Trump lên liệu chiến tranh có kết thúc?

Chủ đề trong 'Giao Lưu' bởi Lyxuanhai, 16/11/2024 lúc 11:33.

3723 người đang online, trong đó có 394 thành viên. 13:30 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 5 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 5)
Chủ đề này đã có 70 lượt đọc và 0 bài trả lời
  1. Lyxuanhai Thành viên mới

    Ngồi với mấy người bạn nhậu kết quả cá độ Trump-Harris.
    Không thể không bàn về Ucraina và chuyện ông Trump lặp đi lặp lại nhiều lần: ông sẽ chấm dứt xung đột ở Ucraina trong vòng 24h. Khả thi không? Bằng cách nào?
    Chưa ai hình dung ra ông làm điều ấy thế nào. Thử xây dựng kịch bản căn theo tố chất ông Trump.

    1.
    Bắt đầu từ tính cách, hệ giá trị, cách tư duy.
    a. Ông Trump là doanh nhân, một deal maker từ trong máu. Có cả máu show biz.
    Ông nhìn nước Mỹ như một Đại Doanh Nghiệp và coi mình như một CEO điều hành, ngắm thế giới như một thị trường. Hệ KPIs quan trọng nhất với CEO là tài chính - tức lợi ích và phải là loại lợi ích quy ra tiền: ông sẽ quy tuốt mọi thứ ra xèng. Chính trị đỉnh cao không hề thay máu trong ông.
    Ông có Elon Musk, cũng một doanh nhân, đóng vai trò cố vấn/trợ lý mọi vấn đề chứ không chỉ ở Department of Government Efficiency (Doge). Hiện Elon Musk luôn có mặt bên cạnh ông Trump tại nhiều cuộc đàm phán quan trọng. Một cặp bài trùng rất thú vị. Elon Musk, với tính cách dị không kém ông Trump: ưa thử thách mọi tiêu chuẩn, tầm nhìn vượt mọi giới hạn và thách thức mọi thế lực… sẽ là “động cơ” siêu mạnh trong bộ máy của ông Trump.
    Nhưng dự rằng EM sẽ không ngồi lâu trong bộ máy chính trị của ông Trump. Hai hổ khó chung một rừng.
    Không loại trừ EM tính học ông Trump vào Nhà Trắng.
    b. Ông Trump có lập dị, không nhất quán, khó dự đoán.
    Không. Tôi không thấy như vậy. Chỉ đơn giản ông có cách hiểu riêng về việc nước Mỹ cần phải thế nào.
    - Nước Mỹ, quyền lợi nước Mỹ, vị thế thống trị của nước Mỹ là tâm điểm với ông Trump. Mỹ là đất nước được xây dựng, phát triển và hùng mạnh dựa trên tinh thần khởi nghiệp và doanh chủ. Với doanh nhân lợi ích là động lực cho mọi hành động, là mệnh lệnh tuyệt đối. Với ông Trump cũng vậy. Ông sẵn sàng bỏ qua, nếu có thể, cả những kiểu điều tiết “quản lý” duy ý chí lẫn quyền lực của bộ máy quan liêu hành chính vô cảm lẫn các hoạt động không thực dụng, không mang lại lợi ích.
    - Sợi chỉ đỏ trong hành động của ông Trump, vì vậy, sẽ không phải là vấn đề của cuộc chiến ý thức hệ hay giá trị phổ quát hay di sản của ai đó. Ông đơn giản sẽ làm tất cả những việc để nước Mỹ mạnh hơn và tốt hơn để duy trì vị trí thống soái của Mỹ. Vị thế thống soái của Mỹ, theo ông Trump, tức nước Mỹ phải là quốc gia có điều kiện sống tốt nhất cho người dân Mỹ - người Mỹ thôi, vững vàng nhất về kinh tế và hùng mạnh nhất về quân sự. Ông chống kịch liệt những ai cản mũi kỳ đà hay đòi chia miếng bánh với Mỹ, sẵn sàng bỏ qua những hành động mang tính “bao đồng”.
    - Ông Trump nhìn thế giới như một thị trường: ở đâu có cơ hội “Make money” ông sẵn sàng nhào vào, sẵn sàng đàm phán, sẵn sàng “Make deal” với bất kỳ ai. Không quan trọng dân chủ hay độc tài, cộng sản phong kiến hay tư bản, mèo trắng hay mèo đen. Ở đâu không có cơ hội, cơ hội thấp… thì bỏ qua tính sau. Ông coi thường các chính trị gia không biết “make deal” làm nước Mỹ bị thiệt, coi các biện pháp pháp lý nhắm vào ông, triệt hạ ông là để nhằm che dấu những yếu kém ấy. Đừng quên ông vẫn bị các rủi ro pháp lý lơ lửng trên đầu và về lý thuyết có thể trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên nhận án tù khi đương chức.
    Chờ xem: nhậm chức cái là ông bãi bỏ hàng loạt các chính sách, thoả thuận của ông Biden cho mà xem!
    c. Vì vậy trọng tâm của ông sẽ là các vấn đề nội bộ nước Mỹ, và các vấn đề cá nhân mình. Vấn đề nội bộ của Mỹ, với ông Trump, là làm sao duy trì vị thế thống soái của nước Mỹ. Thống soái là để khai thác sâu hơn lợi ích nước Mỹ, bảo vệ tốt hơn lợi ích nước Mỹ ở những nơi Mỹ có và thúc đẩy mạnh hơn dòng chảy xã hội đi theo hướng Mỹ cần và có lợi… chứ không phải với tư cách là sen đầm kiểm soát mọi thứ. Mỹ không cần thiết phải can thiệp hay giải quyết mọi vấn đề của thế giới này. Mỹ chỉ nên xuất hiện ở những nơi nước Mỹ thấy cần, làm những gì Mỹ có lợi.
    d. Và cũng vì vậy trong đối ngoại, đối thủ No1 ông nhắm đến Trung Quốc: không nghi ngờ gì việc ông Trump coi Trung Quốc mới là nguy cơ lớn nhất với nước Mỹ. No2 Trung Đông và dầu lửa: là ủng hộ Israel và xử lý kẻ thù truyền kiếp Iran. No3 mới đến Nga. Nhưng với Nga không phải vì ý thức hệ, vì độc tài hay vì dân chủ, tự do hay adp bức (Ông đã từng hy vọng Nga là đồng minh tiềm năng chống Trung Quốc): ông chỉ chiến với Nga khi Nga động chạm đến quyền lợi nước Mỹ.
    Như vậy ông Trump sẵn sàng kệ xác các vấn đề quốc tế không liên quan đến Mỹ, xé bỏ các thoả thuận trước đó nếu không mang lại xèng cho Mỹ, nhất là khi còn làm ông và nước Mỹ của ông tốn xèng. Ông sẵn sàng bất chấp những mối quan hệ lịch sử bền chặt với EU, NATO, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… đòi chồng tiền cho bất kỳ “dịch vụ” nào, bao gồm “dịch vụ bảo đảm an ninh”; dẹp bỏ các thoả thuận đã ký như Iran deal; rút khỏi các tổ chức quốc tế, kể cả NATO, nếu thành gánh nặng tài chính.
    Kể cả phải đứng một mình, miễn là Mỹ có lợi ích: MAGA! America First!
    e. Ông Trump không phải là người bền bỉ, chịu tổ chức những trò chơi chính trị, đàm phán ngoại giao tháng này qua năm nọ. Ông là người luôn tìm kiếm những lời giải, giải pháp đơn giản cho mọi vấn đề dù phức tạp đến đâu. Đơn giản hoá mọi vấn đề.
    f. Cũng do e. vì chiến tranh luôn phức tạp, kéo dài nên ông Trump sẽ tìm cách tránh: Ông Trump không phải là người thích chiến tranh. Đe dọa, áp lực, ồn ào khoe cơ bắp thì sẵn sàng. Nhưng dung đột vũ trang và đổ máu quy mô lớn thì không. Do đó, các mâu thuẫn sẽ được ông Trump giải quyết bằng các công cụ kinh tế - chính trị dù rất tàn nhẫn, lạnh lùng và không giới hạn của Chiến tranh Lạnh, chứ không phải biện pháp quân sự của chiến tranh Nóng.
    Đó cũng là tố chất của nhà doanh nghiệp chân chính: dùng các biện pháp Thị trường minh bạch, công cụ Luật hợp pháp, tiểu xảo ở mức Lệ cho phép để cạnh tranh ép đối thủ có thể đến dẹp tiệm. Dùng cơ bắp, súng đạn hay còng tay triệt hạ đối thủ thì là mafiosi rồi, không phải nhà doanh nghiệp.

    Các tố chất trên sẽ định hướng hành động của ông Trump trong mọi vấn đề bao gồm xử lý chuyện Ucraina.

    2.
    “Chấm dứt chiến tranh ở Ucraina trong 24h” là một trong những câu cửa miệng của ông Trump nên dự rằng ông sẽ sớm nhảy vào giải quyết theo phong cách đơn giản hoá vấn đề đến cực đoan của ông.
    Ucraina ông coi là chuyện của châu Âu hơn là của Mỹ.
    Có cảm nhận ông Trump là người hầu như không bị quyền lợi ngoài nước Mỹ, nhất là tại Ucraina thì bằng 0, gây ảnh hưởng. Diễn biến ở Ucraina xảy ra như hiện nay một phần quan trọng từ chính sách của ông Biden.
    Với các tính cách nêu trên, nhìn vào danh sách nội các ông Trump đang hình thành, dự kịch bản hành động của TT Trump đối với Ucraina sẽ diễn ra kiểu này:
    a. Việc đàm phán trong thời gian ngắn sắp tới là khó tránh khỏi. Chiến sự leo thang, bùng phát mạnh trong vài tháng tới. Ucraina sẽ đẩy mạnh tấn công và phản công tìm lợi thế trên chiến trường để có sức mạnh đàm phán. Nga tiếp tục lầm lì như hiện nay. Ông Trump sẽ sớm chỉ định người làm ngoại giao con thoi để chuẩn bị món và dọn sẵn mâm bát cho vụ Ucraina. Không loại trừ ông sẽ bắt đầu làm chuyện này trước khi nhậm chức.
    b. Ông Trump sẽ soạn ra phương án hoà bình của mình. Đại khái có thể như kịch bản báo chí từng nói đến: đóng băng hiện trạng đường biên giới Nga-Ucraina. Thành lập vùng phi quân sự. Chắc chắn Mỹ không mang quân đến canh giữ mà châu Âu phải làm điều này. Không công nhận tính pháp lý của DPR, LPR có thể cả Crimea nhưng cũng không yêu cầu Nga trả lại. Ucraina không gia nhập NATO trong 20 năm. Mỹ vẫn bán vũ khí cho Ucraina. Đắp chăn nằm đấy chờ hồi sau tính tiếp.
    c. Sau đó ông gọi TT Putin, đưa phương án này ra và bảo: “Nga phải đồng ý với phương án này. Không thì Mỹ sẽ cấp/bán vũ khí không hạn chế mặc cho Ucraina tổng lực tẩn Nga vỡ mặt má nhận không ra!”.
    d. Tất nhiên ông Putin không chấp nhận.
    Ông Trump sẽ hỏi: Vậy phương án của chú mài là giề?
    Ông Putin đưa ra phương án mà ai cũng biết. Có thể cá nhân ông Trump thấy cũng tạm chấp nhận một số điểm. Nhưng khi ấy châu Âu và lực lượng diều hâu chống Nga trong nước chồm lên phản đối mạnh đến mức ông Trump phải nói: Không!
    e. Ông Trump mới gọi TT Zelenskiy bảo: “Hãy làm theo phương án của tôi (có sửa chút ít sau khi nói chuyện với TT Putin)! Nếu không tôi cắt tiệt viện trợ! Lúc ấy thì đừng trách anh tuyệt tình!”.
    Châu Âu, nhất là Anh, giới chính trị Mỹ thân Ucraina và TT Zelenskyi chắc chắn lại phản đối.
    f. Thế là ông Trump bí. Deal khéo hỏng như với Bắc Triều Tiên. Tạm thời ông sẽ vẫn cấp vũ khí và tài chính qui mô thấp hơn để Ucraina tiếp tục chiến. Câu giờ tính tiếp.
    Sau hơn 2 năm đánh nhau, rõ là vũ khí Mỹ trong tay người Ucraina đang choảng nhau với vũ khí Nga trong tay người Nga. Và có một làn ranh đỏ cả TT Biden và TT Putin hiện đều không muốn vượt: người Mỹ trực tiếp đánh nhau với người Nga và sử dụng vũ khí hạt nhân. Chính vì vậy quyết định cho phép Ucraina bắn tên lửa tầm xa vào Nga tưởng như đã đạt được giữa Ucraina-EU-Anh-Mỹ với sự vận động mạnh mẽ của Anh, phút chót đã bị ngưng khi Nga tuyên bố thay đổi Học thuyết hạt nhân. TT Biden giữ vững làn ranh này. Ông Trump thích tạo ra những Story - câu chuyện - màu sắc, gây hiệu ứng bất ngờ, bất chấp các trật tự ông không thấy lợi ích… có tiếp tục giữ làn ranh ấy không là câu hỏi lớn!
    Dự là ông không giữ cũng chả bỏ: Ông phớt lờ! Đó là việc của Nga và EU: It’s not my business!
    g. Chiến tranh kéo dài qua 3 năm. Thời gian trôi và rồi cũng như quy luật với các Tổng thống khác: Sau giai đoạn trăng mật cầm quyền uy tín ông Trump bắt đầu giảm sút. Phe Dân chủ bắt đầu phản kích. Người dân Mỹ chờ đợi những hành động hiệu quả hơn. Các chỉ trích ngày càng dữ.
    Ông Trump cảm thấy bị quê độ!
    Ông nổi điên và bắt đầu cấp vũ khí không hạn chế cho Ucraina. EU, NATO hỗ trợ Ucraina mạnh tay hơn để tẩn Nga. Ông cũng không phản đối hay lờ luôn chuyện Ucraina bắn tên lửa tầm xa vào Nga: “Kệ chúng mài!”.
    Tuy nhiên khả năng xoay ngược tình thế 180 độ là khó: vũ khí không thể thay thế hoàn toàn người lính. Buộc Nga đầu hàng quay về biên giới 1991 hay kể cả trước 2022 là ít khả thi. Nhưng chắc chắn nó sẽ tạo thêm các cơn ác mộng cho nước Nga và Ucraina, làm cho sự bế tắc ở mặt trận càng thêm bế tắc hơn, cuộc chiến tranh tiêu hao ngày càng tiêu hao hơn, leo thang càng leo thang hơn.
    Hy vọng rằng sự việc chỉ dừng ở đó chứ không đến mức đụng độ trực diện NATO-Nga và vũ khí hạt nhân sẽ không được kích hoạt… để có thể còn có bước tiếp theo.
    h. Thấy lằng nhằng phức tạp, tốn kém mà chả MAGA tẹo nào, ông Trump sẽ phẩy tay: “Ucraina là vấn đề của châu Âu, không phải việc của Mỹ!”. Nên ông Trump sẽ trả lại Ucraina cho châu Âu để Mỹ rảnh tay chiến với Trung Quốc, Iran cũng như quay về với các vấn đề nội bộ nước Mỹ. Ông quyết và làm cái rẹt.
    i. Châu Âu muốn giúp Ucraina? Ông OK luôn: Mỹ bán vũ khí không hạn chế cho châu Âu, để châu Âu cung cấp cho Ucraina. Cung cấp thế nào? Ra sao? Ông mặc châu Âu và Ucraina tự quyết. Ucraina tự chiến đấu, tự quyết định, tự xoay xở: đầu hàng hay cùng châu Âu chiến đấu đến nhiệm kỳ Tổng thống sau hay làm bất kỳ những gì lãnh đạo Ucraina muốn.
    Châu Âu phải đối mặt với quyết định và lựa chọn khó khăn: hoặc tự chiến đấu (tự rút túi trả hay nợ tiền mua vũ khí Mỹ) cùng với Ucraina hoặc thỏa thuận với TT Putin. Xu thế chung là chiến: NATO phải giữ thể diện. Mỗi cái EU bị chia rẽ và nguồn lực có hạn nên thường ép Mỹ “gánh team”.
    Nếu NATO ép quá có khi ông Trump lại đòi rút khỏi NATO như đã từng doạ.
    Chắc sẽ vừa đánh vừa đàm. Nhưng chả ai tin ai sau Minsk-3 nên mọi sự sẽ như với ông Biden bây giờ: thực tế diễn biến chiến trường sẽ quyết định mọi sự!
    Và cứ thế nhùng nhằng. Đến đâu còn lâu mới biết.

    3.
    Kết cục vụ Ucraina về đâu? Chỉ có 6 kết cục:
    a. Kết cục 1 (Plan Max Nga mong muốn): Ucraina thất bại sâu và đầu hàng. Nga - Mỹ - EU đạt được Thỏa thuận tổng thể về một kiến trúc an ninh mới ở châu Âu: có tính đến lợi ích của Nga, phân chia lại phạm vi - vùng ảnh hưởng và xem xét lại hoàn toàn kết quả của Chiến tranh Lạnh.
    b. Kết cục 2 (Plan Middle Nga đang nhắm đến dựa tương quan thực tế): Mỹ ngưng/giảm viện trợ, EU hụt hơi. Nga đạt lợi thế đáng kể trên chiến trường, Ucraina không đầu hàng nhưng thua trận trên thực tế. Ucraina chấp nhận mất LPR, DPR và Crimea nhưng vẫn duy trì mình là quốc gia độc lập. Nga - Mỹ - EU-Ucraina đạt được một Thỏa thuận về Ucraina theo kiểu kế hoạch 2.b. có bổ sung thêm yêu cầu của Nga là Ucraina giải trừ quân bị, không gia nhập NATO và trung lập về chính trị.
    c. Kết cục 3 (Jens Stoltenberg gợi ý. Nhóm ông Trump có vẻ nhắm đến. Nga coi là Plan Min. Ucraina cũng có vẻ coi là Plan Min): Tình hình chiến trường như hiện tại. Mỹ giảm viện trợ, EU vẫn tiếp tục. Lợi thế của Nga không đáng kể hay tăng lên chậm. Nga-Mỹ- EU-Ucraina không đạt được một Thỏa thuận nào về Ucraina. Kết thúc bằng việc đơn giản là Ucraina giảm các chính sách chống lại Nga, đóng băng việc gia nhập NATO nhưng vẫn tiếp tục được viện trợ tài chính, cung cấp vũ khí để gây dựng lực lượng chờ thời. Ucraina chấp nhận mất LPR, DPR và Crimea trên thực tế nhưng không công nhận về pháp lý.
    d. Kết cục 4 (Plan Middle của Ucraina và EU): kéo dài cuộc chiến đến đời TT Mỹ sau… rồi lúc ấy tính tiếp.
    e. Kết cục 5 (Plan Max Ucraina EU mong muốn): Nga đại bại sau khi ông Trump tăng cường viện trợ cho Ucraina theo mục 2.g., hay/và EU tăng viện trợ theo 2.i.. Ucraina lấy lại thế thượng phong trên bàn đàm phán và lấy lại được LPR, DPR và Crimea. Biên giới quay về 1991.
    f. Kết cục 6 (Chả ai muốn): Chiến tranh leo thang. NATO và Nga đụng độ. Chiến tranh hạt nhân. Bung. Toang. Dự báo đi về hướng khó lường.

    Kết cục 1 và 6 gần như là không thể: xác suất dưới 0,01%, nếu nhìn tương quan lực lượng lúc này. Kết cục 5 rất khó xảy ra: xác suất 1%. Kết cục 4 xác suất khoảng 10%-20%. Chỉ còn Kết cục 2 hay 3 hay lai cả hai là khả thi đến 80-90%: hai kịch bản này khá giống nhau về bản chất, khác nhau về mức độ… phụ thuộc diễn biến chiến trường.
    Mà kết cục nào thì cũng không thể đến nhanh được.

    Kết luận:
    a. Câu chuyện Ucraina có nguồn gốc sâu xa kéo dài nên không thể nào có giải pháp đơn giản, nhanh gọn, ít đau thương được. Khả năng kết thúc chiến tranh ở Ucraina trong 24 giờ khó diễn ra. Tôi dự là sẽ diễn ra theo kịch bản đã vẽ và một trong các Kết cục với xác suất nêu trên.
    b. Bằng cách giải quyết theo cách này, với nước Mỹ ông Trump có thể sẽ bảo: “Vấn đề Ucraina đã được giải quyết với nước Mỹ! Từ nay chúng ta không liên quan. KPI này vậy là xong! Quên nó đi. Giờ hãy tập trung vào các vấn đề sát sườn: phát triển kinh tế, công ăn việc làm, cắt giảm thuế, hạn chế can thiệp thị trường, người nhập cư, thâm hụt thương mại v.v. và nhất là Trung Quốc. Giải quyết được những vấn đề ấy mới MAGA!”.
    c. Kịch bản Ucraina dự vậy nếu ông Trump còn trị vì.
    Kinh tế mới kịch tính. Nhưng chưa thấy bài vở mới.
    Chém gió mua vui thế. Thích thì đọc. Vui thì bàn.

Chia sẻ trang này