Sài Gòn dựng hàng loạt 'lô cốt' đào đường

Chủ đề trong 'Thị trường chứng khoán' bởi Fico_Vitaly, 08/05/2008.

3822 người đang online, trong đó có 247 thành viên. 06:25 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 0 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 0)
Chủ đề này đã có 610 lượt đọc và 0 bài trả lời
  1. Fico_Vitaly

    Fico_Vitaly Thành viên này đang bị tạm khóa Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    01/06/2006
    Đã được thích:
    0
    Sài Gòn dựng hàng loạt 'lô cốt' đào đường

    Sài Gòn dựng hàng loạt ''lô cốt'' đào đường
    43 tuyến đường đã bị rào chắn để đào xới trong 4 tháng đầu năm, dự kiến thêm 57 phố nữa sẽ bị cày lên phục vụ các dự án chống ngập từ nay đến cuối năm. Đường bị bóp nhỏ khiến giao thông thêm rối loạn.
    > TP HCM ''vỡ'' kế hoạch chống ùn tắc

    Đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, từ khi có đến hai "lô cốt" án ngữ gần hết lòng phố giáp với ngã tư Hàng Xanh, hầu như ngày nào cũng xảy ra kẹt xe. Tuyến đường này cùng với đường Điện Biên Phủ là 2 tuyến huyết mạch ra vào cửa ngõ phía đông TP HCM.

    Đường Đinh Tiên Hoàng cũng chung cảnh ngộ khi có tới 3 "lô cốt" trên một đoạn khoảng 500 m gần Lăng ông Bà Chiểu. Chỉ cần một xe buýt hay ôtô đi ngang là các phương tiện cùng đứng lại, vì phần đường còn lại chỉ đủ cho xe lớn, xe máy muốn thoát thân đương nhiên phải leo lên lề. Đây vốn là tuyến cao điểm ùn tắc giao thông hàng ngày, từ xưa đến nay.


    Đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh bị dựng tới 3 lô cốt. Ảnh: Hồng Phúc.

    Cửa ngõ ở phía Tây Bắc thành phố đi Củ Chi và Tây Ninh là đường Trường Chinh (nút giao với Tân Kỳ Tân Quý) cũng "giới nghiêm" gần toàn bộ phương tiện bằng các công trình rào chắn giữa lòng phố. Mỗi bên rào chỉ còn lại chừng hơn nửa mét khiến con đường tắc nghẽn vào mỗi buổi sáng.

    Đường Nguyễn Văn Trỗi, tuyến huyết mạch của thành phố ra sân bay Tân Sơn Nhất cũng không khá hơn mấy khi cứ giờ cao điểm là kẹt, ảnh hưởng luôn tới đường Hoàng Văn Thụ gần đó nối thẳng với khu vực vòng xoay Lăng Cha Cả cách khoảng 3 cây số. Ùn tắc cả tháng qua xảy ra hầu như vào mọi thời điểm trong ngày.

    Hiện gần như cứ mỗi tuần, Sở Giao thông công chính thành phố lại thông báo phân lại luồng giao thông, đào thêm 2-3 tuyến đường mới. Nhiều người Sài Gòn trở nên e ngại, cứ mỗi lần ra đường lại đụng phải kẹt xe, ùn tắc hay tranh nhau vượt qua các "nút thắt cổ chai" công trình này.

    Anh Trần Anh Tuấn, nhân viên văn phòng thường xuyên đi làm qua tuyến Xô Viết Nghệ Tĩnh, nói, bây giờ anh phải tập sống chung với đào đường. Mỗi sáng, thay vì đi từ Văn Thánh theo Xô Viết Nghệ Tĩnh vào trung tâm thành phố để đi làm, anh chọn hướng lưu thông theo Điện Biên Phủ hoặc Nguyễn Hữu Cảnh. Các tuyến này ít bị án ngữ bởi những rào chắn thi công nên đỡ kẹt xe hơn.

    Còn chị Vân, ngày nào cũng xuôi đường Trường Chinh vào quận 3 làm việc nên vướng kẹt xe liên miên, bức xúc: "Sao Sở giao thông không cho đào đường theo phương án cuốn chiếu mà dàn trải hàng ngang như thế này, khổ cho dân quá".

    Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông công chính TP HCM giải thích: "Không thể thi công các công trình theo kiểu cuốn chiếu vì mất quá nhiều thời gian từ lúc lập dự án, đấu thầu công khai cho đến khi triển khai". Ông Phượng cho rằng, thành phố cũng đang vướng cái khó là buộc phải đẩy nhanh tiến độ các công trình thoát nước vì nếu không sẽ phải lùi mục tiêu chống ngập nước lại rất xa (đến sau năm 2011). Do đó, việc đào đường cứ phải dàn hàng ngang mà "tiến".

    Theo ông Phượng, cái khó khác nữa là hiện thành phố cũng chưa có bản đồ công trình ngầm nên khi thi công dự án thoát nước hầu hết đều vướng công trình ngầm làm chậm tiến độ chung. Giá cả vật liệu xây dựng tăng, trượt giá... cũng khiến các nhà thầu "méo mặt" là một trong những nguyên nhân thi công ì ạch.

    Để khắc phục tình trạng kẹt xe cục bộ tại các "lô cốt", Sở Giao thông công chính đang phối hợp với các quận huyện, cảnh sát giao thông và thanh niên xung phong bố trí lực lượng giải tỏa ngay tại khu vực để không xảy ra ùn tắc.

    Tuy vậy, theo các chuyên gia ngành, Sở Giao thông phải có phương án đào đường thi công hiệu quả hơn thay vì triển khai cấp tập như hiện nay.

    Theo một chuyên gia ngành giao thông, mặc dù việc dựng lên các rào chắn là để thi công 4 dự án chống ngập (Vệ sinh môi trường, rạch Hàng Bàng, Cải thiện môi trường, Nâng cấp đô thị) nhưng hầu như cơ quan chức năng đang lờ đi việc quản lý tiến độ thực hiện khiến tình trạng ùn tắc ngày một tồi tệ hơn.

    Cụ thể trong đợt ra quân tháng 4 (từ ngày 11 đến 22), thanh tra Sở giao thông đã lập đến 27 biên bản xử phạt. Lỗi vi phạm chủ yếu là rào chắn chiếm dụng rộng quá diện tích cho phép từ 0,4 đến 2,7 m, dài hơn từ 16 đến 56 m, không thu dọn vệ sinh quanh rào chắn... Còn lỗi chậm hoàn tất so với tiến độ thì chưa thấy nhắc đến.

    "Như vậy, trách nhiệm của cơ quan quản lý ở đâu? Người đi đường thì mong từng chút một không gian trên đường để không phải chịu cảnh kẹt xe, trong khi các rào chắn vô tư vi phạm, còn cơ quan chức năng im hơi lặng tiếng", một chuyên gia khác nhận xét.

    http://www.vnexpress.net/GL/Xa-hoi/2008/05/3BA0200E/

Chia sẻ trang này