Nhưng tin như thế này thì mới minh bạch thông tin được! TSB bọn EVN

Chủ đề trong 'Thị trường chứng khoán' bởi TiChetDuoi, 25/11/2008.

5199 người đang online, trong đó có 533 thành viên. 19:19 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
Chủ đề này đã có 402 lượt đọc và 0 bài trả lời
  1. TiChetDuoi

    TiChetDuoi Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    01/04/2007
    Đã được thích:
    0
    Nhưng tin như thế này thì mới minh bạch thông tin được! TSB bọn EVN

    EVN bỏ sót hơn 600 tỷ đồng chênh lệch giá điện

    Lợi nhuận trước thuế cũng như chênh lệch tăng giá bán điện trong năm 2007 theo xác định của Kiểm toán Nhà nước cao hơn hàng trăm tỷ đồng so với con số báo cáo của chính Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
    > Bộ Tài chính bác đề án xin thưởng của EVN

    Báo cáo kiểm toán báo cáo tài chính năm 2007 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam được Kiểm toán Nhà nước công bố sáng 25/11, chậm vài ngày so với dự kiến song vẫn được đón đợi, đặc biệt trong bối cảnh EVN vừa kêu lỗ, vừa lên kế hoạch tăng giá bán điện và xin trích thưởng hơn 1.000 tỷ đồng.


    Nhân viên trong khối sản xuất, kinh doanh điện thuộc EVN chỉ hưởng lương bình quân 4,386 triệu đồng mỗi tháng. Ảnh: Hoàng Hà.

    Theo đánh giá của Kiểm toán Nhà nước, EVN đã có nhiều cố gắng trong việc huy động nguồn vốn vào hoạt động kinh doanh và cơ cấu tài chính của tập đoàn khá vững chắc. Tổng nguồn vốn của tập đoàn tính tới 31/12/2007 là 185.180 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu chiếm tỷ lệ 46,07%, cao hơn so với tỷ lệ 42,60% của năm 2006. Khả năng thanh toán nợ của tập đoàn tại thời điểm cuối năm ngoái cũng đảm bảo, với tỷ lệ tổng tài sản trên tổng nợ phải trả là 1,73 lần. Nợ phải trả chỉ cao hơn vốn chủ sở hữu 1,44 lần, cho thấy tập đoàn hoạt động chủ yếu bằng vốn tự có.

    Tuy nhiên, vật tư tồn kho tại một số đơn vị thuộc tập đoàn còn lớn, gây ứ đọng vốn trong khi phải huy động vốn vay làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Vốn chủ sở hữu lớn, song không đủ tài trợ cho số tài sản cố định lên đến 80.861 tỷ đồng. Một nửa các dự án đầu tư trọng yếu trong các năm 2006-2007 đều chậm tiến độ, ảnh hưởng đến mục tiêu phát điện các năm tới.

    Giá bán điện bình quân cao hơn gần 83 đồng so với giá thành sản xuất, song theo báo cáo kiểm toán, trong tài khóa 2007, EVN lỗ nặng vì kinh doanh điện. Trong 4.376 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, nếu loại trừ phần thu từ chênh lệch tăng giá điện, lợi nhuận còn lại chỉ vào khoảng 973 tỷ đồng, chủ yếu phát sinh từ cổ tức đầu tư vốn, tiền phạt hợp đồng và thu từ một số dự án vận hành thử mà chưa phải tính chi phí. Riêng hoạt động sản xuất kinh doanh điện, EVN lỗ hơn 506 tỷ đồng.

    Trong tổng số vốn đầu tư tài chính dài hạn hơn 49.700 tỷ đồng, lượng vốn đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản... lên đến 3.590 tỷ đồng. Tuy chỉ chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư, song theo Kiểm toán Nhà nước, EVN chưa huy động và tập trung hết các nguồn lực để thực hiện mục tiêu chính là cung cấp điện cho phát triển kinh tế.

    "Số tiền 3.590 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành đủ để EVN xây một nhà máy điện 50-60 MW", Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ đánh giá.

    Cơ cấu giá điện bộc lộ một số điểm bất hợp lý. Giá thành thủy điện thấp hơn nhiều so với nhiệt điện. Chi phí sản xuất điện của các công ty con và điện mua ngoài cao hơn nhiều so với công ty mẹ. Theo số liệu của Kiểm toán Nhà nước, chi phí sản xuất thủy điện tại công ty mẹ chỉ là 117,6 đồng mỗi kWh, trong khi của các công ty con trung bình là 157,9 đồng. Giá thành bình quân nhiệt điện chạy dầu của các công ty con lên đến 2.203,6 đồng, chạy than là 450,46 đồng và chạy khí 519, 13 đồng mỗi kWh. Riêng chi phí mua điện ngoài là 882,85 đồng.

    Tỷ lệ tổn thất điện năng năm 2007 của EVN lên đến 10,65%, vượt 0,06% so với kế hoạch tập đoàn đề ra. Sau lần tăng giá bán điện kể từ đầu năm 2007, EVN đề ra mục tiêu hạ tỷ lệ tổn thất xuống còn 8% vào năm 2010. Cứ với đà hiện nay, tập đoàn khó có thể đạt mục tiêu đề ra.

    Các số liệu về tài sản, nguồn vốn, chi phí, doanh thu do tập đoàn báo cáo vênh xa so với kết quả kiểm toán. Trong đó, tổng tài sản kiểm toán cao hơn 270,4 tỷ đồng so với báo cáo. Lợi nhuận trước thuế theo số liệu của kiểm toán lên đến 4.376,4 tỷ đồng, trong khi EVN chỉ báo cáo 4.216,5 tỷ đồng. Tổng chi phí theo báo cáo lên đến 56,41 tỷ đồng, nhưng kiểm toán xác định thấp hơn 28 tỷ đồng.

    Liên quan tới khoản chênh lệch tăng giá điện năm 2007, kiểm toán xác định con số chính xác phải là 3.402,94 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức 2.763 tỷ đồng mà EVN báo cáo hồi giữa năm.

    Phần chênh lệch giá bán điện được EVN tính toán như sau:

    (1) Sản lượng điện thương phẩm năm 2007: 58,434 tỷ kWh
    (2) Giá bán điện bình quân 2007: 842 đồng/kWh
    (3) Giá bán điện bình quân 2006: 794,71 đồng/kWh

    Chênh lệch doanh thu do tăng giá điện là: (1) x {(2) - (3)} = 2.763,343 tỷ đồng.

    Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ cho biết để tìm cho ra con số 3.402,94 tỷ đồng chênh lệch giá điện là cả quá trình công phu và đích thân ông phải biểu dương ê kíp phụ trách kiểm toán Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Theo ông Huệ, EVN đã dùng giá điện bình quân của năm 2007 trừ đi giá điện bình quân của năm 2006, rồi nhân với tổng sản lượng tiêu thụ để cho ra phần chênh lệch 2.763 tỷ đồng. Tuy nhiên, các kiểm toán viên phải tính toán tỉ mỉ giá bán cũng như sản lượng tiêu thụ của từng khu vực (sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt, nông thôn).

    "Cách tính của EVN san bằng tất cả các quyền số và cho ra kết quả chưa sát với thực tế. EVN đã phải chấp nhận số liệu theo kết quả kiểm toán. Các Bộ Công Thương và Tài chính cũng công nhận số liệu của kiểm toán là hợp lý", ông Huệ cho biết thêm.

    Đầu tháng 7, EVN đề xuất 3 phương án xử lý chênh lệch giá điện năm 2007, trong đó xin trích quỹ khen thưởng phúc lợi 1.002 tỷ đồng. Tuy nhiên, Bộ Công Thương không đồng tình với lý do việc xác định chênh lệch giá điện của EVN chưa phù hợp. Thậm chí bộ chủ quản của EVN còn nghi ngờ tính chính xác của con số 2.763 tỷ đồng.

    Trên cơ sở 2.763 tỷ đồng chênh lệch giá điện mà EVN báo cáo và tổng hợp ý kiến Bộ Công Thương, cuối tháng 10, Bộ Tài chính đề nghị Chính phủ yêu cầu EVN chuyển toàn bộ phần này vào vốn đầu tư thuộc nguồn ngân sách Nhà nước. Số lợi nhuận còn lại, EVN chỉ được dùng hơn 300 tỷ đồng phục vụ mục đích khen thưởng và phúc lợi trong tập đoàn.

    Tuy nhiên, theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ, tới đây sẽ phải xem lại việc xử lý chênh lệch giá điện trên cơ sở kết quả kiểm toán là 3.402,94 tỷ đồng.

    "Có hai bài học cần rút ra sau việc này. Từng tổ chức kinh tế xã hội khi đưa ra các số liệu của mình phải có trách nhiệm. Các bộ, ngành khi tiếp nhận thông tin cũng cần thẩm định kỹ càng", ông Huệ nói thêm.

Chia sẻ trang này