Làm từ thiện 100 tỷ - DPM hoành tráng nhé

Chủ đề trong 'Thị trường chứng khoán' bởi Voldo, 24/11/2008.

7662 người đang online, trong đó có 1136 thành viên. 13:57 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
Chủ đề này đã có 328 lượt đọc và 0 bài trả lời
  1. Voldo

    Voldo Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    26/06/2002
    Đã được thích:
    0
    Làm từ thiện 100 tỷ - DPM hoành tráng nhé

    Bất đồng về khoản 100 tỷ đồng làm từ thiện của DPM

    Việc Tổng công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) lấy ý kiến về việc trích 100 tỷ đồng từ lợi nhuận sau thuế vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2008 đóng góp vào chương trình hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức đã vấp phải những nhiều ý kiến phản đối từ cổ đông, cũng như các chuyên gia.

    Theo lý giải của DPM, năm 2008 DPM đã thông qua chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2008 là 1.190 tỷ đồng. Trong năm 2008, tình hình kinh doanh của DPM có thuận lợi, đạt lợi nhuận cao do DPM được duy trì chính sách ưu đãi về giá khí nguyên liệu đầu vào của Nhà nước (khí mua từ PetroVietnam), ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp mà Chính phủ đã phê duyệt từ dự án nhà máy Đạm Phú Mỹ của PetroVietnam trước đây. Qua 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Tổng công ty đạt 1.103 tỷ đồng.

    Để quảng bá hình ảnh, cũng như thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp trước xã hội và cộng đồng, cổ đông nhà nước là PetroVietnam đã có văn bản đề nghị DPM tham gia đóng góp vào chương trình hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn (do PetroVietnam phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chính quyền các địa phương thực hiện) với số tiền 100 tỷ đồng. Nguồn chi từ trích một phần lợi nhuận sau thuế vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2008 của DPM. Để thông qua quyết định này, DPM đã tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản.

    Việc trích 100 tỷ đồng ngay lập tức đã gây lên nhiều ý kiến xôn xao của nhà đầu tư và các chuyên gia. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, việc trích khoản tiền cho PetroVietnam làm từ thiện cần phải có sự bàn bạc kỹ lưỡng. Việc lấy ý kiến bằng văn bản trong trường hợp PetroVietnam chiếm 65% vốn điều lệ của DPM chỉ mang tính hình thức, không dân chủ và không lắng nghe được tâm tư nguyện vọng của các cổ đông. Hơn nữa HĐQT của DPM chưa trình đại hội cổ đông về quy chế tài chính tài trợ cho hoạt động từ thiện để làm căn cứ chi tiêu và giám sát.

    Về đề xuất chi của DPM (như DPM được duy trì chính sách ưu đãi về giá khí nguyên liệu đầu vào của nhà nước trong 3 năm sau cổ phần hóa; DPM được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp một số năm sau khi hoàn thành xây dựng nhà máy Đạn Phú Mỹ), VAFI cho rằng, đây không thể coi là những lý do hợp lý đối với toàn bộ cổ đông của DPM (trừ cổ đông PetroVietnam ). Bởi, khi DPM thực hiện cổ phần hoá, toàn bộ các nhà đầu tư muốn mua đuợc cổ phiếu DPM thì phải tham gia đấu giá.

    Những chính sách ưu đãi như trên đã được công bố công khai trong bản cáo bạch và nằm trong phương án đấu giá của nhà đầu tư, điều đó có nghĩa là nếu không có chính sách ưu đãi thì lợi nhuận của DPM thấp, tức là giá đấu thấp. Còn nếu có chính sách ưu đãi thì lợi nhuận cao, tức là giá bán (do Nhà nước định giá) và giá đấu thành công phải cao. Như vậy các cổ đông DPM hoàn toàn không được hưởng ưu đãi gì từ nhà nước.

    Khi DPM thực hiện IPO, các nhà đầu tư mua đấu giá với khoảng giá phổ biến từ 51.000 đồng/cổ phiếu đến 60.000 đồng/cổ phiếu (giá đấu bình quân là 55.000 đồng/cổ phiếu). Và sau sau cổ phần hóa nhiều nhà đầu tư mua theo giá thị trường ở mức phổ biến từ 70.000 - 90.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng tại thời điểm này, giá cổ phiếu DPM dao động ở mức 40.000 đồng/cổ phiếu. Như vậy, theo VAFI, nhà đầu tư dài hạn đã thua lỗ từ 35% đến 70% của giá vốn đầu tư dù DPM làm ăn có lãi.

    Giá cổ phiếu sụt giảm và trong quí IV, giá phân bón thế giới và trong nước rơi tự do và khoản lỗ từ nhập khẩu phân bón sẽ tăng lên ảnh hưởng tới thu nhập năm 2008 rõ ràng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu của DPM.

    Cũng theo ông Hải, người được lợi từ chính sách ưu đãi là PetroVietnam. PetroVietnam là cổ đông lớn của DPM, nhưng họ không phải tham gia đấu giá như các nhà đầu tư, tức là giá vốn đầu tư của PetroVietnam chỉ dưới 20% giá vốn mà các nhà đầu tư mua theo giá thị trường; PetroVietnam còn được hưởng lợi lớn từ việc cổ phần hoá DPM (bán 35% vốn của DPM), mang lại một khoản chênh lệch lớn so với giá vốn đầu tư ban đầu của nhà máy Đạm Phú Mỹ.

    Ông Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Các nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) cũng đồng tình và cho rằng, nếu xét đến việc PetroVietnam đang nắm đến 65% vốn điều lệ của DPM thì việc lấy ý kiến sẽ không thực sự mang lại hiệu quả cũng như bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ.

    Ông Tiến cũng cho rằng, cách trích lợi nhuận của DPM là không hợp lý bởi những lý lẽ nêu trên và nó chỉ hợp lý khi doanh nghiệp đó là của cá nhân. Thực tế này cho thấy vẫn còn rất nhiều vấn đề về quản trị doanh nghiệp trong công ty cổ phần hiện nay, nhất là trong việc đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên, cổ đông lớn - cổ đông nhỏ.

    Để giải quyết những mối lợi ích này, trong trường hợp cụ thể của DPM cần thiết phải xây dựng quy chế tài chính cho hoạt động từ thiện. Bên cạnh đó, các quyết định quan trọng, ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông nhỏ cần có sự bàn bạc kỹ lưỡng thay vì chỉ lấy ý kiến bằng văn bản.

    Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trường hợp thông qua quyết định dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản, thì quyết định của Đại hội đồng cổ đông được thông qua nếu được số cổ đông đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết chấp thuận. Xét về mặt pháp lý, nếu DPM muốn trích 100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế để làm từ thiện cần phải căn cứ trên các quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ hoạt động của công ty.

    Theo một chuyên gia, việc trích tiền làm từ thiện của DPM một cách đột xuất như vậy rõ ràng chưa có lập luận thuyết phục để các cổ đông nghĩ rằng DPM đang làm là hợp lý. Bởi theo điều lệ của DPM, trong phần phân chia lợi nhuận không hề có đề cập đến việc dùng khoản lợi nhuận sau thuế để làm từ thiện cũng như quy chế tài chính tài trợ cho hoạt động từ thiện mà chủ yếu là những nội dung liên quan đến việc chia cổ tức ra sao.

    Một chuyên gia tài chính khác thì nhận định, hiện nay, số doanh nghiệp mà công ty ?omẹ? nắm giữ phần lớn cổ phần trong ?ocon? là khá lớn. Đặc biệt sắp tới nhiều doanh nghiệp lớn sẽ cổ phần hóa và cũng sẽ hoạt động theo mô hình mẹ-con, nếu như cách hành xử vẫn thực hiện theo hướng thiếu chú trọng đến hài hòa lợi ích, đảm bảo quyền lợi cho cổ đông nhỏ thì doanh nghiệp đó sẽ khó thu hút được nhà đầu tư tham gia đóng góp vào sự phát triển doanh nghiệp.(Nguồn: TTX, 22/11)

Chia sẻ trang này