nhận định: “Tính rủi ro tài chính của hai dự án này rất cao”.

    Theo ông Lịch, con số 600 triệu USD của TKV vay nước ngoài phục vụ đầu tư dự án do Chính phủ bảo lãnh, số tiền này đã thuộc nợ công chứ không chỉ thuộc phạm vi của dự án hay của TKV.

    Bộ Công Thương khẳng định TKV đã có kế hoạch trả nợ khoản vay này, nhưng như băn khoăn của Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa, ông Lê Nam, việc trả nợ có thể bảo đảm theo kế hoạch không khi mà doanh nghiệp hiện vẫn đang bị lỗ và dự kiến sẽ còn bị lỗ trong 5 - 7 năm nữa?

    Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Mai Xuân Hùng cũng đề nghị, cần phải xem xét, đánh giá thật cẩn trọng hệ lụy nợ đối với hai dự án này.

    Mối lo còn tăng lên gấp nhiều lần khi TKV vừa tăng tổng mức đầu tư hai dự án lên 35%, khiến tổng mức đầu tư và hiệu quả kinh tế - xã hội đem lại càng bất tương xứng.

    [​IMG]
    Hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ đều là các dự án gây ra nhiều tranh cãi trong suốt thời gian qua về việc nên tiếp tục hay là nên dừng lại.
    Bình luận về vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cho rằng, hiệu quả của hai dự án này phải được nhìn nhận, đánh giá ở diện rộng hơn, không chỉ là hiệu quả kinh tế mang lại cho TKV mà còn đối với kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.

    Trong bối cảnh kinh tế bị suy giảm, cả nước khó khăn, việc đầu tư một lượng vốn lớn cho hai dự án này cũng đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn. Nếu không vì mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của Tây Nguyên, từ đó góp phần phát triển đất nước thì có thể, nguồn vốn cho hai dự án này đã được tính toán đầu tư theo hướng khác.

    “Chính vì thế, hiệu quả thực hiện hai dự án này không thể chỉ đo đếm bằng những con số lỗ, lãi tài chính thuần túy mà quan trọng hơn là hiệu quả tổng thể về kinh tế - xã hội, về an ninh, quốc phòng như thế nào.

    Với riêng vùng Tây Nguyên, dự án có tạo động lực lan tỏa để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động... nâng cao đời sống người dân, từng bước góp phần đưa khu vực này thoát nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào các dân tộc nơi đây hay không? Cần phải tính toán cân bằng lợi ích giữa doanh nghiệp, Nhà nước và địa phương như thế nào để đạt được mục tiêu đề ra khi chúng ta quyết định khai thác tài nguyên bauxite ở Tây Nguyên?”, ông Phúc nêu ra các câu hỏi.

    Phó Thủ tướng nhiều lần nhắc an toàn hồ chứa bùn đỏ

    Ngày 11/2 vừa qua, khi đến thăm và làm việc tại Dự án tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng (dự án bauxite Tân Rai, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng) Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam phải có giải pháp đảm bảo an toàn cho khu vực chứa bùn đỏ bằng cách xây dựng thêm khoang bùn đỏ thứ ba để dự phòng trường hợp xảy ra sự cố và tăng cường giám sát bằng camera để sớm phát hiện bất thường trong quá trình vận hành.

    [​IMG]
    Nhiều lo ngại đưa ra liên quan đến vấn đề vốn đầu tư lớn trong khi lợi nhuận thấp, Phó Thủ tướng nhắc đi nhắc lại vấn đề an toàn hồ chứa bùn đỏ....
    Trước đó, chiều 10/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng khảo sát công tác xây dựng nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ, công trình hồ chứa bùn đỏ, công trình cung cấp nước cho nhà máy tuyển quặng bauxite, khu vực tuyển quặng.

    Tại buổi làm việc này Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đề nghị chủ đầu tư cần phối hợp với các Bộ ngành Trung ương và chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ; làm tốt việc xây dựng hồ chứa bùn đỏ, đảm bảo môi trường; khai thác quặng đến đâu phải hoàn thổ đến đó bằng cách trồng cây xanh và phát triển nông nghiệp bền vững; các hạng mục xây dựng nhà máy sản xuất alumin phải đảm bảo chất lượng, an toàn trong lao động và tiết kiệm.

    Đào tài nguyên lên bán

    Trước đó, trả lời báo Đất Việt, Đại biểu Quốc hội Đặng Thành Tâm, đoàn TP Hồ Chí Minh đã thẳng thắn sau khi nghe tin Tập đoàn than và khoáng sản Việt Nam xin cơ chế chính sách đặc biệt đối với 2 dự án alumin Lâm Đồng và alumin Nhân Cơ: "Xin cho tôi nói thật, quan điểm nào tôi không rõ nhưng quan trọng nhất dự án này không khả thi và không hiệu quả. Đã không hiệu quả thì cho vay cái gì? Huống chi đây là doanh nghiệp móc tài nguyên lên để bán".

    Đánh giá về việc Vinacomin còn đề xuất giảm thuế môi trường với hai dự án bauxite này. Trước đó, hai dự án đã được áp mức thuế xuất khẩu 0%, ông Đặng Thành Tâm cho biết, ngay cả chuyện Vinacomin khai thác than, mỗi năm hàng trăm triệu tấn than bị múc lên đi bán, hãy thử nhìn mỗi năm đóng thuế cho ngân sách được bao nhiêu.

    Khi nói điều này, lãnh đạo tập đoàn thường lý luận rằng đã nuôi được cả trăm ngàn công nhân. Vậy thử nhìn sang dệt may cũng nuôi biết bao nhiêu công nhân mà họ cũng chẳng được cho cái gì. Họ tự mang việc về tạo công ăn việc làm cho lao động mà vẫn đóng thuế.

    "Doanh nghiệp khai thác khoáng sản chỉ việc móc tài nguyên lên bán mà còn muốn xin thêm nữa. Tôi nghĩ rằng ưu ái theo cách này thì rất gay", ông Đặng Thành Tâm nói.

    Thông tin trên tờ Thanh Niên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan -nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN từng cho biết, Vinacomin không đủ nguồn lực để thực hiện dự án. Vinacomin đã không trung thực trong bài toán kinh tế bằng cách gạt một số hạng mục đầu tư ra ngoài để khẳng định, nếu làm sẽ có lãi. Nhưng lúc bắt tay vào triển khai, Vinacomin lại đòi hỏi nhà nước phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng đường sá để vận chuyển sản phẩm ra cảng phục vụ xuất khẩu.

    "Đó là cách tính toán rất “cùn” trong kinh doanh, bởi khi đầu tư dự án, nhà đầu tư phải tính cả chi phí vận chuyển chứ không thể bỏ ra ngoài như Vinacomin. Chưa nói xuất khẩu sản phẩm của dự án lại phụ thuộc vào một thị trường, thì hiệu quả kinh tế cũng rất bấp bênh. Tóm lại, dự án không thể đem lại hiệu quả kinh tế...", bà Phạm Chi Lan nói.

    Đầu tư lớn, đóng thuế bao nhiêu?

    Hồi tháng 6/2013, ông Bùi Quang Tiến, Giám đốc Ban Quản lý dự án khai thác bauxite và sản xuất alumin Nhân Cơ, thuộc Tập đoàn Vinacomin đã cho biết, dự án bauxite Nhân cơ sẽ lỗ trong 6-7 năm đầu.

    Theo ông Tiến, tổng đầu tư hơn 16 nghìn tỷ chưa bao gồm phần khai thác mỏ bauxite do báo cáo thăm dò mỏ mới được duyệt, đang lập dự án đầu tư mỏ. Hơn nữa, trong quá trình triển khai dự án, giá trị tổng mức đầu tư ban đầu khoảng hơn 11 nghìn tỷ đồng không còn phù hợp nên TKV đã thuê tư vấn lập điều chỉnh lại tổng mức đầu tư.

    Ông Bùi Quang Tiến cho biết thêm, do phải chịu lãi suất vay và khấu hao cao nên trong 6 -7 năm đầu hoạt động, nhà máy có thể sẽ phải chịu lỗ kế hoạch với giá trị khoảng hơn 2.400 tỷ đồng.

    Trước lo lắng của các chuyên gia hai nhà máy Tân Rai và Nhân Cơ sẽ khó hiệu quả bởi riêng thuế xuất khẩu quặng nhôm, áp mức thấp nhất (theo khung 15-30% - theo nghị quyết 710/2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) thì TKV đã phải nộp trên 750 tỉ đồng/năm, ông Nguyễn Tiến Chỉnh - trưởng ban khoa học - công nghệ và chiến lược phát triển của TKV cho biết, Nhà nước đã cho TKV được hưởng mức thuế... 0%.

    Hồi tháng 11/2013, Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu Tổng cục Hải quan miễn thuế nhập khẩu thiết bị cho dự án bauxite Tân Rai với số tiền 100 tỷ đồng.

    Trước đó, chủ đầu tư đã có đề nghị về việc miễn thuế nhập khẩu chi tiết linh kiện, vật tư lắp đặt đồng bộ cho dự án này. Vinacomin cho biết đây là dự án thuộc địa bàn ưu đãi đầu tư. Sau đó Bộ KH&ĐT, Bộ Công Thương thống nhất ý kiến cho rằng các chi tiết linh kiện, vật tư nhập khẩu đồng bộ thuộc dự án trên có thể xem xét như loại trong nước chưa sản xuất được và nếu sản xuất trong nước thì sẽ không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và tính đồng bộ của dự án.

    Hiện, các dự án bauxite có 5 loại thuế được miễn giảm tiền thuế đất, được miễn thuế nhập khẩu thiết bị, tạo tài sản cố định, được miễn thuế nhập khẩu cho linh kiện, vật tư nhập khẩu lắp đặt đồng bộ với thiết bị tại dự án alumin Lâm Đồng, miễn thuế nhập khẩu chất trợ lắng cho sản xuất trong 5 năm, giảm thuế nhập khẩu xút lỏng từ 20% xuống chỉ còn 3%, miễn thuế xuất khẩu alumin, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp.

    Song TKV và Bộ Công thương vẫn tiếp tục xin thêm ưu đãi cho dự án bauxite, mặc dù bị Bộ Tài chính từ chối, Bộ Công thương vẫn tiếp tục gửi công văn kêu lên Thủ tướng giãi bày hành trình xin giảm thuế phí và đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ.

    Vinacomin còn nhấn mạnh, hai dự án alumin Lâm Đồng và Nhân Cơ đều rất khó khăn về dòng tiền trong những năm đầu, do phải trả lãi vay đầu tư. Dự kiến, năm thứ 3, các nhà máy mới vận hành đạt công suất thiết kế. Do đó, doanh thu sẽ rất thấp. Theo tính toán, dự báo thời gian lỗ kế hoạch của 2 dự án này sẽ kéo dài 5-7 năm.

    Vì vậy, Vinacomin đã kiến nghị Thủ tướng xem xét, giảm phí môi trường khai thác bauxite xuống mức trần 4.000 đồng/tấn như Bộ Công Thương đề xuất, trong thời hạn 5-7 năm kể từ ngày dự án đi vào sản xuất.

    Thu Phương (Tổng hợp)
  3. itcstar

    itcstar Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    13/02/2011
    Đã được thích:
    6
    Những quyết định làm thụt lùi nền kinh tế.
  4. itcstar

    itcstar Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    13/02/2011
    Đã được thích:
    6
    Đường ống nước công nghệ Trung Quốc lại vỡ lần 8

    (Tin tức thời sự) - Đây là lần thứ 8 đường ống dẫn nước sạch sông Đà bị vỡ, Vinaconex chưa tìm được nguyên nhân

    Ông Nguyễn Văn Tốn - TGĐ Công ty nước sạch Vinaconex - cho biết, khoảng 22h đêm ngày 17/6, tuyến đường ống dẫn nước sạch sông Đà từ nhà máy nước Sông Đà - Hòa Bình về Hà Nội lại vỡ. Đây là lần thứ 8 đường ống này bị vỡ.

    Vị trí xảy ra sự cố ở Km25 trên Đại lộ Thăng Long, khu vực cầu vượt Đồng Chúc (đoạn qua huyện Thạch Thất – Hà Nội).

    [​IMG]
    Vị trí vỡ lần thứ 5 của tuyến đường ống nước sạch sông Đà (ngày 1/4/2014)

    Ông Nguyễn Văn Tốn cho biết: “Vết vỡ có đường kính rộng khoảng 20cm, vết vỡ nhỏ, đường ống ở phía trên nên chúng tôi đã khắc phục ngay tại chỗ, không phải cẩu ống mang về chế tạo như những lần trước. Khoảng 10h sáng nay, chúng tôi sẽ cấp nước trở lại”.

    Sự cố khiến Công ty nước sạch Vinaconex phải huy động 2 máy xúc, 2 máy phát điện, 1 máy cẩu, 4 xe chở cát, 1 xe tải cẩu và khoảng hơn 100 cán bộ công nhân viên khắc phục suốt đêm.

    Trong báo cáo trước đó về tuyến ống truyền tải Nhà máy nước sông Đà, Vinaconex cũng đã thừa nhận, kể từ tháng 12/2012 đến tháng nay đã 7 lần xảy ra sự cố vỡ đường ống nước (Lần 1 ngày 3/2/2012, lần 2 ngày 04/2/2012, lần 3 ngày 21/3/2013, lần 4 ngày 21/11/2013, lần 5 ngày 16/12/2013, lần 6 ngày 1/4/2014, lần 7 ngày 26/4/2014). Và đây là lần thứ 8.

    Sự cố này gây ảnh hưởng sinh hoạt khoảng 70.000 hộ dân thuộc các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai...

    Ông Nguyễn Văn Tốn, giám đốc Công ty nước sạch Vinaconex, chịu trách nhiệm trực tiếp về sự cố trên vẫn chưa thể khẳng định được nguyên nhân.

    Ông Tốn tiết lộ "chất liệu và công nghệ của tuyến đường ống truyền tải từ nhà máy nước sông Đà về Hà Nội, là cốt sợi thủy tinh, công nghệ chế tạo do tổng công ty Vinaconex đưa từ Trung Quốc về".

    Trước đó, Trung Quốc đã có cảnh báo về hệ thống nước không an toàn, chứa đầy mầm bệnh nguy hiểm, trong khi đó có khoảng 70.000 hộ dân tại các quận thuộc Hà Nội đang sử dụng nguồn nước từ công nghệ Trung Quốc.

    Thành ủy HN: 7 lần vỡ ống nước là không bình thường

    Về phía Hà Nội, ngày 17/6, trao đổi với báo Đất Việt, ông Phan Đăng Long - Phó Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết sẽ tìm hiểu nguyên nhân.

    Lo ngại trước vấn đề này, ông Long cho biết "đường ống dẫn nước cung cấp cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn thành phố mà bị vỡ tới 7 lần vẫn chưa tìm được nguyên nhân là hiện tượng bất bình thường".
  5. itcstar

    itcstar Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    13/02/2011
    Đã được thích:
    6
    10.000 tỷ đóng tàu thép: Đừng dùng máy chính Trung Quốc!

    (Tin tức thời sự) - Kỹ sư đóng tàu lão làng Nguyễn Đăng Cường cho rằng tuyệt đối không được sử dụng máy Trung Quốc làm máy chính cho tàu cá vỏ thép của Việt Nam.

    Loại ngay phương án dùng máy Trung Quốc

    Chiều ngày 17/6/2014, phóng viên báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với thạc sỹ, kỹ sư Nguyễn Đăng Cường (SN 1940), từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ngành cơ khí đóng tàu và thủy sản của Việt Nam.

    Xung quanh vấn đề Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy SBIC (tiền thân là Vinashin) đang đóng các tàu cá vỏ thép mẫu cho ngư dân vươn khơi, phục vụ chương trình 10.000 tỷ hỗ trợ ngư dân đóng tàu của Chính phủ, ông Nguyễn Đăng Cường đã có một số nhận định rất đáng chú ý.

    Chuyên gia Nguyễn Đăng Cường chia sẻ: "Trong buổi hội thảo mà Hội Khoa học Biển TP.HCM tổ chức hồi đầu tháng 6 vừa qua, tôi thấy trong các phương án thiết kế một số mẫu tàu mà SBIC đưa ra có 5, 6 chủng loại máy chính được lựa chọn, trong đó có cả máy của Trung Quốc. Quan điểm của tôi là đề nghị loại ngay phương án này."

    [​IMG]
    Mẫu tàu cá vỏ thép do SBIC đóng
    Ông Nguyễn Đăng Cường lý giải: "Nói về máy chính, là yếu tố sống còn của con tàu, vì vậy cho nên phải nghĩ rộng ra, nghĩ đến sửa chữa, phụ tùng thay thế, nghĩ đến chất lượng, chứ không chỉ nghĩ đến lợi ích kinh tế trước mắt.

    Nói đến máy Trung Quốc hay bất cứ thứ gì của Trung Quốc thì người ta đã nghĩ ngay đến đồ rởm. Mặc dù họ cũng có những cái máy rất tiên tiến, công nghệ cao, nhưng ta có thể được tiếp cận với cái loại công nghệ ấy không. Còn những sản phẩm bậc trung, máy Trung Quốc không thể bằng được hàng Đức, hàng Nhật, yếu tố duy nhất là giá thành rẻ hơn thôi.

    Nhưng nếu sử dụng máy của quốc gia này, chúng ta sẽ bị phụ thuộc vào các vấn đề thiết bị phụ tùng thay thế, sửa chữa, bảo hành... Trong tình hình vấn đề phức tạp với Trung Quốc như hiện nay, rủi ro về thiết bị thay thế là không hề nhỏ? Tránh phụ thuộc bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu."

    [​IMG]
    Mẫu tàu cá vỏ gỗ lớn nhất miền Trung có công suất 1.150 mã lực không thua kém gì mẫu vỏ thép của SBIC
    Ông Nguyễn Đăng Cường cho biết thêm: "Tôi có đề nghị thì chủng loại máy nên chỉ khóa lại trong 3 chủng loại máy để lựa chọn, không nên mở rộng. Phải nghĩ đến sau 5 năm nữa vấn đề phát sinh như sửa chữa, phụ tùng thay thế, quá nhiều máy, quá nhiều chủng loại.

    Đồng thời, nhiều loại máy thì đào tạo đội ngũ sửa chữa rất phức tạp, trong khi ngư dân, thợ máy, kỹ sư của ta đang quen với một số máy thông dụng, thì nên lựa chọn những loại đó để tránh phải đào tạo lại, tích lũy kinh nghiệm lại. Tôi lấy ví dụ máy Yanmar được dân ta rất được ưa chuộng."

    10.000 tỷ đóng tàu sắt: Ngư dân chưa ưng mẫu tàu của SBIC

    Mẫu tàu của SBIC không khả dụng

    Tiếp tục phân tích về những thiết kế mà SBIC đưa ra, ông Nguyễn Đăng Cường nhận định: "Cốt lõi của tàu cá nói riêng và tàu thủy nói chung là tuyến hình, mà với tuyến hình từ thiết kế của SBIC thì không phải vùng biển nào của Việt Nam cũng phù hợp".

    "Nhìn vào những con tàu này cứ cảm giác như cái tàu giao thông, có thêm mấy khoang chứa cá. Ươ đồ khai thác cũng không thấy nói, trong khi mỗi tàu cá phải phù hợp với cái nghề đặc trưng. Theo nhận định của tôi, những người thiết kế các mẫu tàu này không am hiểu gì về nghề cá.

    Tóm lại, mẫu tàu cho ngư dân quan trọng là phải phù hợp với vùng biển . Đó là gì? Là luồng lạch, sóng gió, thời tiết hàng năm, là tập quán đánh cá, điều kiện ngư trường, đánh bắt loại hải sản nào... Tất cả những yếu tố đó mỗi vùng biển đều khác nhau, không thể mang một mẫu để đi ra tất cả các vùng biển được. Làm như thế, tư duy như thế là thất bại đấy" - Ông Nguyễn Đăng Cường phân tích.

    [​IMG]
    Cần phải làm một cách nhanh chóng nhưng phải hiệu quả, cẩn trọng để ngư dân Việt Nam có thể tự tin vươn khơi mà an toàn với số vốn vay của mình
    Chuyên gia ngoài 70 tuổi này nói những lời tâm huyết: "Số tiền lớn như thế mà không có biện pháp quản lý chặt chẽ, đến khi đồng tiền về tay người dân, cái giá trị bị hao hụt có thể sẽ rất nhiều.

    Tôi mong, nhà nước phải lập một ban độc lập gồm các chuyên gia kinh tế, hàng hải để thẩm định. Với mỗi một con tàu phải có triết tính rõ ràng, phải được các chuyên gia đó thẩm định giá trị rõ ràng.

    Có như vậy mới đảm bảo được sự an toàn cho ngư dân và đồng vốn của nhà nước. Nói cách khác là tạo ra thành công cho Chương trình hỗ trợ rất đáng quý này."

    Ông Nguyễn Đăng Cường (SN 1940), tốt nghiệp Thạc sĩ, kỹ sư tại Đại học Bách Khoa Gdansk (1964), liên tục công tác trong ngành thủy sản từ năm 1965 tới năm 2000. Từng giữ các chức vụ Phân viện phó Phân viện Thiết kế có khí tàu cá (1976), Phó Tổng Giám đốc cơ khí Thủy sản III (từ 1984), Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhựa Việt Nam (2004).

    Ông từng trực tiếp tham gia hàng loạt các chuyến đi biển cùng ngư dân tất cả các nghề, tham gia trực tiếp thiết kế, đóng lắp và đi thử nghiệm trên biển các loại tàu cá, tàu tôm. Trực tiếp điều tra các mẫu tàu dân gian điển hình được ngư dân ưa chuộng từ Móng cái Quảng Ninh đến Kiến giang trong thời chiến và hòa bình.

    Chuyên gia Nguyễn Đăng Cường đã cho xuất bản hàng loạt cuốn sách, trong đó đáng chú ý là cuốn "Tuyển tập mẫu tàu cá Việt nam" xuất bản từ 1983 và được tái bản nhiều lần.
  6. Ben10

    Ben10 Thành viên này đang bị tạm khóa Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    25/01/2013
    Đã được thích:
    1.231
    Vãi thật. Chỉ khổ dân thôi. Có khi phải làm vụ như philipin lại hay. Nếu giá cao ko hợp lý thì điều tra xem có ăn hoa hồng ko
Trạng thái chủ đề:
Đã khóa

Chia sẻ trang này