Thị trường bất động sản 2012: Nhiều tín hiệu lạc quan

Chủ đề trong 'Thị trường chứng khoán' bởi dongdatu, 15/01/2012.

4755 người đang online, trong đó có 437 thành viên. 22:24 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
Chủ đề này đã có 3752 lượt đọc và 54 bài trả lời
  1. dongdatu

    dongdatu Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    12/07/2007
    Đã được thích:
    7.014
    2012 - BĐS sẽ tan băng nhờ sức nóng của đất nền
    Ông Lương Trí Thìn – TGĐ Tập đoàn Đất Xanh nhận định: Năm 2012, thị trường BĐS vẫn còn khó khăn và xu hướng giao dịch cũng thay đổi. Nếu trước kia, đầu tư căn hộ được nhiều người lựa chọn, thì nay đất nền giá rẻ được coi là phương án tối ưu.


    Đông đảo khách hàng tham gia một buổi bán đất nền ở Đồng Nai

    Ông Lương Trí Thìn phân tích: “Điểm bất lợi của căn hộ là mua nhà hình thành trong tương lai, một dự án có tỷ lệ một phần chi phí đất, mười phần chi phí xây dựng khiến giá thành đội lên trong khi thị trường này lại thiếu vốn. Trong khi đó, đất nền giá rẻ có nhiều lợi thế: ít giảm giá, có chỉ số kỳ vọng tăng giá trị đều theo năm và suất đầu tư vào đất không cao như căn hộ”.

    Ông cho biết thêm: “Mặt hạn chế là đất nền trong nội thành TPHCM hiện nay đã không còn hoặc trở thành hàng hiếm, giá cũng rất cao. Doanh nghiệp kỳ vọng có doanh thu từ việc bán đất nền trong năm 2012 và tạm gác các dự án căn hộ là chiến lược hợp lý. Bởi nếu bán căn hộ thì phải xây, mất nhiều chi phí nhưng dòng tiền đầu tư vẫn còn quá eo hẹp”.
    Theo các chuyên gia, hiện nay hầu hết các sàn địa ốc khi nhận phân phối các dự án căn hộ phải thẩm định dự án không khác gì ngân hàng xét cho vay. Sở dĩ việc phân phối, mở bán chung cư của các sàn hạn chế hơn so với trước đây vì thị trường có quá nhiều dự án chậm tiến độ hoặc hết vốn nên buộc phải ngưng thi công. Và phương án bán đất nền có lẽ là an toàn nhất trong năm 2012 khi thị trường căn hộ dần bộc lộ nhiều rủi ro hơn.

    Ngoài ra, theo nhiều nhà đầu tư, những khó khăn hiện tại chỉ tập trung vào các dự án căn hộ ở Hà Nội và TP.HCM. Nhưng các dự án đất nền giá rẻ ở Bình Dương, Long An, và đặc biệt là Đồng Nai thì giao dịch vẫn tốt. Điều này lý giải vì sao gần đây, tại Đồng Nai, người dân, giới đầu tư đổ xô về khu vực Trảng Bom săn đất nền giá rẻ để kiếm lời.

    Ông Lê Chí Hiếu, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cũng nhận định là hiện nay thị trường BĐS TPHCM đang “ngụp lặn” trong khó khăn, cơ hội kiếm lợi nhuận từ thị trường này cũng đã giảm nên các nhà đầu tư đang chuyển hướng về các tỉnh vùng ven TP. Điều này khiến màu sắc tươi sáng của thị trường BĐS dồn về các tỉnh như: Long An, Bình Dương, Đồng Nai.

    Ông Lê Chí Hiếu phân tích: “Thị trường BĐS các tỉnh này dường như ít chịu ảnh hưởng bởi những chính sách kinh tế vĩ mô gần đây, do giá đất còn khá rẻ”.

    Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định hiện nay lượng tiền mặt còn nằm trong dân rất lớn. Trong khi lạm phát tăng cao, các kênh đầu tư khác kém hiệu quả thì đất nền giá rẻ được xem là kênh trú ẩn an toàn. Nguyên nhân chính là vì người dân vẫn quan niệm mua đất không chỉ đầu tư mà còn làm của để dành nên khi có vốn tích lũy ít (khoảng 500 triệu đồng) họ thường chọn đất nền..

    Ông Lương Trí Thìn nhấn mạnh: " Bất động sản chỉ có hai mảng chủ lực về nhà ở là đất nền và căn hộ. Khi căn hộ thất sủng, thị trường nghiêng hẳn về kênh nền đất là bình thường".

    Tuy nhiên, ông khuyến cáo: “Nên chọn lọc thật kỹ dự án, chủ đầu tư trước khi đưa ra quyết định. Đối với những dự án có vị trí đẹp, chủ đầu tư uy tín chắc chắn giá đất sẽ tăng do hiện nay đất nền ở các tỉnh này còn quá rẻ, trong khi hạ tầng đang được đầu tư đồng bộ, lạm phát tăng mạnh”.

    Dân Trí
  2. dongdatu

    dongdatu Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    12/07/2007
    Đã được thích:
    7.014
    Thứ Hai, 19/03/2012 | 06:32

    Đọc sách | Thảo luận: 0 | A A A



    Khởi động vốn cho bất động sản

    Nguồn vốn tài trợ cho bất động sản (BĐS) đang được các ngân hàng (NH) triển khai cho vay trở lại sau 1 năm đóng cửa.

    Ưu đãi lãi suất
    Trong khoảng 20 ngày trở lại đây, một số NH công bố chương trình giảm lãi suất (LS) cho vay đối với lĩnh vực BĐS. NH TMCP Á Châu (ACB) đưa ra chương trình “Tích lũy từ lương, dựng xây tổ ấm” đối với các khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua, xây dựng, sửa chữa nhà với LS giảm 1 điểm phần trăm so với LS bình thường. Theo hướng dẫn của nhân viên tín dụng ACB, đây là loại hình vay có nhận thế chấp là BĐS, người vay chứng minh thu nhập từ tiền lương, tiền công để trả khoản vay. LS cho vay hiện nay ở mức 22%/năm, khách hàng vay tham gia chương trình này tùy theo mức vay sẽ có mức LS giảm tương ứng. Nếu vay dưới 500 triệu đồng, LS vay được giảm 0,5 điểm phần trăm; từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng được giảm 0,75 điểm phần trăm; trên 1 tỉ đồng được giảm 1 điểm phần trăm. Đối với BĐS đang hình thành như căn hộ chung cư, NH sẽ xem chủ đầu tư có trong danh mục cho vay của NH hay không để xem xét cho khách hàng vay. Sau chương trình này, ACB tiếp tục công bố dành 1.000 tỉ đồng cho chương trình “Tăng thời hạn vay vốn, giảm áp lực trả nợ” cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh có nhu cầu vay mua nhà, đất, căn hộ với thời hạn vay dài hơn và phương thức trả nợ linh hoạt. Khách hàng được ân hạn vốn đến 12 tháng, NH tài trợ 85% giá trị nhà mua.
    NH ANZ thì giảm LS cho vay mua nhà 2 điểm phần trăm trong 3 tháng đầu tiên cho các khoản vay (có tài sản thế chấp) lần đầu từ 500 triệu đồng trở lên đến hết ngày 31.5 và giải ngân trước ngày 30.6. LS cho vay áp dụng cho chương trình này từ 17 - 17,5%/năm tùy theo nhóm khách hàng. Ngoài ra, ANZ còn áp dụng thời gian cho vay 20 năm và hạn mức cho vay 70% giá trị tài sản thế chấp.
    Cuối năm 2011, NH Nhà nước Việt Nam cho phép các NH được loại trừ 4 nhóm cho vay liên quan BĐS khi tính tỷ lệ cho vay phi sản xuất, trong đó có nhu cầu vốn để sửa chữa nhà và mua nhà để ở mà nguồn trả nợ bằng tiền lương, tiền công của khách hàng. Quy định này đã cởi trói cho NH khi triển khai cho khách hàng vay mua nhà để ở, sửa chữa.
    Một số chuyên gia dự báo thị trường BĐS sẽ sôi động trở lại vào quý 3 do việc LS giảm sẽ kích thích người mua. Hơn nữa, tình trạng dòng vốn từ thị trường chứng khoán chảy sang BĐS có thể lặp lại trong năm 2012 khi nhà đầu tư chứng khoán có lời, giá BĐS lại rẻ. Trong một cuộc hội thảo gần đây, GS-TS Đặng Hùng Võ cho rằng ngoài luồng vốn từ tín dụng NH, nguồn vốn trong dân hiện nay rất lớn nhưng do người dân bị ảnh hưởng tâm lý khi thị trường BĐS nhiều năm qua trì trệ nên chưa tham gia. Khi NH mở van vốn cho cá nhân mua nhà, vốn trong dân sẽ được kích thích tham gia thị trường nhiều hơn.
    Bất động sản “nương” theo lãi suất
    Nhiều doanh nghiệp (DN) BĐS đang tung hàng kèm theo nhiều chính sách bán hàng hấp dẫn dành cho người mua. Tuần qua, Công ty địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn đã mở bán hơn 100 căn hộ tại dự án Quang Thái (Q.Tân Phú, TP.HCM), với giá khoảng 13,5 triệu đồng/m2. Theo tính toán của ông Lê Thanh Thái - TGĐ Công ty Quang Thái - LS NH dù đã giảm nhưng vẫn còn quá cao so với sức chịu đựng của khách hàng nên công ty quyết định tài trợ LS cho người mua trong vòng 2 năm. Ngoài ra, hiện dự án này đã xây dựng gần xong phần thô, dự kiến tháng 9.2012 sẽ giao nhà nên khách hàng chỉ cần thanh toán 50% là có thể vào ở, phần còn lại trả góp trong vòng 2 năm không LS.
    Đầu tháng 4, Công ty địa ốc Lê Thành cũng trở lại thị trường bằng việc mở bán thử nghiệm 100 căn hộ ở Q.Bình Tân với giá 14 triệu đồng/m2. Khách mua căn hộ chỉ cần đóng 50% giá trị sẽ được nhận nhà, số tiền còn lại được chủ đầu tư cho vay trả góp trong 5 năm với LS cố định khoảng 12%/năm. Nguồn vốn tài trợ cho khách đã được công ty này chuẩn bị là 240 tỉ đồng. Công ty Việt Thuận Thành mở bán 100 căn hộ ở dự án V_Citilight (Đồng Nai) với mức hỗ trợ tài chính lên đến 40% giá trị căn hộ, tài trợ LS trong vòng 18 tháng, thanh toán 29 đợt… Thuduc House thì vào khoảng đầu tháng 4.2012 sẽ đồng loạt mở bán tất cả các dự án do công ty này đầu tư như khu phức hợp Phước Long Spring Town (Q.9) rộng khoảng 3 ha, dự án TDH - Phước Bình (Q.9), Long Hội City (Long An)... Lãnh đạo công ty này đang cân nhắc hàng loạt giải pháp để hỗ trợ khách hàng trong đó có việc hỗ trợ lãi vay. Công ty Eden Real cũng tổ chức Tuần lễ an cư từ ngày 21 - 26.3, mở bán khoảng 1.000 căn hộ giá dưới 1,6 tỉ đồng/căn, 500 nhà phố và 500 nền đất. Theo Eden Real, thời điểm hiện nay là cơ hội để giải quyết bài toán đầu ra cho các sản phẩm BĐS. Theo ông Park Jong Woo, Phó TGĐ phụ trách - lần giảm LS này có thể kích thích nguồn vốn đầu tư trong dân chảy vào BĐS.

    Cần giảm mạnh hơn
    Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng thông tin hạ LS hiện nay thực sự tác động nhiều hơn về mặt tâm lý do “nồng độ” chưa đủ mạnh. Vì vậy mà nhiều chủ đầu tư những dự án mở bán thời gian qua vẫn phải hỗ trợ LS cho khách hàng. Đối với người mua nhà, chính sách giảm LS của NH cộng với việc mua nhà trả góp được hỗ trợ LS từ chủ đầu tư khiến họ mạnh dạn hơn trong việc bỏ tiền vào BĐS, từ đó tạo tính thanh khoản tốt cho thị trường.
    Một số chuyên gia khác nhận định, chính sách giảm LS đã có tác động tích cực đến các kênh đầu tư, trong đó BĐS cũng được hưởng lợi một ít khi những người có tiền cảm thấy gửi NH không còn “ngon ăn” nên đã rút ra đổ vào chứng khoán hay BĐS.

    Thanh Xuân - Thiên Bảo
    THANH NIÊN
  3. dongdatu

    dongdatu Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    12/07/2007
    Đã được thích:
    7.014
    Tiền sẽ chảy vào nhà đất?
    Trong bối cảnh ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất, giá nhà đất liên tục giảm sâu… các đơn vị tư vấn bất động sản cho rằng, thời điểm để người có nhu cầu mua vào các dự án đã tới?
    Rục rịch gom hàng

    Việc ngân hàng hạ lãi suất đang tạo cú hích cho nhiều nhà đầu tư, đồng thời góp phần khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản (BĐS), vốn đã rơi vào tình trạng đóng băng từ tháng 6-2011 sau khi Chính phủ quyết định chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát. Vào thời điểm này, hầu khắp các phân khúc của thị trường BĐS đã giảm giá mạnh.

    Tuy nhiên, sự lựa chọn của các nhà đầu tư nhắm vào các phân khúc dự án đã bắt đầu thay đổi bởi sau cơn lốc giảm giá. Trong đó, những dự án đã xong giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật và hoàn chỉnh về thủ tục pháp lý là tâm điểm nhắm đến giới đầu tư.

    Mảng thị trường đang được các nhà đầu tư quan tâm nhất là đất nền dự án. Hiện tại, tại một số khu vực ngoại thành như, Đông Anh, Đan Phượng, Hoài Đức…, giá đất đã giảm khoảng 20-40% so với năm ngoái.

    “Lãi suất giảm, tiền đồng mất giá, trong khi đó giá BĐS đã giảm sâu nên nhiều nhà đầu tư bắt đầu tính đến chuyện thu gom một số BĐS có mức vốn vừa phải.”-Anh Nguyễn Hữu Quang, Giám đốc sàn BĐS Đại Phát cho biết.

    Tuy nhiên, theo anh Quang, các dự án chung cư hiện đang không còn là sự lựa chọn tối ưu vì giá khó có thể tăng. Trong khi đó, việc sở hữu đất nền tại các dự án, nhất là các dự án ngoại thành, ven Thủ đô với số vốn vừa phải đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

    “Việc đầu tư BĐS sẽ không còn siêu lợi nhuận như thời điểm trước đây, tuy nhiên đây vẫn được cho là kênh đầu tư an toàn trong bối cảnh này. Vì thế, sau khi lãi suất ngân hàng giảm, tôi cùng mấy người bạn đã rủ nhau rút tiền tiết kiệm để đầu tư đất nền dự án ở Mê Linh với mức giá vừa phải khoảng 2 tỷ đồng một lô để chờ lên giá rồi đẩy”-Chị Trần Huyền Linh-một nhà đầu tư cho biết.

    Theo khảo sát tại các sàn BĐS cho thấy, lý do mà Linh cũng nhiều nhà đầu tư khác đang tìm đến các dự án đất nền vùng ven, vùng ngoại thành vì suất đầu tư thấp, trong khi hạ tầng kỹ thuật các dự án này đã hoàn chỉnh.

    Chẳng hạn, tại Mê Linh hiện tại giá BĐS khu vực này đang rất rẻ trung bình chỉ khoảng 10 -15 triệu đồng/m2. Với số tiền 2 tỷ đồng, nhà đầu tư có thể mua được 1 lô đất liền kề rộng 100m2, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn thiện. Đơn cử như trục đường 100m với 8 làn xe chạy từ Phúc Yên đến đường Bắc Thăng Long Nội Bài đã gần xong chính vì vậy việc di chuyển rất thuận tiện.

    Dọc tuyến đường này đang có nhiều dự án khu đô thị đã cơ bản xong hạ tầng như, KĐT Diamond Park New; Vĩnh Sơn; Cienco5. Đặc biệt, các dự án như Diamond Park New; Hà Phong với lợi thế nằm ngay mặt đường 100m đang triển khai rầm rộ và giáp với khu dân cư cũ- Phố Yên đông đúc dân cư sinh sống.


    Tiền sẽ chảy vào nhà đất?

    Nhiều nhà đầu tư BĐS cho rằng, chính lúc thị trường trầm lắng sẽ là cơ hội tốt để xác lập mức cân bằng của thị trường BĐS, đẩy nó về đúng với giá trị thật. Sự giảm giá mạnh này được nhiều chuyên gia nhận định, thị trường BĐS đang lột xác để trở thành một thực thể lành mạnh vì quyền lợi của đại đa số người dân.

    Một số đơn vị tư vấn BĐS có uy tín như, Savills Việt Nam, CBRE, Knight Frank Việt Nam… đều có chung nhận định đã đến thời điểm mua vào các dự án địa ốc, đặc biệt là mảng đất nền dự án.

    Theo phân tích của Knight Frank: Do sự suy giảm của thị trường hơn hai năm qua, nên có một nhu cầu BĐS rất lớn đang bị dồn nén, hơn nữa số lượng nhà đầu tư quốc tế liên hệ với Knight Frank đã tăng đáng kể trong 6 tháng vừa qua. Đối với các nhà các đầu tư nước ngoài này, Việt Nam cùng với Trung Quốc và Ấn Độ đều trong tầm nhắm của họ.

    “Các nhà đầu tư sẽ có cơ hội mua tài sản trong tất cả các lĩnh vực với giá thấp hơn nhiều so với hai năm trước, và với một số lượng lớn các chủ đầu tư với gánh nặng tài chính sẵn sàng bán bớt các tài sản của họ, vì thế chúng tôi dự kiến năm 2012, thị trường sẽ hoạt đông sôi nổi hơn”-Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Cty Knight Frank Việt Nam nhận xét.

    CBRE cũng mới đưa ra bản đánh giá “về những cơ hội đầu tư mới tại thị trường địa ốc Hà Nội và TP.HCM. Trong đó CBRE lưu ý, năm 2012 sẽ là một năm mà các công ty địa ốc và các cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực này có thể đạt được lợi nhuận từ chính những cơ hội trên thị trường, nơi đã gặp phải nhiều khó khăn trong vài năm qua.

    Các chuyên gia cho rằng, nếu có sự điều chỉnh chính sách linh hoạt, lãi suất ngân hàng ổn định, dòng tiền được hướng vào các phân khúc có tính thanh khoản thì thị trường sẽ sớm phục hồi.

    “Thị trường BĐS không chỉ tạo cơ sở vật chất cho xã hội, tăng thu cho ngân sách, mà còn tạo việc làm, thúc đẩy nhiều ngành khác phát triển. Đặc biệt, nó vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn và an toàn đối với nhiều nhà đầu tư”-Một vị chuyên gia phân tích.




    Theo Huỳnh Tiều Minh

    TPO
  4. dongdatu

    dongdatu Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    12/07/2007
    Đã được thích:
    7.014
    Bất động sản đứng đầu bảng thu hút FDI 3 tháng 2012
    (25-03-2012)

    Với Dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương vừa được cấp phép, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã vượt lên đứng đầu trong các lĩnh vực thu hút FDI 3 tháng đầu năm 2012.


    Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã vượt lên đứng đầu trong các lĩnh vực thu hút FDI 3 tháng đầu năm 2012 với tổng vốn đăng ký hơn 1,2 tỷ USD.

    Với Dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương do Công ty TNHH Becamex Tokyu (liên doanh giữa Tổng công ty đầu tư và phát triển Công nghiệp TNHH MTV - Becamex IDC và Tập đoàn Tokyu của Nhật Bản) làm chủ đầu tư vừa được cấp phép trong tháng 3/212 với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,2 tỷ USD, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã vượt lên đứng đầu trong các lĩnh vực thu hút FDI 3 tháng đầu năm 2012.
    Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, chính dự án này cũng góp phần nâng tổng vốn đăng ký của tháng 3 lên 1,23 tỷ USD, ngang bằng tổng vốn đăng ký của cả hai tháng trước đó.

    Đứng thứ hai là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 51 dự án đầu tư đăng ký mới và 25 dự án tăng vốn với tổng vốn cấp mới và tăng thêm 1,17 tỷ USD (chiếm 44,6% tổng vốn đầu tư đăng ký).

    Lĩnh vực vận tải kho bãi đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 180 triệu USD (chiếm 6,8%).

    Đặc biệt, các dự án quy mô vốn lớn trong các lĩnh vực của 3 tháng đều thuộc về Nhật Bản, gồm Dự án khu đô thị Tokyu Bình Dương 1,2 tỷ USD; Dự án Cty TNHH Sản xuất lốp xe Bridgestone Việt Nam 574,8 triệu USD và Dự án công ty Công ty TNHH Oshima Shipbuilding Việt Nam 180 triệu USD đầu tư, tiếp tục duy trì vị trí đầu bảng của Nhật Bản trong số 26 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2012.

    Về vốn giải ngân, trong 3 tháng đầu năm 2012, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 2,52 tỷ USD, bằng 99,2% với cùng kỳ năm 2011. Riêng tháng 3, số vốn giải ngân đã đạt con số đáng kể là 1, 52 tỷ USD.

    Theo Khánh An

    Báo Đầu tư
  5. VHC2010

    VHC2010 Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    15/03/2010
    Đã được thích:
    1.730
    Chủ Nhật, 25/03/2012 | 09:53

    Đọc sách | Thảo luận: 0 | A A A
    Bí vốn kéo dài: DN từ nín thở đến tắt thở
    Để sống qua thời kỳ giông bão, các DN đã phải cắt giảm chi tiêu, tái cơ cấu, sa thải bớt nhân công và nín thở chờ cơn bão đi qua. Cuộc nín thở kéo dài khiến một bộ phận không nhỏ phải tắt thở.

    Bạn tôi có một công ty truyền thông, không lớn lắm nhưng việc làm khá đều, doanh thu mỗi năm dăm chục tỷ. Trừ mọi khoản chi tiêu, trong túi lúc nào cũng rủng rỉnh tiền bạc. Hơn thế, hắn rất bận, không biết vì bận thật hay vì túi tiền rủng rỉnh nên phải tỏ ra bận để nâng tầm quan trọng?

    Khi nền kinh tế khó khăn, các DN đều phải tự thích ứng bằng cách cắt dần mọi khoản chi tiêu. Cũng chính vì thế, mới đây, bạn tôi bảo thị trường truyền thông thu hẹp dần, hẹp dần. Các hợp đồng vì thế mà thưa dần, lợi nhuận giảm, không nuôi nổi quân, đành chuyển văn phòng về nhà theo kiểu "home office". Công ty kiếm được việc thì thuê ngoài theo kiểu "out sourcing", không kiếm được thì ngồi chơi, xơi nước. Ngồi chơi chán đành phải kiếm trò tiêu sầu, giết thời gian, chờ thị trường ấm lên sẽ hoạt động trở lại.

    Các chuyên gia kinh tế cho rằng, con số 50.000 phá sản được công bố mới đây chỉ là phần nổi của tảng băng. Trong một nền kinh tế mà thị trường chứng khoán ảm đạm, bất động sản đóng băng, lạm phát tăng cao, trong khi đó lãi suất ngân hàng cao ngất ngưởng mà không dễ gì vay được thì chuyện DN "tắt thở" là điều dễ hiểu. Chính sách lãi suất đã bóp nghẹt khu vực sản xuất, và khuyến kích cách làm ăn chụp giật. Gặp thương vụ nào hời, "đánh quả" xong, rút quân, còn làm ăn chân phương đúng luật thì cầm chắc lỗ.

    Để sống qua thời kỳ giông bão đó, các DN đã phải cắt giảm chi tiêu, tái cơ cấu, sa thải bớt nhân công và nín thở chờ cơn bão đi qua. Cuộc nín thở kéo dài khiến một bộ phận không nhỏ phải tắt thở. Trở lại trường hợp của anh bạn tôi như đã nói ở trên, đã hơn năm nay không phát sinh doanh thu. Cuối năm nộp báo cáo thuế cho đúng thủ tục. Nếu khó khăn kéo dài chắc phải làm đơn xin tạm dừng hoạt động. Doanh nghiệp chưa chết về mặt pháp lý nhưng chết về mặt sinh học.

    Tuy nhiên, không phải DN nào khó khăn cùng làm đơn xin dừng hoạt động. Nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh nợ nần kéo dài, trước sức ép của chủ nợ, đã chọn kế... "chuồn". Vậy là, các cơ quan quản lý nhà nước như Thuế, Hải quan... chỉ biết rằng có một số lượng DN như thế như thế mất tích, còn cụ thể của việc lặn không sủi tăm đó thế nào? Bao giờ mới nổi lại là việc mà không phải ai cũng biết được.

    Theo một nguồn tin không được công khai, đến thời điểm này, số DN phá sản không còn là dăm chục ngàn như chín tháng đầu năm ngoái mà đã vượt qua số 200.000. Con số này cũng phù hợp với nhận định của một số chuyên gia nước ngoài: khoảng hơn 30% các DN Việt Nam đã lâm vào phá sản. Nền kinh tế suy trầm, sức mua giảm, các doanh nghiệp thu hẹp quy mô, hàng ngàn văn phòng, chi nhánh của các DN ở các đô thị lớn bị đóng cửa, công nhân mất việc làm, thị trường bất động sản đóng băng, kéo theo đó là những ngành công nghiệp liên quan như xi măng, sắt thép, vật liệu nội thất đều giảm.

    Điều nghịch lý là trong bối cảnh như vậy của nền kinh tế thì lĩnh vực tín dụng vẫn là mảnh đất màu mỡ, các NH thương mại vẫn ung dung bởi cơ chế lãi suất huy động và cho vay quá hấp dẫn. Hiện tại, với mức huy động vốn bình quân với lãi suất khoảng 14%/năm, trong khi đó lãi suất cho vay hiện nay, dẫu đã giảm nhưng vẫn ở mức bình quân là 16,23%/năm. Đặc biệt với lĩnh vực phi sản xuất là 18-22%/năm; lãi suất huy động USD bình quân là 4,65%/năm, cho vay là 6,83%. Như vậy, mức chênh lệch giữa huy động và cho vay, thường xuyên lớn hơn 2%. Đây là điều mà chỉ có ở Việt Nam.

    Vậy làm thế nào để thoát khỏi tình trạng trên? Trả lời câu hỏi này, TS Nguyễn Văn Nam, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng chính phủ cho rằng, chính sách tiền tệ của ta vẫn nửa vời. Việc kiểm soát lạm phát chủ yếu là dùng các biện pháp hành chính mà chưa có những biện pháp về tài chính. Chi tiêu công kém hiệu quả, vượt quá khả năng chịu đựng của ngân sách, nguyên nhân chính của lạm phát vẫn chưa được xử lý một cách triệt để. Chính sách lãi suất vẫn bị một nhóm các NH thương mại chi phối mà chưa có một cuộc cạnh tranh sòng phẳng theo cơ chế thị trường. Điều này, khiến các DN Việt Nam vẫn phải chịu chi phí giá vốn cao kéo dài.

    Về thị trường chứng khoán, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thạc Hoát nhận xét, tuy đã khởi sắc nhưng chưa đủ mạnh để hâm nóng nền kinh tế. Sự suy trầm kéo dài của thị trường bất động sản như một bóng đen đè nặng mà vẫn chưa thấy ánh sáng. Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ và NHNN nên có chủ trương tiếp tục giảm lãi suất cho vay đối với các DN và có lộ trình đưa lãi suất cho vay trở về mức 11-12%/năm.

    Việc thắt chặt tín dụng kéo dài với các DN bất động sản khiến thị trường này không ngóc đầu dậy được. Với Việt Nam, thị trường bất động sản hiện chiếm khoảng 20% GDP, khi thị trường này chưa tan băng thì chưa thể nói đến việc ấm lên của nền kinh tế. Đặc biệt là những khoản nợ xấu của các ngân hàng thương mại đang có nguy cơ biến thành nợ... thối nếu thị trường này không được phục hồi, hậu quả lúc đó sẽ lớn hơn nhiều.

    Một chuyên gia trong ngành bất động sản cho rằng, đã đến lúc Chính phủ nên nới lỏng cho vay với thị trường bất động sản. Đặc biệt là nên cho người tiêu dùng vay vốn với lãi suất ưu đãi để người dân mua căn hộ đầu tiên, đây là biện pháp vừa có tác dụng kích cầu thị trường, vừa có ý nghĩa dân sinh.

    Một số chính sách khác cũng cần được hoàn thiện như thông qua đề án thành lập quỹ phát triển nhà ở và quỹ đầu tư BĐS, quỹ tín thác BĐS nhằm tạo được nhiều kênh huy động vốn cung ứng cho thị trường BĐS. Cùng với đó là những sửa đổi căn bản về luật đất đai để quyền sở hữu đất đai được trao cho người chủ thực sự chứ không còn là những khoảng trống chủ quyền mênh mông để một số quan chức vô lương tâm có thể lấn chiếm một cách tuỳ tiện.

    Doanh nghiệp là người lính tiên phong trên mặt trận kinh tế, hơn một phần ba số đó đã bị khai tử vì cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sự thương vong nào cũng để lại nỗi đau và hậu quả khôn lường. Những chính sách tích cực đang được trông đợi vực dậy nền kinh tế.
  6. Gekko

    Gekko Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    16/03/2012
    Đã được thích:
    0
    bác kẹp hàng BDS à, hehe
  7. dongdatu

    dongdatu Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    12/07/2007
    Đã được thích:
    7.014
    Đây là thời điểm thích hợp để mua nhà ở’

    (NDHMoney) GS.TS Đặng Hùng Võ đã chia sẻ như vậy tại hội thảo “Tìm vốn cho bất động sản”, do Tập đoàn FLC tổ chức sáng 30/3.


    Ông Đặng Hùng Võ (ở giữa) chia sẻ về thị trường bất động sản tại hội thảo.


    Tại buổi hội thảo, các diễn giả đã trao đổi ý kiến xung quanh vấn đề tìm vốn cho thị trường bất động sản giữa lúc thị trường này đang trầm lắng, không ít nhà đầu tư phải rao bán nhà với giá thấp để thu vốn về. Thị trường tiền tệ tín dụng đang có biểu hiện tốt như lãi suất tín dụng giảm, nhưng van mở cho bất động sản chỉ tập trung vào 4 nhóm chính chứ chưa mở rộng cho toàn thị trường bất động sản.

    Muốn gọi được tiền về cho thị trường nhà đất, theo GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường, thì phải tìm được nguyên nhân gây bệnh mới có cách chữa trị. Và một trong những nguyên nhân khiến cho giao dịch nhà đất èo uột, nhà đầu tư không gọi được vốn về, là do chưa giải được bài toán giá “hợp lý” giữa người bán và người mua.

    Người dân thì cho rằng, giá nhà đất đang cao hơn nhiều so với thực tế và họ chờ cho giá xuống thấp hơn, trong khi đó, người bán lại khẳng định, họ đã giảm giá hết cỡ và không thể giảm giá hơn. Hai bên giằng co nhau khiến cho thị trường thiếu vốn, dự án bị dừng tiến độ trong khi người có nhu cầu nhà ở lại chưa thể mua được. Giải được bài toán này phần lớn là doanh nghiệp phải chủ động tìm mua đất, tìm nguyên vật liệu, xem xét tiến độ dự án cho hợp lý nhất để giảm giá bán.

    Tạm dừng ở vấn đề tìm nguồn vốn về cho nhà đầu tư bất động sản, ông Võ nhấn sâu vào vấn đề “giá thực, giá ảo và giá hợp lý” để mua nhà tại thời điểm này: “Người ta vẫn cho rằng, giá nhà cao hơn giá trị thực cũng là một thực tế. Đã có một khoảng thời gian quá dài thị trường bất động sản đã không tập trung cạnh tranh giá cả, khi hàng ra lò bao nhiêu, đã có người ôm về bấy nhiêu, theo đó giá cứ thế tăng lên.
    Còn hiện nay, việc nhà đầu tư nói đã xuống giá hết cỡ cũng là đúng, mà người dân nói giá vẫn chưa sát thực tế cũng đúng. Vấn đề là hai đối tượng đang không gặp nhau, bài toán giá nhà tại Hà Nội và Tp.HCM chỉ được giải chừng nào giá hợp lý xuất hiện”.

    Đặc biệt tại thị trường Hà Nội, do cầu nhà quá cao, trong khi áp lực vốn lại chủ yếu tác động đến nhà đầu tư trung gian mà không tác động lớn đến chủ đầu tư nên họ vẫn khá vững, chủ đầu tư không cần phải giảm giá bán. Ông Võ cũng cho rằng, tại Hà Nội và Tp.HCM, cơ cấu huy động vốn có khác nhau. Theo thông tin của các nhà nghiên cứu thị trường ước chừng, tại Hà Nội thì 60% vốn được huy động từ kênh trực tiếp của người tiêu dùng và nhà đầu tư nhỏ lẻ. Trong khi, tại Tp.HCM, nguồn vốn đầu tư cho thị trường này từ nguồn tín dụng, chiếm khoảng hơn 80%.

    “Như vậy, với thị trường như hiện nay, tại Hà Nội người chịu áp lực về vốn là người ôm bất động sản, tức là nhà đầu tư nhỏ lẻ chứ không phải là chủ đầu tư. Chính vì không chịu áp lực vốn nhiều nên chủ đầu tư Hà Nội không giảm giá nhiều, họ thực tế đang rất vững và hộ sẽ cương quyết trụ tiếp”, ông Võ nói.

    Hơn nữa, ông Võ cho rằng, giá nhà tại thị trường TP.HCM có thể sẽ giảm tiếp vì áp lực trả nợ ngân hàng đã xuất hiện từ lâu.

    Tại Tp.HCM, lượng cung bất động sản cao hơn nhiều tại thị trường Hà Nội. Dân số Tp.HCM cao hơn Hà Nội nhưng nhu cầu nhà của người Hà Nội thì ngang với nhu cầu nhà tại Tp.HCM. Theo thống kê dự án, lượng cung nhà tại Hà Nội chỉ bằng 1/3 cung tại Tp.HCM.

    “Do đó, nếu mua để tiêu dùng thì thực sự thời điểm này mua là thích hợp. Những chỗ đảm bảo điều kiện thuận lợi thì sẽ không giảm giá hơn nữa nên mua lúc này hay chờ lúc khác cũng vậy thôi. Giá nhà sẽ chỉ giảm với nhưng nơi thiếu các yếu tố thuận lợi cho môi trường sống và làm việc”, ông Võ chia sẻ.


    Hoàng Thương - NDHMone
  8. dongdatu

    dongdatu Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    12/07/2007
    Đã được thích:
    7.014
    Nhà nước 'cứu' bất động sản: Dự án nào được chọn?
    Thông tin về việc nhà nước sẽ mua lại các dự án bất BĐS đang thắp lên tín hiệu lạc quan cho thị trường sau thời gian dài đóng băng, vậy nào để nhà nước chọn mua dự án BĐS ?
    PVcó cuộc trao đổi cùng Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam xung quanh vấn đề này.

    Ông Nam cho biết, đây là một trong những phần việc thuộc Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015, Ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 254), trong đó, Chính phủ giao Bộ Xây dựng đưa ra các tiêu chí BĐS thuộc diện nhà nước mua lại.
    - Động thái này chính là để “cứu” DN, mà tất nhiên là các DN BĐS vốn đang “sống dở, chết dở”, thưa ông ?

    Việc nhà nước mua lại các dự án BĐS là nhằm mục đích an sinh xã hội, để những người không có khả năng mua nhà thì có thể thuê ở và để phục vụ công tác tái định cư, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, số nhà này còn được đưa vào phục vụ cơ quan nhà nước trong việc làm trụ sở và nhà ở công vụ.

    Tuy nhiên, động thái này không phải để cứu DN BĐS đang trong cơn ế hàng. Bởi lẽ, trong điều kiện kinh tế bình thường, DN không gặp khó khăn thì nhà nước vẫn có thể mua, nhưng mua ở thời điểm này thì có lợi vì giá rẻ. Tiền của nhà nước không mất đi, bởi tài sản là BĐS thì về trung và dài hạn luôn có giá đi lên.

    Việc làm này đảm bảo mục tiêu giảm nợ xấu ở các ngân hàng (NH). Khi DN bán được hàng, thị trường sôi động trở lại thì mới có tiền trả nợ ngân hàng. Nợ xấu giảm đi, Chính phủ lại có tài sản. Một khi nhà nước có lợi thì người dân cũng có lợi, thể hiện ở chỗ người nghèo, các hộ dân tái định cư được ở nhà thương mại với chất lượng tốt hơn.

    Trong Đề án 254 đã nói rõ Chính phủ sẽ mua lại một số công trình, BĐS đang là tài sản thế chấp ngân hàng sắp hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng chưa bán được, nhằm phục vụ mục đích an sinh xã hội và hoạt động của các cơ quan nhà nước. Nếu nhà nước mua thời điểm này, bản chất có lợi cho ngân hàng, vì khi đó DN thu hồi được vốn, trả được nợ và nợ xấu ngân hàng sẽ giảm đi. Đây chính là giải cứu ngân hàng chứ không phải giải cứu BĐS.

    - Thưa ông, dù là giải cứu ngân hàng hay BĐS thì việc nhà nước mua lại các dự án BĐS thì nhà nước sẽ trở thành chủ đầu tư, và đương nhiên khi là chủ đầu tư thì cũng phải... lãi mới làm ?

    Trong chiến lược phát triển nhà khẳng định nhà nước có trách nhiệm trong việc lo vấn đề nhà ở. Nhà nước phải đi trước, trách nhiệm của NN trước hết là tạo hành lang pháp lý, môi trường kinh doanh, điều kiện thuận lợi cho DN và người dân làm. Trong vấn đề nhà ở, nhà nước phải chủ động tham gia vào vấn đề nhà ở với tư cách như nhà đầu tư, đồng thời là nhà sở hữu. Ở đây thì nguồn lực nhà nước có hạn. nhà nước nào cũng vậy, cả ở Mỹ, Đức… không nhà nước nào có tiền bỏ ra xây nhà cho người dân. Ở đây, nhà nước tập trung cho những đối tượng chính sách xã hội vì đây là đối tượng cần giúp đỡ nhiều trong an sinh xã hội. Nếu bảo DN đầu tư nhà cho người nghèo thì “quên khẩn cấp” vì DN muốn đầu tư vào đâu là việc của DN, DN nộp thuế là được. Nếu khuyến khích DN thì nhà nước phải động viên, thậm chí bắt buộc. Ví dụ, các dự án dùng 20% làm nhà ở xã hội thì DN phải chịu chứ không thì…còn lâu DN mới làm.

    Có thể nói, việc mua lại các sản phẩm được làm theo cơ chế thị trường sẽ vừa nhanh chóng, mà chất lượng lại đảm bảo. Ở Hàn Quốc, Nhật Bản khi thị trường BĐS đi xuống, Chính phủ bỏ tiền ra mua. Trước đây, nhà nước mình quan điểm có quỹ nhà để điều tiết thị trường. Khi giá nhà lên cao thì bán ra vừa thu lợi vừa điều tiết giá, lúc thấp lại mua vào. Tuy nhiên do nguồn lực hạn chế nên ta chưa làm được điều đó. Nay nhu cầu thực tế là nhà ở công vụ và cơ chế mới cho người nghèo thuê thì nhà nước vừa có tài sản, vừa thu được tiền về. Và ở đây, cãi lãi chính là… điều tiết được thị trường.

    - Vậy tiêu chí cụ thể để nhà nước chọn mua dự án BĐS sẽ như thế nào, thưa ông ?

    Bộ Xây dựng dự kiến mua lại một số dự án (DA) nhà ở thương mại có giá trung bình trở xuống, khoảng 15-17 triệu đồng/m2, nằm ở vị trí xa trung tâm.

    Hiện phía Ngân hàng nhà nước chưa đặt vấn đề chính thức với Bộ Xây dựng nhưng chắc chắn hai bên sẽ làm việc để thống nhất các tiêu chí cụ thể. Chính sách mới được thông qua thì chậm nhất là quý III/2012 sẽ đưa vào thực hiện.

    - Và cơ chế “đầu ra” sau khi nhà nước đã mua lại các dự án BĐS, thưa ông ?


    Nhà nước mua lại các dự án nhà ở, rồi cho người nghèo thuê vừa giải quyết được vấn đề nhà ở xã hội, vừa có nguồn thu.

    Bản thân nhà nước phải bỏ tiền ra từ nguồn này nguồn kia để mua các dự án, tạo lập quỹ nhà ở. Mua các dự án thì chắc chắn chất lượng sản phẩm tốt hơn là nhà nước bỏ tiền ra làm. Thực tế, chúng ta có nhiều bài học khi nhà nước tự làm nhà tái định cư, chất lượng kém, rất phản cảm. Và quan trọng là mua vào thời điểm nào. Nếu mua vào thời điểm thị trường trầm lắng thì giá thấp, nhà nước sẽ có lợi, vì kiểu gì thì trung và dài hạn, BĐS chỉ có đi lên.
    Nhà nước mua lại các dự án nhà ở, rồi cho người nghèo thuê thì vừa giải quyết được vấn đề nhà ở xã hội, vừa có nguồn thu. Tất nhiên bây giờ cho thuê phải theo cơ chế mới chứ không phân phối như ngày xưa, có hợp đồng thuê, và người thuê không ký với cơ quan quản lý nhà nước mà ký với DN. Nếu sau một khoảng thời gian độ 10 năm mà người thuê nhà có đủ tài chính thì Nhà nước bán lại. Vấn đề hiện nay là nhà nước dự kiến sẽ bỏ ra bao nhiêu tiền mua, trên cơ sở đó Bộ Xây dựng mới thống kê những người có nhu cầu và những dự án nào có thể mua lại được.

    - Xin cảm ơn ông !

    Theo Phương Thảo
    DĐDN
    ..
  9. dongdatu

    dongdatu Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    12/07/2007
    Đã được thích:
    7.014
    Nhận định chuyên gia »
    Thị trường bất động sản sẽ ấm lại vào cuối năm


    Chủ Nhật, 08/04/2012, 09:09
    In tin
    Gửi email
    RSS


    Đó là dự báo của ông Ko Chee Wah - Tổng Giám đốc Cty Cityneon Holdings, một DN quốc tế chuyên cung ứng các gói dịch vụ toàn diện cho Sự kiện và Triển lãm chuyên môn về thiết kế và xây dựng trong kiến trúc nội thất, phòng trưng bày và Công viên giải trí.


    Sau hơn 10 năm tiếp cận thị trường VN, mới đây, ông cùng các đồng sự đã khai trương văn phòng CityNeon tại TP HCM, “đón lõng” thời cơ phục hồi của thị trường BĐS VN.

    Theo ông Ko Chee Wah, nếu nhìn về dài hạn, nền kinh tế VN vẫn đang trong giai đoạn tăng trưởng tốt và đó là nền tảng cho mọi hoạt động đầu tư trong những năm tới.

    - Ông có thể cho biết về những dự định của các nhà đầu tư đến từ Singapore và CityNeon đối với thị trường VN, đặc biệt là thị trường BĐS?

    Tất nhiên là cũng giống như các nhà đầu tư Singapore, chúng tôi đánh giá rất cao cơ hội đầu tư vào thị trường VN. Cách thức của chúng tôi khi đã tham gia thị trường này là mong muốn có được liên kết với nhiều DN trong nước để cùng trở thành đối tác, cùng hợp tác làm ăn.

    Tôi nghĩ rằng với thị trường BĐS VN đang được cho là ảm đạm hiện nay, thực ra không phải do vấn đề của thị trường BĐS mà là vấn đề của hệ thống ngân hàng VN. Trong thời gian qua, các ngân hàng đã không thể cho DN và người mua sản phẩm BĐS vay tiền. Điều đó khiến thị trường lâm nguy. Nhưng tôi tin tưởng Chính phủ VN sẽ không để tình trạng này kéo dài và nhanh chóng thôi, những mối nguy khó gỡ này cũng sẽ phải sớm được giải quyết. Khi đó, thị trường BĐS sẽ nhanh chóng khởi sắc trở lại. Thời gian khởi sắc, ấm lại của BĐS VN, có thể là cuối năm 2012!

    Nếu tôi là một nhà đầu tư chuyên kinh doanh BĐS và trường vốn, tôi sẽ chọn đầu tư vào thị trường BĐS VN ngay ở điểm “đáy” này. Nên cũng không lạ là các nhà đầu tư đến từ quốc đảo Singapore thực sự quan tâm đến BĐS VN. Tôi cho rằng sự quan tâm đó sẽ còn được hiển thị bằng dòng vốn đầu tư từ Singapore vào thị trường này trong thời gian tới.

    - Ông nghĩ sao nếu có ý kiến cho rằng hoạt động về cung ứng kiến trúc nội thất với các dự án lớn như của CityNeon tại VN, vừa có ý nghĩa to lớn đối với kiến trúc, nội thất VN, nhưng cũng sẽ là một thách thức với chính diện mạo kiến trúc, nội thất Việt khi các dự án đều được thiết kế từ kiến trúc sư “ngoại”, từ các nguyên, vật liệu xây dựng nhập ngoại ?

    Tôi rất mong muốn trong tương lai, làm sao để sản xuất vật liệu xây dựng cho thiết kế kiến trúc, nội thất, phòng trưng bày, công viên giải trí đều bằng vật liệu của chính nội địa, ngay tại VN. Một nhà máy của Cityneon tại VN, tận dụng các thế mạnh vật liệu xây dựng sẵn có của VN là điều mà chúng tôi đã và đang hướng đến trong tương lai, khi có đủ cơ sở để không còn phải nhập toàn phần nguyên vật liệu thi công dự án nữa.

    - Thời điểm để xây dựng một nhà máy cung ứng nguyên vật liệu xây dựng cho các dự án ngay tại VN, và số vốn đầu tư cho nhà máy như vậy, đã được tính đến, thưa ông ?

    Khi tình hình kinh doanh tăng trưởng và thị trường BĐS ấm trở lại, mà thời gian đó chúng tôi tin là đang đến rất gần, thì có lẽ kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu tại VN của chúng tôi cũng sẽ đến gần hơn. Hiện nay, CityNeon mới chỉ là một văn phòng tại VN. Chúng tôi mong có cơ hội để có thể mở rộng đầu tư vào thị trường này.

    - Xin cảm ơn ông !
  10. dongdatu

    dongdatu Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    12/07/2007
    Đã được thích:
    7.014
    Bất động sản 'ấm' lại trong 3 - 6 tháng tới
    Liên tục những thông tin có lợi được công bố khiến nhiều người kỳ vọng thời kỳ đen tối nhất đã qua và bất động sản sẽ ấm trở lại trong vòng 3 - 6 tháng tới.
    Với những kỳ vọng trên, nhiều nhà đầu tư đang tự hỏi: phải chăng đã tới lúc mua vào để đón đầu làn sóng đi lên của thị trường?

    Thời kỳ "đen tối" nhất đã qua?

    Chuyên gia Trần Kim Chung, đến từ Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận, năm 2011 thị trường bất động sản (BĐS) đã chứng kiến tất cả những gì gọi là bất lợi: Giá giảm mạnh, giao dịch đình trệ, rất hiếm công trình khởi công hay kết thúc chu trình đầu tư. Nguồn tiền chảy vào thị trường cũng giảm mạnh. Hàng loạt doanh nghiệp, tập đoàn lớn của nhà nước không có chức năng chính là kinh doanh BĐS đã phải thoái vốn khỏi lĩnh vực này... Nhiều mảng thị trường tụt dốc khá sâu, thậm chí đã xuất hiện một số đợt bán tháo. "Giao dịch trầm lắng, giá giảm mạnh, bán cắt lỗ..." là những câu cửa miệng của giới đầu tư trong năm ngoái và những tháng đầu năm nay.

    Tuy nhiên, dường như những gì đen tối nhất đã ở lại phía sau bởi "thị trường bất động sản (BĐS) có thể đã chạm "đáy" của chu kỳ khủng hoảng". Đó là nhận định chung của hầu hết các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực bất động sản hiện nay. Sau rất nhiều nỗ lực của các cơ quan chức năng, tới cuối quý I/2012, tình hình thị trường đã bắt đầu có những chuyển biến. Những thông tin mới rất có giá trị như: nới van tín dụng với bất động sản, lãi suất sẽ giảm về khoảng 10% vào cuối năm 2012 (trung bình mỗi quý giảm 1%), Nhà nước sẽ bỏ tiền mua bất động sản trong nỗ lực tái cơ cấu ngành ngân hàng... được dự báo là có tác động rất tốt tới thị trường trong nửa cuối năm nay. Theo các chuyên gia, do độ trễ của chính sách, thị trường bất động sản sẽ thụ hưởng "thành quả" từ những chính sách trên sau từ 3 đến 6 tháng. Do đó, có thể thị trường sẽ khởi sắc rõ nét hơn từ khoảng cuối quý II, đầu quý 3/2012. Điều đó cũng có thể hiểu, đây là thời điểm nên mua vào để đón đợi những "làn sóng" mới trong tương lai gần.

    Nhiều chuyên gia kinh tế thống nhất rằng, những khó khăn của BĐS chỉ là tạm thời. Thị trường đang ở trạng thái nghỉ ngơi chờ một làn sóng đầu tư mới. Khi các điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường bất động sản sẽ nóng lên. Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhìn nhận, thị trường nhất định sẽ khởi sắc trong vài tháng tới. Thứ trưởng Nam nói: "Với nhiều thông tin tốt, mặt bằng lãi suất đang giảm dần, lạm phát duy trì ở mức thấp, thị trường sẽ có chuyển biến tích cực trong 3-6 tháng tới. Thị trường lúc này phụ thuộc khá nhiều vào yếu tố tâm lý, chứ tiền trong dân vẫn còn rất nhiều... Năm qua, thị trường có xuống dốc thật nhưng kinh nghiệm cho thấy, sự suy giảm đó vẫn nằm trong xu hướng đi lên".

    Vượt qua sức ỳ

    Nhìn về tương lai, chuyên gia Trần Kim Chung dự báo, tầm nhìn 2015 là sáng sủa đối với thị trường BĐS. Từ 2012 đến 2015, chắc chắn sẽ xảy ra một đợt điều chỉnh thị trường. Theo đó, sẽ có chủ thể sẽ rời bỏ thị trường và một số mới sẽ gia nhập. Ông Trần Kim Chung nói: "Thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đi ngang hoặc đi xuống chút ít. Từ cuối 2012, thị trường bất động sản bắt đầu đi lên và đạt đỉnh vào khoảng cuối 2014, đầu 2015". Đương nhiên, trong giai đoạn tới, thị trường BĐS còn phải vượt qua được sức ỳ của quá trình chuyển giai đoạn từ tiền tệ hóa lên tài chính hóa. Do đó, thị trường cần sự hỗ trợ có điều kiện từ hệ thống pháp lý về các công cụ tài chính mới sắp ra đời. Điều này cũng có nghĩa các cơ quan hữu quan phải chủ động và tích cực hơn nữa trong việc nghiên cứu và ban hành các chính sách liên quan đến thị trường.

    Bà Châu Thị Thu Nga, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Housing Group cũng khá lạc quan về tình hình thị trường thời gian tới. Bà cho biết, với sự dồi dào về nguồn cung, giá nhà ở được điều chỉnh phù hợp hơn và người mua sẽ có nhiều sự lựa chọn. Thị trường cũng trở nên minh bạch hơn. Tuy vậy, một trong những khó khăn đối với người mua nhà hiện nay là lãi suất ngân hàng còn quá cao. Lúc này, vay ngân hàng mua nhà không còn là lựa chọn hàng đầu của người mua, dẫn tới cầu trên thị trường giảm mạnh. Bà Nga phân tích: "Chính sách tín dụng hiện nay vẫn chú trọng đáp ứng nhu cầu của chủ đầu tư mà chưa chú trọng tới đáp ứng nhu cầu của cá nhân và hộ gia đình". Do vậy, trong bối cảnh thu xếp tài chính cho các khoản đầu tư còn khó khăn, các dự án đưa ra được hỗ trợ tài chính cho các nhà đầu tư sẽ thu hút được sự quan tâm lớn nhất.

    Cùng với đó, yêu cầu phân loại, tìm kiếm hàng hóa tốt trên thị trường hiện nay cũng không phải việc đơn giản. Các chuyên gia hàng đầu khuyên rằng, nhà đầu tư nên tìm tới những dự án nghiêm túc, có khả năng sinh lời cao, song cần cân nhắc yếu tố dài hạn. Đặc biệt, nên xem xét toàn diện về chất lượng dự án khi đầu tư. Cần quan tâm tới uy tín cũng như tiềm lực của các chủ đầu tư dự án.


    Nhà nước chỉ xem xét mua những dự án có giá trung bình dao động từ 15 - 17 triệu đồng/m2 trở xuống

    Đáng chú ý, theo đề án "Cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015", một trong những biện pháp nhằm cơ cấu lại tài chính cho các tổ chức tín dụng là "xem xét mua lại một số loại công trình, bất động sản thế chấp vay ngân hàng sắp hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng chưa bán được để phục vụ cho mục đích an sinh xã hội và hoạt động của các cơ quan nhà nước". Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, biện pháp này nếu được thực hiện trong thời điểm hiện nay sẽ giúp cho các doanh nghiệp bán được hàng, đồng thời tạo điều kiện cho các ngân hàng có cơ hội thu hồi vốn, giảm tỷ lệ nợ xấu. Về phía người dân cũng có cơ hội được thuê hoặc mua nhà có chất lượng tương đối tốt với giá cả hợp lý.


    Tới đây, Bộ Xây dựng sẽ có cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước và một số bộ, ngành chức năng về nội dung này. Theo quan điểm cá nhân, ông Nguyễn Trần Nam cho biết, mục đích của Nhà nước khi mua lại những dự án, công trình đó là để phục vụ mục đích an sinh xã hội như: bố trí nhà tái định cư, bán cho người có thu nhập thấp, đối tượng chính sách, cho thuê hoặc để phục vụ cho hoạt động của cơ quan nhà nước như: làm trụ sở, nhà ở công vụ cho cán bộ. Như vậy, Nhà nước chỉ xem xét mua những dự án có giá trung bình trở xuống. Ông Nam nói: "Những dự án, công trình này sẽ không thể nằm ở vị trí đắc địa, có quy mô và mức độ hoàn thiện ở mức vừa phải, giá bán dao động từ 15 - 17 triệu đồng/m2 trở xuống".

    Thị Trường sẽ khởi sắc rõ nét hơn

    từ khoảng cuối quý II, đầu quý 3/2012. Điều đó cũng có thể hiểu, đây là thời điểm nên mua vào để đón đợi những "làn sóng" mới trong tương lai.

    Thị trường BĐS sẽ thụ hưởng "thành quả"

    từ những chính sách trên sau từ 3 đến 6 tháng. Thị trường đang ở trạng thái nghỉ ngơi chờ một làn sóng đầu tư mới. Khi các điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường bất động sản sẽ nóng lên.



    Theo Phương Mai
    Doanh Nhân

Chia sẻ trang này