Hạt giống tâm hồn

Chủ đề trong 'Giao Lưu' bởi nguoibinhthuong1980, 30/10/2010.

2851 người đang online, trong đó có 50 thành viên. 02:41 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
Chủ đề này đã có 18680 lượt đọc và 386 bài trả lời
  1. nguoibinhthuong1980

    nguoibinhthuong1980 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    19/03/2010
    Đã được thích:
    0
    Giã biệt tay mềm


    Một ông bạn làm nghề kiến trúc ở Hà Nội gọi điện thoại mời tôi đến nhà chơi, nhưng tôi biết là anh muốn khoe với tôi việc nhà anh vừa mới mua được cái máy... mát-xa. Sướng lắm ông ạ! - Anh bắt đầu thao thao bất tuyệt về cái sự đa năng của máy - nào là nó có thể làm tất cả các động tác đấm bóp, xoa, day, rồi rung, giật, ấn huyệt... Mà tiện nhất là lúc nào thấy mỏi thì cứ việc nằm vào, ấn nút là nó "hầu" mình đến nơi đến chốn.
    Anh kể, làm nghề này phải ngồi suốt cả ngày, đôi khi lại phải đi xe máy đường xa nên cái lưng nó hay mỏi, thi thoảng phải nhờ "bà xã" đấm hộ. Hồi đầu "nàng" nhiệt tình lắm, coi đó là dịp để được gần gũi, vuốt ve âu yếm chồng và có thể "nàng" cho đó là bổn phận, vì sức khoẻ của người mình yêu... Lâu dần, hình như cô ấy bận rộn hơn vì công việc, hoặc là "nàng" cảm thấy nhàm chán. Có thể không phải chán tôi mà là chán cái việc đấm bóp lưng cho chồng, vốn ngày càng ít cảm hứng. Tôi đâm ra ao ước được mát-xa một cách chuyên nghiệp. Giá như có cái máy như của anh có phải tốt không? Kẹt nỗi, cũng phải một khoản tiền kha khá. Thế là mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, sợ phiền đến vợ, tôi thường ghé vào quán mát-xa hay quán cắt tóc thư giãn bên đường, bỏ ra vài chục nghìn nhờ các em tẩm quất cho một chầu "lành mạnh" là thấy sảng khoái ra... Chẳng biết cô ấy có phát hiện ra điều đó không, nhưng một lần tôi bắt gặp "nàng" có vẻ nghi vấn khi ngửi thấy mùi lạ ở áo tôi. May mà mọi việc cũng qua đi. Ráng chờ đủ tiền mua cái máy mát-xa vậy.
    Ít lâu sau gặp lại, anh có vẻ hơi buồn. Hỏi ra mới hay họ đã ly thân. Bây giờ anh vẫn đi về căn nhà ấy nhưng họ không ăn ở cùng. Cái nhà ba tầng được chia ra làm đôi: anh ở tầng ba, chị tầng hai, còn tầng trệt dùng để xe và nấu nướng. Tôi chỉ quan tâm đến cái máy mát-xa, nên bảo anh cho tôi dùng thử, đỡ tiền ra quán, và lại khỏi bị vợ nghi. Anh bảo nằm thử vào máy rồi bật công tắc... Trên cái nệm êm ái tôi như bị những cái búa từ bên dưới nện huỳnh huỵch vào lưng, rồi có cái gì như bánh xa chạy miết vào sườn nghe sướng rơn... Trên cái ghế-máy ấy, trong cái cảm giác lạ lùng cùng với âm thanh của máy móc, tôi chợt rùng mình phát hiện ra rằng sướng thì sướng thật, nhưng hình như vẫn thiếu nhiều thứ lắm.
    Anh bảo: "Hay là ông đến nhà tôi lôi về mà dùng. Lâu nay tôi có sờ đến đâu". Tôi hỏi bộ ông giàu muốn ra cho các em mát-xa hả? Anh bảo: "Hôm nào đau lưng mỏi gối quá thì ghé vào tiệm mát-xa hoặc mấy hàng tẩm quất. Nơi ấy dù quan hệ thông qua tiền nong nhưng nó còn có hơi người ông ạ! Tôi sợ cái máy ấy cứ ùynh uỵch đấm lưng mình vô cảm lắm. Nó thiếu hơi ấm từ bàn tay con người... Không khéo đỡ đau lưng thì lại bị hội chứng khác, đau đầu lắm...".
    Tôi giật mình... Tôi ngờ rằng cái máy chết tiệt ấy lại là một phần nguyên nhân của sự tan vỡ gia đình họ?
  2. nguoibinhthuong1980

    nguoibinhthuong1980 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    19/03/2010
    Đã được thích:
    0
    Một bữa cơm

    Ngày... tháng... năm 2005

    Cứ vào tầm giữa trưa là quán cơm thật đông khách. Người ra người vào nườm nượp. Bầu không khí càng trở nên nóng nực và ồn ào. Hầu như ai cũng ăn cho thật lẹ để tranh thủ một chút thì giờ nghỉ ngơi rồi tiếp tục phần công việc còn lại vào buổi chiều.

    Nhưng chắc chắn rằng ai cũng phải thấy một người đàn ông ăn mặc bẩn thỉu, tay cầm cọc vé số đi mời từng bàn. Có chăng thì những cặp mắt đó cũng vờ lờ đi như không thấy gì vì cảnh nghèo đói, bần cùng đã quá đỗi bình thường nên họ không cần sẻ chia, không cần quan tâm.

    Mặc dù tay vẫn kiên trì mời khách từng tờ vé số nhưng cặp mắt khổ cực đó lại chú ý đến những bàn mà khách sắp ăn xong. Chỉ chờ có thế, khách vừa đứng dậy là người đàn ông đó nhảy vồ vào bàn, đổ những thức ăn còn thừa vào một cái dĩa và ăn lấy ăn để. Nếu chậm chân thì sẽ bị dọn đi mất.

    Một thanh niên trẻ tuổi, với bộ đồng phục trên người là công nhân của một xưởng in gần đó, đang ăn cơm ở bàn bên cạnh đã nhìn thấy. Anh mời người đàn ông đó một bữa cơm đúng tư cách là một vị khách của quán. Ông ta ngồi xuống không nói gì, chỉ biết ăn và ăn. Lúc ăn xong, ông ta đứng dậy cũng không nói gì, không một lời cảm ơn chỉ biết tiếp tục công việc của mình là mời vé số. Nhưng lạ thay, trên khuôn mặt của anh thanh niên trẻ đó hiện lên một niềm hạnh phúc kỳ lạ.

    Ngày...tháng...năm 2005

    Đã hơn 2 giờ chiều nên quán chỉ lai rai khách. Một bác ngoài 40 tuổi, mặc đồng phục của công trường xây dựng cầu Thủ Thiêm, với cặp kính lão trông rất phúc hậu. Bác đang ngồi đọc báo nghỉ ngơi sau bữa cơm trưa."Tính tiền cơm cháu ơi !". Vừa dạ vừa bước nhanh tới bàn, anh thanh niên bán cơm nói: "Tổng cộng của bác là 12.000 đồng, một đỉa cơm và một chai nước ngọt". Vị khách tiếp lời: "Thế tiền cơm của bà bán vé số ngồi kia hết bao nhiêu cho bác gửi luôn". Anh bán cơm cười: "Dạ 3.000 đồng, nhưng anh trai vừa ra khỏi quán đã gửi tiền rồi, cám ơn bác nhiều".

    Cuộc sống cần có sự chia sẻ biết bao. Có những lúc chỉ cần chia một bát cơm, một bát nước, hay một chỗ trọ qua đêm... Thậm chí chỉ cần một lời chia sẻ, động viên cũng đủ làm cuộc sống thêm tươi đẹp. Hạt muối cắn đôi mới thật sự tình nghĩa, mới đẹp lòng người.
  3. nguoibinhthuong1980

    nguoibinhthuong1980 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    19/03/2010
    Đã được thích:
    0
    Ông bố "vũ phu"


    Ngày xuân ra chợ quê chơi. Chợ quê nghèo chả có gì, chỉ thấy những người quê lam lũ, bỗng lại gặp chuyện không vui. Cái thằng oắt con ấy, chỉ độ 7-8 tuổi, chợ đông thế mà nó chạy như không có mắt, xô cả vào người tôi. Không sai mà, nó đâm bổ tiếp vào bà hàng trứng. Gay rồi. Bà hàng trứng kêu "ối" một tiếng, cái đòn gánh xoay 180 độ, hai sọt trứng văng ra đổ hết xuống đất...
    "Ối giời ơi, làng nước ơi, con nhà ai thế này!" - bà hàng trứng kêu lên, túm ngay lấy thằng bé. "Mày giết tao rồi, hơn trăm quả trứng gà so của tao", bà giơ tay lên toan đánh vào mặt nó. Một phụ nữ mang bầu giằng tay bà. Đám đông xôn xao: "Bố mẹ nó đâu? Con dại cái mang không lôi thôi gì cả". Chị mang bầu kêu to: "Các người không được đánh trẻ con. Đánh trẻ con là dã man...", giọng chị lạc đi vì sự dũng cảm bất ngờ của chính mình và vì những từ đao to búa lớn mà chị vừa thuộc trong cuốn sách về chăm sóc bà mẹ và trẻ em..."Hãy đợi bố mẹ nó đến!", chị quát to, mặt đỏ ửng.
    Vừa nhắc đến Tào Tháo, Tào Tháo đã đến. Bố nó, dáng điệu hùng hùng hổ hổ. Ông nhảy bổ vào giữa đám đông, vẻ mặt hầm hầm. Những tưởng ông định hành hung bà hàng trứng (bà đang túm tóc thằng bé). Không, ông nhảy vào và giáng cho thằng bé một cái tát. Đứa trẻ khóc òa lên. "Các ông các bà ơi, để tôi đánh chết cái thằng bất hiếu này đi" - ông bố rống lên - "Giời ơi, tôi bảo nó ở nhà trông mẹ nó ốm, thế mà nó chạy biến ra chợ, lại gây ra tội vạ thế này!". Ông giơ tay toan tát nó thêm cái nữa. Chị mang bầu hiên ngang chặn tay ông: "Cái ông này, thôi đi. Ông có phải là bố nó không?". "Nó làm hại tôi biết bao thứ rồi. Nó làm chết bỏng em gái nó. Tôi không đánh qùe nó, nó không chừa được". Ông dúi thằng bé ngã xuống đất, giơ chân định đạp vào bụng nó. Ông mà đạp thì thằng này chắc chết. Mọi người xô cả lại... Chị mang bầu quát "Ông là đồ vũ phu!". Chính bà hàng trứng cũng mủi lòng "Thôi mà ông, tha cho nó - bà nhặt mấy quả trứng lăn lóc dưới đất - cũng là do tôi mải mua cau không để ý". Ông bố chỉ mặt thằng con: "Mày cút ngay về cho khuất mắt tao!".

    *

    Phiên chợ đâu xuân thành ra mất vui. Tôi quanh quẩn ra hàng ăn. Thóang thấy thằng bé tôi vội chạy theo, định bụng cho nó ít tiền. Ông bố vũ phu đang dắt nó. Tôi do dự, không muốn lại gần. "Có đau lắm không?", ông bố cúi xuống hỏi, lau nước mắt cho nó. "Bố cho con đi chợ, sao vừa nãy lại nói rằng con phải ở nhà trông mẹ ốm? Mà con làm chết bỏng em hồi nào?" - thằng bé ấm ức. "Bố thương, bố thương, bố không nói thế thì người ta bắt bố con mình mất. Kiếm đâu tiền đền bây giờ. Bố tát con một cái, bây giờ bố đền con một cái bánh rán nhé!".
    Thằng bé ngoan ngoan gật đầu. Ông bố móc trong túi lấy ra mấy tờ tiền nhàu nát, dắt con vào hàng bánh rán...
  4. nguoibinhthuong1980

    nguoibinhthuong1980 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    19/03/2010
    Đã được thích:
    0
    Mong manh



    Anh ta chả đam mê gì. Chỉ "kết"... điện thoại di động. Máy bật suốt đêm. Dưới gối. Tắm, để máy trên bồn rửa mặt. Chơi thể thao thì kè kè bên hông. Bất cứ cuộc gọi nhỡ nào cũng "truy tìm". Dù có 8 trong 10 cuộc là nhầm số. Một thằng bạn buồn tay nhắn tin vào giữa đêm : Ngu chua? (ngủ chưa?). Lật đật tung chăn để reply, hỏi thăm, chúc ngủ ngon. Trao đi đổi lại. Rồi quá giấc, tỉnh như sáo trên giường. Tết, người ta chỉ cop dăm câu tụng sáo rỗng. Rồi send khắp các địa chỉ lưu trong máy. Anh ta thì khác. Hì hục soạn lời chúc cho từng người. Không cái nào giống cái nào. Cho thế mới thật lòng. Đi công tác. Chỉ cần một giờ ở vùng không phủ sóng là thấy bứt rứt.
    Thế rồi anh ta gặp nạn. Tông xe máy. Tỉnh dậy trong bệnh viện. Anh cho ngay tay vào quần tìm...điện thoại. Nó bay luôn trong vụ tai nạn. Chết thôi ! Mọi mối quan hệ của bao năm lăn lóc ngoài đời đi tong. 500 số điện thoại lưu trong máy. 500 số nữa giấu trong sim. Không có lấy một số ghi vào não. Vừa câm, vừa điếc, vừa mất trí nhớ. Cuộc sống sẽ ra sao?
    Vài ngày đầu, thấy thiếu và nhớ. Mấy ngày sau dịu dần. Rồi quen. Rồi quên. Rồi thấy...ổn. Vắng những cuộc gọi liên tiếp, những tin nhắn đọc không kịp thì trái đất vẫn quay. Anh ta lại chẳng mò ra số của ai để báo tin dữ. Cũng chả thấy buồn. Các mối quan hệ bên ngoài tưởng là mật thiết lắm. Hóa ra làm gì đến mức ấy. Bạn và bè bấm theo số cũ. Nghe tút ngắn. Thì thôi. Điện thoại nhà riêng ư? Chẳng để ý. Địa chỉ nhà? Không biết. Thói thường các bên vẫn gọi, nhắn cho nhau qua di động, hẹn gặp ở quán cà phê, quán bia, quán rượu. Chả có nhu cầu ngó đến ổ của nhau.
    Ở đầu thế kỷ 21, con người ràng buộc với con người bằng 10 chữ số. Tưởng là chặt chẽ. Lặn ở xó nào cũng lôi ra được. Thực chất quá mong manh. Mất máy. Hay làm mất máy. Thế là đứt tung một mắt trong chuỗi xích.
    Lại hai tuần nữa trôi vèo. Vết sẹo trên trán mờ dần. Anh ta chẳng buồn sắm một cái dắt lưng mới. Từ đam mê chuyển sang dửng dưng. Kể ra nó cũng mong manh thật !
  5. nguoibinhthuong1980

    nguoibinhthuong1980 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    19/03/2010
    Đã được thích:
    0
    Quà cho mẹ


    Có một hôm Minh thấy mẹ buồn, rất buồn. Nó không hiểu vì sao. Trẻ con buồn vui có cớ chứ người lớn thì chịu. Người lớn thấy trẻ con buồn, thường là biểu hiện giản đơn bằng nước mắt. Còn người lớn thì phức tạp lắm, buồn, nhưng chẳng phải lúc nào cũng khóc, chỉ im im, phải nhìn mà đoán. Có hỏi lại bị mắng là trẻ con vớ vẩn. Minh vào lớp mà cứ nghĩ ngợi lung tung. Nói chung, người lớn không nên tỏ ra buồn để trẻ con phải nghĩ nhiều như thế.
    Minh nghĩ về chuyện mẹ có vẻ buồn cho đến tận lúc tan lớp chờ mẹ đón. Đúng ra, lúc tan lớp chờ mẹ đón thì Minh nhớ ra rằng hôm nay trông mẹ buồn, vì cả ngày chơi với bạn vui quá quên mất. Chú ta muốn làm một cái gì đó cho mẹ. Hôm nay không có bài kiểm tra, chẳng kiếm được điểm 10 nào, chán thế. Cũng may hôm nay các anh chị lớp trên lại bày ra một lô những hàng thủ công làm tay trên một cái bàn nhỏ ở vườn hoa. Hình như các anh chị tập kinh doanh. Minh quyết định nhịn ăn sữa chua, mua quà cho mẹ. Một cái vòng mảnh mảnh bằng dây đồng, có quả chuông nhỏ. Chắc là mẹ thich. Minh cầm sẵn cái vòng ở tay, sà ngay ra khi mẹ dừng xe :
    - Mẹ, con mua quà cho mẹ đây này, một cái vòng!
    Mẹ ngạc nhiên lắm, Minh biết, có lần mẹ bảo trong nhà chẳng ai biết mua quà cho mẹ, mồng 8-3 cũng không có hoa, mấy bố con là đàn ông đều đoảng như nhau. Hôm nay là lần đầu tiên mẹ được tặng quà.
    Mẹ ngạc nhiên thật, và nói đúng một câu như thế thật.
    - Lần đầu tiên mẹ được tặng quà đấy. Cảm ơn con! Nhưng có đúng là con mua cho mẹ không?
    - Đúng mà, Minh phấn khởi, con mua cho mẹ, bằng tiền sữa chua. Mẹ sẽ đeo cái vòng này nhé.
    Mẹ đột nhiên cười rũ.
    Mẹ không đeo cái vòng này được, con yêu ạ. Vì đây là vòng đeo cổ chó, con nhìn quả chuông nhỏ này mà xem, khi nào con chó chạy, chuông sẽ lắc rất vui tai. Đấy, có một con chó nhỏ trong vườn hoa đang chạy đấy, nó đeo đúng cái vòng như thế này, con trông thấy không?
    Minh tý nữa thì khóc.
    Không sao đâu, mẹ rất thich cái vòng này, mẹ sẽ giữ nó. Món quà đầu tiên con mua cho mẹ mà - mẹ lại cười. Cười rất nhiều.
    Mẹ cười. Minh không còn nhìn thấy vẻ buồn trên mặt mẹ sáng nay nữa. Hay nhất là nhiều lần sau đó, mỗi lần mẹ có vẻ buồn, hình như mẹ lại lấy cái vòng đeo cổ chó đó ra xem, và mỗi lần thế, mẹ đều cười.
  6. nguoibinhthuong1980

    nguoibinhthuong1980 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    19/03/2010
    Đã được thích:
    0
    Hỏi linh tinh


    Người nước ngoài mới đến Việt Nam hay hỏi nhiều câu bất ngờ. Nếu hỏi GDP là bao nhiêu, tình hình kinh tế chính trị xã hội thế nào, thì còn dễ, còn trả bài được. Nhưng thường thì sự tò mò đẩy mọi chuyện ra khỏi tầm kiểm soát. Như câu này:
    Tại sao gốc cây có quét vôi trắng?
    Tôi nhớ ngày xưa đi học đã từng được nghe, là làm như thế để phòng sâu bệnh cho cây. Anh bạn tóc vàng mũi lõ nhất định không chịu: "Thế sao chân cột điện cũng được quét vôi trắng như thế?" Tôi ra ngoài kiểm tra, thấy quả có thế thật. Nhưng bêtông không thể hấp dẫn sâu bọ được. Nghi ngờ chính mình, tôi đi hỏi nhiều người, chỉ để rước thêm sự hoang mang. Có người phủ nhận chuyện sâu róm, khẳng định quét vôi thuộc về an toàn giao thông, nhằm để người đi xe máy ban đêm vội vã (lúc nào chẳng vội chỉ không biết vội để làm gì) không húc vào. Nhưng cũng có người từng trải bảo, có gì phức tạp đâu, chẳng qua mấy anh chị quét vôi cây tiện tay (hay sẵn vôi) quét luôn chân cột điện đấy thôi.
    Đại khái thế, nhiều câu hỏi ngây ngô mà gây bối rối. Tại sao trong giờ làm việc mà đường phố vẫn đông? Những người đi xe máy nhan nhản kia đi đâu trong giờ này? Tại sao ở Hà Nội có nhiều người già, đánh cờ, uống nước chè, tụm năm tụm ba, nhưng ở Sài Gòn không thấy? Do ít người già, hay họ thích ở trong nhà? Tại sao ở đây người ta không đi bộ, lúc nào cũng đi xe máy? Do lười, do thói quen, do trời nắng nóng, hay do không có vỉa hè? Nhiều lắm, kiểu hỏi linh tinh ấy. Nhưng chưa thấy ai hỏi vì sao lề đường ở ngã tư không vạt xuôi xuống cho xe lăn đi qua, kẻo không lại phải nghe thắc mắc kiểu, hay do ở đây không có người tàn tật? Mấy ông nước ngoài tôi gặp đều thuộc loại khoẻ mạnh, yêu đời, nhờ thế nên cũng vô tâm như mình.


    *


    Tôi chở Tí đi chơi lần nào về cũng mệt rũ rượi. Ngồi sau Tí cứ luôn miệng hỏi, những câu hỏi trẻ con: Tại sao thế này, tại sao thế kia... Câu nào cũng ngây ngô, vô tư. Trẻ con mà. Nhưng mệt. Lắm khi mệt quá, muốn bảo im, nhưng nhớ đến lúc trong một tương lai không xa, Tí nhà ta hì hục tìm cách trả lời những câu hỏi linh tinh trên, lại thôi. Phải trân trọng khả năng gây khó chịu này của con trẻ, nếu không sau này lại có thêm một người lớn quên mất cách đặt câu hỏi cho mình và cho thế giới quanh mình.
    Mà đã không biết hỏi, thì sao biết cách trả lời.
  7. nguoibinhthuong1980

    nguoibinhthuong1980 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    19/03/2010
    Đã được thích:
    0
    Học cách im lặng


    Ông là người nóng tính. Gặp chuyện bất bình ông thường xông vào can thiệp. Có lẽ vì vậy mà nhiều người quý ông, nhưng cũng nhiều người ghét ông. Ở cơ quan ông thường thẳng băng khi nhận xét khuyết điểm của người khác. Với các thủ trưởng, ông cũng chẳng kiêng dè gì. Chính vì vậy mà người ta cho ông về hưu sớm, ở tuổi 53.
    Vậy mà bây giờ ông gần như khác ngày xưa. Một năm sau ngày nghỉ hưu, ông có vẻ trầm lắng, suy nghĩ nhiều. Sau đó ông quyết định mở công ty và chuyển sang kinh doanh. Cách kinh doanh của ông cũng khác người: Đào tạo lại nhân viên cho các công ty khác. Theo ông, một trong những điểm yếu của nhiều công ty là buộc phải sử dụng các nhân viên không thực sự giỏi, nhưng không phải là cách nhân viên không có khả năng. Công ty của ông làm ăn khá phát đạt. Vậy điều gì khiến ông, một con người đã ngoại ngũ tuần, tính tình thẳng băng, lại có thể thay đổi đến như vậy? Bí quyết không nằm ở cái gì cao siêu mà chính ở một điều mà cuối cùng mới tâm niệm ra: Luôn biết im lặng đúng lúc. Ngày xưa chẳng bao giờ ông chịu im lặng khi thấy chuyện bất bình. Bây giờ, trước rất nhiều vấn đề, ông đã biêt bình tĩnh im lặng để suy xét trước khi đưa ra quyết định. Và ông đã học được một nghệ thuật rất cần thiết để việc kinh doanh của mình phát triển: Biết im lặng. Tôi hỏi ông vì sao lại học được sự im lặng trong khi đó không phải là bản tính của ông? Ông trầm ngâm một lát rồi giải thích: Có những cái tôi phải học cả đời. Như việc biết giữ im lặng. Tôi đọc một cuốn sách dạy "Thuật làm người" của Mỹ và trong cuốn sách này có 1 chương nói rằng muốn thành công bạn hãy thử học cách im lặng. Nó quá hay và tôi thử. Hóa ra nó hữu ích thật.
    Có một câu ngạn ngữ nói rằng: "Để học nói mất 1 năm, nhưng để học im lặng phải mất cả một đời". Câu này trong trường hợp của ông quả thật quá đúng.
  8. nguoibinhthuong1980

    nguoibinhthuong1980 Thành viên quen thuộc

    Tham gia ngày:
    19/03/2010
    Đã được thích:
    0
    Huyền thoại về những ngôi sao đêm
    Ban đêm, thế gian chìm trong giấc ngủ. Không gian yên tĩnh, một tiếng lá rơi cũng đủ làm con chim nhỏ giật mình. Những xáo động ban ngày lắng xuống: vui buồn, lo toan, giận dữ...
    Dường như cuộc sống trở nên thật bình yên, ngọt ngào.
    Ngoài kia, những ngọn gió vẫn lang thang vô định. Trên nền trời muôn vì sao nhấp nháy ánh sáng diệu kỳ lung linh. Những vì sao nhen nhóm niềm tin cho những cuộc đời bất hạnh. Người nghệ sĩ lặng lẽ thức với đêm, ghi nhận từng nhịp thở bầu trời đêm sâu thẳm, tôi chợt nhớ tới huyền thoại xa xưa về những ngôi sao.
    "Ngày xưa có một cô bé ăn mày tật nguyền, lang thang khắp đầu đường xó chợ kiếm sống. Cô không có mẹ, không có cha, không có cả họ hàng thân thích. Không ai biết mặt cô vì khuôn mặt ấy được phủ bởi một lớp vải trùm kín, chỉ còn đôi mắt khá đẹp nhưng xa xăm lạnh lùng. Người ta ghê tởm cô, ghê tởm thân hình khập khiễng, từ khuôn mặt che kín đến ánh mắt cô. Bọn trẻ con mỗi lần thấy cô xuất hiện liền hò hét ầm ĩ, ném đá vào người cô: "********* ơi, con ma xấu xí kìa". Một vài đứa nhỏ hơn sợ hãi bỏ chạy vào nhà đóng bịt cửa.
    Cô bé đã quen với sự đối xử của mọi người, khuôn mặt cô bao giờ cũng phải cúi gằm, thân hình run rẩy cố thu nhỏ lại. Những ngày như thế trôi đi cô sống cô đơn, trơ trọi một mình. Đối với cô bé ban đêm là thời gian mình yên dễ chịu nhất. Lúc đó, cô có thể gỡ những mảnh vải trùm kín mặt, lặng lẽ trò chuyện với những gốc cây, những loài cỏ dại. Con người ta đã chìm vào giấc ngủ, không ai có thể phá rối sự yên ổn của cô. Cô lắng nghe tiếng côn trùng kêu, hít thở hương thơm thoang thoảng của nhựa cây ứa ra từ thớ vỏ mà không nhìn thấy được mọi vật xung quanh.
    ... Một đêm trở về ngôi miếu cổ, rũ lớp khăn choàng cô chợt nhận ra mái tóc mình đã chảy dài tới gót chân. Cô đưa tay tính những vết khắc trên thân cây - "Thế là đã mười năm trời kể từ cái ngày cô biết khắc lên thân cây tính tuổi". Cô đã bước sang thời con gái. Cô biết rằng trừ đôi chân tật nguyền và vết thẹo kéo dài bên má thì cô không phải là một cô bé xấu xí. Giờ đây sức sống tràn đầy trong cô, cô chợt ước mơ, khát khao đến cháy bỏng được hòa mình giữa dòng đời được sống cuộc sống như bao người khác. Sắc xanh của cây lá, sắc tím, hồng của hoa và cả bầu trời đêm nữa, sao cô mong muốn được ngắm nhìn vạn vật đến thế! Vậy nhưng xung quanh bóng tối bao trùm.
    Từ đó, mỗi đêm về niềm khát khao cháy bỏng cùng với nỗi đau khổ tủi nhục giằng xé trong cô. Cô bật khóc, trăn trở cố ru ngủ trái tim mình nhưng bất lực. Rồi từng đêm, cô chặp tay cầu nguyện, mong rằng những khát khao của mình sẽ thấu lên trời xanh. Có thể một sớm mai, cô sẽ được chạy trên đôi chân của mình ngẩng mặt nhìn bầu trời cao rộng, cô sẽ mỉm cười với mọi người, sẽ sống như những cuộc đời bình thường khác.
    ... Cơn bão năm ấy đến sớm hơn mọi khi. Ngôi miếu làng bỏ hoang vốn rạn nứt từng mảng đêm ấy sụp đổ. Giá rét và kiệt sức, cô gái quỳ xuống bên gốc cây cổ thụ, hai tay vẫn nắm chặt lấy nhau hướng mặt lên trời cầu nguyện. Chớp giật từng đợt, gió gào thét, mưa xối xả...
    Cơn bão dứt, vài ngày sau đó người ta không thấy cô bé ăn mày đâu nữa. Cũng từ đó trên nền trời về đêm xuất hiện những đốm sáng lung linh. Có thể trong đêm giông bão ấy, cô bé đã đốt cháy trái tim để tự sưởi ấm cho mình.
    Đó là huyền thoại từ thuở xa xưa. Ngày nay, trên nền trời đêm những vì sao vẫn sáng, ánh sáng niềm tin, niềm hy vọng. Nếu để ý kỹ hơn bạn sẽ thấy cuối chân trời xa một vì sao lẻ loi cô đơn nhưng cháy sáng.
    Khi đêm buông xuống, thế gian chìrn trong giấc ngủ yên lành. Ngoài kia, những kiếp người bất hạnh vẫn nhen nhóm trong mình những ước vọng nhỏ nhoi bình dị. Và ở đâu đó, có một vài người vẫn thức, ngước mắt ngắm nhìn vì sao lẻ loi trên bầu trời.
  9. phongthuyBDS

    phongthuyBDS Thành viên này đang bị tạm khóa Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    15/02/2008
    Đã được thích:
    4.036
    Hãy nói lời xin lỗi!


    TT - Sống ở VN, nhiều lần tôi bị hụt hẫng trong những tình huống chỉ nhận được những cái ngoảnh mặt làm ngơ, sự im lặng thay vì lời xin lỗi làm dịu lòng.
    Tuần trước trên đường đi ăn tiệc, tôi đã tấp vào một trạm xăng bên đường để đổ xăng. Nhân viên trạm xăng vô ý bơm quá đầy và làm xăng văng vào áo mới tôi đang mặc. Quá bất ngờ tôi không còn nói được gì, chỉ nhìn chằm chằm vào mặt anh ấy.
    Người nhân viên lúc đó cũng không nói gì và vờ làm ngơ, chăm chăm đổ xăng cho xe khác. Tôi cảm thấy thật sự giận dữ và bối rối, tại sao anh ấy không nói lời xin lỗi?
    Lần khác khi ăn phở, tôi tình cờ phát hiện miếng nilông nhỏ trong tô phở. Khi tôi nói chuyện này với người phục vụ và quản lý quán phở, họ chỉ nhìn chằm chằm vào tôi. Sau đó, họ mang cho tôi một tô phở khác nhưng chẳng buồn nói xin lỗi hay tỏ vẻ hối tiếc.
    Với thái độ dửng dưng của nhân viên phục vụ và người quản lý, tôi chẳng muốn ăn nữa, chỉ tính tiền ra về và tự hứa sẽ không bao giờ trở lại quán phở đó nữa. Tôi tự hỏi không biết nhân viên trong quán phở có cùng nhau xem xét lại tai nạn nói trên để rút kinh nghiệm?
    Nhiều năm sống ở VN, tôi nhận thấy người Việt không muốn thừa nhận mình sai và nói lời xin lỗi. Mặc dù rõ mười mươi là lỗi của mình, họ cũng chỉ phản ứng bằng cách im lặng, lảng tránh, thậm chí cãi lại thay vì thú nhận lỗi lầm của mình trước mặt người khác.

    [​IMG]
    Đấu "võ mồm" trên đường hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) sau một vụ va quẹt xe - một hình ảnh thường thấy trên đường phố hiện nay (ảnh minh họa) - Ảnh: M.C Tôi đã vướng vào một vụ đôi co vì đối phương không muốn nhận mình đã sai. Lần đó tôi đi bệnh viện và phải điền đơn bảo hiểm để được miễn giảm khi thanh toán. Mặc dù tôi đã điền đơn rồi nhưng nhân viên ở quầy cứ khăng khăng là tôi chưa làm.
    Sau đó tôi phát hiện cô nhân viên vô tình để quên đơn tôi đã điền đâu đó. Tại sao cô ấy phải tranh cãi với tôi thay vì thừa nhận mình đã làm mất đơn, rồi nói lời xin lỗi và nhẹ nhàng đề nghị tôi điền đơn lại?
    Từ nhỏ bố mẹ đã dạy tôi nói lời xin lỗi khi làm điều gì sai. Ngược lại, họ cũng xin lỗi tôi khi họ sai. Tôi lớn lên trong môi trường mà mọi người nói lời xin lỗi để bày tỏ sự quan tâm, tình thương yêu và tôn trọng lẫn nhau. Thật vậy, dạy xin lỗi phải được bắt nguồn từ gia đình, nhà trường. Thế nhưng theo tôi thấy ở VN, nhiều người lớn luôn muốn chứng tỏ mình đúng và ít khi xin lỗi trẻ nhỏ. Như vậy thì làm sao làm gương cho trẻ và dạy trẻ thói quen nói xin lỗi?
    Tôi công nhận đây là do sự khác biệt văn hóa mà gốc rễ, theo tôi, có thể là nỗi sợ mất mặt của người Việt. Ở phương Tây chúng tôi cũng coi trọng thể diện của mình nhưng không đến nỗi giả vờ, làm ngơ sai phạm của mình để tổn thương người khác.
    Theo tôi, không có gì xấu khi lầm lỗi và nói lời xin lỗi vì mọi người thường đứng lên từ sai lầm của mình và của người khác nữa. Biết nhận lỗi sẽ làm quan hệ giữa con người với con người trở nên tốt đẹp hơn.
    Hãy thử tưởng tượng nếu có va quẹt trên đường và một hoặc hai bên nói xin lỗi trước thì sẽ không có những vụ tranh cãi, làm tắc nghẽn giao thông. Trong công ty, thay vì đổ lỗi cho nhau thì hãy mạnh dạn thừa nhận lỗi của mình để quan hệ đồng nghiệp tốt hơn, công việc trở nên thuận lợi hơn.
    Nếu bạn làm điều gì sai, hãy nhìn nhận và nghĩ xem lần sau bạn làm tốt hơn bằng cách nào. Né tránh lỗi lầm của mình hay đổ cho người khác càng làm bạn mất mặt hơn với nhiều người.
    ALISON R. BISHOP (người Mỹ) - PHƯƠNG THÙY ghi



    http://tuoitre.vn/Ban-doc/Trong-mat-nguoi-nuoc-ngoai/426388/Hay-noi-loi-xin-loi.html
  10. phongthuyBDS

    phongthuyBDS Thành viên này đang bị tạm khóa Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    15/02/2008
    Đã được thích:
    4.036
    Triết lý về câu Chuyện "Những mũi tên"

    Khi ta bị trúng 1 mũi tên đầu tiên ,chắc chắn rằng vết thương đó rất đau:(( ,nhưng nếu ta vô tình hay cố ý để cho 1 mũi tên khác trúng vào vết thương đau có sẵn, thì lúc đó ta sẽ đau gấp đôi ,ba lần...
    nếu ta lại vô tình hay cố ý để cho 1 mũi tên khác trúng vào vết thương đó lần nữa thì nỗi đau lên gấp 10 lần .nếu ta vẫn vô tình hay cố ý để cho 1 mũi tên ...n ... trúng vào vết thương thì lúc đó ta ...mất mạng và còn mất thêm nhiều thứ giá trị khác :((:((:((.
    Cũng giống vậy khi ta bị mất tiền vì thua lỗ CK hay bất kì lí do nào thì ta rất khổ sở:(( đó là mũi tên đầu tiên ,nếu ta buồn phiền quá mà sinh ốm đau thì đó sẽ là mũi tên thứ 2 ...:((:((nếu ta cãi cọ... ly dị thì là mũi tên 3 :((:((:((.con ta chán nản ,bỏ học ,đi bụi thì là mũi tên ...5 .10 .nếu ta chết thì cả bản thân và gia đình gia đình mất tất cả :((:((:((:((:((:((:((đó là mũi tên thứ ...n ...
    Cho nên tất cả mọi người hãy cố gắng để dừng lại ở mũi tên đầu tiên nha !:x:x:x:x:x:x:x:x

Chia sẻ trang này