Mắt xích tỷ giá

Chủ đề trong 'Thị trường chứng khoán' bởi haotls, 27/12/2010.

4656 người đang online, trong đó có 573 thành viên. 08:17 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
Chủ đề này đã có 205 lượt đọc và 0 bài trả lời
  1. haotls

    haotls Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    27/11/2010
    Đã được thích:
    0
    Đường bay thẳng Sài Gòn - Paris là một trong những đường bay được khai thác hiệu quả nhất của Vietnam Airlines. So với các hãng hàng không khác có các chuyến bay tiếp nối và hành khách phải quá cảnh ở một sân bay quốc tế nào đó, giá vé máy bay cả hạng thường và hạng nhất của Vietnam Airlines cao hơn, nhưng gần đây nó lại được nhiều người chọn lựa.
    Nguyên nhân là khi trả tiền, vé của Vietnam Airlines được tính theo tỷ giá chính thức 19.500 đồng/đô la Mỹ trong khi các hãng khác, có hãng áp dụng tỷ giá do công ty mẹ đưa ra. Tỷ giá đã khiến cho giá vé của Vietnam Airlines cạnh tranh hơn.

    Đó chỉ là một thí dụ nhỏ cho thấy tỷ giá - mắt xích quan trọng của nền kinh tế - đang tác động trực tiếp và gián tiếp đến cuộc sống của người dân, doanh nghiệp. Nó cũng chính là tiêu điểm cần phải được nhấn mạnh trước tiên trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2011.

    Sự trỗi dậy của thị trường tự do

    Thị trường tự do chỉ chiếm khoảng 10% tổng giá trị giao dịch ngoại tệ của nền kinh tế nhưng năm 2010 nó đã phát huy tối đa cái phần nhỏ bé đó và gây không ít khó khăn cho việc thực thi chính sách tiền tệ. Các “cơn sốt” nóng và lạnh của tỷ giá đều khởi nguồn từ đây.

    Cả xã hội nhìn vào sự chênh lệch tỷ giá chính thức và thị trường tự do để tìm lời giải giữ ngoại tệ hay tiền đồng hay vàng, để đưa ra giá bán lẻ sản phẩm và giá xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ.

    Năm 2010 đã ghi nhận mức chênh lệch tỷ giá trong - ngoài cao nhất có thời điểm tới 10% tương đương 2.000 đồng/đô la Mỹ và cơ chế hai tỷ giá tồn tại đã dần dọn đường cho cơ chế hai lãi suất xuất hiện.

    Nhìn vào tổng thể luồng ngoại tệ vào và ra, trên bảng cân đối tài chính quốc gia Việt Nam đang nhập siêu và giá trị nhập siêu được bù đắp bằng kiều hối, luồng vốn đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài, vay nợ nước ngoài... Luồng vốn vào hoàn toàn không thấp hơn luồng vốn ra nếu không muốn nói là cao hơn. Nhưng vì sao dự trữ ngoại hối lại giảm và tổng lượng ngoại tệ mua vào hàng tháng của các ngân hàng luôn thấp hơn tổng lượng bán ra? Câu trả lời chỉ có thể là dòng ngoại tệ vào nhiều, nhưng nó đã chảy ra khỏi sự kiểm soát của ngân hàng.

    Trong số 8 tỉ đô la kiều hối năm nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có nắm được chính xác bao nhiêu phần trăm được bán cho ngân hàng? Chắc chắn phần người nhận trong nước rút ra, mang giao dịch trên thị trường tự do hoặc gửi tiết kiệm ngoại tệ lớn hơn phần kiều hối mà các ngân hàng thương mại mua được. Cùng với sự gia tăng tích lũy, đầu tư vàng của người dân, việc nhập vàng lậu chưa được xử lý tận gốc, phạm vi ảnh hưởng của thị trường ngoại tệ tự do đang ngày một lớn hơn và điều đó là không thể phủ nhận được.

    Góc nhìn của nhà đầu tư nước ngoài

    Giới đầu tư nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn gián tiếp, nhìn thấy sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam, nhưng họ đã bị tỷ giá chặn đứng ngay tại cửa biên giới. Trong ba năm gần nhất, đô la Mỹ lên giá 25% so với tiền đồng, có nghĩa là tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ nước ngoài đã sụt giảm 25% chỉ riêng do tỷ giá. Giá thành đồng vốn của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tăng lên khi nước ngoài chuyển ngoại tệ vào Việt Nam và đổi ra tiền đồng với tỷ giá thấp hơn 25% so với hiện tại.

    Bây giờ chuyển lợi nhuận về nước, họ phải mua ngoại tệ với tỷ giá cao hơn. Chính vì thế dòng vốn gián tiếp chỉ vào Việt Nam khi nó nhìn thấy lợi nhuận thật cao, sau khi đã trừ đi sự trượt giá của tiền đồng. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của thị trường Việt Nam so với các thị trường lân cận.

    Lẽ ra việc điều hành tỷ giá phải tạo sức cạnh tranh cho nền kinh tế, nhưng năm vừa qua mục tiêu ấy rõ ràng đã không đạt được. Không những thế việc xác định không chính xác các thời điểm điều chỉnh tỷ giá, can thiệp không đúng thời điểm và đủ liều lượng, sự phối hợp không ăn ý giữa bơm - hút tiền đồng và rút ngắn khoảng cách chênh lệch tỷ giá trong - ngoài đã đẩy tỷ giá vào tình trạng bị đầu cơ lúc nặng lúc nhẹ, lúc kéo dài lúc ngắn ngủi, khi âm ỉ khi bùng phát.

    Thị trường, mà một trong những biểu hiện của nó là đầu cơ, “luôn tìm cách tấn công những mục tiêu bị nghi ngờ dễ lung lay nhất, ví dụ như tỷ giá cố định do NHNN đặt ra. Nhưng thị trường cũng dễ dàng bị phân tâm và lôi kéo sang mục tiêu khác nếu có những thay đổi chính sách khiến mục tiêu hiện tại bị đưa ra khỏi tầm ngắm” - ông David Kadarauch, Trưởng bộ phận nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Mê Kông, nhận xét.

    Để chống đầu cơ tỷ giá (một trong những biểu hiện là doanh nghiệp găm giữ ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi và số vốn huy động bằng ngoại tệ từ dân cư của ngân hàng gia tăng), trong khối nhà đầu tư nước ngoài đang có ý kiến đề nghị NHNN giảm giá tiền đồng về sát với mức tỷ giá thị trường tự do, đồng thời tuyên bố từ bây giờ sẽ neo tiền đồng vào một rổ ngoại tệ mạnh bao gồm cả đô la Mỹ, euro, yen và có thể cả nhân dân tệ. Họ cũng nhấn mạnh phải luôn cập nhật thông tin về dự trữ ngoại hối, về tăng trưởng cung tiền hàng tháng để minh bạch thông tin. Đôi khi mức dự trữ ngoại hối thấp không làm giảm niềm tin vào đồng nội tệ, mà việc giảm bắt nguồn từ thông tin mập mờ, tạo điều kiện cho tin đồn có đất sống và sự không rõ ràng, không chính xác của thông tin mới thực sự nguy hiểm.

    Tạo tính thị trường cho điều hành tỷ giá

    Đã đến lúc tỷ giá không thể cứ bám mãi vào cái neo cố định, rồi vài tháng lại điều chỉnh một lần bởi cách điều hành như thế chỉ góp phần nuôi dưỡng kỳ vọng tỷ giá còn tăng. Và nếu tỷ giá tăng theo hướng đô la Mỹ mãi lên giá so với tiền đồng, thử hỏi ai là người nắm giữ đồng nội tệ lâu dài để bảo toàn đồng vốn?

    Hành động trước mắt là biên độ dao động của tỷ giá phải được rút ngắn lại và tiến tới bằng không, tức bỏ biên độ. Thời mà tỷ giá được bảo hộ, thời mà biên độ dao động của tỷ giá rộng để các chủ thể có thể “tung tăng” đi lại trong đó đã qua rồi. Cùng với giảm biên độ, NHNN phải là người đứng ra công bố tỷ giá hàng ngày theo tính toán để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định giá trị đồng nội tệ. Tỷ giá hàng ngày được công bố ấy phải có lên có xuống theo tín hiệu thị trường, chứ không phải ngày nào cũng giống ngày nào. Sẽ có những ngày nó đứng yên và có những ngày nó dao động một vài phần trăm như các đồng tiền khác trên thế giới.

    Tới đây đụng chạm đến một vấn đề cốt lõi. Để có thể đưa ra một tỷ giá hàng ngày phù hợp với tín hiệu thị trường, NHNN cần một đội ngũ chuyên viên giỏi, giàu kinh nghiệm và tinh nhanh trong lĩnh vực ngoại hối. Họ phải là những con người dám quyết và dám chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Hiện nay NHNN đang thiếu những chuyên viên như thế, để rồi mỗi lần có những thay đổi trong điều hành tỷ giá, NHNN lại phải xin ý kiến Chính phủ. Điều hành tiền tệ là quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của NHNN căn cứ theo Luật NHNN, nó thể hiện tính độc lập của cơ quan quản lý ngành, vì sao lại cứ phải để Chính phủ chịu trách nhiệm và “cầm tay chỉ việc” về những quyết sách của NHNN?

Chia sẻ trang này