Tái lập xu thế tăng trưởng cao

Chủ đề trong 'Giao Lưu' bởi MyLove168, 02/09/2010.

7335 người đang online, trong đó có 1038 thành viên. 15:42 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
Chủ đề này đã có 253 lượt đọc và 0 bài trả lời
  1. MyLove168 Thành viên gắn bó với f319.com

    Lần đầu tiên kể từ sau quý I/2008, tăng trưởng GDP tính theo quý có thể vượt ngưỡng 7% trong quý III/2010.
    Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2010, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra dự báo, GDP quý III dự kiến tăng trưởng 7,18%. Con số này tuy thấp hơn mức tăng 7,43% của quý I/2008, thời điểm kinh tế Việt Nam chỉ vừa bắt đầu gặp khó, sau một năm 2007 tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tính theo quý trong suốt hơn hai năm qua.

    Cụ thể, quý II/2008, nền kinh tế chỉ tăng trưởng 5,83%, tiếp sau đó tăng lên 5,98% trong quý III và 5,89% trong quý IV. Năm 2009, tăng trưởng GDP tính theo quý lần lượt là 3,14%; 4,46%; 6,04% và 6,9%. Với các mức tăng trưởng này, GDP năm 2008 dừng lại ở con số 6,18%, còn năm 2009 là 5,32%. Trong khi đó, năm nay, GDP quý I tăng trưởng 5,83%; quý II là 6,4% và quý III, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo, ước khoảng 7,18%, góp phần đưa tăng trưởng kinh tế năm 2010 vượt mục tiêu đề ra (6,5%), đạt khoảng 6,7%.

    “Nền kinh tế đã phục hồi với tốc độ tăng GDP quý sau cao hơn nhiều so với quý trước”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhận xét và phân tích rằng, cơ sở để Bộ đưa ra các dự báo tích cực kể trên là căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm và đánh giá những tác động tới nền kinh tế trong 4 tháng cuối năm.

    Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục có đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là lĩnh vực có tốc độ phục hồi nhanh nhất, nhanh hơn so với nông nghiệp và dịch vụ.

    Theo dự báo, với giá trị sản xuất công nghiệp trong 8 tháng đầu năm tăng 13,7% so với cùng kỳ, thì nhiều khả năng, trong quý III/2010, giá trị tăng thêm của ngành này sẽ tăng từ mức 4,9% trong quý I lên tới 8,4% trong quý III. Còn nếu ước cả năm, con số này sẽ vào khoảng 6,9%.

    Trong khi đó, do ngành xây dựng đạt tốc độ tăng trưởng cao ngay từ đầu năm, nhờ thị trường bất động sản phục hồi và việc tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nên tốc độ tăng giá trị tăng thêm cả năm 2010 của ngành này ước đạt 10%.

    Tính chung cả năm 2010, khu vực công nghiệp và xây dựng sẽ có mức tăng GDP khoảng 7,6%, vượt mục tiêu đề ra (7%).

    Đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế là khu vực dịch vụ. 8 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đã tăng tới 26,1% so với cùng kỳ. Nhờ vậy, ước trong 9 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ ước tăng khoảng 7,25% so với cùng kỳ và cả năm ước tăng 7,5%. “Năm 2010, du lịch Việt Nam đã lấy lại đà tăng trưởng của các năm trước. 8 tháng đầu năm, doanh thu du lịch đã tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước”, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư viết.

    Bên cạnh đó, không thể không nhắc tới sản xuất nông, lâm, thủy sản. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, ước 9 tháng đầu năm, giá trị sản xuất của ngành này tăng khoảng 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Còn nếu tính cả năm, thì mức tăng này là 4,2% và nhờ vậy, khu vực này có giá trị tăng thêm khoảng 2,6%.

    Rõ ràng, nền kinh tế đã có sự hồi phục rõ nét ở cả 3 khu vực của nền kinh tế. Tuy 7,18% là mức tăng trưởng không hẳn đã cao và vẫn chưa thể quay trở về với “ngưỡng” trước thời điểm nền kinh tế bị tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, song dường như, xu hướng tăng trưởng cao đã bắt đầu tái lập. Và điều đó sẽ tạo nền tảng cho kinh tế tiếp tục tăng trưởng trong quý IV, cũng như trong năm 2011 và các năm tiếp theo.

    Mặc dù vậy, cũng phải thấy rằng, khó khăn vẫn còn tiềm ẩn. Bởi vậy, mặc dù có những dự báo khá lạc quan, song các chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng không khỏi băn khoăn khi tốc độ tăng giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chưa cao. Khu vực này cũng đang gặp khó khăn do thiếu điện, do công nghiệp phụ trợ phát triển chậm... và những khó khăn còn đến từ việc giá vốn còn cao, khó tiếp cận...

    Liên quan tới vấn đề này, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, thị trường tín dụng hiện vẫn tồn tại một số rào cản hành chính khiến cho mặt bằng lãi suất chưa thể giảm nhanh và mạnh như mong đợi. “Đây chính là nút thắt không chỉ đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng, mà còn là nút thắt cho tăng trưởng của cả nền kinh tế”, ông Nghĩa nói và cho rằng, cần sớm gỡ bỏ những hạn chế hành chính và bất hợp lý cả trên thị trường tái cấp vốn và thị trường tín dụng.

    “Với những diễn biến khả quan về lạm phát như hiện nay, Ngân hàng Nhà nước có thể nghiên cứu khả năng cung ứng tiền cho nền kinh tế, nhưng là thông qua việc mua trái phiếu chính phủ kỳ hạn ngắn để giảm áp lực lãi suất trên thị trường, hỗ trợ đầu tư phát triển để nền kinh tế hồi phục một cách bền vững”, ông Nghĩa đề xuất.
    (Theo Đầu tư)​

Chia sẻ trang này