Lòng mẹ.

Chủ đề trong 'Giao Lưu' bởi baovelephai, 29/09/2013.

Trạng thái chủ đề:
Đã khóa
3031 người đang online, trong đó có 69 thành viên. 02:15 (UTC+07:00) Bangkok, Hanoi, Jakarta
  1. 1 người đang xem box này (Thành viên: 0, Khách: 1)
Chủ đề này đã có 45817 lượt đọc và 949 bài trả lời
  1. ILikeYou70

    ILikeYou70 Thành viên gắn bó với f319.com Not Official

    Tham gia ngày:
    16/11/2013
    Đã được thích:
    450
    Dĩ nhiên là chồng rồi, nhưng đó cũng là ng dưng thôi, mà ta lại đi thương người dưng chứ.
  2. phongthuyBDS

    phongthuyBDS Thành viên này đang bị tạm khóa Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    15/02/2008
    Đã được thích:
    4.036
    ......................... CÂU CHUYỆN ĐẠO LÝ ........................

    [​IMG]

    *Một đêm nọ, một con rắn trong khi đang tìm kiếm thức ăn, bò vào một xưởng mộc. Người thợ mộc vốn khá bừa bộn, đã để lại một số công cụ nằm trên sàn nhà trong số đó có một cái cưa. Khi con rắn bò lòng vòng trong xưởng, nó trườn qua cái cưa, và bị một vết cắt nhỏ. Ngay lập tức, nghĩ rằng cái cưa đã tấn công mình, nó quay lại và cắn thật mạnh vào cái cưa khiến cho miệng nó chảy máu. Điều này khiến con rắn rất tức giận. Nó tấn công một lần nữa, và một lần nữa cho đến khi cái cưa đầy máu và dường như đã “chết rồi”. Sắp chết vì những vết thương của mình, con rắn quyết định cắn một cái cuối cùng thật mạnh trước khi bò đi. Sáng hôm sau, người thợ mộc rất ngạc nhiên khi thấy một con rắn chết trước cửa nhà mình.

    *Đôi khi trong lúc cố gắng làm tổn thương người khác, chúng ta lại càng làm tổn thương chính mình mà thôi. Hãy biết yêu thương, trân trọng hiện tại và vun đắp cho tương lai ngay từ hôm nay bạn nhé !
  3. dungnanlamlai

    dungnanlamlai Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    17/03/2011
    Đã được thích:
    11.128
    Hay, rất hay.
  4. BongHongGai81

    BongHongGai81 Thành viên này đang bị tạm khóa Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    01/11/2013
    Đã được thích:
    3.078
    Trở Về Với Mẹ Ta Thôi


    1.
    Cả đời ra bể vào ngòi
    Mẹ như cây lá giữa trời gió rung
    Cả đời buộc bụng thắt lưng
    Mẹ như tằm nhả bỗng dưng tơ vàng
    Đường đời còn rộng thênh thang
    Mà tóc mẹ đã bạc sang trắng trời
    Mẹ đau vẫn giữ tiếng cười
    Mẹ vui vẫn để một đời nhớ thương
    Bát cơm và nắng chan sương
    Đói no con mẹ xẻ nhường cho nhau
    Mẹ ra bới gió chân cầu
    Tìm câu hát đã từ lâu dập vùi.

    2.
    Chẳng ai biết đến mẹ tôi
    Bạc phơ mái tóc bên trời hoa mơ
    Còng lưng gánh chịu gió mưa
    Nát chân tìm cái chửa chưa có gì
    Cần lòng bán cái vàng đi
    Để mua những cái nhiều khi không vàng.

    3.
    Mẹ mua lông vịt chè chai
    Trời trưa mưa nắng đôi vai lại gầy
    Xóm quê còn lắm bùn lầy
    Phố phường còn ít bóng cây che đường
    Lời rào chim giữa gió sương
    Con nghe cách mấy thôi đường còn đau.

    4.
    Giữa khi cát bụi đầy trời
    Sao mẹ lại bỏ kiếp người lầm than
    Con vừa vượt núi băng ngàn
    Về nhà chỉ kịp đội tang ra đồng
    Trời hôm ấy chửa hết giông
    Đất hôm ấy chẳng còn bông lúa vàng
    Đưa mẹ lần cuối qua làng
    Ba hồn bảy vía con mang vào mồ
    Mẹ nằm như lúc còn thơ
    Mà con trước mẹ già nua thế này.

    5.
    Trở về với mẹ ta thôi
    Giữa bao la một khoảng trời đắng cay
    Mẹ không còn nữa để gầy
    Gió không còn nữa để say tóc buồn
    Người không còn dại để khôn
    Nhớ thương rồi cũng vùi chôn đất mềm
    Tôi còn nhớ hay đã quên
    Áo nâu mẹ vẫn bạc bên nắng chờ
    Nhuộm tôi hồng những câu thơ
    Tháng năm tạc giữa vết nhơ của trời
    Trở về với mẹ ta thôi
    Lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ.
    (Đồng Đức Bốn)
  5. tulacoiphuc

    tulacoiphuc Thành viên gắn bó với f319.com

    Tham gia ngày:
    06/11/2013
    Đã được thích:
    2.618
    Muốn khóc quá ,hichic
    [​IMG]
    "CON ĐỂ DÀNH PHÒNG KHI ĐAU ỐM"
    Chồng mất sớm, bà ở vậy nuôi con được 25 năm. Lúc đứa con gái lớn khôn thành danh ở Mỹ, tháng nào cũng gửi về cho bà một lá thư và 200$ tiêu xài.
    Hết xuân này đến xuân kia, cô con gái luôn viện cớ này cớ nọ, không về thăm người mẹ thương yêu. Khi người mẹ mất, cô về làm đáng tang rất to nhưng tuyệt nhiên cô không rơi một giọt nước mắt.
    Chỉ khi dọn dẹp và đến khi mở chiếc rương mà bà cụ luôn để ở đầu giường, bỗng cô òa lên khóc nức nở, ôm lấy quan tài mẹ mình hét lên như điên dại: "Mẹ...Mẹ ơi..."
    Mọi người vây nhau xem trong chiếc rương có gì. À, thì ra là những tờ đô-la mới toanh còn buộc dây. Và còn một mảnh giấy đã úa vàng, viết nguệch ngoạc được dán dính lại với tấm hình cô con gái lúc mới lọt lòng:
    "Tiền nhiều quá, mẹ xài không hết con à. Mẹ nhớ con lắm, mỗi khi nghe tiếng xe ông-đa (honda) là mẹ chạy ra. Lần nào cũng không phải là con hết. Số tiền này mẹ để lại cho con, CON ĐỂ DÀNH PHÒNG KHI ĐAU ỐM nghe con."
    Cô con gái đã có tất cả những gì một người phụ nữ có thể có: tiền, danh vọng, địa vị, chồng thành đạt, con ngoan. Nhưng cô đã mất một điều vô cùng thiêng liêng: MẸ của mình...
    namson67, Hoa_Sim, baovelephai2 người khác thích bài này.
  6. BongHongGai81

    BongHongGai81 Thành viên này đang bị tạm khóa Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    01/11/2013
    Đã được thích:
    3.078
    Tết của mẹ


    Con đã hơn hai mươi tuổi nhưng chưa năm nào con thấy mẹ có một cái Tết trọn vẹn. Trong những đêm giao thừa, mắt con ngấn nước và tự hỏi: “Có phải vì nhà mình quá nghèo phải không mẹ?”.

    Con còn nhớ khi con còn bé, những ngày sắp Tết trời lạnh như khía vào da thịt, tay chân mẹ vẫn ngâm trong nước buốt, mặt mẹ vẫn căng ra với những cơn gió lạnh đến thấu xương. Kẽ bàn chân, bàn tay mẹ nứt nẻ đến chảy máu, môi mẹ lúc nào cũng tím tái vì phải làm ngoài trời nhiều. Cái áo mẹ mặc rách tơi tả, vá năm vá bảy cũng chẳng còn đủ ấm để chống chọi với cái lạnh cuối đông. Nhưng mẹ vẫn lặng lẽ không một lời than vãn lo cho bảy chị em con không đói khát.

    Những ngày giáp Tết, mọi nhà tất bật chuẩn bị đi chơi, đi chợ sắm đồ Tết, mẹ cũng bận rộn hơn, tất bật hơn nhưng là đi dọn nhà, đi gói bánh chưng thuê cho nhà người ta. Ngày nào cũng đến tận khuya con mới thấy mẹ về. Hai bàn tay mẹ hơ lên ngọn đèn dầu xuýt xoa vì rét, tay đấm lưng thùm thụp vì mỏi. Nằm trong chăn ấm, con lấy tay bịt miệng ngăn không cho mẹ nghe thấy tiếng nấc.

    Giao thừa có lẽ là đêm duy nhất trong năm con thấy mẹ không phải đi làm thuê cho người ta. Mẹ lôi trong tủ ra những bộ quần áo cũ, cẩn thận lựa chọn những bộ ấm nhất, còn dùng được, rồi cho chúng con mặc. Sau đó mẹ đi nấu một nồi cơm nếp to. Tiếng pháo hoa nổ đì đùng, mấy đứa em con đã ngủ lăn lóc tay vẫn còn nắm chặt miếng cơm cháy. Mẹ ôm chúng vào lòng kéo chăn đắp cho chúng. Năm nào con cũng thấy nước mắt mẹ rơi đúng cái khoảnh khắc thiêng liêng nhất - khoảnh khắc giao thừa.

    Con lên đại học rồi ra trường và đi làm. Một, hai năm Tết con không thể về vì khoảng cách địa lý khá xa và vì công việc bận rộn. Những Tết đó con thèm mùi cơm nếp của mẹ vô cùng!

    Tháng 11, đông lạnh lại về, không phải mùa bão nhưng quê mình lại có bão. Con nghe điện thoại của mẹ gọi mà thấy xót xa và thương mẹ quá. Ruộng bí xanh mẹ trồng bị bão đập nát hết. Mái nhà vốn đã hay bị gió tốc nay thì trống toác không còn một mảnh ngói. Vậy mà mẹ vẫn cười xuề xòa nói: “Mấy đứa em mày không sao là được rồi! Còn người là còn của”. Mẹ nói thế để con yên lòng chứ con biết mẹ buồn và lo lắng lắm. Con đã quyết tâm trong đầu Tết năm nay nhất định phải về với mẹ.

    Hai mươi sáu Tết, con ngồi trên xe khách mà tim như muốn nhảy ra ngoài. Niềm vui sắp được về nhà như vỡ òa. Bước chân xuống xe, con chạy như bay về với mẹ. Ngôi nhà nhỏ của gia đình mình dần hiện rõ hơn theo những bước chân con. Vẻ tiêu điều sau cơn bão vẫn còn gần như nguyên vẹn. Chỉ có mái nhà đã được lợp tạm bằng mấy tấm bạt cũ kỹ sờn cả mép. Nước mắt con chưa kịp rơi thì nghe thấy tiếng thằng cu út hét toáng: “Mẹ ơi, chị hai về”. Mẹ từ trong bếp chạy ào ra. Mẹ lại già thêm rồi, tóc mẹ đã phất phơ sợi bạc, lưng đã hơi còng mà lại gầy thêm. Con lao đến gục vào lòng mẹ để ngửi cái mùi khó nhọc, mùi năm tháng. Mẹ xoa vai con cười hiền từ, đôi bàn tay ram ráp, chai sạn theo năm tháng.

    Ăn xong bữa cơm trưa, con đi theo mẹ sang nhà bên xóm gói bánh chưng thuê. Mới ngồi xay đỗ, rửa lá một lúc con đã thấy tê tay, mỏi lưng. Thương mẹ bao năm Tết mà vẫn phải vất vả biết chừng nào.

    Hai mươi bảy Tết, con nhờ các chú bên cạnh sang giúp lợp lại mái nhà. Sau một ngày căn nhà ủ dột như sáng bừng sức sống vì màu tươi của ngói đỏ thắp trên mái nhà. Khóe mắt mẹ lấp lánh niềm vui.

    Hai mươi tám Tết, mẹ không đi làm thêm nữa. Con và mẹ cùng chuẩn bị gói một nồi bánh chưng cho gia đình mình. Nồi bánh chưng lần đầu tiên dành cho mẹ. Cả nhà mình thật rôm rả với màu xanh của bánh chưng, màu đỏ của thịt mỡ, mùi gừng, hành cay xè phả vào mũi và tiếng nô đùa của mấy đứa em.

    Đêm giao thừa con lấy trong vali ra một bồ đồ ấm áp và kéo mẹ vào nhà thay. Con biết bây giờ gia đình mình không khó khăn như trước nữa. Tết về mẹ cũng sắm đồ mới cho các em mặc, nhưng mẹ chưa bao giờ sắm đồ cho mình phải không mẹ? Mẹ mân mê viền áo mới với nụ cười hiền hòa, rồi bỗng dưng bật khóc. Mấy đứa chúng con ôm mẹ thật chặt rồi lau khô nước mắt cho mẹ. Trên bàn thờ khói hương nghi ngút, mâm ngũ quả đủ màu sắc đặt trên mâm cỗ cúng gia tiên. Tiếng pháo hoa tưng bừng, lòng con như ấm lại vì mẹ năm nay đã có một cái Tết đầm ấm, trọn vẹn. Ngồi trên giường, thằng em út ngâm nga:

    "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
    Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh".
    (st)


    [​IMG]
  7. BongHongGai81

    BongHongGai81 Thành viên này đang bị tạm khóa Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    01/11/2013
    Đã được thích:
    3.078

    Tết này nhớ mặc áo mới nha má


    Mùa xuân về, má tôi thêm một tuổi mới. “Mẹ già như chuối chín cây”, tôi sợ vì ngày tôi xa má như đang gần lại. Tôi thật không muốn có mùa xuân để má phải già thêm, nhưng rồi cũng chẳng biết làm sao...



    Ngày nhỏ, tôi khổ sở vì ý nghĩ mình là đứa trẻ thiếu thốn, thiệt thòi nhiều quá. Những ngày Tết, mấy bạn cùng trang lứa váy xanh váy đỏ, ra khu vui chơi tha hồ đu quay, tàu bay… có đứa ngồi bài chòi còn tôi, cũng ra đứng lớ ngớ ở đó rồi lại buồn cho mình quá cỡ. Một bộ đồ mới rẻ tiền không làm tôi thấy mùa xuân hấp dẫn. Tôi muốn được lì xì nhiều tiền để vui chơi như các bạn. Má không có tiền lì xì, tôi nghĩ quẩn, mong có nhà giàu nào đó nhận mình làm con để không phải sống nghèo khổ với má nữa.


    Thấy tôi cứ than khổ, má không la gì hết mà chỉ cười, nụ cười của má thật hiền lành và bao dung. Má kể tôi nghe câu chuyện tuổi thơ má.


    Má không biết mặt cha. Ông ngoại bị Tây giết lúc đang dạy học, khi đó má là cái bào thai ba tháng tuổi. Sinh con xong, ông cố bắt bà ngoại tái giá, ngoại đi lấy chồng khi chưa mãn tang. Má về ở với cố.


    Ông cố khó tính, khắt khe không ai bằng. Má bảo, tuổi thơ đắng cay và trầy trật lắm. Mở mắt ra đã làm mướn, đi ẵm con cho nhà người ta, chỉ để có cơm ăn, hai bên hông chai cứng. Đôi dép má đế mòn, mỏng đến nỗi da chân chạm đất nhưng xin tiền sắm đôi dép mới thì cố chỉ la thôi.


    Má bảo, ngày Tết thèm lắm một tấm áo nhưng làm gì có. Một lần ngoại lén về thăm, má ôm chầm lấy ngoại, năn nỉ mua cho cái áo mới, ngoại ừ ừ lấy có, rồi mùa xuân đó má không được một tấm áo mới. Mùa xuân má vẫn mặc áo vá quàng.


    Câu chuyện không có áo mới để mừng xuân của tuổi thơ má làm tôi muốn khóc. Từ đó tôi không còn mè nheo tiền lì xì, không so bì với chúng bạn nữa. Mùa xuân, tôi vẫn lùa bò ra đồng.


    Má tôi đẹp, vẻ đẹp của người đàn bà lực điền thật chân phương, đằm thắm. Ba bảo, má đẹp vì chịu thương, chịu khó. Một thời gian dài, ba tôi ở trại cải tạo, má một nách nuôi mấy tám đứa con. Người trong xóm bảo: “Má mày làm lở núi lở non..”.


    Nhà chúng tôi nghèo, tuổi thơ chị em tôi cơ cực nhưng không lầm than vì có má. Mùa xuân nào mấy chị em tôi cũng có áo mới. Dù nghèo, song má cho chúng tôi tới trường hết, việc trong nhà ngoài ngõ, một tay má cáng náng. Má bảo: “Ráng học đi, phải biết cái chữ chứ đừng dốt như má, khổ lắm”.


    Mùa xuân khi tôi trở thành cô giáo, tóc má sợi bạc nhiều hơn sợi đen. Tôi lĩnh tháng lương đầu tiên và trích mua tặng má nồi cơm điện. Tôi muốn mua bếp ga nhưng má nhất quyết không chịu, cứ quơ rác quơ rơm xung quanh vườn mà nhen, khói bếp cay xè, nấu cơm mà mồ hôi rơi lã chã, nước mắt chảy ngay cứ như khóc. Tết đến, tôi đưa tiền lương cho má mà than: "Má mua bộ đồ nên nên mà mặc. Không năm nào nhà mình có một chậu hoa tươi, năm nay nhất định mua nha".


    Má im lặng cười cười, đi chợ Tết và đem về một sợi dây chuyền, một đôi hoa tai rồi nói “Con gái nhất định phải có mấy thứ này”.


    Tôi có người yêu, một chàng trai nghèo. Mùa xuân năm đó tôi chạy xuống phố mua tặng người yêu bộ cánh mới mặc chơi xuân. Đứng trong siêu thị, nhìn mấy bộ đồ bà ba mỹ miều, tôi giật mình, có một giọt nước mắt lăn thật chậm. Từ lúc biết đòi áo mới chơi Tết cho đến khi biết mua đồ mới tặng người yêu, tôi chưa bao giờ thấy má mặc đồ mới mỗi dịp xuân về. Sống mũi cay xè, nghèn nghẹn, thấy thương má làm sao!


    Tôi mua bộ đồ thật đẹp về tặng và rủ rỉ với má “Mặc đồ mới đi chúc Tết nghen má”. Nhưng tôi vẫn không thấy má mặc đồ mới, tôi nũng nịu: "Sao má không mặc đồ mới? Má không thích quà của con rồi? Tôi nói và mếu máo khóc.


    Má cốc đầu tôi bảo: "Già cả rồi, áo mới làm gì mà mua cho tốn kém. Con để dành mai mốt làm vốn lấy chồng".


    Ôi. Má tôi là như vậy đấy. Chắt chiu, dành dụm, tất cả đều cho con.


    Mùa đông lạnh lẽo đã qua. Những cơn gió ấm đang mơn man tràn về mọi nẻo. Mùa xuân về, má tôi thêm một tuổi mới. “Mẹ già như chuối chín cây”, tôi sợ vì ngày tôi xa má như đang gần lại, tôi thật không muốn có mùa xuân để má phải già thêm, nhưng rồi cũng chẳng biết làm sao..."


    Má ơi! Con thật hạnh phúc vì bao nhiêu năm qua má đã cho chị em con những mùa xuân no ấm. Mùa xuân này, con sẽ lại mua áo mới tặng má. Nhất định má phải mặc áo mới đi chúc Tết, nha má!
    (st)


    [​IMG]
  8. BongHongGai81

    BongHongGai81 Thành viên này đang bị tạm khóa Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    01/11/2013
    Đã được thích:
    3.078
    Mẹ ơi hết Tết con sẽ về


    Tôi ra về trong lòng nặng trĩu một tình quê, nhưng trong lòng cũng nhen nhóm một tình người với niềm vui của một người đàn ông được về thăm mẹ già, bởi có thể đây là mùa xuân cuối cùng.

    "Được, được thật rồi". Tôi đang sung sướng vì cuối cùng cái công sức chờ đợi xếp hàng từ sáng không phí. Tôi cầm tấm vé tàu, lịch trình ngày 28 Tết về quê mà thấy trong lòng thêm rạo rực. 2 xuân trôi qua, tôi chưa được cùng mẹ đón giao thừa. Khi tôi đang háo hức trong niềm vui khôn xiết thì một người đàn ông chừng 40 tuổi, dáng người đen thủi, gầy gò tiến lại gần và miệng mấp máy không thành câu: "Cậu... cậu có thể nhường cho tôi chiếc vé được không? Bà cụ sắp mất chắc cũng chỉ đón nốt xuân này. Tôi đi làm cả ngày nên nay mới đi mua vé, cữ ngỡ còn vé nào ngờ năm nay hết sớm quá. 3 năm rồi tôi không về quê…"

    Tôi thụt chiếc vé lại như một phản xạ tự nhiên của những đứa trẻ giữ đồ chơi mà mình yêu quý. Bỗng chốc tôi thấy lòng man mác một nỗi buồn và ký ức lại tìm về nhen nhói trong tim.

    Tôi nhớ những cái Tết được quây quần bên mẹ. Cả đời tôi chỉ có hai niềm ao ước là được nhìn thấy cha và được luôn bên mẹ. Vậy mà "trời xanh quen thói má hồng đánh ghen" đã cướp đi người cha đi từ ngày tôi còn chưa biết lẫy. "Má hồng tuổi mẹ đương xuân" nhưng cũng gạt đi giữ tiết thờ chồng. Mẹ đã một mình gánh gồng nuôi hắn lớn, những tháng ngày cơ cực bên căn nhà mái lá liêu xiêu lại là những tháng ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời của tôi. Tôi nhớ mỗi ngày Tết, mẹ thường tự tay gói bánh chưng và sửa lại mái nhà tranh để kịp đón giao thừa. Mẹ đã phải một mình diễn chọn hai vai vừa là mẹ vừa là cha, để cho tôi không thấy thiếu vắng trong suốt chừng ấy năm của cuộc đời.

    Mọi công việc của người đàn ông trong nhà mẹ đều gánh cả. Những ngày giáp Tết, chuyến hàng rong của mẹ nặng hơn. Bận rộn là thế nhưng tôi chưa bao giờ thấy mẹ quên sắm Tết và bánh kẹo để tôi mời bạn bè. Mẹ không bao giờ quên quần áo mới để tôi mặc đón xuân, bộ quần áo giấy chiếc mũ tai bèo để đốt cho cha đầu xuân năm mới và một cành lộc, một lẵng hoa cúc trắng cho cha. Mẹ nói cha rất thích hoa cúc trắng bởi nó là tâm hồn của mẹ ngày nào.

    Chẳng xuân nào đêm 28 mà tôi không thức cùng mẹ để trông nồi bánh chưng. Tôi thèm cái cảm giác ấm áp được ngồi bên mẹ, được ngửi cái mùi thơm nồng của lá dong, được nghe mẹ kể về cha để nó mường tượng trong những cơn mơ chập chờn bên nồi bánh chưng ngày Tết.

    Tôi nhớ những lúc được cùng mẹ chuẩn bị mâm cơm thịnh soạn cúng giao thừa và không quên những lời cầu bình an trong ngày Tết. Năm nào cũng vậy, tôi có một cái xuân thật đặc biệt so với mọi người. Mẹ tự làm bánh khúc, cái bánh đại diện cho văn hóa ẩm thực của người nghèo rất lâu rồi mà không ai còn giữ nữa. Mẹ nói ngày còn sống cha thích ăn bánh này do chính tay mẹ làm.

    "Này cậu… cậu giúp tôi nhé?"

    Tôi giật mình trở về thực tại, người đàn ông vẫn đứng đó với khuôn mặt khắc khổ hằn lên những nỗi lo toan, điều đó khiến tôi động lòng. Nhưng tôi cũng nhớ mẹ… tôi cần về, vì đã hai năm rồi mà.

    "Xin lỗi chú , 2 năm rồi cháu chưa về, nếu nhường chú thì chỉ còn vé mùng 3 Tết thôi ạ".

    "Cảm ơn cậu". Người đàn ông rơm rớm nước mắt, lếch thếch bước đi, ánh nắng cứ đổ dài như muốn kéo ngã chiếc bóng liêu xiêu vật vờ gắng bước. Thỉnh thoảng ông lại liếc nhìn như mong chờ nhặt được một chiếc vé rơi kỳ diệu nào đó…

    Tôi quyết định chạy theo. "Này chú, cháu nhường vé cho chú đấy".

    Người đàn ông quay lại tròn xoe mắt "Thật vậy không? cảm ơn cháu. Đại phước, đại phước".

    Tôi lẳng lặng ra về trong lòng nặng trĩu một tình quê, nhưng trong lòng cũng nhen nhóm một tình người với niềm vui của một người đàn ông được về thăm mẹ già, bởi có thể đây là mùa xuân cuối cùng.

    "Mẹ ơi hết Tết con sẽ về".
    (st)


    [​IMG]
  9. BongHongGai81

    BongHongGai81 Thành viên này đang bị tạm khóa Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    01/11/2013
    Đã được thích:
    3.078

    Xuân trọn vẹn khi có mẹ


    Mẹ ơi, giờ đây khi đã làm mẹ, con mới thấu hiểu mùa xuân đậm đà được tích cóp từ bao giọt mồ hôi nước mắt của người phụ nữ. Con hiểu để giữ được sự an nhiên cho gia đình, mẹ đã tảo tần góp nhặt suốt bao năm.

    Mẹ tôi gần 70 tuổi, gần 7 thập niên tồn tại trên cuộc đời có lẽ mẹ chưa được mùa xuân thật sự, song mẹ đã đem lại nhiều mùa xuân trọn vẹn cho cả nhà.


    Mùa xuân ý nghĩa nhất đời người hầu như ai cũng trải qua là “con có mẹ”. Nhưng mẹ tôi thiệt thòi chưa kịp cảm nhận điều thiêng liêng ấy vì bà ngoại mất lúc mẹ còn bú mớm. Mẹ sống cùng dì kế vô vàn tủi cực và chưa hề có mùa xuân tuổi thơ. Khi hai mươi tuổi, qua mai mối, mẹ lập gia đình với bố - một công chức mẫn cán, đơn giản. Cuộc sống đắp đổi dần trôi được 7 năm cùng 4 con lít nhít thì bố đi cải tạo hơn 8 năm trường. Ngày bố đi vắng, mẹ mới 27 tuổi, xuân sắc mặn mà, mẹ tự khép lòng mùa xuân tuổi trẻ để gồng gánh bầy con thơ.


    Vốn chỉ quen nội trợ, nhưng mẹ lại phải lăn xả ra đường bắt đầu từ những chiếc quần áo cũ ở rìa chợ Tân Bình, từ những chiếc phụ tùng ở vỉa hè đường Trần Quốc Toản… Ngày mới giải phóng cả nước khó khăn, việc bán hàng càng bị ghét bỏ với quan điểm là phường con buôn trung gian trục lợi. Mặc kệ miệng lưỡi thiên hạ, mặc kệ những lần túm hàng chạy trốn khi bị ******* dẹp đuổi, mẹ kiên quyết bám trụ chợ trời, bởi chỉ có buôn thúng bán bưng mới phù hợp đồng vốn ít ỏi lấy công làm lời. Mẹ chỉ bán buôn lặt vặt nhưng cũng đủ co kéo cho đàn con trong thời bao cấp.


    Tôi không hiểu mẹ lấy đâu năng lượng để mỗi hôm đều ra đi từ tinh mơ và trở về lúc tối mịt, rồi lao vào nấu ăn giặt giũ… 365 ngày mẹ chỉ nghỉ đúng ba ngày Tết. Mẹ tranh thủ lặt rau, vá áo cho con trong lúc vãn khách… Mẹ luôn tất bật mãi rồi cũng thành tính cách nhanh nhẹn dứt khoát đầy nam tín. Mẹ đi nhanh, làm nhanh, ăn nhanh, nói nhanh… Hình ảnh đó chẳng đẹp tí nào nếu xét theo tiêu chuẩn “yểu điệu thục nữ”, nhưng nhờ vậy anh em chúng tôi được no ấm đến trường, chứ không phải lang thang bụi đời như nhiều đứa trẻ cùng hoàn cảnh.


    Thời kỳ đó, thông tin vợ của những người đi cải tạo phần vượt biên tìm miền đất hứa, phần lập gia đình mới tìm nơi nương tựa… cũng khiến mẹ dao động. Đôi khi tôi thấy mẹ thừ người suy nghĩ, đêm khuya trằn trọc, có lẽ mẹ trăn trở con đường riêng. Rồi mẹ nhanh chóng xác định con đường của chính mình là ở vậy nuôi con, thăm nuôi cho chồng. Mẹ tự chọn cho mình con đường nhọc nhằn vò võ mà khi đó chưa biết đến bao giờ cả nhà được sum họp. Mặc kệ ngoài kia ong ****, mặc kệ ai đó hứa hẹn, bởi con xa bố càng chẳng thể vắng mẹ kể cả về khoảng cách địa lý lẫn trong tâm tưởng. Nhờ vậy, chúng tôi chưa từng bơ vơ, thiếu thốn một ngày.


    Bố về vỡ òa trong hạnh phúc. Bố mẹ sinh thêm em và tiếp tục củng cố công việc mẹ đã gây dựng, gia đình khấm khá hẳn. Ngỡ rằng “qua cơn bĩ cực”, nhưng các anh đến tuổi dở dở ương ương trở nên khó bảo, bỏ học, bố mẹ khuyên răn mãi không được rồi cho học nghề và tập tành buôn bán. Rồi các anh yêu đương và lập gia đình sớm, mẹ lên chức bà khi mới ngoài bốn mươi. Vậy là chưa kịp thư thái, mẹ phải gánh thêm dâu và cháu. Sống chung e bất tiện và sợ các con chậm trưởng thành, bố mẹ cố gom góp mua nhà cho các anh ra riêng.


    Hồ sơ HO của bố được gọi, bố mẹ định thu xếp đưa cả nhà sang Mỹ, song do hai anh lớn đã lập gia đình nên không đi cùng được. Lần này bố mẹ lại bị đặt lên bàn cân: phần thong thả cho mình và tương lai mấy đứa nhỏ, phần yên ấm gia đình mấy đứa lớn. Bọn nhỏ ăn học ở Việt Nam có thể vẫn ổn, nhưng hai cặp vợ chồng trẻ con kia nếu sống xa bố mẹ, thiếu người lớn chỉ bảo sợ rằng tan vỡ mất. Các anh chị đã có con, nếu gia đình các anh chị có làm sao sẽ rất tội nghiệp tụi nhóc. Thế là vì con, vì cháu bố mẹ chọn con đường ở lại tiếp tục buôn bán mưu sinh. Mùa xuân thảnh thơi của mẹ vẫn chưa đến.


    Đàn con lớn hết và lập gia đình ra riêng, còn mỗi em út sống với bố mẹ. Em chẳng thể lập gia đình vì em thuộc nhóm giới tính thứ ba. Bố mẹ bây giờ đã có cơ ngơi vững vàng, như nhiều người bảo là tha hồ hưởng thụ, nhưng mẹ chẳng thể, bởi con cháu có đứa thế này, đứa thế khác khiến mẹ chưa nguôi bận tâm. Mẹ vẫn chắt chiu giúp các con lúc khó khăn hoặc tặng thêm con cháu chút vốn liếng…


    Ở tuổi thất thập, bố mẹ chưa được con cháu phụng dưỡng, chưa thôi lo toan, mùa xuân tuổi già vẫn xa xôi. Tôi sợ rằng sẽ mãi không có mùa xuân tươi đẹp dành riêng cho mẹ, bởi mẹ lo lắng một mai em út sẽ lạc lỏng khi bố mẹ không còn. Em làm gì cũng khó khăn bởi em là thành phần thiểu số bị nhiều định kiến. Cả mẹ và em đều không chọn được cho em giới tính và rất khó chọn cho mình cách sống, bởi những áp đặt của dư luận xã hội. Nhưng mẹ vẫn tự nhủ sẽ gắng sống khỏe để em dài thêm chuỗi ngày có mẹ. Có mẹ là có tất cả đầm ấm yêu thương, có mẹ là có cả mùa xuân cuộc đời!
    (st)


    [​IMG]
  10. BongHongGai81

    BongHongGai81 Thành viên này đang bị tạm khóa Đang bị khóa

    Tham gia ngày:
    01/11/2013
    Đã được thích:
    3.078
    Thân cò

    Những ký ức tuổi thơ có lúc đẹp, nhưng đôi khi lại rất buồn. Tết là khoảng thời gian vui chơi, nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả, nhưng với gia đình tôi của 20 năm trước, Tết là ngày lễ xa xỉ, chỉ có trong giấc mơ.

    Ba tôi sức khỏe yếu nên nghỉ làm ở nhà chăm sóc con. Mẹ tôi làm nhiệm vụ ra ngoài bươn chải kiếm sống. Thân mẹ gầy yếu vì mang nặng đẻ đau sáu anh em tôi, toàn con trai. Thân mẹ lặn lội giữa đời lo cho “đàn cò con” cơm no áo ấm. Mẹ ra khỏi nhà từ sớm để đi buôn bán, về nhà mẹ lại phải giặt đồ, rửa một núi chén dĩa, loay hoay lau dọn. Đến tối, mẹ làm bánh bao chay đi bỏ mối. Công việc của mẹ dường như bất tận, không có giờ nghỉ.

    [​IMG]

    Mẹ chăm lo chợ búa hàng ngày đã khó, Tết đến còn biết bao thứ lo toan, làm nặng thêm đôi vai gầy guộc. Hầu như những đêm giao thừa xưa, trước không khí rộn rã tiếng pháo ngoài phố, trong nhà tôi là những tiếng nấc nghẹn âm thầm. Nước mắt mẹ rơi thương đàn con, tủi phận nghèo đón Tết.

    Tôi vẫn nhớ như in mùa xuân ấy, cả nhà đang hì hụi gỡ bông gòn, bỗng ba tôi cất tiếng đọc câu thơ “Xuân” của Chế Lan Viên:

    "Tôi có chờ đâu, có đợi đâu
    Đem chi xuân lại gợi thêm sầu?
    Với tôi tất cả đều vô nghĩa
    Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!"

    Cả nhà tôi như vỡ òa, từng lời thơ câu chữ như cứa tim mẹ, chạm vào nổi niềm chung cả gia đình. Thấy mẹ ôm mặt khóc, cả sáu anh em trai thường ngày cục mịch, không biết làm gì an ủi mẹ, chỉ biết sụt sùi theo. Mấy mùa xuân sau, căn bệnh quái ác mang ba tôi ra đi mãi mãi. Mình mẹ ở lại chống chọi đau thương, gắng gượng chút sức lực yếu đuối của người phụ nữ, gom thành sức mạnh của bà mẹ vĩ đại che chở đàn con, thay cha dạy các con nên người.

    [​IMG]

    Qua bao thăng trầm thời gian, lo toan cuộc sống lấy dần sức sống của mẹ, làm mái tóc mẹ thêm bạc. “Thân cò” ngày ấy đã nuôi “đàn cò con” khôn lớn. Sáu anh em lớn lên, mỗi người theo đuổi công việc riêng, dần xa rời vòng tay mẹ. Mỗi năm, Tết vẫn đến gõ cửa từng nhà. Mẹ tôi, một mình lau dọn nhà cửa, mỗi ngày một chút. Một mình mẹ đi chợ Tết để mua trái cây hoa quả. Mẹ mang xuân vào nhà, mang Tết trong ước mơ con ngày xưa thành sự thật, nhưng các con lại quá bận bịu theo guồng quay công việc và xã hội. Con đã quên mơ ước hôm nào. Con trai vô tâm là thế, Tết với cánh đàn ông như chỉ là ngày tụ tập vui chơi. Tôi đã quên ước mơ thuở nhỏ, gia đình tôi vẫn chưa có Tết.

    Rồi chúng tôi lần lượt lập gia đình, mẹ lại tất bật ngược xuôi lo cho từng đứa con có đám cưới chu toàn nhất. Những đứa cháu lần lượt ra đời, tôi lên chức cha. Đúng như câu “sanh con mới biết lòng cha mẹ”dù chỉ chăm con phụ vợ, nhưng tôi cũng cảm nhận được sự vất vả để nuôi một đứa con từ lúc bé xíu đến khi trưởng thành. Vậy mà mẹ đã nuôi cả sáu anh em tôi. Thế mà tôi quên.

    [​IMG]

    Đồng tâm thỏa thuận với nhau, cả sáu anh em sẽ ở nhà vào ba mươi Tết. Mẹ đã cất công mang Tết đến thì chúng mình phải làm ngày Tết đúng ý nghĩa của nó - Tết đoàn viên. Ngày giao thừa, ngôi nhà của tôi sáng choang, sạch sẽ, tươm tất. Một chậu đào đặt ngay cạnh cửa. Tôi hít hà mùi thân quen, mùi của Tết mà tôi đã dần lãng quên. Tôi cảm thấy ngôi nhà hôm nay ấm lạ, bình yên hơn. Mẹ nghe tiếng xe, từ trên lầu chạy xuống mừng rỡ. Mẹ cười thật tươi, vui như đứa trẻ được quà. Niềm vui của mẹ giản đơn quá mà sao chúng tôi vô tâm đến vô tình không dành cho mẹ!

    Anh em chúng tôi có dịp quây quần bên nhau, như ngày xưa bé, cùng nhau chờ đón giây phút thiêng liêng. Mẹ ngồi trên ghế sofa, vẻ mặt phúc hậu nhưng rạng rỡ, đang tươi cười nhận lời chúc của con cháu, phát lì xì. Đó là năm đầu tiên tôi cảm được hết ý nghĩa ngày Tết. Năm sau, năm sau nữa, chúng tôi lại sẽ quây quần về đây, để được hưởng trọn mùa xuân yêu thương, ấm cúng. Nơi nào có mẹ, nơi đó sẽ có mùa xuân.
    (st)
Trạng thái chủ đề:
Đã khóa

Chia sẻ trang này