Triển vọng chứng khoán Việt Nam 2025

Chủ đề trong 'Thị trường chứng khoán' bởi phong_lan, 31/12/2024 lúc 08:36.

6709 người đang online, trong đó có 972 thành viên. 12:12 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
Chủ đề này đã có 626 lượt đọc và 1 bài trả lời
  1. phong_lan

    phong_lan Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    09/08/2015
    Đã được thích:
    8.622
    I. KINH TẾ VIỆT NAM THÁNG 11 VÀ 11 THÁNG 2024.

    1. Sản xuất tiếp tục tăng trưởng


    Sau tháng 10 có phần chậm lại trong sản xuất, IIP đã tăng nhẹ lại vào tháng 11, tăng 8.4% YoY. Trong 11M2024, IIP cũng tăng 8.8% YoY, hướng đến con số tăng trưởng khả quan gần 9% cho cả năm 2024. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò đầu tàu trong mức tăng trưởng chung. Công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 11 tăng trưởng hai chữ số, 11.2% YoY.

    2. Tăng trưởng thương mại trong tháng chậm lại

    Trong tháng 11, xuất khẩu và nhập khẩu lần lượt tăng 8.4% YoY và 10.4% YoY, tương ứng với 33.7 tỷ USD và 32.7 tỷ USD. Giá trị xuất khẩu và nhập khẩu đã giảm lần lượt giảm 6.8% MoM và 4.7% MoM do nhu cầu quốc tế yếu.

    3. Lạm phát được kiểm soát tốt

    Lạm phát chung tăng 2.77% YoY và 0.13% MoM. Mức tăng nhẹ trong tháng 11 do giá điện và giá nhà & vật liệu xây dựng tăng. Giá nhà & vật liệu xây dựng tăng do giá thuê nhà tăng vì nhu cầu mua bán nhà đất và chung cư vào cuối năm tăng cao.
    Thị trường bất động sản đang dần ấm lên. Hướng đến cuối năm 2024, lạm phát sẽ được kiểm soát dưới 4%, đạt được mục tiêu của Chính Phủ đề ra.

    4. Đầu tư công tăng tốc

    Vốn đầu tư giải ngân từ ngân sách Nhà Nước tháng 11 ước đạt 75.9 nghìn tỷ VND, tăng 9.7% YoY. Trong 11 tháng 2024, vốn đầu tư giải ngân từ ngân sách Nhà Nước ước đạt 571.9 nghìn tỷ VND, bằng 73.5% kế hoạch năm và tăng 2.4% YoY. Tháng 12, Quốc Hội đã thông qua Luật Đầu Tư Công sửa đổi. Luật này được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy nhanh đầu tư công trong những năm tiếp theo.

    5. Tỷ giá tiếp tục ở mức cao

    Đồng đô là Mỹ tiếp tục mạnh hơn vào những tháng cuối năm 2024. DXY đạt đỉnh 108 trong tháng 12 năm 2024. Mặc dù chu kỳ tiền tệ nới lỏng có thể sẽ bắt đầu từ đợt cắt giảm lãi suất của Fed vào tháng 9, nhưng những lo ngại về chính sách thuế quan và thuế trong nước của Trump đã khiến các nhà đầu tư toàn cầu lo lắng. Các nhà đầu tư tin rằng các chính sách của Trump sẽ khiến đồng đô la Mỹ mạnh hơn so với các loại tiền tệ khác. Nhiều đồng tiền của các nước Châu Á đã mất giá mạnh so với đô la Mỹ như đồng Won của Hàn Quốc, Yên Nhật. Tính đến ngày 26 tháng 12 năm 2024, đồng Việt Nam đã mất giá 4.8% so với đô la Mỹ. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã phải can thiệp vào thị trường mở và thị trường ngoại tệ để ổn định tỷ giá.

    II. TRIỂN VỌNG KINH TẾ

    Tỷ giá được dự báo có nguy cơ tăng trong quý 1 và nửa đầu năm 2025


    Đồng USD vẫn mạnh khi lộ trình giảm lãi suất của Fed chậm hơn so với các ngân hàng trung ương lớn khác. Ngoài ra, các chính sách bảo hộ kinh tế của Tổng thống Trump bao gồm giảm thuế thu nhập và áp thuế nhập khẩu, có thể tạo áp lực lên tỷ giá. Từ quý 2/2025, xu hướng này có thể dịu lại khi FED bắt đầu giảm lãi suất, nhưng tốc độ hạ tỷ giá dự kiến không quá nhanh, đặc biệt nếu lạm phát tại Mỹ vẫn cao.
    Theo sau tỷ giá, lãi suất cũng có nguy cơ tiếp tục tăng trong quý 1/2025.Tuy nhiên khi tỷ giá dịu đi, khả năng rất cao lãi suất sẽ đi ngang đến hết năm. Nhìn chung, môi trường lãi suất trong năm 2025, theo kịch bản cơ sở sẽ là tăng nhẹ so với năm 2024.

    Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt mức hai con số với các nhiệm vụ cụ thể bao gồm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển hạ tầng đồng bộ, tập trung vào giao thông, năng lượng và chuyển đổi số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh giáo dục và đào tạo nghề.

    Để đạt được mục tiêu này, những chính sách về đầu tư công và cải thiện hạ tầng giao thông sẽ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Đồng thời các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như cải cách hành chính, giảm chi phí kinh doanh và khuyến khích đổi mới sáng tạo đều được triển khai mạnh mẽ. Như đã nói, năm nay là năm cuối cùng của kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025, do đó việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm nay là điều vô cùng cấp thiết.

    Nhờ vào vị trí chiến lược, lực lượng lao động trẻ, và môi trường kinh doanh, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm sáng trong khu vực để thu hút được lượng lớn FDI từ Nhật Bản, Hàn Quốc, và Hoa Kỳ khi các ông lớn tại các quốc gia này đang ngày càng gia tăng sự quan tâm đến các lĩnh vực như sản xuất linh kiện điện tử, chế tạo, và công nghệ cao.

    III. TRIỂN VỌNG THỊ TRƯỜNG

    Đánh Giá Thị Trường:

    Tuần qua là một tuần khá thành công đối với VNIndex. Sau khi các thông tin vĩ mô tiêu cực đã được phản ánh vào thị trường, chỉ số có một phiên bật tăng mạnh, lên đến hơn 20 điểm, chạm kháng cự tại 1,275. Tuy nhiên, áp lực chốt lời đã khiến VN Index tiếp tục duy trì tích lũy quanh vùng kháng cự này.

    Dòng tiền đã bắt đầu luân chuyển từ nhóm cổ phiếu penny và midcap sang các mã vốn hóa lớn, đặc biệt tập trung vào nhóm Ngân hàng. Điều này phù hợp với nhận định trước đó của em về việc các quỹ đầu tư thực hiện chốt NAV để làm đẹp báo cáo cuối năm. Với 70% danh mục của các quỹ đầu tư hiện nắm giữ cổ phiếu ngân hàng, việc kéo nhóm này lên là điều tất yếu để tối ưu hóa NAV. Các tổ chức cũng thể hiện sự quan tâm với thị trường vào thời điểm này khi tự doanh đã mua ròng 4 phiên liên tiếp.

    IV. CÂU CHUYỆN ĐẦU TƯ

    Năm 2025, thị trường chứng khoán sẽ gặp không ít thách thức, song cũng hứa hẹn mang đến nhiều cơ hội phát triển mạnh mẽ. Trước sự biến động của Thị trường chứng khoán giai đoạn cuối năm, Em đã lên kế hoạch để ứng phó những thách thức và nắm bắt cơ hội khi thị trường phục hồi. Đặc biệt, khi các vấn đề như dòng vốn, nợ xấu và trái phiếu được giải quyết triệt để.

    1.Thanh khoản và dòng vốn là rào cản lớn.


    Áp lực tỷ giá cùng với chênh lệch lãi suất giữa USD và VND đã tạo ra 1 năm bán ròng lớn nhất lịch sử của khối ngoại với giá trị lên đến gần 90,000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tiến trình thoái vốn tại các doanh nghiệp chưa hoàn thiện làm giảm sức hút đối với các NĐT. Ngoài ra, tâm lý NĐT dễ bị tác động bởi các thông tin tiêu cực, tạo rào cản cho VN Index tiến tới 1,300 điểm.

    Kỳ vọng vào câu chuyện nâng hạng thị trường giúp dòng vốn ngoại trở lại mạnh mẽ. Nếu những bất ổn như suy thoái kinh tế toàn cầu hay biến động lãi suất được kiểm soát, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn với tỷ suất lợi nhuận cao.

    2. Việt Nam đang đứng trước cơ hội nâng hạng thị trường vào 9/2025.


    Điểm đáng chú ý là việc loại bỏ nút thắt giao dịch ký quỹ trước cho NĐT nước ngoài. Nếu được nâng hạng, Việt Nam có thể huy động 1.7 tỷ USD vốn thụ động, 6-7 tỷ USD vốn chủ động. Đồng thời chứng kiến giai đoạn thăng hoa với chỉ số VN-Index có thể chạm mốc 1,400 điểm.

    Dòng vốn ngoại sẽ đổ vào các thị trường mới nổi, đặc biệt là Việt Nam. Đây là cột mốc vàng cho thị trường chứng khoán Việt Nam và là cơ hội không thể bỏ lỡ với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

    3. Các ngân hàng đối diện với khó khăn trong kiểm soát nợ xấu và duy trì tăng trưởng tín dụng.


    Mặc dù nợ nghi ngờ không tăng cao sau Thông tư 02, nhưng chất lượng tài sản nhiều ngân hàng đã suy giảm. Áp lực trích lập dự phòng trong năm 2025 sẽ tiếp tục cao do mức trích lập thấp trong giai đoạn 2023-2024.


    Việc Thông tư 02 hết hiệu lực sẽ chỉ gây áp lực nhẹ và sẽ không tạo ra sự xáo trộn hệ thống ngân hàng. Dấu hiệu cho thấy nợ xấu đạt đỉnh và dần cải thiện trong 2025. Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng dự báo sẽ giảm xuống còn 1.5% vào năm 2025, từ mức 1.6% trong năm 2024.

    4. Dự kiến cả năm 2024 lợi nhuận sẽ tăng 18%, vượt trội so với mức giảm 4% của năm 2023.


    Quý 4/2024 sẽ có sự phục hồi tốt, mở ra nhiều cơ hội đầu tư cho thị trường chứng khoán. Để đánh giá EPS của toàn thị trường thì các ngành có tỷ trọng lớn như ngân hàng và BĐS nên được ưu tiên.

    Đối với ngân hàng: LNST trong quý 4/2024 tăng 14.5% svck. Tuy nhiên, NIM có thể suy giảm nhưng hoạt động tăng trưởng tín dụng khả quan hơn. Bên cạnh đó, chi phí trích lập dự phòng cao hơn quý trước.

    Đối với BĐS: dự kiến KQKD quý 4/2024 có mức tăng trưởng vượt trội. Nhờ vào mức nền thấp cùng kỳ và khả năng bàn giao các dự án lớn. BĐS khu công nghiệp trên đà khởi sắc, KQKD trong quý 4/2024 có sự phân hóa nhưng nhìn chung vẫn tích cực.

    Đối với thép: KQKD quý 4/2024 dự kiến tăng trưởng 17% do được hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa, khi cuối năm là đợt cao điểm đẩy nhanh các dự án BĐS và đầu tư công.

    Đối với dầu khí: nhóm xây lắp dầu khí ghi nhận lợi nhuận tích cực hơn nhờ triển vọng khai thác gói thầu trong dự án Lô B - Ô Môn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khoan hưởng lợi khi giá thuê giàn khoan tự nâng duy trì ở mức cao.

    Đối với bán lẻ: điểm sáng trong quý 4/2024 là các ngành bán lẻ tiêu dùng và dược phẩm. Trong mùa cao điểm cuối năm, bán lẻ tiếp tục đẩy mạnh sản phẩm, giúp cho doanh thu bán lẻ ước tính tăng 16% svck.

    EPS 2024 có sự phân hóa giữa các nhóm ngành. Kỳ vọng KQKD quý 4/2024 của các doanh nghiệp toàn ngành tăng trưởng ổn định, từng bước tăng trưởng với sức khỏe tài chính cải thiện.

    5. Lãi suất huy động có xu hướng tăng nhẹ cuối năm 2024 để đáp ứng nhu cầu vốn vay và giữ chân khách hàng.


    Dự báo năm 2025, khả năng tăng lãi suất trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nới lỏng là không cao. Lãi suất cho vay duy trì ở mức thấp cuối năm, nhưng có sự phân hóa theo nhóm ngành. Lãi suất cho vay cho các ngành ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu có thể giảm nhẹ, trong khi các ngành có mức độ hồi phục nhanh hơn và rủi ro hơn như BĐS và xây dựng sẽ tăng.


    Nhìn chung triển vọng vĩ mô Việt Nam tích cực sẽ tạo ra dư địa lớn để NHNN điều chỉnh lãi suất có lợi tăng trưởng cho TTCK. Khả năng thị trường chứng khoán sẽ phục hồi và có thể có sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong dài hạn khi các chính sách nới lỏng tiền tệ cũng như hồi phục kinh tế dần trở nên rõ nét hơn.

    6. Định giá thị trường chứng khoán Việt Nam đang rất hấp dẫn.


    P/E thị trường hiện ở mức 13.38, và dự phóng là 12 lần, thấp hơn 1 độ lệch chuẩn so với trung bình 10 năm và thấp hơn 20% so với các nước khu vực. Mở ra cơ hội mua và nắm giữ trung dài hạn, thu hút dòng vốn ngoại và mục tiêu đẩy thị trường lên khoảng 1,400 điểm.

    Với định giá hợp lý thời điểm hiện tại cùng triển vọng tăng trưởng EPS được cải thiện trong quý 4/2024, thị trường chứng khoán hiện đang rất hấp dẫn cho các nhà đầu tư trung và dài hạn. Điều này đồng nghĩa trong năm tới, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục là kênh đầu tư sinh lời hiệu quả.

    Triển vọng lạc quan về sự tăng trưởng kinh tế tích cực trong 2025, nhờ vào việc nâng hạng giúp thu hút dòng vốn ngoại và môi trường lãi suất ổn định. Bên cạnh đó, thị trường vẫn đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến thị trường bất động sản. Mặc dù không thể khẳng định thị trường sẽ luôn tích cực, nhưng sẽ có những đợt điều chỉnh nhằm ổn định và giữ thị trường ở mức hợp lý.
    Last edited: 31/12/2024 lúc 08:41
    GAGASU thích bài này.
  2. phong_lan

    phong_lan Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    09/08/2015
    Đã được thích:
    8.622
    KL NN MuaKL NN Bán
    5,973,80517,356,793
    GT NN MuaGT NN Bán
    242.58 tỷ462.49 tỷ
    Nước ngoài cũng về quê đón Noel và Tết Tây hết rồi.

Chia sẻ trang này