Xin phép Mod: Nỗi khổ nhà phố cổ (các bác cùng suy ngẫm)

Chủ đề trong 'Giao Lưu' bởi levin0905, 15/09/2013.

3655 người đang online, trong đó có 182 thành viên. 00:44 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
Chủ đề này đã có 2810 lượt đọc và 18 bài trả lời
  1. levin0905 Thành viên rất tích cực Not Official

    PetroTimes) - Dù đã cố gắng kìm giữ nhưng tôi vẫn phải thú thực rằng, cảnh sống nhếch nhác ở khu phố cổ của Hà Nội chẳng khác gì những khu ổ chuột, không hơn không kém. Chật chội, tối tăm, ẩm thấp và nguy hiểm, đó là những cảm nhận đầu tiên của bất cứ người nào đến đây. Thật khó có thể tưởng tượng được rằng, đằng sau những cổ kính thâm nghiêm, niềm tự hào người dân thủ đô là một cảnh sống hoàn toàn đối lập đến đắng lòng.

    Kỳ 1: Chuyện khó tin mà... có thật!

    Ở thế kỷ XXI rồi mà giữa lòng thủ đô Hà Nội lại có những căn nhà diện tích chỉ với 10m2 mà có đến 8 người sinh sống. Có những căn nhà mà chủ nhân không đứng thẳng được, nhưng điều đó lại là sự thật ở… phố cổ Hà Nội!

    Tôi gặp David Alan Harvey nhân một dịp anh sang Việt Nam du lịch dài ngày. David Alan Harvey là người Mỹ, vốn là họa sĩ thiết kế của một công ty tư vấn kiến trúc của Mỹ có chi nhánh ở Việt Nam. Anh từng sang Việt Nam nhiều lần và tương đối am tường về phố cổ Hà Nội.

    David nói rất hay về phố cổ Hà Nội, đại loại kiểu như phố vừa hiện đại, vừa cổ kính của lối kiến trúc xưa cũ, tồn tại hàng ngàn năm với đặc trưng lối sống gắn bó với vỉa hè. Được một lúc anh chép miệng: “Nói thật nhé, người nước ngoài đến phố cổ Hà Nội chưa chắc đã vì nó hay, nó đẹp mà đơn giản người ta đến để thỏa mãn tính hiếu kỳ tò mò về sinh hoạt khác lạ, có phần “mông muội” đầy dân dã của người dân ở đây mà thôi. Vào thật sâu trong lòng phố cổ sẽ cảm nhận được điều ấy”.

    Tôi giật mình trước đúc kết có phần táo bạo của David và không muốn nói gì thêm nữa.

    ***

    Phố cổ Hà Nội có diện tích 81ha, nằm trên địa bàn 10 phường thuộc quận Hoàn Kiếm, có số dân khoảng trên 66.660 người (mật độ 84.000 người/km2). Nói không ngoa, đây có lẽ là nơi có mật độ dân cư sinh sống vào loại “đậm đặc” nhất hành tinh.

    Gia đình ông Tự Lập, chủ cửa hàng băng đĩa Tự Lập trên phố Hàng Bông sống ở phố cổ đến nay đã là đời thứ 4. Ông từng là giáo viên, nay đã nghỉ hưu và giao tiếp lịch lãm, nhã nhặn. Cửa hàng băng đĩa nhạc nho nhỏ của ông ở 36 Hàng Bông tồn tại dễ đến mấy chục năm rồi. Cửa hàng của ông nổi tiếng từ lâu bởi những đĩa nhạc cổ điển rất hiếm mà ông sưu tầm được. Và cả bốn đời nhà ông đều sinh nhai trong cửa hàng rộng chưa đầy 10m2 ấy. Ông am hiểu phố cổ Hà Nội đến từng ngõ ngách.



    Ở phố cổ có những căn nhà không đứng được

    Gia đình ông đến sinh sống ở khu phố này từ năm 1954, khi đó bố ông là một cán bộ kháng chiến tập kết ra Bắc. Thời bấy giờ cả khu nhà này là ngôi biệt thự với kiến trúc kiểu Pháp, rộng chừng hơn 300m2 rất tráng lệ, nó bị “băm chặt” thành 14 phần cho 14 gia đình và con ngõ nhỏ được cơi ra xuyên thẳng và giữa tâm tòa biệt thự. Mỗi hộ được vài chục mét vuông, qua thời gian sinh con đẻ cái nó lại được “băm chặt” ra thêm nữa. Cứ như thế, nhà đã nhỏ ngày càng nhỏ lại, đã nhếch nhác lại càng nhếch nhác thêm. Không ai còn có thể nhận ra dấu vết của căn biệt thự khi xưa nữa vì nó đã chính thức trở thành cái “hộp đựng người” tăm tối.

    Và khi nhắc đến những loại nhà chỉ rộng có 7-10m2 đã khiến nhiều người kinh ngạc, khó tin. Nhưng sự thật lại còn có những nhà “tí hon” hơn: chỉ có 1,5-2m2. Những ngôi nhà chỉ rộng 1,5m2 thì không đủ trải một mảnh chiếu. Thế nhưng nó phải “nhồi” những 3 người. Người nằm trong nhà không bao giờ được duỗi được thẳng chân. Để rồi có những chuyện bi hài ở phố cổ. Ông Tự Lập đã cất công dẫn tôi đi tham quan và kể rất nhiều chuyện xung quanh khu phố cổ này.

    Chuyện bắt đầu từ những con ngõ siêu nhỏ

    Đến phố cổ Hà Nội, chúng ta có thể gặp ở bất cứ đâu những kiểu ngõ siêu nhỏ. Nhỏ đến mức không thể tin được: bề rộng chưa đầy nửa mét, chiều cao vừa chớm đầu người. Tôi phải dùng điện thoại soi đường để lách vào con ngõ số 13 trên phố Đồng Xuân. Vừa bước được vài bước, tôi nghe phía trước có tiếng đằng hắng: “Ai ở đó, xin cho ra trước”. Tôi lập tức lùi trở ra để nhường đường cho một người phụ nữ xách xô nước đi ra. Xong xuôi, tôi lại tiếp tục lách vào ngõ và rồi lại một giọng trầm đục cất lên: “Ai đó cho nhờ tí...”. Thế là tôi lại quay ra để nhường đường cho một cụ già đang chống gậy đi ra ngõ… phải 4 lần như thế, mất gần 20 phút tôi vẫn chưa thể đi vào đến cuối con ngõ có một không hai này.



    Nhiều ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng

    Chuyện kể lại rằng, có một du khách nước ngoài muốn đi qua ngõ này và đã gặp chuyện oái oăm. Chị ta vốn to béo, lại thêm balô trước sau nên rất kềnh càng. Khi vừa vào ngõ, gặp người bên trong xin đường đi ra nhưng chị ta không thể quay lại được nên bị kẹt cứng trong ngõ. Càng cố quay thì lại càng kẹt. Chị ta cứ loay hoay, xì xồ trong con ngõ tối thui ấy một lúc lâu mà không có cách gì thoát ra được. May có mấy người nghe tiếng chạy ra trợ giúp, người du khách nọ mới có thể đi giật lùi ra ngoài phố và từ đó chị ta không bao giờ dám bén mảng vào những con ngõ “nguy hiểm” ấy nữa.

    Đúng là “cái khó ló cái khôn” để thích nghi với những con ngõ siêu nhỏ này, cũng không phải là không có cách. Ngõ ấy “chống chỉ định” với những loại xe tay ga hay các loại xe kềnh càng khác mà nó chỉ chấp nhận, một là xe số loại nhỏ, hai là xe đạp. Để đem được xe vào nhà, chủ nhân phải ngồi trên xe, nhích từng bước một mới không bị mắc kẹt vào hai bên tường. Không những thế, tôi trông thấy nhiều chiếc xe tay lái bị bẻ cụt núm, gương chiếu hậu phải đóng gập xuống hết cỡ mới mong đi lại thoải mái hơn chút ít.

    Đã thế, ngõ chung nên chẳng ai quan tâm quét dọn. Điện cũng không ai thèm mắc nên ngõ đã nhỏ lại càng nhỏ hơn… tối như hũ nút. Khách lạ đi qua ngõ cứ thấy chờn chợn

    Nỗi khổ của người... chết?

    Nói không ngoa chút nào, ở cái khu phố cổ này là điển hình của sự chật chội, ngột ngạt đến khó chịu... Mỗi khi có ai đó ốm phải đưa đi cấp cứu hoặc chẳng may chết trong nhà thì cả khu phát hoảng. Người sống thì chui rúc đi một nhẽ, nhưng người chết thì nghe chuyện đến quặn lòng.

    Chẳng nói đâu xa, chỉ vừa mới đây thôi, trong ngõ 51 Hàng Bạc có ông Vượng bị đột quỵ lúc nửa đêm. Vợ ông gọi điện cho xe cứu thương đến nhưng không làm sao đưa cáng cứu thương vào ngõ được. Ông Vượng thì người cứ cứng đơ, đang trong cơn co giật nên bà vợ chẳng thể nào cõng được chồng. May mà hàng xóm chạy đến mỗi người một tay, hì hục mãi mới đưa được ông ra xe cấp cứu.



    Nhếch nhác, chung đụng là cảnh thường thấy ở phố cổ Hà Nội

    Còn chẳng may mà có người chết trong nhà thì ôi thôi… phức tạp vô cùng, nó là nỗi sợ hãi ám ảnh của những người già trong phố cổ. Bởi vì, trong những con ngõ siêu nhỏ kia, đến cái xe đạp mini phải vừa dắt vừa lách mới ra được thì với 6 người khênh chiếc áo quan làm sao đi lọt. Cho nên gia đình nào có ông, bà đến cái tuổi gần đất xa trời mà ốm chẳng cần biết nặng nhẹ cứ phải khẩn trương đưa các cụ vào bệnh viện cái đã. Bệnh già ai biết trước được thế nào, nếu lỡ các cụ mất thì chuyển thẳng từ bệnh viện sang nhà tang lễ luôn. Chứ lỡ không kịp, để các cụ mất trong nhà thì rắc rối to.

    Có một chuyện mà những người dân đang chung sống ở ngôi biệt thự cổ ở 14-16 ngõ Gạch không bao giờ quên. Đó là chuyện về một mảng tường hình chữ nhật ngay góc cầu thang dẫn lên những hộ gia đình trên tầng hai. Bờ tường đó là một phần nhà anh Nguyễn Văn Khánh ở tầng trệt.

    Ngày ấy, trên tầng hai và gác ba còn có nhiều người già. Khi có người chết đưa áo quan xuống rất vất vả vì bị kích một phần ở chỗ gấp khúc của cầu thang. Nhà anh Khánh có một phía tường nằm áp vào cầu thang nên khi anh xây nhà, những người trên gác “đấu tranh” mãi để anh cho chừa ra một khoảng trống cho đầu áo quan chui vào đó rồi mới quay đầu tiếp để đi xuống tầng dưới được. Cuối cùng anh cũng phải đồng ý bằng cách xây tường vuông vức nhưng có một khoảng chừa ra, che lại bằng ván liếp, như là tường nhà bị bom rơi trúng một lỗ hổng để lượn áo quan xuống không bị kích. Người dân ở đây ai cũng áy náy với nhà anh ấy lắm, vì mỗi lần như thế là anh ấy phải tháo miếng ván liếp ra, áo quan đưa vào cả một khoảng trong nhà người ta... - bà Nga cho biết. Bây giờ người già trên gác không còn nữa. Nhà anh Khánh đã xây kín lại, nhưng dấu vết của những lần trám ấy vẫn còn hằn rõ trên bờ tường.

    Nỗi khổ của người... sống?

    Tôi rất ngỡ ngàng khi biết được việc đi vệ sinh theo kiểu “hoang dã” của gần 30 con người sống trong số nhà 58B Nguyễn Hữu Huân. Ở đây, đã thành một thói quen lưu cữu, cứ 5 giờ sáng, tất cả mọi người đã lục tục trở dậy để rồng rắn xếp hàng... đi vệ sinh. Ai không muốn xếp hàng phải dậy từ 3-4 giờ sáng. Ai dậy muộn, bí quá thì đành ra bãi sông hoặc tống tạm vào túi nilon và tranh thủ lúc đi làm thì len lén vứt vào thùng rác. Nhà vệ sinh bệt của khu nhà này là một cái hộp chia thành 2 ngăn, rộng vừa đúng 1 người ngồi. Trong mỗi ngăn xếp 2 hòn gạch chéo nhau, không cánh cửa, phía trước là một chiếc rổ sảo lớn để vứt giấy sau khi dùng.

    Hãi nhất là việc nhà vệ sinh không có cánh cửa nên mỗi lần “đi”, mọi người đều tự giác mang theo “đồ nghề”, thường là một tờ giấy cỡ lớn để che đi thứ cần che. Cái ngại ngùng cũng vì hoàn cảnh mà tự nhiên biến mất, kể cả với “nam thanh nữ tú”. Hôm tôi đến hỏi chuyện, tôi đã ngượng chín mặt khi vô tình trông thấy một người phụ nữ “hiên ngang” giải quyết nỗi buồn trong cái nhà vệ sinh như thế, bất kể tôi là khách lạ.



    Con ngõ tối thui như địa đạo

    Cái nhà tắm cũng “thảm” không kém, chiều ngang nhà tắm vừa khít một người ngồi và cũng không có cánh cửa. Đồ nghề che chắn có khi là cái bao tải được rạch rộng ra, mành treo hoặc tấm vải lớn. Tắm xong nhà nào có lại mang về vì có thể bị kẻ trộm vào gỡ mất.

    Chuyện nấu nướng, bếp củi ở phố cổ thôi thì nheo nhếch vô cùng.

    Loại bếp ưa chuộng trong phố cổ hiện nay là bếp than tổ ong vì nó vừa đỡ tốn kém, lại nhỏ gọn. Mỗi nhà một góc đặt bếp than ở giữa, nồi niêu xung quanh thành khu nấu nướng. Ngày hai bữa, cùng vào một cữ giờ, có hàng chục cái bếp than đồng loạt nhả khói. Khói than đặc sệt đến nghẹt thở; mùi dưa hành, nước mắm, cá rán, thịt kho quyện lấy nhau; mùi cống dội lên; mùi rác ập vào tạo thành một thứ mùi kinh dị. Mấy cụ già trong nhà ho khằng khặc, cánh trẻ thường nhanh chân chạy túa ra ngoài đường, chỉ còn mấy chị phụ nữ cặm cụi nấu nướng mờ mịt trong khói than. Những vòm nhà phố cổ đều có một màu đặc trưng, đó là màu đen kịt ám khói và đu đưa bồ hóng như những dây thòng lọng sát đầu người, hệt như một cái nhà bếp nào đó ở quê, nhưng ở thế kỷ trước.

    Đương nhiên, con ngõ nhỏ - lối đi chung là nơi đã “cõng” một phần không gian sinh hoạt của nhiều gia đình sống như trong lòng “địa đạo”. Người ta nghĩ ra đủ cách cốt để làm sao diện tích có thể rộng ra một chút. Như mười mấy gia đình ở ngõ 15 Hàng Điếu, họ khoét tường để đặt chạn bát, bếp than trong đó. Chuyện khoét tường thường phải làm trộm vào ban đêm và tuyệt nhiên phải tránh ánh mắt của mấy anh cán bộ phường.

    Nhà bà Nguyễn Thị Chài ở đó đã biến mảnh tường ngang cửa nhà mình thành mảnh tường đa năng. Bà đục tường thành một chạn bát với lủng liểng xoong nồi, bên dưới bà còn làm được một cái chuồng nuôi được bốn con gà, nuôi hết lứa này đến lứa khác. Người trong ngõ không chịu được mùi phân gà đấu tranh kịch liệt nhưng không hiểu sao, chuồng gà của bà Chài vẫn chình ình ra đó.

    Khi mà đến cái bếp, lọ muối, hũ mắm... cũng phải đặt ở đường đi thì chỗ ngủ trở thành vấn đề mà các ông bố bà mẹ đau đầu nhất khi các con trưởng thành, lập gia đình. Nhà bà Vũ Thị Thân hiện có 6 người sống trong 10,5m2. Nhưng có thời điểm cái không gian ấy chứa đến 10 người.

    Năm 1984, khi con cái lớn, ông Ngô Ngọc Diệp đã xin Nhà nước cơi nới làm thêm trần bê tông rộng bằng một nửa diện tích nhà ở, trên dựng tôn chống nóng. Căn nhà của ông cả trên dưới chỉ rộng 26m2, nhưng có tới ba cặp vợ chồng của ba thế hệ. Căn nhà của ông nhìn vào không thể phân biệt đâu là phòng ngủ, phòng khách, phòng ăn hay phòng vệ sinh. Tất cả chỉ là một. Thế nên chỉ riêng chuyện ngủ cũng làm ông bà nát óc tính toán. Khi con trai lấy vợ, ông phải kê giường xếp ngủ. Vợ chồng cậu con trai được ưu tiên kê chiếc giường đôi, còn vợ chồng cô con gái chỉ có chiếc giường đơn vì anh con rể đi làm xa, thỉnh thoảng mới về. Rồi đến lúc con dâu sinh cháu đầu lòng, chỗ ngủ của ông Diệp là chiếc ghế dài thường ngày để tiếp khách. Vợ chồng ông phải cơi nới thêm cái tum để ngủ ở trên đó. “Bất tiện nhất là lúc con cái đi làm về - ông Diệp tâm sự - Nhìn đâu cũng thấy toàn người là người”.

    Câu chuyện về không gian sống ngột ngạt không phải là chuyện của một vài gia đình, ở một vài con ngõ phố cổ. Biết bao tình huống dở khóc dở cười và không thể tin nổi lại hiển hiện ở phố cổ. Chị Vân, 28 tuổi, nhà ở phố Hàng Hòm, không dám kể cho bạn bè biết chuyện về ngày rước dâu của mình. Nhà chị chỉ có hai mẹ con, diện tích chưa được 10m2, không có gác xép. Phòng khách cũng là phòng ngủ, phòng ăn. Ngày nhà trai đến xin rước dâu, chị Vân phải đứng trong... phòng vệ sinh đợi chú rể nắm tay dẫn ra.

    (Xem tiếp kỳ sau)

    Phóng sự của Vũ Minh Tiến
  2. levin0905

    levin0905 Thành viên rất tích cực Not Official

    Tham gia ngày:
    29/05/2007
    Đã được thích:
    33
    Nỗi khổ ở… phố cổ (Kỳ 2)

    06:00 | 10/09/2013
    (PetroTimes) - Chỉ khi chứng kiến cảnh sống trong những căn nhà chỉ rộng 1,5m2 và những căn nhà mà suốt đời chủ nhân không thể đứng được thì mới thấy bộ mặt thật của phố cổ. Nhưng cũng thật lạ là, dù sống khốn khổ thế, dù TP Hà Nội đã đưa ra nhiều quyết sách để giải quyết dứt điểm tình trạng nhưng nhiều người dân phố cổ vẫn cương quyết bám nhà.

    >> Nỗi khổ ở… phố cổ (Kỳ 1)

    Kỳ 2: Những căn nhà có một không hai

    Những căn nhà tí hon

    Người ta cứ nghĩ phố cổ Hà Nội phồn hoa, sầm uất, con gái phố cổ kiêu sa. Nhưng phía sau những cửa hiệu, tủ kính thời trang, nhà hàng, khách sạn lộng lẫy; phía sau những mái ngói rêu phong, trầm mặc là một khu ổ chuột.

    Ở Hà Nội, nhắc đến những loại nhà chỉ rộng có 7-10m2 đã khiến nhiều người tròn mắt kinh ngạc. Và họ sẽ còn kinh ngạc hơn nữa nếu chứng kiến cảnh sống ở mấy “căn hộ” siêu nhỏ trong ngõ Phất Lộc (Hàng Buồm): “nhà” chỉ rộng có 1,5-2m2. Chúng nằm trong một ngôi nhà gỗ cổ ọp ẹp, ẩm mốc và nồng nặc hơi người. Ngay tầng 1 là nhà của cụ Nguyễn Thị Thuận, đã hơn 80 tuổi và của cụ Nguyễn Thị Hiếu, chừng 70 tuổi, nằm lẫn giữa những “căn nhà mini” khác.

    Nhà cụ Thuận chỉ có 2m2, cửa ra vào béo tẹo và đương nhiên không có cửa sổ. Không khí lọt vào trong nhà phải đi qua một lối ngõ dài sâu hun hút nên nhà lúc nào cũng bí bách, nếu không quen, ngồi một lúc thì thấy khó chịu vô cùng. Nằm giữa nhà, nhìn bốn vách tường như muốn ép sát vào nhau, cảm giác như nằm trong quan tài. Chiếc tivi bé tin hin của cụ Thuận phải đặt tít trên cao cho xa mắt thêm một chút nên khi xem phim, cụ cứ phải hếch mặt lên mái nhà, trông rất tội.



    Cảnh chật chội, nhếch nhác thường thấy trong phố cổ

    Cụ Thuận bị bệnh thận mãn tính, hai chân đã bị phù, đi lại rất khó khăn. Con cái mỗi người một chốn, cũng chẳng khá giả gì, hy hữu lắm mới đến thăm mẹ ít phút rồi lại tất tả đi ngay. Cụ thuận cứ lụi cụi nấu nướng qua ngày. Hôm tôi đến, cụ thở dài: “Sống chán lắm, nhưng giời chưa bắt chết”.

    Ở phía trong, ngay sát vách nhà cụ Thuận là nhà cụ Hiếu còn thảm hại hơn, chỉ rộng 1,5m2, không đủ trải một mảnh chiếu. Thế nhưng đêm đêm, cái “hộp” ẩm mốc phải “nhồi” 3 người, ngoài cụ ra còn có cậu con trai cả và cháu. Ban ngày thì tùy nghi di tản, mỗi người đi một chỗ, rảnh quá thì ra vỉa hè ngồi, chỉ đêm mới tập trung về nhà ngủ. Anh con trai người cao lêu nghêu nên khi ngủ chẳng bao giờ được duỗi thẳng chân một cách thoải mái, còn cụ Hiếu và đứa cháu muốn duỗi chân thì phải thò vào gầm tủ, không động đậy được, kiểu như bị cùm. Một thời, anh con trai cụ Hiếu từng lấy vợ. Cụ Hiếu dọn ra gầm cầu thang nằm tạm nhường chỗ cho đôi vợ chồng trẻ. Và cô con dâu của cụ không chịu nổi cảnh sống trong căn nhà 1,5m2 nên đã lặng lẽ bỏ về nhà mẹ đẻ. Đến giờ, vợ chồng họ đã chia tay.

    Trong khi hai cụ Hiếu và cụ Thuận phải “nhường nhau từng hơi thở” như vậy thì ở phía trong 1 gang, cụ Thương cũng sống trong gian nhà chỉ nhỉnh hơn một tẹo. Nhưng ngặt một nỗi, cụ Thương muốn ra ngoài phải bước qua nhà người khác. Nửa đêm, nếu cụ Thương muốn đi vệ sinh thì hai cụ ở bên ngoài vẫn phải dậy mở cửa giùm.

    Nằm sâu trong cùng, tôi thấy căn hộ mà vòm bê tông đã sập quỵ

    Nhưng cảnh sống của gia đình ông Nguyễn Phùng Hải ở 107 Hàng Bạc mới khiến người ta quặn lòng. Từ gần 30 năm nay, vợ chồng ông phải sống trên… nóc một cái toa-lét công cộng (tài sản chung của 6 gia đình trong một ngôi nhà cổ).

    Nhà rộng 12m2, dựng bằng cột gỗ, bốn bề tứ phía được quây toàn bằng tôn mỏng. Mùa hè thì nóng khủng khiếp, ngồi trong nhà như ngồi trong thùng phi. Những đêm mưa lớn, nằm trong nhà cứ như trong một cái hộp đàn piano mà nhạc công chơi quá tệ. Tiếng mưa nện thẳng vào màng nhĩ. Hôm nào mưa bão thì tưởng cả trái đất đang nứt vỡ. Nền nhà đặt kín xô chậu mà vẫn không hứng kịp nước. Bên dưới, mùi toa-lét bốc lên chẳng khác gì sông Tô Lịch.

    Ông Hải người lúc nào cũng bơ phờ vì thiếu ngủ. Cuộc sống quá ư tạm bợ nên người ta chẳng còn chú ý đến hình thức bên ngoài nữa, sự “tử tế” hình như cũng bay biến đâu mất. Người ta hay được chứng kiến cảnh cãi nhau choang choác ở phố cổ chỉ vì một chậu nước vương vãi, một chậu quần áo chắn lối đi hay chỉ là tiếng loa hơi to so với bình thường.

    Những người ở số nhà 52 Hàng Bè thì lại gặp một nỗi nghiệt ngã khác: Ban đầu, đây là một ngôi nhà gỗ cổ rộng của một gia chủ giàu có. Sau đó, người ta sinh con đẻ cái, mua đi bán lại và cho đến nay, nó đã biến thành một “khu tập thể mini” với gần 100 người ở. Mỗi nhà trong đó chỉ có 9-10m2 mà phải nhồi nhét cả một gia đình 4-6 người. Nhà này cách nhà kia cái vách gỗ, bên này thở dài, bên kia nghe rõ.



    Ở phố cổ, nhiều căn nhà đã xuống cấp trầm trọng

    Ngôi nhà số 47 Hàng Bạc là một trong những ngôi nhà cổ nhất đất Hà thành. Ngôi nhà được xây dựng từ năm 1880, đã tròn 133 năm vẫn lắt lay bám trụ lại với thời gian. Bước chân vào ngôi nhà cổ này, mọi náo nhiệt của phố xá sầm uất dường như biến mất, thay vào đó là một không gian hoàn toàn khác biệt. Khác biệt đến “dị thường”. Đập vào mắt chúng tôi là dòng thông báo: “Khu vực nguy hiểm cấm qua lại”. Sở dĩ có cái biển này bởi có người đã bị vữa trát tường rụng xuống bươu cả đầu. Lâu nay, thi thoảng một vài mảng vữa trên trần lại rơi xuống.

    “Đặc dị” nữa là ngôi nhà này có diện tích 206m2 nhưng “khu vực nguy hiểm cấm qua lại” đã chiếm mất 2/3 diện tích, 1/3 diện tích được coi là “an toàn” là chỗ ở của 7 hộ với gần 30 nhân khẩu. “Có những lúc ở đây có tới 40 người sinh sống. Nhưng một số con cháu đã phải ra ngoài mua hoặc thuê nhà vì không chịu được cảnh chật chội”, bà Nguyễn Thanh Quế, người đã làm dâu gần 40 năm ở đây cho biết.

    Ngày nắng, nơi đây biến thành một chiếc “lò” đặc quánh mùi. Ngày mưa, các hộ gia đình phải chui vào “lô cốt” chống… sập mà vẫn lo nơm nớp. Người dân sống ở đây ăn cơm trộn mọt là chuyện thường ngày. Đặc biệt, các nhà vệ sinh được làm theo kiểu “lộ thiên”.

    Bất giác tôi nghĩ, cảnh ấy không phải là sống, mà đó chỉ là phương thức để người ta tồn tại qua ngày. Nói ra thì nhiều người bảo ác khẩu nhưng thực sự, những “hộp diêm” được gọi là nhà ấy chắc chắn không thể thoải mái và sạch sẽ bằng gầm cầu và không thể thoáng đãng bằng ở trong ống cống.

    Căn nhà dị nhất phố cổ

    Đỉnh điểm của cảnh sống chật chội, chui rúc giữa phố cổ có lẽ phải kể đến căn nhà có một không hai ở số 44 Hàng Buồm. Nó chỉ dài 2,64m, ngang 2,5m, cao 1,19m và điều “kinh dị” nhất là người ở trong nhà ấy không bao giờ đứng thẳng được. Căn phòng ấy nằm trên gác xép trong một trong những con ngõ tối ngòm, nhỏ hẹp nhất phố cổ.

    Hôm tôi mò đến tìm anh Hoàng Văn Xuân, 49 tuổi cũng vào lúc lưng lửng buổi chiều. Chỉ cần nhích chân vào ngõ, nơi đây biến thành một căn hầm thực sự. Đã mấy chục năm nay, trong căn nhà này chưa hề có ánh sáng mặt trời. Qua ánh điện đỏ quạch lờ mờ, tôi thấy một cánh tay gân guốc bám vào những mấu sắt cắm chặt vào bờ tường dựng đứng một bên hành lang kiểu như người ta leo lên nóc nhà. Anh Xuân vận chiếc áo nhầu nhĩ, đầu tóc rối bù bảo tôi: “Em leo lên đây, cẩn thận kẻo trượt ngã”.



    Anh Hoàng Văn Xuân trong căn nhà không đứng được của mình

    Tôi ngỡ ngàng trước không gian căn phòng nhỏ đến mức chỉ vừa lọt đúng một cái nhìn: một chiếc tivi cũ thô treo trên tường, xô gạo, một chiếc quạt, một nồi cơm điện và tủ quần áo nằm dọc trên một rãnh chạy dài theo chiều dài của căn phòng... Đã chui vào phòng là chỉ có ngồi hoặc nằm. Vậy mà, cái hộp diêm ấy khi trước từng là chỗ sinh sống của bốn anh em anh Xuân.

    Những đồ đạc trong nhà phải giản tiện đến mức tối thiểu, cái gì treo được thì treo nghiến lên tường, cái gì lâu lâu mới dùng thì bó chặt lại lèn vào một góc. Di chuyển trong nhà thì phải đi bằng đầu gối hoặc sển bằng mông. Nhưng thường thì vợ chồng anh Xuân di chuyển quanh nhà bằng cách bò, bò lổm ngổm từ chỗ này sang chỗ khác!

    Muốn thay áo thì đương nhiên phải quỳ, muốn thay quần thì chỉ có cách nằm xoài ra giữa nhà. Chuyện ngủ cũng khó khăn vô cùng, Anh Xuân chỉ sau viên gạch là bề ngang của căn nhà với cái giọng vẻ buồn buồn: “Mỗi người hai ô gạch, mỗi ô là 30cm cũng là vừa khít. Nằm xuống là nằm im cấm được động cựa như thể nằm trong vali”. Cũng vì nhà quá chật nên nồi cơm điện ngoài “nhiệm vụ” nấu cơm còn được dùng để luộc rau, nấu canh. Chỉ khi ninh xương, kho thịt, kho cá... vợ chồng anh mới xuống bếp than ở sân tập thể để làm mọi thứ từ rửa rau, rửa bát, vo gạo tất tật đều ở cái bể nước công cộng.

    Nhà anh Xuân chỉ có ba vách tường, phía còn lại thông thống nhìn thẳng qua gác xép của nhà em trai anh. Mọi sinh hoạt riêng tư với nhà bên cạnh ngăn cách bằng mảnh vải mỏng và chiếc tủ quần áo lùn nằm ngang. Buổi trưa, căn phòng của anh ngập đủ thứ tạp âm: tiếng tivi, tiếng băng đĩa các loại, tiếng nói chuyện í ới, cả âm thanh ồn ào của đường phố cũng dội vào. Người nằm trong nhà như muốn phát rồ!

    Con trai anh Xuân là cháu Hoàng Xuân Thủy năm nay đã 15 tuổi. Chẳng biết có phải bị “ép khuôn” trong căn phòng này hay không mà cháu chỉ cao có 1,4m. Học tới lớp 9 rồi mà chưa bao giờ cháu có cái bàn học cho thật đàng hoàng vì không tìm đâu ra chỗ kê. Được cái, bạn bè cùng lớp rất thương Thủy vì hiểu được hoàn cảnh của em. Thủy không có xe đi học, mấy đứa bạn thân thường thay nhau đến chở Thủy đi học cùng. Những lúc rỗi rãi, Thủy thường hay cùng bạn ra bờ hồ ngồi, kiểu như để hít không khí cho no, kẻo về nhà không có gì mà thở!

    Nhưng đến giờ thì cái tổ ấm có một không hai của anh Xuân cũng chỉ còn lại hai bố con anh sinh sống. Chị Xuyến - vợ anh Xuân - đã về quê sau ca phẫu thuật u xơ tử cung. Chị mới mổ xong, vết thương chưa lành nên không thể leo trèo và bò quanh nhà được. Chị được ưu tiên về quê để đứng thẳng cho vết thương mau lành.

    Người đàn ông gạt nước mắt, bảo: “Em xem, nhà chật lại còn nghèo. Vợ tôi làm tạp vụ thuê theo giờ, bữa đực bữa cái, một buổi được trả 50.000 đồng tiền công. Tôi chạy xe ôm, khi vắng khách thì đi dọn nhà, bưng bê đồ đạc cho người ta. Cuộc sống qua gần 20 năm nay rồi mà vẫn chẳng có gì thay đổi”.

    Những chuyện không muốn kể

    Quả thực, chẳng nhiều người nói ra sự khốn khổ của việc “sinh hoạt người lớn” trong những căn hộ phố cổ. Sinh hoạt riêng tư ấy đôi lúc trở thành nỗi tủi hổ và ám ảnh cho những cặp vợ chồng.

    Gần 20 năm sống trong căn nhà vỏn vẹn 3m2 là chỗ hõm cầu thang nhà tập thể trong phố Hàng Vải, hơn ai hết, bà Hoàng Thị Dung thấm thía sự trái ngang của chuyện “sinh hoạt người lớn” trong nhà chật. Những ngày đầu về làm dâu, làm vợ bà Dung ám ảnh đến tận bây giờ. Bà kể, đêm tân hôn của mình ngập trong nước mắt. Lúc đó, vợ chồng bà chưa dọn sang cái gầm cầu thang 3m2 mà ở cùng cả đại gia đình bên cạnh. Căn nhà tập thể 16m2 của nhà chồng bà là nơi ở của bà mẹ chồng và 4 cặp vợ chồng nữa là anh em trong gia đình. Không gian chật chội đã đành, sự xuất hiện của cô con dâu mới cũng có phần nào xáo trộn gia đình, các cặp vợ chồng khác có phần… dè chừng và ngại ngùng khi chung sống trong không gian bé tí ấy.



    Khi các bếp than đồng loạt nhả khói, nhiều căn hộ trong phố cổ biến thành hang chuột

    Nhưng cái tủi hổ nhất đến với bà ngay đêm tân hôn, đó là chiếc giường cưới của ông bà được mẹ chồng… nhường lại, vốn là chiếc giường của ông bố chồng đã khuất. Đêm ấy, vừa tủi thân, vừa hơi hãi hãi, nửa đêm mà cả hai vợ chồng đều không ngủ được. Hai vợ chồng thì thào, nhỏ to tâm sự, đang tính chuyện “yêu đương” thì bị mẹ chồng dựng dậy. Sáng hôm sau, ông bà phải dậy sớm để tiện sinh hoạt chung của cả nhà.

    Bà kể, mẹ chồng bà tuổi già khó ngủ, lại rất thính, một tiếng động nhỏ giữa đêm cũng làm cụ tỉnh giấc. Phần vì ngượng, phần vì chưa quen sống trong căn nhà ẩm mốc, cả người bà Dung cũng… “mốc” theo nên sau khi cưới vài tháng, ông bà vẫn chưa có điều kiện “tân hôn”. Mấy tháng sau, hai vợ chồng bà mới dọn sang ở bên gầm cầu thang sát nhà, khi đó được tận dụng làm nhà kho. Lúc đó, thời gian “làm vợ” của bà mới thực sự bắt đầu. Tuổi thanh xuân của bà đã vụt đi rất nhanh mà chưa kịp tận hưởng trọn vẹn.

    Bà chua chát kể: “Tôi lận đận đường chồng con lắm. Ngày xưa có ông hàng xóm hai nhà cách nhau chỉ có một bờ mương, rộng thênh thang, ông ấy mê tôi lắm, ướm hỏi mấy lần nhưng tôi không lấy, vì nghĩ ở cạnh nhau, có chuyện gì cãi vã mẹ cha cũng biết, nhỡ sợ va chạm cái gì cũng đến tai, phức tạp. Vài năm sau, một đám khác cũng đến dạm ngõ, cau trầu đàng hoàng mang đến nhà tôi, các bà hỏi tuổi nhau mới biết bà mẹ chồng tương lai ấy tuổi hùm (hổ), xung tuổi với tôi, sợ bị bà át vía nên tôi không ưng mối ấy. Bẵng đi một thời gian, tôi thành gái già ở quê”.

    Còn chồng bà, ông Thành cũng long đong đường tình ái. Bố ông khuất sớm, ông giúp mẹ lo lắng cho các em. Nhà có 8 anh em, ông Thành là con trưởng. 40 tuổi ông mới giật mình nhận ra mình chưa vợ, nhờ người nhà mai mối thì gặp bà Dung, lúc đó cũng đã 38 tuổi, ông chua chát bảo: “Nếu biết phải chui rúc suốt đời trong xó cầu thang này, tôi thà không lấy vợ cho xong”.

    Bà Dung tâm sự, chuyện “gần gũi” của hai vợ chồng lúc nào cũng nơm nớp, vội vàng, tranh thủ như đánh trận, rồi lâu dần, cái chật chội, bức bí không gian đã khiến những ham muốn đời thường ấy mất dần theo thời gian… nhưng rồi bà cũng tủm tỉm cười, tuy lấy chồng ở cái tuổi quá muộn, nơi ở thì quá chật chội may mà trời thương còn có được một mụn con gái. Nhưng bà lại chẹp miệng với nỗi lo, giờ đây cô con gái 17 tuổi của ông bà, chẳng bao giờ thấy có bạn bè đến chơi. Rồi không biết vài năm nữa, con bé có người yêu thì đem về nhà giới thiệu kiểu gì… Nghe chuyện sao mà buồn tê tái.

    (Xem tiếp kỳ sau)

    Phóng sự của Vũ Minh Tiến
  3. levin0905

    levin0905 Thành viên rất tích cực Not Official

    Tham gia ngày:
    29/05/2007
    Đã được thích:
    33
    Nỗi khổ ở… phố cổ (Kỳ cuối)

    07:00 | 15/09/2013
    (PetroTimes) - Có một điều kỳ lạ rằng, người dân phố cổ Hà Nội đang sống chui rúc, chật chội trong những căn nhà cũ nát nhưng khi nói đến chuyện di dời sang khu tái định cư lại cứ giãy nảy lên như “đỉa phải vôi”. Có nhiều hộ gia đình thực hiện tiêu chí “ba không”: không đồng tình, không nhận tiền, không chấp nhận phương án đền bù và “tuyệt giao” với các cán bộ đến vận động. Chính vì thế, nỗi khổ của Ban Quản lý phố cổ và các cán bộ địa chính quận Hoàn Kiếm là không nhỏ.

    >> Nỗi khổ ở… phố cổ (Kỳ 2)

    >> Nỗi khổ ở… phố cổ (Kỳ 1)

    Bài toán phức tạp từ chính sách “ba không”

    Cảnh sống nhem nhuốc, chật chội, xập xệ tới mức nguy hiểm ở phố cổ không phải các cơ quan, ban, ngành của Hà Nội không biết, thậm chí là biết rất rõ. Rõ ràng, khu vực trung tâm của thủ đô mà vẫn sống trong điều kiện dưới mức tối thiểu làm méo mó hình ảnh của thủ đô là điều khó có thể chấp nhận. Thủ đô Hà Nội đã quyết tâm thay đổi trong nhiều năm, nhưng chuyện ấy lại chưa thể thực hiện được ngay bởi vướng phải những lý do cũng hết sức “kỳ lạ”.

    Mới đây nhất, Đề án “Giãn dân phố cổ” của TP Hà Nội đã được quận Hoàn Kiếm “gật đầu” từ 6/2013. Hà Nội sẽ làm mọi cách để giảm mật độ dân cư phố cổ từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha vào năm 2020, tương ứng phải di chuyển 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 người.

    Ai cũng đều khẳng định rằng, để thực hiện thành công đề án này sẽ vấp phải rất nhiều khó khăn, từ cơ chế chính sách chưa đồng bộ, từ ngân sách eo hẹp… và trong số đó, khó khăn cơ bản vẫn xuất phát từ chính người dân.



    Cụ Nguyễn Thị Thuận, 70 tuổi luôn ước mơ được sống trong một căn nhà rộng rãi

    Cũng cần phải nói thêm rằng, người dân sống ở phố cổ đa phần đều đã mấy đời sinh nhai ở đây. Chính vì thế, họ đã quá quen với những con phố này. Nhịp sinh hoạt cùng thói quen thâm căn cố đế dường như đã ăn vào máu tủy của họ. Một chốc một loáng mà chuyển đi sống ở một nơi hoàn toàn xa lạ quả là không dễ dàng gì. Chính vì thế, việc vận động người dân đổi nơi ở gặp rất nhiều khó khăn.

    Với những hộ gia đình mà cả hai vợ chồng đều là cán bộ hưu trí thì họ lại mong muốn được chuyển nhà ngay lập tức. Là bởi, họ đã có lương hưu, sống ở đâu mà chả được, cần gì cứ phải ở phố cổ. Nhưng với những gia đình mà thu nhập của họ phụ thuộc vào vỉa hè phố phường thì vận động họ chuyển đi là chuyện vô cùng nan giải.

    Phố cổ thì quả là tấc đất, tấc vàng. Chỉ cần một quán trà đá, một mẹt rau nhỏ hay hãn hữu lắm chỉ cần một âu cà muối bán buổi chiều thôi thì cũng đã đủ sống rồi. Những hộ gia đình may mắn có nửa mét vuông mặt đường thì bảo nhau quyết tâm “bám đất” đến cùng. Như bà Nguyễn Thị Muội, 68 tuổi ở ngõ Tạm Thương thì quyết tâm bám đất lúc nào cũng “hừng hực”. Nhà bà Muội chỉ có 7m2 nhưng chỉ có nửa mét cửa là chìa ra mặt ngõ. Bà cùng hai cô con dâu mở quán bán nem chua rán đã mười mấy năm nay, khách đông nườm nượp. Mỗi ngày bà Muội bán được gần chục cân nem, cộng thêm nước nôi nữa cũng để ra được hơn 5 trăm nghìn. Dù 5 người phải chui rúc trong căn nhà bé tẹo nhưng hễ cứ động đến chuyện di dời là bà giậm chân bành bạch, nói như hắt nước vào mặt người hỏi.

    Nhà bà đã xuống cấp trầm trọng, nằm trong diện phải di dời đợt tới nhưng bà luôn miệng bảo: “Cha ông để lại cho mảnh đất hương hỏa, có chết tôi cũng không chuyển đi, muốn ra sao thì ra”.

    Không riêng gì bà Muội, hiện cũng có rất nhiều hộ gia đình đang thực hiện tiêu chí “ba không”: không đồng tình, không nhận tiền, không chấp nhận phương án đền bù. Người dân làm thế cũng có một phần lý của họ. Giá tiền đền bù cho các hộ gia đình ở phố cổ phải theo quy định của Nhà nước và đó là quy định chung. Nhiều người dân cho rằng, số tiền đền bù chênh lệch quá lớn với giá trị thực mà nơi ở cũ đem lại. Điều đó quả thực cũng không phải là không có lý nhưng người dân cần hiểu rằng, khung đền bù do Nhà nước đề ra là khung chung, không thể nói rằng, nhà tôi làm ăn tốt trên mảnh đất đó, phải đền bù cho tôi nhiều hơn.



    Ở trong những căn nhà cũ nát như thế này nhưng nhiều người không muốn chuyển đi (Ảnh: Đức Long)

    Trong bất cứ dự án nào, việc khó nhất thường là khâu đền bù, giải phóng mặt bằng. Rõ ràng là, chính sách là chính sách chung, còn nhà dân thì “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Để làm thỏa mãn hàng nghìn hộ dân trong một cuộc đại di cư nào đó là chuyện không tưởng. Ở phố cổ cũng vậy, chuyện giải tỏa giãn dân phố cổ là một câu chuyện dài, cần nhiều thời gian chứ không thể một sớm một chiều mà hoàn tất.

    Ông Phạm Tuấn Long, Phó ban Quản lý phố cổ Hà Nội kể rằng, những phức tạp trong việc giãn dân phố cổ không phải là không có cách giải quyết. Phải giải quyết vấn đề thật mềm dẻo, linh hoạt và không có bất cứ công thức nào. Có những biện pháp đã được Ban Quản lý phố cổ Hà Nội áp dụng rất hiệu quả.

    Theo ông Long, một trong những cách được coi là hiệu quả nhất là biện pháp tuyên truyền đến bà con sống trong phố cổ với nội dung: cuộc sống tái định cư là ổn định! Và một trong những biện pháp tuyên truyền mạnh nhất không phải là loa phường, không phải là truyền hình hay in báo mà là… phát tờ rơi. Những tờ rơi được in 4 màu hẳn hoi, như kiểu một trang họa báo về nội thất. Ban Quản lý phố cổ cắt cử nhân viên cầm tờ rơi đến tận nhà, gặp bằng được chủ nhà để đưa tờ rơi tận tay họ.

    Anh Long cho chúng tôi xem những tờ rơi mà anh và các nhân viên của mình đã phát cho rất nhiều bà con phố cổ để vận động họ yên lòng bàn giao nhà cho Nhà nước mà đến nơi ở mới. Tờ rơi có đầy đủ thông tin về những hộ gia đình đã chuyển đi, mô tả qua cuộc sống hiện tại của họ và đặc biệt là có rất nhiều ảnh. Ảnh chủ yếu là chụp nội thất với quanh cảnh sạch sẽ, thoáng đã và đương nhiên, nó đối lập với cảnh sống chật chội, tăm tối hiện tại trong phố cổ.

    Điển hình của những hộ gia đình đã chuyển đi là gia đình ông Phạm Bá Bảo. Gia đình ông Bảo, 75 tuổi là một trong 25 hộ dân được di dời và nhận nhà chung cư tại ngõ 67 Đức Giang, Quận Long Biên. Trước đây, căn hộ của gia đình ông Bảo chỉ có 15m2 nhưng có đến 4 người cùng sinh sống trong khuôn viên Đình Kim Ngân, số 42-44 Hàng Bạc. Trong tờ rơi còn in rõ ràng lời “phát biểu” của ông Bảo: “Trước đây ở phố Hàng Bạc chật chội quá, mọi việc sinh hoạt thì hạn chế, bây giờ Nhà nước cho sang đây chúng tôi vui mừng lắm, không khí trong lành, nhà cửa rộng rãi và tôi thấy người khỏe hẳn ra. Nói thật là thời gian đầu sang đây chúng tôi cũng rất buồn vì đang quen với không khí nhộn nhịp của phố cổ, song ở đây lâu thì giờ đã quen rồi”.



    Ông Trần Văn Thạch - cán bộ về hưu ở ngõ Phất Lộc chỉ mong sớm được chuyển đến nơi ở mới

    Còn gia đình ông bà Châu ở khu vực chùa Vĩnh Trù thì nói: “Không riêng gì gia đình nhà tôi mà còn các hộ gia đình khác được giãn dân về khu chung cư Nam Trung Yên này rất phấn khởi. Nói chung là về đây chúng tôi sống vui khỏe. Như trước đây ở khu vực chùa Vĩnh Trù trong căn hộ 15m2 mà có 2 hộ sống cùng nhau thì khổ vô cùng. Nhưng từ khi chuyển về đây, với diện tích mỗi hộ là 40m2 nên rất thoải mái. Chúng tôi phấn khởi lắm, xin cảm ơn Đảng và Nhà nước”.

    Ảnh ông bà Châu ngồi giữa căn nhà rộng rãi được căng to, mọi thứ trong nhà đều sạch sẽ. Và đến bây giờ, căn hộ của ông bà Châu hay căn hộ của ông Phạm Bá Bảo trở thành một điểm tham quan bất đắc dĩ. Anh Long cũng đã sang tận đó để nhờ vả vài hộ gia đình “tiếp” khách “tham quan” hộ. Cứ thứ Bảy hay Chủ nhật là lại có dăm đoàn “tham quan” nhà ông bà, ngó nghiêng để xác nhận thông tin trên tờ rơi. Họ muốn tận mục sở thị cuộc sống tương lai của mình và chắc chắn lại một lần nữa để có thêm quyết tâm chuyển đi.

    Ấy vậy mà biện pháp có vẻ thủ công này lại có hiệu quả rất cao. Nhiều gia đình lúc đầu còn tỏ ra lo lắng, thậm chí chống đối chính sách của Nhà nước thì nay lại răm rắp đồng ý chuyển đi. Họ còn đi vận động những gia đình khác, tạo điều kiện cho Ban Quản lý phố cổ Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm thực hiện nhiệm vụ của mình.

    Một cuộc đại di cư

    Mới đây nhất, đề án giãn dân phố cổ giải đoạn 1 từ quý II/2013 đến quý IV/2016 đã bắt đầu triển khai những bước đầu tiên. Đây được coi là một đại dự án và một cuộc đại di cư dành cho dân phố cổ sắp bắt đầu.

    Bà Lê Quỳnh Anh, Giám đốc Ban Quản lý Đề án Giãn dân phố cổ Hà Nội cho biết: Đề án được thực hiện làm hai giai đoạn, giai đoạn đầu xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ trong khu đô thị mới Việt Hưng. Giai đoạn thứ hai, quận Hoàn Kiếm sẽ xin 30ha đất để xây dựng khu giãn dân phố cổ tại các quận nội thành và tổ chức di chuyển hơn 5.000 hộ dân trong khu phố cổ sang khu đất giãn dân.

    Mục đích của đề án này cũng tương đối rõ ràng. Việc giãn dân sẽ giúp cải thiện, nâng cao chất lượng sống của người dân phố cổ, làm phố cổ khang trang hơn, khách du lịch sẽ đến phố cổ nhiều hơn. Hiện tại, dự án đang được thực hiện ở giai đoạn 1 (2013-2016) với 2 dự án thành phần gồm khảo sát, lập phương án đền bù, hỗ trợ và tổ chức di chuyển 1.530 hộ dân sang khu đô thị mới và đầu tư xây dựng khu đô thị mới tại Việt Hưng.



    Dù chật chội, tối tăm nhưng phố cổ vẫn là nơi không khó để mưu sinh (Ảnh: Đức Long)

    Cụ thể hơn nữa, vừa mới đây thôi, thông tin chính thức từ UBND TP Hà Nôi đã khẳng định, TP quyết định cho phép thực hiện chuẩn bị đầu tư Dự án Xây dựng khu nhà ở dãn dân phố cổ tại khu đô thị mới Việt Hưng. Quy mô rất hoành tráng bao gồm 16 tòa nhà cao 8-9 tầng và có đầy đủ khu nhà trẻ, mẫu giáo, trạm y tế, vườn hoa, cây xanh.

    Dự án có mức tổng mức đầu tư ngót 5.000 tỉ đồng và năm 2017 sẽ có thể ở được.

    Đối tượng giãn dân là các hộ dân sinh sống trong các di tích, công sở, trường học, các ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt cần bảo tồn, các chung cư xuống cấp nguy hiểm, các hộ dân sống trong phạm vi cần giải phóng mặt bằng theo các dự án của thành phố và các hộ dân tự nguyện di chuyển.

    Tóm lại, một bộ phận người dân phố cổ sẽ bàn giao nhà và đến nơi ở mới, đương nhiên, sẽ rộng rãi và sạch sẽ hơn gấp nhiều lần!

    Gút mắc lớn nhất là chuẩn bị việc làm cho người dân khi họ chuyển đến nơi ở mới. Việc ấy chẳng phải là dễ dàng gì. Bà Quỳnh Anh cho biết, với đề án này, khó khăn là đương nhiên vì đây là đề án lớn, có tính chất đặc thù và chưa làm bao giờ. Lý do của người dân đưa ra là chính đáng, đó là điều bất cứ ai đều nghĩ đến rằng, người ta muốn cái cần câu hơn là muốn con cá. Người ta cần công việc ổn định để duy trì cuộc sống hơn là căn nhà rộng rãi nhưng quanh năm “đói”.

    Việc xác định chính xác các đối tượng di dời và vận động người dân tự nguyện di dời cũng là việc muôn trùng khó khăn. Các hộ thuộc đối tượng bắt buộc phải di chuyển sẽ hưởng các chế độ theo quy định rõ ràng về đền bù giải phóng mặt bằng như được bồi thường, hỗ trợ về đất, bồi thường giá trị nhà, tài sản trên đất, được mua nhà tái định cư tại khu giãn dân phố cổ. Còn các hộ tự nguyện giãn dân sẽ được mua 1 căn hộ theo số nhân khẩu phù hợp với giá ưu đãi. Như vậy, những hộ gia đình bắt buộc di dời thì đi đằng một nhẽ nhưng những hộ tự nguyện di dời thì còn quá ít. Có vẻ như, đa phần người dân còn do dự và một căn nhà mới khang trang, rộng rãi vẫn chưa hấp dẫn được họ?

    Và “lùng nhùng” có vẻ chưa giải quyết xong. Tại ngõ 44 Hàng Buồm, có khoảng 100 nhân khẩu sinh sống hiện đang dùng chung 3 nhà vệ sinh, tuy diện tích mỗi nhà đều chật hẹp nhưng không phải ai cũng đủ kinh phí để chuyển đi chỗ khác. Chính bản thân anh Xuân cũng bảo rằng: “Nếu Nhà nước tạo điều kiện để người dân chuyển đến chỗ mới thì chúng tôi rất mừng, nhưng cần có phương án với những hộ dân như chúng tôi chứ chỉ hỗ trợ hoặc phải bỏ tiền ra toàn bộ tôi cũng không biết lấy ở đâu”.

    Với người dân, điều quan trọng khi chuyển đến nơi ở mới là việc đảm bảo cuộc sống sau này. Mặc dù ở phố cổ là thảm cảnh nhưng dân phố cổ vẫn kiếm được miếng ăn, nếu nơi ở mới không đảm bảo cuộc sống thì họ vẫn muốn ở lại đất cũ. Kế sinh nhai là lý do duy nhất khiến nhiều hộ dân băn khoăn trước việc di dời đến nơi ở mới, vẫn muốn bám trụ ở lại nơi được coi như “phố khổ”!

    Ông Phạm Tuấn Long, Phó ban Quản lý Dự án phố cổ đánh giá, đây là dự án mang tính xã hội cao, có tính chất đặc thù. Dự án kéo dài nhiều năm vì phải vừa làm vừa nghiên cứu, đề xuất cơ chế.

    Ước tính chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng sẽ lấy từ ngân sách Nhà nước hơn 1.590 tỉ đồng. Các hộ dân sẽ di dời đến địa điểm mới là “Khu nhà ở giãn dân phố cổ” tại Khu đô thị Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội.

    Sau khi nhận căn hộ tại khu nhà ở giãn dân, các hộ dân có trách nhiệm di chuyển chỗ ở và cắt hộ khẩu tại nơi ở cũ, đồng thời chuyển ngay hộ khẩu về nơi ở mới theo đúng quy định. Dự án dự kiến được triển khai từ quý II/2013 và hoàn thành vào quý IV/2016.


    Phóng sự của Vũ Minh Tiến
  4. hohuunghi

    hohuunghi Thành viên này đang bị tạm khóa Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    24/02/2011
    Đã được thích:
    1
  5. haglland

    haglland Thành viên này đang bị tạm khóa Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    24/12/2011
    Đã được thích:
    0
    Đất dự án sát thành phố thì không ở cứ chen nhau rúc vào những khu ổ chuột làm gì? Cứ thích trung tâm đông đúc. Người giầu có họ chả muốn sống trong thành phố, họ mua biệt thự thuộc các dự án ven thành phố sống cho khỏe vì không khí trong lành, hạ tầng mới, hoàn chỉnh, dân trí thì cao bởi toàn nhà giầu có tiền thì mới sống ở dự án. Còn có chỗ để xe hơi, có bảo vệ 24/24.....
  6. ngoctuan2006

    ngoctuan2006 Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    11/09/2013
    Đã được thích:
    4
    thấy mà ham, đó mới là cs chứ b-(
  7. Dancewithwolves

    Dancewithwolves Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    05/08/2010
    Đã được thích:
    1.897
    Dân sở hữu mặt đường phố cổ nó đầy biệt thự siêu xe roài
    Chỉ có những hộ cá biệt ở bên trong hẻm ngõ ngách, từ 1 hộ nhân thành nhiều hộ qua bao thế hệ thì mới chịu cảnh như báo chí nêu thôi. Bác nào thống kê xem có bao nhiêu hộ như vậy, tôi nghĩ cũng ko nhiều đâu. Giờ media đang viết và nêu điển hình, để rộng đường dư luận làm dự án giãn dân mà thôi. Cuối cùng đất phố cổ cũng vào tay các anh lớn hết.
  8. xxxmarsxxx

    xxxmarsxxx Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    31/03/2008
    Đã được thích:
    44
    Bác phân tích quá chuẩn.
    Đất trong ngõ phố cổ giỏi lắm thì được áp giá 20 triệu / m2.
    Rơi vào tay các anh hết.
    Tiền xây khu nhà tái định cư thì lấy từ ngân sách để đền cho dân.
    Của người phúc ta.
  9. tenluoi

    tenluoi Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    23/02/2006
    Đã được thích:
    91
    Ở trong ngõ chật nhưng tối ra vỉa hè bán phở, thu nhập ~100m/tháng, sao mà người ta lại phải đi đâu.
    Các bác ở tỉnh hôm nào thử ghé hàng phở gà vỉa hè phố hàng buồm ăn thử buổi tối, em chỉ nêu một ví dụ nhỏ thế các bác dễ hình dung.
  10. tenluoi

    tenluoi Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    23/02/2006
    Đã được thích:
    91
    Các hộ trong ngõ khó khăn thì được thu xếp ra bán ở chợ đêm, ra vỉa hè bán quán, đảm bảo thu nhập hơn các bác ở đô thị mới đói thối mồm nhưng lại mắc bệnh sĩ

Chia sẻ trang này