Việt Nam giành HCV seagame - bóng ma đã bị xóa (kỷ niệm thế hệ 7x,8X)

Chủ đề trong 'Thị trường chứng khoán' bởi Membermui, 11/12/2019.

5906 người đang online, trong đó có 764 thành viên. 17:50 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
Chủ đề này đã có 477 lượt đọc và 0 bài trả lời
  1. Membermui

    Membermui Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    01/09/2018
    Đã được thích:
    436
    Với những đứa thuộc thế hệ 8X như tôi, thì từ lúc biết xem bóng đá, Việt Nam luôn gắn liền với những ký ức của kì đại hội Sea Games 1995, khi chúng ta mới vừa hội nhập. Một Việt Nam bỡ ngỡ trước bạn bè cùng trang lứa khu vực, lần đầu biết đến thi thố thể thao đỉnh cao của 1 giải đấu dành riêng cho vùng Đông Nam Á chúng ta.

    Năm đó, thế hệ Vàng của bóng đá Việt Nam hồi ấy với những cái tên không thể nào quên như: Hoàng Bửu, Hữu Đang, Liêm Thanh, Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Minh Chiến… dưới sự dẫn dắt của cố HLV Karl Heinz Weigang đã có một hành trình vào chung kết đầy quả cảm với những chiến thắng làm nức lòng người hâm mộ. Mà hình ảnh cú ra chân vô lê nhanh như điện của cựu danh thủ Trần Minh Chiến (trong trận bán kết với Myanmar) dường như đã trở thành biểu tượng của bóng đá VN thời kỳ mới, đến mức được VTV highlight liên tục trong nhiều năm khi bắt đầu chiếu intro Bản tin thể thao của mình. Nhưng như một câu chuyện cổ tích giữa đời thường với thực tế khắc nghiệt, người Thái đã níu chúng ta trở lại mặt đất. Phong độ huỷ diệt của cựu danh thủ một thời Natipong thời điểm đó cộng với khả năng sút xa ảo diệu của hàng tiền vệ Thái đã khiến Việt Nam đại bại 4-0 trong trận chung kết.

    Đau ư? Có lẽ là chưa. Mà thay vào đó là cảm giác bàng hoàng. Tôi vẫn còn nhớ như in, đó cảm giác sau trận đấu. Một cái tát vỡ mặt của người Thái đã khiến cho thực tế trở lại sau những chiến thắng nức lòng. Nhưng sau tất cả, vẫn còn đó một niềm tin sắt son bởi dàn cầu thủ của chúng ta đều chỉ mới vừa tròn đôi mươi (ngay như cánh chim đầu đàn, anh Lê Huỳnh Đức năm ấy cũng chỉ vừa tròn 22).

    Đến năm 1999, rất nhiều cầu thủ thuộc thế hệ Vàng năm 95 đều đang trong độ chín. Niềm tin lại dâng cao hơn bao giờ hết, tưởng chừng ta đã không còn sợ người Thái khi cách đó 1 năm, chính ta đã sòng phẳng trả món nợ năm xưa bằng chiến thắng 3-0 trên sân Hàng Đẫy. Và cũng trong chính tối ngày hôm ấy tại Brunei, Thái Lan một lần nữa chiến thắng với 2 cú sút xa không thể cản phá của Dusit và Thawatchai.

    Nỗi buồn lại ùa về, sâu thẳm trong lòng, buồn đến ứa nước mắt. Nhưng chính ra, nó cũng không hẳn là buồn, mà là hụt hẫng. Thứ cảm giác khi mình tin tưởng vào 1 điều gì đó, rồi bỗng chốc vụt tan biến ngay trước mắt. Hàng ngàn lí do được đưa ra, hàng ngàn câu hỏi không có lời giải đáp. Tại sao lại thế này, vì sao lại thế kia? Để rồi cuối cùng, lại tặc lưỡi mà rằng: thôi thì hẹn lần sau vậy!

    Nhưng nào ai biết cái "lần sau" ấy nó là bao giờ? Lại những năm tháng chờ đợi lê thê. Và cái mốc 4 năm một, như một chu kỳ có tính tuần hoàn, mãi đến 2003, chúng ta mới lại vào chung kết trong một kỳ Sea Games tổ chức tại sân nhà. Ta đá tưng bừng và đầy hứng khởi. Đến chung kết, ta lại gặp lại người quen cũ thề không cùng chung dưới một bầu trời: người Thái.

    Trận ấy, tôi có 2 lần suýt rơi nước mắt. Lần đầu là bàn gỡ của Văn Quyến. Tôi hét đến khản giọng trong khi cả Hà Nội như rung chuyển vì niềm hạnh phúc. Và lần thứ 2, chính là bàn thắng của Nataporn trong hiệp phụ. Lưới đã rung, những con tim đã ngã quỵ và một lần nữa Việt Nam lại lỗi hẹn trên chính sân nhà của mình. Còn cay đắng nào hơn?

    Hai năm sau, lại chung kết, Thái Lan lại tát mình vỡ mặt với tỷ số 3-0. Từ đấy, nỗi đau cứ thế nhân lên. Giờ là đau, đau thực sự. Cảm giác Thái Lan như một đỉnh cao muôn trượng mà dù cố đến mấy, chúng ta vẫn không thể vượt qua. Nó đau đến mức đôi khi tôi tự hỏi, liệu chiến thắng năm xưa (1998) trên sân Hàng Đẫy có phải chỉ là một nhịp sảy chân của người Thái và là may mắn của Việt Nam? 2005 cũng là năm thế hệ Vàng tiếp theo của chúng ta bị phát hiện bán độ. Những cái tên từng một thời thân thương trên môi người hâm mộ giờ như quay lại tát vào chính mặt mình… mở ra một thời kỳ đen tối cho bóng đá Việt Nam: giải vô địch quốc gia thưa thớt, đồng bào quay lưng... Người ta không còn tin vào bóng đá nữa chứ đừng nói là những chiến thắng.

    Chỉ đến sau chức vô địch AFF cup lịch sử năm 2008, thì sự thất vọng mới vơi đi phần nào. Năm 2009, chúng ta trở lại Sea Games với một tâm thế khác. Mọi thứ dường như hoàn hảo cho 1 khởi đầu mới: Thái bị loại từ vòng bảng, còn đối thủ trong trận chung kết chỉ là một Malaysia (đội vừa mới là bại tướng của chúng ta 1-3 ở vòng bảng). Chưa bao giờ kèo ngon dâng đến miệng như vậy. Nhưng cuối cùng, hình ảnh đáng nhớ nhất của kỳ Sea Games năm ấy vẫn chỉ là hình ảnh ông Calisto đang "bóp cổ" thủ môn Tấn Trường (*). Trọng Hoàng - người chiến binh không phổi - năm đó mới 20 tuổi.

    Đó cũng là lần cuối chúng ta chạm đến gần nhất với giấc mơ Vàng. 10 năm dài đằng đẵng, 3650 ngày có lẻ cho những vết thương chỉ mới liền da đã rách trở lại, những hy vọng rồi lại thất vọng, những nuối tiếc khôn nguôi. Đến khi dường như trong ta không còn chút cảm xúc nào. Điểm xuyến trong màn đêm ấy, có chăng chỉ là vài điểm sáng le lói của lứa U19 Hoàng Anh Gia Lai.

    Cho đến ngày có một người đàn ông tên Park Hang Seo xuất hiện.

    10 năm để bóng đá Việt Nam chuyển mình (?). 10 năm để niềm tin trở lại. 10 năm như chờ đợi một người tình cũ trở về. Hóa ra tình yêu vẫn ở đâu đó trong tim ta chứ có nào mất đi đâu khác. Tấm huy chương đã đổi màu ngày hôm nay trên đất Philippines, nhưng tôi biết, bạn biết và chúng ta đều biết... nó được đánh đổi bằng sự vun đắp, gầy dựng của hơn 700 ngày tâm huyết của một tập thể. Từ thầy Park, các cầu thủ, ban huấn luyện chuyên môn... cho đến những con người thầm lặng như bác sĩ Choi, trợ lý ngôn ngữ hay ekip hậu cần.

    Có thể, đây chỉ là cái ao làng trong suy nghĩ nhiều người. Và thực sự thì nó đúng là cái ao làng thật, chứ chưa phải điều gì to tát. Nhưng sự ám ảnh, kỳ vọng với nó lại làm chúng ta khó chịu biết bao thế hệ. Trước trận đấu, chỉ mong rằng, lần này chúng ta sẽ chiến thắng, để vĩnh viễn quên đi cái ao làng, hướng tinh lực vào những mục tiêu lớn lao hơn trong tương lai.

    Hôm nay, khi nhìn con trai tôi vừa cầm bát cơm, vừa hò hét trước màn hình TV, đến mức sút luôn bát cơm xuống đất khi Hùng Dũng ghi bàn thì tôi nhận ra một điều: Bóng đá là thế! Và tình yêu, có lẽ cũng chỉ đơn giản như thế!

    Cảm ơn những chiến binh Rồng Vàng với tinh thần chiến đấu quả cảm, hết mình vì màu cờ Tổ Quốc. Lời cảm ơn này, từ tận đáy lòng, tôi muốn gửi đến không chỉ là đội bóng đá Nam của chúng ta, mà còn dành cho cả đội Nữ hay bất cứ những VĐV nào đang đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu cho quê hương!

    Bóng ma ám ảnh của thời xưa cũ đã tan biến.

    Những tiếc nuối, day dứt của gần hai mươi năm qua đã được trả đủ.

    24 năm, 8760 ngày kể từ lúc biết xem bóng đá tuyển Việt Nam…

    Đời người có được bao nhiêu cái 24 năm như thế?

    Hôm nay, chúng ta đã là nhà vô địch. Mà thế hệ này còn không vô địch thì còn thế hệ nào nữa đây?


    Copy: nguồn The X - File of history
    Tptienvuong, mtam137, senseivn1 người khác thích bài này.

Chia sẻ trang này