“Tôi già rồi, giờ muốn tiền thôi!”

Chủ đề trong 'Thị trường chứng khoán' bởi lexuantien, 24/05/2019.

2557 người đang online, trong đó có 341 thành viên. 18:13 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
Chủ đề này đã có 948 lượt đọc và 3 bài trả lời
  1. lexuantien

    lexuantien Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    04/04/2019
    Đã được thích:
    102
    Giai đoạn cao điểm của mùa đại hội đã qua, tổng kết năm trước đã rồi, bàn về kế hoạch năm mới thì cũng đã xong. Tạm quên đi những con số doanh thu và lợi nhuận, cùng ********* tản mạn về những gì mắt thấy tai nghe trong mùa họp mỗi năm một lần này.


    Bài viết là quan điểm riêng của tác giả, bàn về: Những mối quan tâm khác nhau của hai thế hệ nhà đầu tư già - trẻ; mối quan hệ giữa ban lãnh đạo doanh nghiệp và cổ đông; những quy trình, thủ tục tại cuộc họp thường niên.

    Cổ tức - tăng trưởng, khoảng cách thế hệ và thú chơi chim

    Tại không ít đại hội, các cuộc tranh luận nổ ra liên quan đến những mối quan tâm có phần đối nghịch giữa hai thế hệ cổ đông già - trẻ. Trong đó, vấn đề nổi cộm nhất vẫn thường là cổ tức của doanh nghiệp.

    Dễ thấy, nhóm những cổ đông lớn tuổi thường yêu cầu một tỷ lệ cổ tức tiền mặt càng cao càng tốt. Tại nhiều đại hội, cổ tức dường như luôn là mối quan tâm duy nhất đối với lớp cổ đông này, phần còn lại có lẽ không có cũng chả sao. “Tôi già rồi, giờ muốn tiền thôi!” - Một cổ đông lâu năm cảm thán tại Đại hội thường niên của một doanh nghiệp gỗ.

    Về phía nhóm cổ đông trẻ tuổi, “khẩu vị” của họ lại khác hoàn toàn, cổ tức tiền mặt chẳng phải là mối quan tâm trọng yếu. Nhóm này yêu thích một công ty kinh doanh tăng trưởng hơn là một doanh nghiệp ổn định (và đương nhiên cổ tức cũng ổn định), họ sẵn sàng đề nghị doanh nghiệp giữ lại lợi nhuận để tiếp tục đầu tư phát triển. “Chúng tôi sẵn sàng không nhận cổ tức nếu công ty có thể sử dụng tốt lợi nhuận giữ lại để phục vụ mở rộng kinh doanh”, lời của một cổ đông trẻ tuổi; và theo sau câu phát biểu là tràng pháo tay giòn tan, đương nhiên cũng của những người trẻ.
    [​IMG]

    Những mối quan tâm đối nghịch nhau kể trên hợp lý dưới góc độ hoàn cảnh, vị thế kinh tế của hai thế hệ cổ đông. Sau một quãng đời dài làm lụng, tích góp rồi đầu tư thì những cổ đông lớn tuổi ít nhiều cũng đã tích lũy được tài sản cho riêng mình; giờ đây họ muốn đống tài sản đó phải tạo ra những dòng tiền đều đặn, có đồng ra đồng vào để họ còn vui cái thú điền viên.

    Đối với lứa nhà đầu tư trẻ tuổi, phần đông họ vẫn trong giai đoạn bắt đầu sự nghiệp và đương nhiên vẫn chưa tích lũy được nhiều tài sản, nhóm này không đi tìm sự ổn định mà đi tìm sự gia tăng giá trị tài sản. Họ yêu thích lợi nhuận trên vốn (capital-gain) hơn là những dòng lợi tức ổn định tính trên lượng tài sản có giá trị chưa lớn, đây là lý do họ sẵn sàng bỏ qua những đồng cổ tức giao ngay để kỳ vọng về những con số lợi nhuận tăng trưởng trong tương lai của doanh nghiệp, qua đó phản ánh lên giá cổ phiếu.

    Chợt nghĩ, mối quan tâm khác biệt đối với cổ tức và tăng trưởng của hai thế hệ cổ đông âu cũng giống như thú chơi chim cảnh vậy. Sáng nào tại công viên gần nhà người viết cũng có một hội chơi mà phần đông người tham gia là các anh, các bác lớn ngồi xem một hàng dài những đám chim trong lồng, cũng như cổ tức đã nằm gọn trong túi. Còn đối với các bạn trẻ thì chắc có lẽ hiếm ai thích cái trò vui ấy, mà thích nhìn những chú chim vẫn còn líu lo trên cành hơn, cũng như những dòng lợi nhuận tương lai của doanh nghiệp vậy.

    Ban lãnh đạo và cổ đông: Vốn đã cách xa hay do cư xử?

    Tại nhiều đại hội, dường như không có mối liên kết nào giữa những người trực tiếp điều hành doanh nghiệp (ban lãnh đạo) và những người chủ của doanh nghiệp (cổ đông). Cuộc trao đổi giữa họ chỉ xoay quanh “giá cổ phiếu thế nào? Năm nay lãi nhiêu? Năm sau thế nào?...”, xong xuôi thì ai về nhà đó. Thậm chí, trong nhiều trường hợp cổ đông ra về với sự không hài lòng khi tờ trình được thông qua kèm những lời giải thích đại khái, vì nói cho cùng lượng cổ phần biểu quyết của nhóm kiểm soát cũng đã áp đảo kể cả khi những cổ đông nhỏ không đồng tình.
    [​IMG]
    Tuy vậy, tại một số đại hội thì mối quan hệ này lại thân tình hơn. Ban lãnh đạo nhớ tên của cổ đông, nhiều cổ đông tham dự cuộc họp cũng là những cổ đông lâu năm của công ty, cổ đông cũng khá thoải mái trong việc đưa ra ý kiến vì có lẽ họ cũng đã quá quen mặt nhau. Thậm chí tại đại hội của một doanh nghiệp gỗ, khi tất cả cổ đông tham dự đều đồng thuận với mọi tờ trình chỉ duy nhất một cá nhân nhỏ lẻ không đồng ý thông qua, thì vị chủ tịch vẫn dừng đại hội lại để thuyết phục cho bằng được người cổ đông khó tính này. Và đương nhiên cuối cùng vị cổ đông nọ cũng thuận theo đề xuất của ban lãnh đạo. Thế mới thấy, cứ nhẹ nhàng mà nói chuyện chứ cãi nhau phỏng có ích gì?

    Cách đối xử của ban lãnh đạo với cổ đông cũng làm nên không khí của một đại hội. Kế hoạch kinh doanh năm trước không hoàn thành, có vị chủ tịch đứng ra gập người xin lỗi và đương nhiên cổ đông chẳng có lý do gì để phàn nàn; tại một đại hội khác, có vị Chủ tịch giải thích nhiều nhưng cổ đông vẫn không hài lòng và tiếp tục chất vấn lý do. Thế mới thấy, một hành động hơn vạn lời nói.

    Cái khó của các “sếp” và chuyện thủ tục tại đại hội



    Tiến hành một cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên luôn đòi hỏi một quy trình nội dung, báo cáo mà có vẻ như nhiều doanh nghiệp hiện vẫn đang mắc kẹt với những quy trình cứng nhắc này.

    Có một quy trình chuẩn hóa đương nhiên là điều cần thiết, nhưng điều này không nghĩa là cứ đến đại hội thì cổ đông lại phải thấy cảnh ban lãnh đạo mang giấy ra đọc như diễn văn. Trong khi, những tài liệu được đem ra đọc vốn đã được gửi đến cổ đông từ trước. Tại không ít đại hội, thời gian diễn văn thậm chí chiếm phần lớn còn thời gian thảo luận eo hẹp, không mang tính xây dựng. Không thể “vơ đũa cả nắm”, nhưng xét khía cạnh này, ta càng thấy được sự khác biệt khi so sánh giữa hai nhóm doanh nghiệp tư nhân niêm yết và nhóm doanh nghiệp niêm yết có cổ đông chi phối là Nhà nước.

    Tuy nhiên, việc đặt vấn đề ở đây không phải là để chỉ trích cách làm của ban lãnh đạo những doanh nghiệp niêm yết mà Nhà nước nắm quyền chi phối. Ở một góc nhìn khác, rõ ràng họ không có được sự thoải mái cùng quyền hạn nhiều như các vị lãnh đạo của nhóm doanh nghiệp tư nhân niêm yết. Đó là lẽ dĩ nhiên, vì vốn dĩ họ không phải là “chủ thực sự” của doanh nghiệp mình đang điều hành.
    [​IMG]
    Ban lãnh đạo nhóm tư nhân thường cũng là những cổ đông lớn tại những doanh nghiệp họ quản lý, việc này đương nhiên ở một khía cạnh nào đó trao cho họ quyền tự quyết nhiều hơn. Tại một số đại hội, vị chủ tọa liên tục xin cổ đông bỏ qua những phần đọc rườm rà để đi nhanh đến phiên thảo luận trực tiếp. Đấy là tư duy hướng đến cổ đông, đơn giản vì họ cũng là một trong số đó.

    Đối với nhóm doanh nghiệp niêm yết có vốn Nhà nước, ban lãnh đạo trong hầu hết trường hợp chỉ là người đại diện đứng mũi chịu sào. Họ đứng ra quản lý vốn của Nhà nước, vốn của nhân dân do đó quyền hạn của họ đương nhiên ít hơn rất nhiều. Mặt khác, trên khía cạnh vẫn là một cán bộ Nhà nước, họ bị giới hạn từ việc phải đảm bảo quy trình thủ tục, rồi chú ý lời ăn tiếng nói cho đến mức độ chia sẻ thông tin đến cổ đông.

    Vào cửa thôi mà cũng khó!

    Thêm một vấn đề nữa, không liên quan nội dung cuộc họp, mà về thủ tục kiểm tra, chứng minh quyền tham dự đại hội của cổ đông, đương nhiên chỉ xét trên con số Đại hội vẫn còn khiêm tốn mà người viết có cơ hội tham dự. Để ý thấy rằng, tại phần đông những doanh nghiệp niêm yết tư nhân thì việc này giống với lúc đi mua một món đồ giá trị tại cửa hàng; tại những doanh nghiệp niêm yết Nhà nước nắm quyền chi phối, nói hơi quá thì cho cảm giác như lúc người viết đi làm giấy tờ gì đó tại một cơ quan Nhà nước vậy.

    Nhưng nói là thế, thủ tục “check-in” tại không ít các doanh nghiệp tư nhân niêm yết lớn vẫn cực kỳ “khó chịu”. Liên quan đến việc ủy quyền tham dự Đại hội, tại một doanh nghiệp bất động sản, những cổ đông có giấy ủy quyền với chữ ký, đóng mộc đầy đủ vẫn không được phép tham dự cuộc họp. Lý do được đưa ra đó là cổ đông không cung cấp được thư mời gốc từ phía doanh nghiệp này (bắt chuyện với nhóm cổ đông, người viết được biết các cổ đông không hề nhận được thư mời chứ không phải là quên mang theo), còn nếu không nhận được thư mời thì phải gọi trực tiếp đến công ty để thưa. “Ơ sao lại đẩy cái khó về chúng tôi, trong khi tại sao công ty đã gửi và không thấy chúng tôi hồi đáp mà lại không thắc mắc liên lạc?” - Một cổ đông cảm thán.

    “Chúng tôi không có nghĩa vụ gọi đến từng cổ đông để xác nhận.” - là lời hồi đáp tức thì và súc tích từ phía nhân viên công ty. Giờ mới thấy, người chủ của doanh nghiệp niêm yết đúng là “khổ chủ”.

    Vĩnh Thịnh

    FILI
    --- Gộp bài viết, 24/05/2019, Bài cũ: 24/05/2019 ---
    .
    thatha_chamchiInvestorVNstock thích bài này.
  2. VPBankQuan

    VPBankQuan Thành viên này đang bị tạm khóa Đang bị khóa Not Official

    Tham gia ngày:
    22/06/2015
    Đã được thích:
    12.276
  3. lexuantien

    lexuantien Thành viên rất tích cực

    Tham gia ngày:
    04/04/2019
    Đã được thích:
    102
    Thứ “quyền lực trên giấy” của cổ đông nhỏ lẻ
    Vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt Nam ngày càng lớn khi so sánh với GDP, giá trị giao dịch mỗi ngày được tạo nên chủ yếu bởi những cá nhân đầu tư nhỏ lẻ. Thoạt nghe thì tưởng rằng quyền lực của cái giới cổ đông nhỏ này hẳn phải đang tăng lên từng ngày, thế nhưng thực tế lại không được như vậy
    [​IMG]
    Đây là bài viết theo quan điểm riêng của tác giả, nhân cái cơ may được tham dự kha khá cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên mùa này. Với những dòng tản mạn sau đây, hy vọng quý vị độc giả, quý vị cổ đông sẽ có được một góc nhìn lạ hơn về thị trường chứng khoán, hay có lẽ là thấy cả mình trong đó!

    Làn sương mù của thị trường chứng khoán

    Thị trường chứng khoán Việt Nam đến nay gần 20 năm phát triển, dù vậy không thể phủ nhận rằng làn sương mù bao quanh nó đến nay vẫn còn khá dày. Đại bộ phận người dân vẫn còn ú ớ về thị trường chứng khoán khi được hỏi. Nhưng điều gây chú ý hơn thế chính là cái thị trường này dường như vẫn là “vùng đất bí ẩn” ngay cả với không ít những người điều hành các doanh nghiệp có cổ phiếu niêm yết.




    Tại một Đại hội, người viết có dịp trò chuyện cùng vị tổng giám đốc của một doanh nghiệp đã lên sàn gần 10 năm, nhưng dường như thật khó để giải thích cho vị này một câu hỏi về cổ phiếu (không phải về việc kinh doanh của doanh nghiệp). Đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề thanh khoản cùng định giá của cổ phiếu, sau một hồi diễn giải (người viết thấy đôi lông mày của vị tổng giám đốc nọ giãn ra bèn chắc mẩm vị này đã hiểu), câu trả lời nhận được lại liên quan đến một vấn đề khác về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

    Nói đi cũng phải nói lại, một ban lãnh đạo chỉ quan tâm đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp vẫn tốt hơn rất nhiều so với một ban lãnh đạo chỉ chăm chăm vào giá cổ phiếu. Tuy vậy, việc quá vô tâm đối với thị trường chứng khoán cũng có thể vô tình (nếu có) bỏ lỡ những cơ hội phát triển của doanh nghiệp.

    Câu chuyện này lại làm người viết liên tưởng đến một mâu thuẫn cố hữu tại thị trường chứng khoán Việt Nam: Người điều hành doanh nghiệp không hiểu về cổ phiếu công ty, còn không ít “cổ đông” thì lại chẳng biết gì về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

    Những nhà đầu tư kiệm lời…

    Đại hội thường niên gần như là cơ hội duy nhất trong năm mà cổ đông có thể trực tiếp chất vấn những người thay mình quản lý tài sản. Tuy vậy, dường như cổ đông Việt Nam lại không mấy mặn mà với cơ hội mỗi năm một lần này.

    Thực tế có hai nguyên do mà chủ quan người viết quan sát được. Thứ nhất là bản tính ngại nói trước đám đông của người Việt. Lưu ý một chút, tại các cuộc họp thường niên khi phần thảo luận là đứng lên đặt câu hỏi trực tiếp thì những lượt trao đổi sẽ rất thưa thớt, tuy nhiên nếu sau đó được mời viết những thắc mắc ra giấy thì rất thường xuyên việc trả lời những câu hỏi luôn vượt quá thời lượng thảo luận của Đại hội.

    Nguyên do thứ hai thì đáng ngẫm hơn, đó là việc nhiều cổ đông tham dự đại hội dường như không có đủ hiểu biết về việc kinh doanh của doanh nghiệp mà họ sở hữu. Thật khó để người nào đó đặt câu hỏi về một chủ đề mà họ không biết.

    Tại không ít đại hội, thậm chí ban lãnh đạo doanh nghiệp phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần mà vẫn không có ai đặt câu hỏi. Khi ấy những người điều hành doanh nghiệp cuối cùng phải tự bộc bạch, tự đặt câu hỏi thay cho những “người chủ” của mình. Thật đúng là không gì khó bằng “đi làm thuê”!

    Đương nhiên vẫn có số ít cổ đông tranh luận tại một vài đại hội, nhưng có lẽ họ không mong sẽ thay đổi được điều gì đáng kể khi nhận lại được sự thờ ơ từ không chỉ Ban điều hành mà còn từ chính những cổ đông cá nhân khác.
    [​IMG]
    Những đại hội hiu hắt…

    Mùa họp thường niên nóng sốt dưới cái nắng của mùa hè, dù vậy có chẳng ít những đại hội mà không khí vẫn “lạnh lẽo”, song không phải vì luồng hơi từ máy lạnh mà lại vì thiếu đi bóng dáng cổ đông. Tại nhiều cuộc họp mỗi năm một lần này, cổ đông thậm chí còn ít hơn cả nhân viên công ty.

    Dường như người ta chỉ biết mình là người sở hữu của cổ phiếu chứ không hề ý thức rằng họ cũng chính là chủ một doanh nghiệp. Đối với người chủ thì việc quan tâm đến công ty là lẽ thường tình; còn đối với những người sở hữu chứng khoán thì thị giá cổ phiếu cứ lên là đủ, chỉ cần biết thế!

    Những bước phát triển của doanh nghiệp, những động thái của các vị sếp điều hành tuy vẫn thường là những câu chuyện hay, những lời tán gẫu uyên bác bên tách cà phê hay ly bia, còn lại thì có vẻ không mang nhiều ý nghĩa. Đối với những “cổ đông” này, họ thảo luận về một công ty tại bàn nhậu hẳn còn nhiệt tình hơn là tại các cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên.



    … đến thứ “quyền lực trên giấy” của cổ đông Việt

    Năm 2018, vốn hóa thị trường cổ phiếu Việt đã tương đương hơn 70% GDP, doanh nghiệp cổ phần niêm yết ngày càng đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Trên thị trường chứng khoán, giá trị giao dịch cổ phiếu thì được tạo nên chủ yếu bởi hoạt động của các nhà đầu tư cá nhân. Thoạt nghe thì dễ liên tưởng đến việc quyền lực của nhóm nhà đầu tư nhỏ lẻ này đang ngày càng lớn mạnh. Nhưng không, điều nghịch lý là dường như thứ quyền lực đó chỉ mang ý nghĩa lý thuyết.

    Tại không ít đại hội, ý kiến của nhiều cổ đông cá nhân không được xem xét, nhiều câu hỏi của cổ đông bị ngó lơ. Ban lãnh đạo không những lựa lời giải đáp các thắc mắc, mà còn chọn lọc cả câu nào họ muốn trả lời và câu nào thì không. Và đương nhiên hẳn cổ đông nào cũng từng nghe một câu nói quen thuộc: “Chúng tôi sẽ trả lời sau bằng văn bản.”
    [​IMG]
    Nhưng thực tế, nguyên do của tình trạng “quyền lực giấy” này một phần không nhỏ lại đến từ chính sự thờ ơ của các cổ đông. Khi họ kiệm lời trong việc đóng góp ý kiến thảo luận, định hướng quá nhiều vào thị trường chứng khoán mà quên mất mình cũng là chủ doanh nghiệp. Đặc biệt là đối với một thị trường chứng khoán mà người tham gia phần lớn là những cá nhân (chứ không phải tổ chức) như tại Việt Nam.

    Vậy là vô hình trung, những người chủ về mặt pháp lý đã nhường lại hết quyền lực của mình cho những người làm thuê - những vị giám đốc điều hành doanh nghiệp.
  4. villy

    villy Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    01/12/2011
    Đã được thích:
    10.051
    Ở Việt nam nếu bạn cho một người nào đó mượn số tiền lớn gần như chắc là họ sẽ không trả bất kể đó là tiền mồ hôi nước mặt của bạn , vậy khi cổ đông góp tiền vào DN họ có quyền không trả cả vốn lẫn lãi họ có sẵn sàng làm không ? ta không biết chắc nhưng tốt nhất đối với DN không muốn chi trả tiền mà chỉ trả bằng lời hứa hay bằng cách giải thích kiểu như đầu tư lâu dài phát triển.. thì nên bán ngay để chậm ngày nào sẽ mất tiền ngày ấy

Chia sẻ trang này