KQKD 6T/2020: Mảng sáng vs Mảng tối

Chủ đề trong 'Thị trường chứng khoán' bởi Mhoang79, 29/07/2020.

8109 người đang online, trong đó có 1059 thành viên. 11:17 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
Chủ đề này đã có 1492 lượt đọc và 7 bài trả lời
  1. Mhoang79

    Mhoang79 Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    16/01/2018
    Đã được thích:
    19.463
    Cứ cp của các doanh nghiệp ở VÙNG SÁNG mà chơi các cụ nhé. Nếu đang nắm giữ các cổ phiếu có kqkd tốt bất chấp Covid thì cầm vàng đừng để vàng rơi vì chim lợn rồi lại tiếc các cụ nhé. Dòng tiền sớm muộn cũng sẽ tìm đến với các cp ở VÙNG SÁNG mà thôi (Còn tất nhiên nếu đã có lãi đủ tiêu chí thì cứ chốt lời cho chắc ăn). http://m-nhipsongdoanhnghiep.cuocso...y-ii2020-nhung-mang-mau-sang-toi-3549229.html
    Bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp quý II/2020: Những mảng màu sáng, tối
    THANH HÀ 14:42 29/07/2020
    doanh nghiệp đã công bố tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm trung bình 73% so với cùng kỳ năm trước, tiếp nối đà rơi 64% trong 3 tháng đầu năm.
    Còn tại Việt Nam, con số nói trên thể hiện như thế nào? Theo ghi nhận của Nhịp sống doanh nghiệp BizLIVE, hầu hết các doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng ít nhiều trong quý II/2020. Số ít doanh nghiệp lóe lên những tia sáng tích cực ghi nhận những khoản lãi lớn, nhiều doanh nghiệp tăng trưởng âm thậm chí lỗ nặng do tác động của cơn đại dịch.
    VÙNG SÁNG
    Nằm trong nhóm những doanh nghiệp không chịu nhiều ảnh hướng tiêu cực của dịch Covid-19 là ngành thép. Báo cáo của doanh nghiệp ngành này vẫn báo lãi tăng trưởng đột biến trong quý II/2020, trong đó đáng chú ý là bộ đôi Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) và Tập đoàn Hoa Sen (mã HSG).

    Sản lượng thép của Hòa Phát vẫn tăng trưởng, đẩy doanh thu lên 20.422 tỷ đồng, tăng 35,3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.756 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 2.743 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong một quý kể từ khi hoạt động của Hòa Phát.

    Trong khi đó, mặc dù doanh thu sụt giảm đôi chút tuy nhiên Hoa Sen vẫn báo lãi tăng gấp đôi cùng kỳ, lên 318 tỷ đồng nhờ tiết giảm mạnh giá vốn. Kết quả này đẩy lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đầu niên độ tài chính 2019 – 2020 của Hoa Sen tăng tới 153% so với cùng kỳ, đạt 701 tỷ đồng qua đó vượt 75% mục tiêu lợi nhuận.

    [​IMG]
    Nhóm chứng khoán cũng khởi sắc nhờ diễn biến tích cực của thị trường chung trong quý II. Chỉ số VN-Index tăng gần 25% trong 3 tháng với thanh khoản được cải thiện đáng kể kéo theo hàng loạt cổ phiếu tăng mạnh trong quý II giúp các CTCK ghi nhận tăng khoản lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đồng thời giảm lỗ FVTPL nhờ hoàn nhập dự phòng.

    Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường tăng trưởng mạnh trong quý II cũng góp phần làm gia tăng các khoản thu từ phí cho các CTCK. Hầu hết các CTCK đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng trong quý II thậm chí một số cái tên như TCBS, SSI, VNDS hay ACBS còn tăng trưởng trên 100%.

    [​IMG]
    Ngoài ra, một số doanh nghiệp tăng trưởng mạnh lợi nhuận quý II/2020 so với cùng kỳ năm trước nhờ có các câu chuyện riêng như Dabaco (mã DBC) lãi đột biến hơn 400 tỷ đồng nhờ giá thịt lợn tăng cao, Phân bón và Hóa chất Dầu khí (mã DPM) lãi gấp 10 lần cùng kỳ do giá khí nguyên liệu đầu vào giảm, Cao su Phước Hòa (mã PHR) lãi gấp hơn 5 lần cùng kỳ nhờ nhận tiền đền bù đất, Sonadezi Châu Đức (mã SZC), Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (mã D2D), Bọc ống dầu khí (PV Coating – mã PVB), Bột giặt NET (mã NET)…

    VÙNG TỐI

    Bên cạnh những khoản lãi lớn trong quý vừa qua, nhiều doanh nghiệp đầu ngành lại gặp khó do ảnh hưởng của dịch bệnh, điển hình như Vincom Retail (mã VRE). Công ty này vừa công bố kết quả kinh doanh quý II với doanh thu thuần giảm 18% xuống 1.631 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cũng giảm 46% còn 343 tỷ đồng. Trong kỳ, Vincom Retail tiếp tục giải ngân thêm 375 tỷ đồng để đồng hành, hỗ trợ các khách thuê do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

    Trước VRE, một công ty khác thuộc Tập đoàn Vingroup là Vinhomes (mã VHM) cũng đã công bố kết quả kinh doanh quý II với sự sụt giảm mạnh các chỉ tiêu kinh doanh chính.

    Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ của Vinhomes đạt 16.377 tỷ đồng, giảm 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản (mảng đóng góp 95%) cũng giảm 22% xuống 15.608 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm đến 55% xuống mức 3.801 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 3.758 tỷ đồng.

    [​IMG]
    Kẹp giữa dịch Covid-19 và biến động giá dầu, “đại gia” ngành dầu khí Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV Gas – mã GAS) cũng lao đao khi nhu cầu nhiên liệu trong đó có khí và LPG sụt giảm đồng thời, giá dầu Brent trung bình 6 tháng đầu năm chỉ khoảng 40 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với giá giả định (60USD/thùng).

    Trong quý II, PV Gas ghi nhận 15.627 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 23% so với cùng kỳ tuy nhiên lợi nhuận gộp giảm tới 46% xuống 2.402 tỷ đồng do giá vốn vẫn ở mức cao. Sau khi trừ các chi phí, PV Gas thu về 1.713 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là 1.714 tỷ đồng.

    Hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ vàng trang sức, Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) khó tránh khỏi tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Công ty đã phải tạm đóng cửa phần lớn các cửa hàng trong nửa đầu tháng 4/2020 và dần mở cửa hoạt động lại vào nửa cuối tháng khiến doanh số bán lẻ trong tháng 4 bị ảnh hưởng đáng kể.

    Dù doanh số trang sức đã phục hồi tích cực trong tháng 5 - 6/2020 sau khi dịch bệnh được kiểm soát nhưng doanh thu quý II của PNJ vẫn giảm 7,3% xuống mức 2.745 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh trong kỳ (đặc biệt là lãi vay), PNJ báo lãi sau thuế 31,7 tỷ đồng, giảm tới 81% so với cùng kỳ năm trước.

    XUẤT HIỆN KHOẢN LỖ CẢ NGHÌN TỶ ĐỒNG
    Là một trong những doanh nghiệp chịu tác động nặng nề nhất, Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) ghi nhận doanh thu quý II giảm tới 51% so với cùng kỳ, xuống mức 13.736 tỷ đồng. Giá vốn vẫn ở mức cao khiến công ty lỗ ròng 1.898 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2019 vẫn lãi 106 tỷ đồng. Kết quả này nâng tổng số lỗ 6 tháng đầu năm của BSR lên hơn 4.255 tỷ đồng, trong đó lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ 4.234 tỷ đồng.

    Theo BSR, ngoài việc chịu tác động xấu bởi giá dầu thô và sản phẩm, công ty còn chịu tác động bởi dịch Covid-19, giãn cách xã hội đã làm nhu cầu các sản phẩm lọc hóa dầu giảm rất mạnh, đồng thời khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính cũng thu hẹp rất nhiều so với cùng kỳ năm trước, khiến kết quả sản xuất kinh doanh tháng 4 và tháng 5 tiếp tục lỗ.

    Một doanh nghiệp điện cũng đã công bố khoản lỗ cao bất thường trong lịch sử hoạt động là Điện lực Khánh Hòa (mã KHP). Doanh nghiệp này đã báo lỗ đến 218,8 tỷ đồng trong quý II cao hơn rất nhiều so với khoản lỗ 14,5 tỷ đồng cùng kỳ. Kết quả này đẩy lỗ ròng 6 tháng đầu năm của KHP lên hơn 230 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 40 tỷ đồng.

    Lĩnh vực vận tải chịu ảnh hưởng nặng nề khi cả nước thực hiện cách ly xã hội để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 lây lan khiến Ánh Dương Việt Nam (Vinasun – mã VNS) báo lỗ trước thuế tới 111 tỷ đồng trong quý II/2020, cao gấp 6,5 lần số lỗ cùng kỳ. Sau 6 tháng đầu năm, Vinasun chịu lỗ 128 tỷ đồng.

    Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng sớm báo lỗ ngay đầu mùa báo cáo như Nhiệt điện Cẩm Phả (mã NCP), Thép Dana Ý (mã DNY), DAP - VINACHEM (mã DDV), Than Núi Béo – Vinacomin (mã NBC), Du lịch Phú Thọ (mã DSP), Khách sạn Sheraton Đà Nẵng (mã BDP),…
    Đến thời điểm ngày 29/7, còn rất nhiều doanh nghiệp chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2020. Tuy nhiên, dưới tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19, không loại trừ khả năng sẽ có thêm những “vệt tối” trong bức tranh lợi nhuận
    Minh86 thích bài này.
  2. Mhoang79

    Mhoang79 Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    16/01/2018
    Đã được thích:
    19.463
    Phiên 29/7: Khối ngoại tiếp tục tung mạnh tiền vào thị trường
    MAI HƯƠNG 18:32 29/07/2020

    BizLIVE - Khối ngoại vẫn đang tung tiền vào thị trường, giá trị tổng cộng trong 4 phiên vừa qua đạt 1.137,69 tỷ đồng.
    [​IMG]

    Khối ngoại thậm chí còn đẩy mạnh mua ròng hơn ở phiên hôm nay với giá trị giải ngân đạt 310,48 tỷ đồng, cụ thể HOSE được mua ròng 303,79 tỷ đồng, HNX được mua ròng 1,32 tỷ đồng và UPCoM mua ròng 5,367 tỷ đồng.
    [​IMG]
    Với HOSE, KDC (+124,8 tỷ đồng) đứng đầu về mua vào nhưng chủ yếu được giao dịch thỏa thuận. Trong khi đó, khối ngoại cũng mua vào mạnh tay FUEVFVND (+47 tỷ đồng), VCB (+35,2 tỷ đồng), FUESSVFL (+22,3 tỷ đồng),
    Chiều bán ra, chỉ có đáng kể nhất là HPG (-32,8 tỷ đồng).
    [​IMG]
    Nguồn MBS.
    Còn với tự doanh, khối này bán ròng 264,1 tỷ đồng. Họ đã bán thỏa thuận IJC (-58,6 tỷ đồng) thỏa thuận. Cùng với đó là FUEVFVND (-48,62 tỷ đồng), CII (-26,88 tỷ đồng), FUESSVFL (-25,31 tỷ đồng), FPT (-16,32 tỷ đồng) cũng bị bán ra. Trong số này chứng chỉ của ETF FUESSVFL và FUEVFVND nhiều khả năng được bán cho chính khối ngoại.
    [​IMG]
    Với HNX, HNX, DHT (+2,9 tỷ đồng), NRC (-2,1 tỷ đồng) là 2 mã được khối ngoại mua tốt nhất và cả 2 đều tận dụng để tăng lần lượt 1,1% và 4,3%. Thậm chí NRC còn có lúc tăng trần.
    [​IMG]
    Trên UPCoM, VEA (+6,1 tỷ đồng) đứng đầu về giao dịch mua vào. Trong khi đó, các mã ACV (+1,1 tỷ đồng), VLC (-1,2 tỷ đồng), KDF (-1,1 tỷ đồng) được mua vào với quy mô khá đều.
  3. Mhoang79

    Mhoang79 Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    16/01/2018
    Đã được thích:
    19.463
    Thứ tư, 29/7/2020, 17:46 (GMT+7)
    Khối ngoại mua ròng hơn 1.070 tỷ đồng trên HoSE trong 4 phiên thị trường biến động mạnh

    Phiên giao dịch ngày 29/7, lực bán tăng cao trở lại đã khiến cho nhiều cổ phiếu giảm khá mạnh sau khi hồi phục phiên trước. Trong đó, GAS giảm 6,3% xuống 63.500 đồng/cp, VRE giảm 6,1%, SAB giảm 5%, PLX giảm 4,7%... VN-Index dừng ở mức 790,84 điểm, giảm 22,52 điểm (-2,77%). HNX-Index giảm 1,13 điểm (-1,05%) xuống 106,85 điểm.

    Khối ngoại tiếp tục mua ròng với gần 311 tỷ đồng trên cả 3 sàn, tăng 36% so với phiên trước. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài mua vào hơn 803 tỷ đồng, tăng 13,13% so với phiên giao dịch ngày 28/7. Ngược lại, khối này bán ra gần 493 tỷ đồng, tăng 2,29%.

    Trên HoSE, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 304 tỷ đồng, tăng 40,36% so với phiên trước. Nhóm này mua vào kể từ thứ 6 tuần trước (24/7) khi Việt Nam xuất hiện ca nhiễm Covid-19 tại Đà Nẵng sau 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Trong 4 phiên gần đây, VN-Index giảm gần 66 điểm (-7,7%) nhưng dòng vốn ngoại mua vào hơn 1.070 tỷ đồng.

    KDC đứng đầu danh sách mua ròng với gần 115 tỷ đồng. Phiên hôm nay, KDC được giao dịch thỏa thuận gần 4 triệu cổ phiếu tại mức giá hơn 30.000 đồng/cp.

    2 ccq VFMVN Diamond và VNFin Lead được mua vào phiên hôm nay với giá trị lần lượt là 47 tỷ đồng và 22,3 tỷ đồng, chủ yếu đến từ giao dịch thoả thuận. VCB được mua ròng hơn 146 tỷ đồng sau 7 phiên. Ở chiều ngược lại, HPG bị bán trở lại với 33,2 tỷ đồng. GAS, MSN tiếp tục bị rút 7 tỷ đồng và 5,5 tỷ đồng.

    [​IMG]

    Đối với HNX, dòng vốn ngoại tiếp tục mua ròng 1,3 tỷ đồng, thấp hơn so với mức 4 tỷ đồng của phiên trước. DHT được mua ròng phiên thứ 10 với tổng giá trị hơn 9,6 tỷ đồng. Theo sau là IDV, SHS với giá trị lần lượt là 700 triệu đồng và 426 triệu đồng. Ngược lại, NRC bị bán khá mạnh phiên hôm nay với 2,15 tỷ đồng. VCS bị bán trở lại với 367 triệu đồng. Các cổ phiếu khác như BVS, PLC, VCG… đều bị rút vốn nhưng giá trị khá thấp.

    [​IMG]

    Tại UPCoM, khối này mua ròng gần 5,4 tỷ đồng, giảm 32% so với phiên trước. VEA được mua hơn 20 tỷ đồng trong 4 phiên. ACV, MCH cũng được mua vào 1 tỷ đồng và 292 triệu đồng. CTR, BSR được mua trở lại. Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài chỉ bán 9 cổ phiếu trên sàn này phiên hôm nay. VLC, KDF đều bị bán với hơn 1,1 tỷ đồng. Các mã như BVB, GHC, BTN… cũng bị rút vốn nhưng giá trị khá thấp.

    [​IMG]
  4. Mhoang79

    Mhoang79 Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    16/01/2018
    Đã được thích:
    19.463
    Độc quyền trên CNN: Nga tuyên bố sẽ có vắc xin Covid-19 chỉ trong 2 tuần nữa!
    Lê Huy - Theo Pháp luật và Bạn đọc, 29/07/2020 22:18
    [​IMG]

    Các quan chức của Nga đã tiết lộ với hãng tin CNN của Mỹ rằng vắc-xin COVID-19 do Nga sản xuất sẽ được cấp phép và đưa vào sử dụng vào 2 tuần tới, tức giữa tháng 8!
    Theo hãng tin CNN, Nga dự kiến trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép sử dụng loại vắc-xin COVID-19 tự sản xuất vào giữa tháng 8 tới, bất chấp những lo ngại về sự an toàn, hiệu quả và nghi vấn đốt cháy các giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển vắc-xin!

    Các quan chức Nga tiết lộ với CNN rằng họ đang chuẩn bị các khâu để phê duyệt vắc-xin COVID-19 do Viện Gamaleya có trụ sở tại Thủ đô Mátxcơva nghiên cứu điều chế vào ngày 10/8 hoặc sớm hơn. Theo đó, vắc-xin này sẽ được cấp phép sử dụng trong cộng đồng và các nhân viên y tế tuyến đầu sẽ được tiêm đầu tiên.

    [​IMG]
    "Đó là một khoảnh khắc Sputnik", Kirill Dmitriev - người đứng đầu quỹ đầu tư quốc gia Nga, đơn vị tài trợ cho nghiên cứu vắc-xin này, đề cập đến thời khắc Liên Xô phóng thành công vệ tinh đầu tiên trên thế giới năm 1957 (nhằm tự tán dương thành tựu chuẩn bị đưa vào sử dụng vắc-xin COVID-19 trong 2 tuần tới).

    "Người Mỹ đã rất ngạc nhiên khi họ nghe thấy tiếng bíp bíp của Sputnik. Nó cũng giống với vắc-xin này. Nga sẽ đến đích trước", ông này cho biết thêm.

    Nhưng cho đến này, Nga vẫn chưa hề công bố dữ liệu khoa học nào về quá trình thử nghiệm vắc-xin và CNN cũng không thể xác minh tính an toàn hoặc hiệu quả được phía Nga tuyên bố.

    Các nhà phê bình cho rằng việc thúc đẩy chế tạo vắc-xin được đặt trong bối cảnh áp lực chính trị từ Điện Kremlin, vốn rất muốn thể hiện Nga là một lực lượng khoa học toàn cầu.

    Cũng có nhiều lo ngại về việc thử nghiệm vắc-xin ở người chưa đủ quy mô cần thiết. Hàng chục thử nghiệm vắc-xin COVID-19 đang được tiến hành trên khắp thế giới và một vài trong số đó đang được kiểm định hiệu quả trên quy mô lớn. Tuy nhiên, hầu hết các nhà phát triển vắc-xin COVID-19 cảnh báo rằng vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi vắc-xin có thể được phê duyệt.

    Trong khi một số loại vắc-xin trên toàn cầu đang trong giai đoạn thử nghiệm thứ 3, vắc-xin COVID-19 của Nga vẫn chưa hoàn thành giai đoạn thứ 2. Các nhà phát triển có kế hoạch hoàn thành giai đoạn đó trước ngày 3/8 và sau đó tiến hành giai đoạn thử nghiệm thứ 3 song song với tiêm phòng cho nhân viên y tế.
    Các nhà khoa học Nga cho biết vắc-xin COVID-19 này đã được phát triển nhanh chóng vì đây là phiên bản sửa đổi của một loại vắc-xin được tạo ra để chống lại các bệnh khác. Đó là cách tiếp cận đang được thực hiện ở nhiều quốc gia khác và các công ty khác trong quá trình điều chế vắc-xin COVID-19.

    [​IMG]
    Đáng chú ý, công ty công nghệ sinh học Moderna – nhà sản xuất vắc-xin đang được chính phủ Mỹ hỗ trợ đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3 hôm thứ hai (27/7), cũng chế tạo vắc-xin COVID-19 dựa trên nền một loại vắc-xin từng được phát triển để phòng ngừa virus MERS-coV gây hội chứng hô hấp Trung Đông.

    Trong khi việc này giúp thúc đẩy quá trình phát triển vắc-xin COVID-19 nhưng các cơ quan quản lý của Mỹ và châu Âu đang yêu cầu đơn vị sản xuất bổ sung đầy đủ các thử nghiệm về tính an toàn và hiệu quả của vắc-xin.

    Bộ Quốc phòng Nga cho biết các binh sĩ Nga từng là tình nguyện viên trong các thử nghiệm vắc-xin trên người. Theo CNN, Alexander Ginsburg - giám đốc dự án phát triển vắc-xin COVID-19 của Nga, cho biết ông đã tự tiêm vắc-xin cho mình.

    Các quan chức Nga cho biết loại vắc-xin này đang được đẩy nhanh tiến trình phê duyệt vì đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên ở Nga và trên toàn cầu. Đất nước này hiện có hơn 800.000 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận.

    "Các nhà khoa học của chúng tôi đã tập trung nghiên cứu không phải vì muốn có vắc-xin đầu tiên mà là vì bảo vệ mọi người", ông Dmitriev nói.

    Vắc-xin sử dụng các vector adenovirus ở người đã được làm yếu đi để chúng không tái tạo trong cơ thể. Không giống như hầu hết các loại vắc-xin trong quá trình phát triển phải dựa vào hai vector virus chứ không phải một và bệnh nhân sẽ được tiêm 2 mũi.

    Các quan chức cho biết dữ liệu khoa học của họ hiện đang được biên soạn và sẽ được cung cấp để đánh giá và công bố vào đầu tháng 8.

    [​IMG]
    Bộ Y tế Nga chưa xác nhận ngày phê duyệt vắc-xin COVID-19 vào tháng 8. Cơ quan này cho biết nhân viên y tế tuyến đầu sẽ là những người đầu tiên được tiêm sau khi vắc-xin được phê duyệt đưa vào sử dụng cho cộng đồng.

    Các thử nghiệm vắc-xin COVID-19 quy mô lớn ở Anh, Mỹ và các nơi khác trên thế giới đang được tiến hành nhanh chóng nhưng không có cam kết về thời điểm sản phẩm của họ sẽ được phê duyệt.

    Kết quả ban đầu từ các thử nghiệm vắc-xin COVID-19 do Đại học Oxford và AstraZeneca phát triển là đầy hứa hẹn nhưng Mike Ryan, giám đốc điều hành Chương trình khẩn cấp y tế của Tổ chức Y tế Thế giới, đã phát biểu hồi đầu tháng về việc phát triển vắc-xin COVID-19 rằng "còn một chặng đường dài".

    Đầu tháng này, Điện Kremlin đã bác bỏ cáo buộc các điệp viên Nga đã đột nhập vào phòng thí nghiệm nghiên cứu của Mỹ, Canada và Anh để đánh cắp các bí mật phát triển vắc-xin COVID-19.

    Nguồn: CNN https://m.soha.vn/doc-quyen-tren-cn...19-chi-trong-2-tuan-nua-20200729221849158.htm
  5. Mhoang79

    Mhoang79 Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    16/01/2018
    Đã được thích:
    19.463
    Hé lộ mức giá vắc xin ngừa Covid-19 dự kiến của công ty Mỹ
    6 giờ trước

    Dân trí
    Công ty Moderna dự kiến loại vắc xin mà họ đang nghiên cứu, thử nghiệm khi đưa ra thị trường sẽ có giá từ 50-60 USD/liều.
    [​IMG]
    Ảnh minh họa: Science

    Giám đốc điều hành công ty công nghệ sinh học Moderna của Mỹ, ông Stephane Bancel, đầu tuần này cho biết họ đang trong giai đoạn thứ ba thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 trên người. Vắc xin này có tên gọi mRNA-1273.

    Hãng tin Financial Times ngày 28/7 dẫn nguồn thạo tin cho hay Moderna dự kiến định giá 50-60 USD/liều vắc xin này tại Mỹ và “các nước có thu nhập cao khác”. Mức giá này cao hơn so với mức giá 39 USD/liều do tập đoàn dược phẩm Mỹ Pfizer và đối tác BioNTech (Đức) đưa ra.
    Trong khi đó, Reuters dẫn các nguồn thạo tin nói rằng, giá cuối cùng cho vắc xin của Moderna vẫn chưa được quyết định vì công ty này được cho là vẫn tiếp tục thảo luận với các chính phủ về việc cung cấp vắc xin the mRNA-1273. Người phát ngôn của Moderna hiện từ chối bình luận.

    Moderna cùng với Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm vắc xin mRNA-1273 trên người giai đoạn 3. Dự kiến trong giai đoạn này vắc xin sẽ được thử nghiệm với khoảng 30.000 người và diễn ra ở khoảng 100 trung tâm nghiên cứu. Moderna nói rằng họ đã phối hợp với các chính quyền địa phương để đảm bảo tính đa dạng của bộ phận dân cư tham gia thử nghiệm. Công ty này cho biết thêm, họ đã nhận được khoản ngân sách 472 triệu USD từ chính phủ để hỗ trợ nghiên cứu liên quan đến vắc xin mRNA-1273.

    Các công ty dược phẩm, viện công nghệ sinh học khắp thế giới đang chạy đua với thời gian để phát triển vắc xin ngừa Covid-19 trong bối cảnh dịch đang bùng phát mạnh trở lại. Đến nay thế giới đã ghi nhận khoảng 16,5 triệu ca mắc, trong đó hơn 650.000 người tử vong.


    Minh Phương

    Theo Sputnik
  6. Mhoang79

    Mhoang79 Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    16/01/2018
    Đã được thích:
    19.463
    WHO: Các ca nhiễm Covid-19 mới ở Việt Nam không quá đáng ngại
    Lê Anh - 17:46 29/07/2020
    (VNF) - Tiến sĩ Kidon Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cho biết mặc dù có các đột biến xuất hiện trong virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 cho các bệnh nhân ở Đà Nẵng nhưng khả năng lây lan và độc lực của loại virus này không thay đổi.
    [​IMG]
    Tiến sĩ Kidon Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam.
    "Virus gây bệnh Covid-19 được tìm thấy ở Đà Nẵng cũng tương tự như virus lây lan ở các quốc gia khác vào tháng 7. Mặc dù có các đột biến xuất hiện trong loại virus này, song không có lý do nào làm tăng sự lo ngại”, ông Kidon Park khẳng định trong tuyên bố đưa ra hôm nay (29/7).

    Cũng theo ông Park, dựa trên những dữ liệu hiện có, khả năng lây lan và độc lực của Covid-19 không thay đổi.

    Trước đó, trong cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 ngày 27/7, ông Kidong Park đánh giá việc xuất hiện lại các ca bệnh Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng ở Việt Nam là điều bình thường. Nhiều nước đã ghi nhận số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng mạnh sau khi dỡ bỏ giãn cách xã hội.

    “Hệ thống giám sát y tế của Việt Nam đã hoạt động hiệu quả nên đã phát hiện sớm, kịp thời. Sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, hệ thống phòng chống dịch bệnh của Việt Nam đã phản ứng rất nhanh chóng, tổ chức cách ly, giám sát. Chúng tôi rất ấn tượng với những gì Chính phủ, Bộ Y tế và địa phương đã làm trong những ngày vừa rồi”, ông Park nói.

    Đại diện WHO, các tổ chức, chuyên gia quốc tế cũng đánh giá cao việc cung cấp thông tin công khai, minh bạch, kịp thời của Việt Nam. Điều này đảm bảo việc củng cố niềm tin của người dân đối với công tác phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam.

    Tính đến 6h ngày 29/7, Việt Nam có tổng cộng 446 ca mắc Covid-19, trong đó 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

    Kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 ngày 29/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hiện tại, dịch đã khác trước, đã lây lan trong cộng đồng nhiều ngày, chưa tìm được F0. Đây là diễn biến phức tạp, khó lường.

    Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu ngành y tế, tài chính và các địa phương cần bảo đảm năng lực cho hệ thống y tế, “hỏi đâu có đó”, nhất là phương tiện, công cụ trong xét nghiệm cũng như cán bộ có liên quan. Phải đẩy mạnh truy vết và cách ly nhanh. Các đơn vị quân đội, đặt biệt là Quân khu 5 cần tổ chức công tác cách ly cho người dân tại Đà Nẵng một cách tốt nhất.

    Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng tăng cường thêm phương tiện, cán bộ có liên quan không chỉ cho Đà Nẵng mà các địa phương khác khi có yêu cầu. Đồng ý phương án tăng cường các vị trí điều trị ở các bệnh viện Trung ương, bệnh viện quân đội, các cơ sở điều trị ở Huế, Quảng Nam để xử lý tình hình có các bệnh nhân mắc bệnh nền rất nặng.

    Với những nơi có dịch bệnh, Thủ tướng yêu cầu không được tổ chức lễ hội lớn, kể cả tụ tập đông người, tổ chức đám cưới đông người… để hạn chế lây nhiễm.

    Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng quản lý tốt biên giới, khởi tố điều tra các vi phạm về quản lý biên giới; đặc biệt, tăng cường quản lý tốt các trung tâm cách ly. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các địa phương cần có phương án bảo đảm kỳ thi an toàn. Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Giao thông vận tải tính toán khả năng tiếp nhận người Việt từ nước ngoài về.

    Vì tốc độ lây nhiễm cao, Thủ tướng chỉ đạo không chỉ Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế, Hà Nội, TP. HCM, mà các địa phương khác, đặc biệt địa phương có du lịch biển phải chủ động phòng dịch, không lơ là, mất cảnh giác.
  7. Mhoang79

    Mhoang79 Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    16/01/2018
    Đã được thích:
    19.463
    Trung Quốc lần đầu trong cả thập kỉ nhập khẩu thép vượt xuất khẩu: Cơ hội vàng cho Việt Nam?
    Thúy - Theo Tổ quốc, 30/07/2020 06:05
    [​IMG]
    Nhập khẩu thép của Trung Quốc tăng mạnh hơn xuất khẩu lần đầu tiên từ năm 2009. Các đối tác trong khu vực được lợi tăng doanh thu xuất khẩu. Nhập khẩu thép của Trung Quốc tăng mạnh
    Trung Quốc lần đầu tiên trở thành nhà nhập khẩu thép ròng (nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu) vào tháng Sáu kể từ sau khủng hoảng năm 2008, với nguồn nhập khẩu từ Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.

    Theo Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), đây là dấu hiệu của nền
    kinh tế đang hồi phục từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

    Thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, Trung Quốc - nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, đã nhập khẩu 4.4 triệu tấn thép thành phẩm và bán thành phẩm vào tháng trước, trong khi lượng thép xuất khẩu là 3.7 triệu tấn. Sức sản xuất của Trung Quốc đã chạm ngưỡng kỉ lục là 91.58 triệu tấn thép thô trong tháng.

    Cơ hội vàng cho các đối tác xuất khẩu châu Á?

    SCMP cho biết, theo số liệu của hãng tư vấn thị trường S&P Global Platts, nhu cầu sử dụng thép đáng ngạc nhiên của Trung Quốc dự kiến sẽ kéo dài trong suốt tháng 7.

    S&P Global Platts đánh giá việc nhập khẩu thép của Trung Quốc sẽ chỉ giới hạn ở các đối tác châu Á và có thể chưa tiếp cận đến các nguồn xa hơn như Mỹ, cho dù hai nước đang có với nhau thỏa thuận thương mại giai đoạn 1.

    Trong tương lai gần, điều này giúp các đối tác xuất khẩu trong khu vực tiếp tục tăng doanh thu.

    Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới ngành tôn thép của Việt Nam. Dù vậy, theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, xuất khẩu thép các loại của Việt Nam vào tháng Sáu tuy giảm 21.9% so với cùng kì năm 2019 nhưng tăng 14.5% so với tháng Năm. Trong đó, phần trăm xuất khẩu sang Trung Quốc tăng nhẹ so với ba tháng trước đó.

    Nguyên nhân nhập khẩu tại Trung Quốc tăng

    Nhu cầu thép tại Trung Quốc tăng cao được đánh giá là do số lượng các dự án, cơ sở hạ tầng phục vụ thị trường bất động sản hiện tăng mạnh. Các nhà quản lý thị trường lại cho rằng lý do cũng nằm ở việc nhà sản xuất Trung Quốc đang tích trữ thép do dự đoán tình trạng thiếu hụt mặt hàng này trong tương lai.
    Các nhà phân tích của S&P Global Platts cho biết, "Nhập khẩu thép tăng mạnh hoàn toàn nằm trong tính toán của thị trường Trung Quốc do sự thúc đẩy phát triển của cơ sở hạ tầng và lĩnh vực xây dựng bất động sản."

    Các nhà phân tích thị trường kim loại của Mysteel chia sẻ với SCMP, xuất khẩu thép trong tháng Sáu giảm do nhu cầu của nước đối tác giảm mạnh từ ảnh hưởng của Covid-19. Lấy ví dụ, hơn 70% các nhà sản xuất ô tô ở châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc - các đối tác lâu dài của Bắc Kinh đã ngừng mua hoặc cắt giảm sản xuất dẫn tới cắt giảm nhập khẩu.

    Tại Trung Quốc, nhu cầu về thép không chỉ đến từ các lĩnh vực cơ sở hạ tầng mà con từ ngành công nghiệp đóng tàu, sản xuất xe hơi và thiết bị gia dụng, tất cả các ngành đều đang chứng kiến sự tăng trưởng trở lại, S&P Global Platts chỉ ra.

    Lần gần nhất nhu cầu sử dụng thép của Trung Quốc tăng giống như số liệu lần này là trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-09, khi đó Bắc Kinh trở thành nhà nhập khẩu ròng để hỗ trợ chương trình kích thích cơ sở hạ tầng trị giá 586 tỷ USD của chính nước này, bao gồm việc xây dựng đường cao tốc, cầu, tàu cao tốc và nhà máy.

    [​IMG]
    Ảnh: China Daily

    Triển vọng nhập khẩu của Trung Quốc kéo dài đến bao giờ?

    Sau khi phê duyệt mở cửa bốn cảng mới dọc bờ biển cho các tàu vận chuyển quặng sắt kích thước cực lớn để tạo điều kiện cho các chuyến tàu từ Brazil và châu Phi, Trung Quốc cũng đang gấp rút chuẩn bị cho việc sản xuất thép phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

    Ngành thép Trung Quốc không cho rằng tình trạng này nhập khẩu ròng này sẽ kéo dài.

    "Nhập khẩu thép tháng Tám có thể sẽ giảm xuống còn 2.8 triệu tấn trong bối cảnh người mua thép thận trọng hơn trước nguy cơ bùng dịch Covid-19 trở lại tại Trung Quốc và tình trạng mưa lớn dẫn đến lũ lụt lịch sử tại nước này," S&P Global Platts cho biết.
  8. Mhoang79

    Mhoang79 Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    16/01/2018
    Đã được thích:
    19.463
    THỨ 5, 30/07/2020, 15:16
    World Bank dự báo Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng cao thứ 5 trên thế giới: Nếu được quản lý tốt thì khủng hoảng lần này có thể giúp Việt Nam tiến nhanh tới ước vọng thịnh vượng
    THỨ 5, 30/07/2020, 15:16

    Theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt 2,8% vào năm 2020 và phục hồi mức 6,7% vào năm 2021. Kết quả dự báo cho thấy Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng cao thứ 5 trên thế giới trong năm 2020.
    [​IMG]
    Chiều nay (30/7), Ngân hàng Thế giới đã công bố Báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam T7/2020: “Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của Covid-19”.

    Công bố báo cáo, bà Stefanie Stallmeister - Quyền giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam có bài phát biểu như sau:

    "Chúng ta đang sống trong thời đại bất ổn. Sau khi cướp đi sinh mạng của hơn 650.000 người và hơn 16 triệu người bị lây nhiễm, Covid-19 đã trở thành cú sốc y tế lớn nhất trong nhiều thập kỷ vừa qua và thậm chí là cả thế kỷ qua.

    Chính phủ các quốc gia trên thế giới đã buộc phải đưa ra những lựa chọn khó khăn giữa việc cứu sống nhân mạng hay hạn chế hoạt động kinh tế. Trong lúc hầu hết các quốc gia còn do dự, chưa biết nên quyết theo hướng nào thì Việt Nam đã có những phản ứng nhanh và mạnh dạn.
    Các biện pháp ứng phó sớm, theo dõi và xét nghiệm có mục tiêu, công bố thông tin minh bạch, kết hợp với chiến dịch truyền thông sáng tạo đã cho thấy hiệu quả rất cao cho đến thời điểm này. Mặc dù có vị trí gần Trung Quốc, dân số tương đối lớn, Việt Nam cũng đã chiến thắng số mệnh với tỷ lệ lây nhiễm cộng đồng hạn chế và số ca tử vong bằng 0 kể từ khi cuộc khủng hoảng bắt đầu.


    Tuy nhiên, Việt Nam, cũng giống như bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới, sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đại dịch khi chúng ta chưa có vaccine. Sự bùng phát ở Đà Nẵng, Bắc Kinh hay Melbourne đã một lần nữa nhắc nhở về sự mong manh của chúng ta và rủi ro về khả năng tiếp diễn những đợt sóng Covid-19 mới. Cũng giống như nhiều quốc gia khác, rủi ro đối với Việt Nam không chỉ ở mặt trận y tế, mà ở cả mặt trận kinh tế.

    Covid-19 đến nay đã được coi là cú sốc kinh tế lớn nhất trong vòng 35 năm qua. Mặc dù vẫn đứng vững trong nửa đầu năm, nền kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng hơn 1%, tương đương với mức giảm xấp xỉ 5 điểm % so với quỹ đạo tăng trưởng trước đó. Đại dịch cũng gây ra khó khăn cho kinh tế người dân.

    Chính phủ ước tính có khoảng 30 triệu người lao động, tương đương một nửa lực lượng lao động đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch và trong số đó, khoảng 8 triệu người đã mất việc làm.

    Các chính sách giãn cách xã hội đã được nới lỏng từ cuối tháng 4. Điều này rõ ràng đã giúp sức cho nhiều hoạt động kinh tế trong nước, bao gồm cả các hoạt động kinh doanh cá thể. Tuy nhiên, các ngành nghề chủ đạo vẫn bất ổn tài chính như du lịch, vận tải hàng không, chế biến xuất khẩu.

    Báo cáo điểm lại của World Bank được công bố hôm nay lập luận rằng: Việt Nam không nên tư duy theo hướng trở lại trạng thái bình thường như cũ, mà nên xác định xem trạng thái bình thường mới sẽ ra sao khi đại dịch thay đổi cách thức sinh sống làm việc và giao tiếp của mọi người.


    Việt Nam sẽ phải vận động trong một thế giới bất định cả ở trong nước và quốc tế trong thời gian tới. Chúng tôi cho rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ phải tìm hướng thay thế cho những động lực tăng trưởng truyền thống của quốc gia, gồm cầu nước ngoài và cầu suy yếu trong nước.

    Từ đó, chính phủ sẽ phải chuyển đổi cách tiếp cận theo hướng thận trọng mở cửa biên giới, triển khai gói kích thích tài khóa quy mô lớn và hỗ trợ đúng đối tượng doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng nhất trong xã hội. Chúng ta cũng cần phải nhớ rằng, Covid-19 đã tác động đến hầu như tất cả mọi người nhưng không phải ai cũng chịu tác động như nhau.

    Chính vì vậy, tình trạng bất bình đẳng mới sẽ nảy sinh, đòi hỏi phải có sự quan tâm của chính phủ.

    Như đã lý giải trong báo cáo, Ngân hàng Thế giới tin tưởng Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế sôi động nhất thế giới. Theo dự báo mới nhất của chúng tôi, tăng trưởng GDP sẽ đạt 2,8% vào năm 2020 và phục hồi mức 6,7% vào năm 2021. Kết quả dự báo cho thấy Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng thứ 5 trên thế giới trong năm 2020.

    Nhờ thoát được quỹ đạo dịch bệnh sớm, chúng tôi tin tưởng rằng Việt Nam có cơ hội đặc biệt nhằm nâng tầm dấu ấn trong nền kinh tế toàn cầu cả về thương mại và đầu tư, đồng thời thúc đẩy nghị trình cải cách trong nước bao gồm chuyển đổi số và quản lý tài nguyên bền vững. Trong nguy luôn có cơ, tôi hy vọng các bạn đồng ý với tôi, cuộc khủng hoảng lần này khác với lần trước và nếu được quản lý tốt thì khủng hoảng lần này có thể giúp Việt Nam tiến nhanh tới ước vọng thịnh vượng và trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045."

Chia sẻ trang này